THỨ HAI TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 25,31-46
"Ta bảo thật các ngươi:
mỗi lần các ngươi không làm như thế
cho một trong những người bé nhỏ nhất đây,
là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."
(Mt 25,45)
Bài đọc sách Lêvi dạy ta cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính:
a/ Công bình
b/ Bác ái
Nhìn chung ta thấy, lời dạy của Cựu Ước có tính cách tiêu cực, "đừng, đừng và đừng" và chưa được rộng ("hãy yêu thương bạn hữu như chính mình").
Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn và cũng rộng rãi hơn. Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái tôi làm cho những kẻ bé mọn như là làm cho chính Chúa.
Bà Chiara Lubich, người sáng lập ra phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng một cách triệt để đã chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: Coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập Giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi, giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ an ủi những kẻ đau khổ ấy.
Vâng! Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.
Chúng ta tự hỏi, tình yêu có một sức mạnh gì không mà Chúa lại luôn đòi hỏi con người phải yêu thương nhau như thế?
Tôi xin mượn một câu chuyện được phổ biến trên mạng Internet để trả lời:
Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, từ 3-6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dầy. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau những cảm nhận về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Một buổi sáng nọ, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:
- Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới.
Cô giơ cao hai cây trường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau.
- Chúng ta có hai cây con. Trông chúng giống hệt nhau, phải không?
Tất cả bọn trẻ tò mò nhìn vào hai chậu cây rồi đồng thanh đáp:
- Dạ phải.
Cô nói tiếp:
- Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ nước tưới nhưng… với sự quan tâm chăm sóc khác nhau. Rồi chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xảy ra khi đặt một cây trong nhà bếp cách xa chúng ta, và một cây ngay tại đây, trên lò sưởi này.
Sau khi đặt một cái chậu trên lò sưởi trong bếp, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt cái chậu lên quầy. Sau đó, cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn.
Chúng ta sẽ đối xử với cây như một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta đều hát cho cây trường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp thế nào và chúng ta yêu mến bạn ấy biết bao. Chúng ta sẽ luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp…
Một bé gái giơ tay:
- Nhưng thưa cô, thế còn cây trong bếp thì sao?
Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú:
- Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây "đối chứng" trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em, chúng ta sẽ làm gì?
- Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó?
- Đúng. Dù chỉ là một lời thì thầm.
- Chúng ta sẽ không gởi cho nó một lời chúc tốt đẹp nào.
- Đúng.
Và chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Bốn tuần sau, mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây trường xuân trong nhà bếp yếu ớt, mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn, được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba lần với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống. Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô những giọt nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận cây thứ hai khỏi cảnh lẻ loi trong bếp, cô hiệu trưởng cho mang nó lên, đặt ở trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất.
Rồi sau đó họ đối xử với cây này y như đã đối xử với cây thứ nhất trước kia.
Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp cây trong chậu thứ nhất. Bốn tuần sau, chúng cùng lớn mạnh như nhau.
Tôi ghi nhớ mãi bài học này, và tự đúc kết cho mình câu kết luận: Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu.
Vâng, tình yêu quan trọng như thế, nên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau. "Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu, người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ”. (1Ga 4,16)
Lạy Chúa,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho chúng con trở thành tình yêu,
tình yêu bao dung và quảng đại
cho trái tim khô cằn của thế giới. Amen.
THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 6,7-15
"Khi cầu nguyện,
anh em đừng lải nhải
như dân ngoại". (Mt 6,7)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy ta cầu nguyện. Cầu nguyện là để biết ý Chúa để có thể thực thi ý Người.
1. Thường khi cầu nguyện ta cố nói cho Chúa biết ý của ta và ta xin Thiên Chúa giúp ta đạt được ý đó.
Một du khách đến cầu nguyện bên cạnh bức tường gọi là "bức tường than khóc”, dưới chân nền Đền thờ xưa kia của thành Jêrusalem. Trước hết du khách cất tiếng kêu xin:
- Lạy Chúa là cha chúng con, xin Chúa làm cho thế giới này không còn nghèo khổ và đói khát nữa.
