Thứ hai: Lc 5, 17-26
Mùa vọng là mùa dọn đường. Dọn đường cho Chúa đến được với ta và cho ta gặp được Chúa. Dọn đường cho Chúa đến với tha nhân và cho tha nhân được gặp gỡ Chúa. Xin cho chúng ta biết tích cực dọn con đường thiêng liêng cách tốt nhất để Chúa có thể dễ dàng đến với ta và với mọi người.
Cuộc đời của người bại liệt tại Caphanaum được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Đức Kitô. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu lại gặp rất nhiều ngăn trở:
– Ngăn trở do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt nên chính anh không thể thân hành đến gặp Chúa được, cho dù anh ta rất muốn.
– Ngăn trở do khoảng cách: Muốn gặp được Chúa Giêsu, anh phải vượt qua đoạn đường dài. Tự anh không thể vượt qua.
– Ngăn trở bởi đám đông: Bao chung quanh Chúa Giêsu rất nhiều người, làm sao anh ta có thể đến gần được với Chúa.
Nhưng mọi ngăn trở ấy được dẹp bỏ nhờ vào tình thương và sự hy sinh của những người thân cận anh. Họ đã đưa anh lên chõng, cùng nhau khiêng anh đến với Chúa; họ đã vượt qua trở ngại của không gian để đưa anh lên mái nhà và vất vả dỡ mái nhà để thòng anh xuống trước mặt Chúa Giêsu. Chính sức mạnh của niềm tin và tình yêu nơi những người thân cận, đã giúp anh vượt qua mọi rào cản, đưa anh đến gặp được Chúa Giêsu. Nhờ đó mà anh được Người thương cứu chữa.
Tuy nhiên, để cứu chữa người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt, bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Dẫu họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu vẫn biết trong thâm tâm họ có sẵn một bản án dành cho Người:“Người này là ai mà dám phạm thượng?”.
Quyền tha tội là đặt quyền của TC, khi nói lời tha tội là Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa nên phạm vào khung luật tử hình. Nhưng với sức mạnh của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ của luật lệ vô hồn để thực hiện giới luật tình yêu, để vừa chữa lành bệnh thể xác và bệnh tâm hồn cho người bại liệt, qua việc tha tội cho anh ta.
Mùa vọng là mùa mà GH mời gọi chúng ta dọn tâm hồn cho xứng hợp để cho Chúa đến. Xin Chúa chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà đến với Chúa để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương lòng. Xin cho chúng ta cũng mạnh dạn đến với tha nhân nhất là những anh chị em đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn để nói lên lời cảm thông, yêu thương và chia sẻ, giúp họ vượt qua được mọi ngăn trở mà trở về cùng Chúa để được Người chữa lành và ban cho họ Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của Chúa.
Thứ ba: Mt 18, 12-14
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh của vị mục tử tốt lành để làm nổi bậc lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. “Chúa không muốn chúng ta phải chết nhưng muốn chúng ta ăn năn sám hối để được sống”. Xin cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót Chúa mà mau quay gót trở về để được sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của Người.
Với dụ ngôn người mục tử tốt lành và con chiên bị thất lạc mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và qua đó cũng nêu bậc lên giá trị hết sức cao quý của con người.
– Để diễn tả lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sánh ví TC như người mục tử nhân lành. Người mục tử ấy không những biết chiên, tận tâm lo lắng chăm sóc cho đoàn chiên được sống dồi dào; tìm những cánh đồng cỏ non cho chiên ăn no; khai thác những dòng suối mát cho chiên uống thỏa thê và ra sức tìm nơi ấm cúng cho chiên nghỉ ngơi an giấc… mà còn luôn hiện diện và đồng hành với chiên trong mọi nẻo đường để bảo vệ cho chiên khỏi rơi vào kẻ thù bắt hại. Nếu có con chiên nào lạc đàn, thì người mục tử luôn thao thức và không ngại hy sinh để ra đi tìm kiếm bất chấp gian nan khổn cực, cho đến khi tìm được và đưa chiên về đàn mới an vui…Tất cả những hình ảnh của người mục tử tốt lành ấy là nhằm diễn tả một phần về một vị TC giàu lòng thương xót.
– Vì sao TC lại yêu thương chúng ta một cách đặc biệt như thế?
Thưa bởi vì trong thế giới này, không có loài nào cao quý bằng loài người. Ngoài loài Thiên Thần ra thì chỉ có con người mới được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người. Mỗi người chúng ta đều có phẩm giá hết sức cao trọng trong mắt của Chúa. Vì thế mà Chúa không muốn để hư mất bất cứ ai. Người đã sẵn sàng chịu chết đau đớn trên thập tự để cứu chuộc chúng ta và rồi hứa ban sự sống hạnh phúc đời đời cho chúng ta trong nhà Cha trên trời.
Nhưng nhiều khi chúng ta ta lại nghe theo lời của ma quỷ muốn dùng tự do của mình để chối bỏ TC và xa cách anh em, bởi lối sống đạo trể nải, nguội lạnh, sẵn sàng chống lại ý Chúa mà phạm tội, để từ đó trở thành con chiên bướng bỉnh, lạc đàn…
Mùa vọng này, xin cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Chúa cũng như tình yêu của cộng đoàn GH dành cho chúng ta, để ta can đảm trở về. Nhất là xin cho những ai đang xa lìa Chúa và GH biết rằng Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và rất mong đưa dẫn chúng ta về hòa nhập cùng cộng đoàn gia đình Họ đạo để ta được sự chăm sóc của Chúa và nâng đỡ của cộng đoàn.
Thứ tư: Mt 11, 28-30
Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính.
Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là con người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.
Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản.
Trước những thành công, Ngài không tỏ ra thái độ hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi và bỏ cuộc. Tất cả được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.
– Có được tâm an: Ngài đã sáng suốt nhận ra chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người biệt phái, các kinh sư không có khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời. Nhờ tâm an Ngài cũng thấu hiểu nhờ lòng khiêm tốn và hiền hòa mà những người thu thuế, tội lỗi, những người bệnh tật và ít học, gọi chung là kẻ bé mọn đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.
Với khí hòa:Ngài không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận Ngài và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn.
– Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.
– Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin để sẵn sàng mang lấy ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo Chúa để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.
Dẫu biết rằng khi mang lấy ách và vác gánh lấy của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường của Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá cũng như sống theo giới luật yêu thương Chúa dạy thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi ở thế gian này. Biết thế nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con”.
Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa để an bình đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường.
Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa, tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy, nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời.
Thứ năm: Mt 11, 11-15
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết giá trị cao quý của người Kitô hữu và nhắc nhở chúng ta ý thức sống xứng đáng với giá trị cao quý của mình.
Nhân vật được nhắc nhiều nhất trong Mùa Vọng có lẽ không ai khác ngoài Gioan Tẩy Gỉa. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận Gioan Tẩy Gỉa là nhân vật cao trọng. “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Sự cao trọng của Gioan Tẩy Gỉa không phải bởi tài năng hay chức cao quyền trọng. Nhưng sự cao trọng này trước hết là do được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn làm sứ giả trực tiếp dọn đường cho Chúa. Đồng thời cũng nhờ đời sống đức độ của bản thân đã làm nên một con người Gioan Tẩy Gỉa cao trọng vượt trổi hơn tất cả các con cái do người phụ nữ trần gian sinh ra và được mọi người đặt ngang hàng với các tiên tri vĩ đại thời cựu ước. Nhiều người còn lầm tưởng ngài chính là Đấng Messia xuất hiện.
Do đâu Gioan Tẩy Gỉa trở nên cao trọng như thế?
Thưa do được Chúa chúc phúc ngay khi còn trong dạ mẹ và được Chúa chọn để làm sứ ngôn dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Do ngài được diễm phúc hơn các tổ phụ các tiên tri thời Cựu ước vì đã được thấy, được nghe và chứng kiến những việc làm của Đấng Cứu Độ mà dân Israel trông đợi. Hơn hết là do ngài có một đời sống khắc khổ, chay tịnh, nghèo khó và ngay chính trong lời nói và hành động. Sẵn sàng lên án bất công và tội ác trong xã hội, cũng như đời sống vô luân của vua Hêrôđê. Với sứ mạng làm chứng cho chân lý và cho ánh sáng cứu độ, Gioan đã sẵn sàng chịu chết để trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó.
Dẫu Gioan Tẩy Gỉa được Chúa Giêsu đề cao và không ngớt lời ca ngợi vậy mà Gioan tẩy Gỉa lại không được diễm phúc bằng “những người nhỏ nhất trong nước trời”. Những người nhỏ trong nước trời là ai mà quá diễm phúc như thế? Thưa đó là những người được tái sinh ra qua Bí Tích Rửa Tội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Họ trở thành con của Thiên Chúa và xứng đáng được thừa hưởng ơn cứu độ do chính Chúa Cứu Thế mang đến nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.
Nhưng để xứng đáng là người diễm phúc sống trong nước trời mà Chúa Giêsu thành lập, người Kitô hữu chúng ta còn phải sống trung thành trong đức tin, luôn yêu mến và gắn bó với Chúa; nhất là biết ngoan ngoãn lắng nghe và thực thi lời Chúa hướng dẫn mà chu toàn tốt nhất bổn phận hằng ngày.
Thứ sáu: Mt 11, 16-19
Tin mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy can đảm loại trừ ý riêng để vâng nghe thánh ý Chúa trong tinh thần hoán cải, hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho Chúa ngự đến.
Để phản ảnh thực tại cuộc sống và trình bày giáo huấn Tin Mừng nước trời, Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh cụ thể, gần gũi để sánh ví.
Nhìn vào lối sống kiêu căng và ích kỷ của các Kinh Sư, Biệt Phái. Chúa Giêsu nghĩ ngay đến hình ảnh của những đứa trẻ đường phố để sánh ví. Với việc đưa ra hình ảnh của những đứa trẻ chơi trên đường phố, Chúa Giêsu muốn lên án lối sống ích kỷ và tự mãn của những người cùng thời với Người, cách riêng là những Biệt Phái và Pharisêu. Họ luôn lấy mình làm chuẩn mực cuộc sống. Nên họ cho mình cái quyền lên án mọi người theo cái nhìn chủ quan của họ. Ngay cả Gioan Tẩy Gỉa vị ngôn sứ được mọi người kính trọng, vậy mà họ cũng lên án và cho là bị ma quỷ ám vì lối sống ngay chính và khắt khổ. Họ cũng không ngần ngại lên án cả Thầy Giêsu, Đấng mà Gioan Tẩy Giả cho biết là “Chiên Thiên Chúa” , là Đấng mà Gioan không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Ấy vậy mà họ cũng xem thường và cho là kẻ mê ăn uống và là bạn bè với quân tội lỗi và thu thuế.
Hạ người khác xuống để ngôi đầu lên là kế sách hèn bẩn. Nó bộc lộ lối sống kiêu ngạo, không muốn ai hơn mình. Và là cách thế biểu hiện tính ích kỷ, chỉ bắt người khác làm theo ý mình.
Mùa vọng là mùa dọn dường cho Chúa ngự đến tâm hồn chúng ta sao cho dễ dàng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhỡ chúng ta hãy can đảm dẹp bỏ vật cản lớn nhất trong tâm hồn chính là tính ích kỷ và tự mãn. Xin cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giớn hạn và tội lỗi của mình mà chân thành sám hối, để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Nhất là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng, để luôn vâng theo ý Chúa trong tinh thần khiêm tốn, nhờ đó ta mới đón nhận được ơn khôn ngoan đích thực của Chúa.
Thứ bảy: Mt 17, 10-13
Tin mừng hôm nay cho biết lời Kinh Thánh nói về ngôn sứ Êlia sẽ xuất hiện trở lại, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, nay đã được ứng nghiệm nơi con người và sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa. Xin cho chúng ta nghe theo lời mời gọi dọn đường của thánh Gioan Tẩy Gỉa mà nổ lực sống theo gương sáng của ngài, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp đón nhận Chúa đến.
Sau khi chứng kiến Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, ba tông đồ thân tín của Người càng xác tín vững vàng hơn vào thầy Giêsu của mình chính là Đấng Cứu Thế đã đến. Tuy nhiên, trong đầu các ông vẫn còn một thắc mắc dẫu suy nghĩ mãi nhưng các ông vẫn không hiểu được. Đó là theo Kinh thánh thì ngôn sứ Êlia phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Vậy sao không thấy Êlia xuất hiện?
Với thắc mắc này, Chúa Giêsu một mặt xác tín cho các ông biết lời “các kinh sư nói rằng Êlia phải đến trước” là đúng thật. Mặt khác giúp cho các ông hiểu rằng lời xác nhận của các kinh sư qua miệng ngôn sứ Malakhi trong Kinh thánh ấy nay được được ứng nghiệm nơi Gioan Tẩy Gỉa.
Ngôn sứ Êlia không phải từ trời ngự xuống trong hình hài thể xác như dân Do Thái mong đợi, nhưng ngôn sứ Êlia xuất hiện trong tinh thần và sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa. Nhưng vì người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nên họ không đón nhận tinh thần và quyền lực Êlia nơi Gioan Tẩy Gỉa. Vì thế mà họ đã xử tệ với ông như họ đã từng đối xử tệ với các ngôn sứ trước đây. Đó cũng là cách mà họ sẽ đối xử với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sau này.
Lời Chúa trong mùa vọng luôn mời gọi chúng ta tích cực dọn đường cho Chúa đến qua lời nhắc nhở của các vị ngôn xưa và nay. Nhưng cũng giống như dân Do Thái xưa, chúng ta không muốn đón nhận những lời cảnh tỉnh ấy. Nên một lần nữa Chúa Giêsu tiếp tục bị chúng ta khướt từ.
Xin cho chúng ta biết ngoan ngoãn nghe theo lời kêu gọi của Chúa qua những vị mục tử trong GH mà thật lòng sám hối, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón nhận ơn cứu độ mà Chúa thương ban.
Home »
suy niệm ngày thường
» SUY NIỆM LỜI CHÚA HẮNG NGÀY TUẦN 2 MÙA VỌNG