Nghe du khách cầu nguyện như vậy, người hướng dẫn viên Do Thái khuyến khích:
- Thật là một lời nguyện hay! Ông hãy cầu nguyện thêm một lời nữa đi!
Du khách trở lại bên bức tường và cầu nguyện thêm:
- Lạy Chúa, xin cho giặc giã, chiến tranh không còn trên mặt đất này.
Anh hướng dẫn viên Do Thái lại khuyến khích người du khách thêm một lời nguyện nữa cho hòa bình trên thế giới. Người du khách liền sốt sắng tiếp theo:
- Lạy Chúa, xin cho cuộc tranh chấp hiện nay tại Trung đông được giải quyết tốt đẹp, cho người Ả-Rập và Do Thái được sống chung hòa bình, và cho người Do Thái biết trả lại cho người Ả-Rập tất cả những đất đai họ đang chiếm đóng.
Nghe đến đây, anh hướng dẫn viên Do Thái vội vàng ngắt lời người du khách với một giọng giận dữ;
- Xin lỗi ông, ông đang nói chuyện với bức tường đấy!
Nói thế rồi anh ta vội kéo du khách đi nơi khác.
Gioan Kim Khẩu nói: "Để lời cầu nguyện của bạn được trọn bề hoàn hảo, bạn hãy lấy đức hiền hậu khiêm nhu mà tô điểm ngôi nhà tâm hồn, lấy cuộc đời công chính mà chiếu soi cho rực rỡ, lấy việc lành phúc đức mà tô điểm, đem đức tin và lòng cao thượng như đá quý mà dát vào tường. Trên tất cả, bạn hãy đặt cầu nguyện làm nóc để hoàn tất ngôi nhà. Và như thế, bạn chuẩn bị cho Thiên Chúa một ngôi nhà hoàn hảo. Nơi đây, bạn đón rước Thiên Chúa như trong cung điện vương giả và lộng lẫy."
2. Lời Chúa hôm nay cho biết cách cầu nguyện như thế không đúng. Đúng ra cầu nguyện phải là xin cho ta được biết ý Chúa và xin Chúa giúp ta thực hiện ý Người. Chúa biết mọi sự, cho nên dù ta không nói thì Người cũng đã biết ý ta. Phần ta thì không biết ý Chúa nên phải xin Người chỉ cho ta biết.
Nhiều người nghĩ rằng, sống theo ý Chúa thật là khó. Thực ra điều này rất thoải mái và dễ chịu như nằm trên một chiếc gối bông, nếu như ta biết nghĩ rằng, ta không thể chọn được thứ gì tốt cho bằng thứ Chúa đã chọn sẵn cho ta, không thể nhắm tới thứ gì hay cho bằng thứ Chúa đã nhắm sẵn cho ta. Sống theo ý Chúa ta không còn gì phải lo và không có gì an toàn hơn được. (Gospel Herald)
Người thanh niên tên là Tony Belade bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người, kể từ khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California bên Hoa Kỳ, dạo mùa hè 1987. Nhiều người đã được chứng kiến buổi đón tiếp Đức Thánh cha hôm ấy và khó mà quên được hình ảnh vô cùng cảm động khi Đức Giáo Hoàng từ lễ đài cao bước xuống để ôm và hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn ghi ta của mình. Điều gì đã làm cho cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy trở nên luyến nhớ cho nhiều người? Thưa rằng, bởi vì người thanh niên ấy đã chơi đàn ghi ta bằng những ngón chân của mình!
Tony Belade là hiện thân của niềm hy vọng. Anh đã chào đời không có hai cánh tay, nhưng anh đã biết tận dụng các ngón chân của mình để học đàn ghi ta. Không những thế, anh còn dùng chân vào nhiều công việc khác nữa như: gấp quần áo, vắt một ly nước chanh... Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh:
- Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận mình để sống bình thường, mà còn sử dụng ghi ta một cách tuyệt diệu như thế?
Người thanh niên tàn tật trả lời:
- Tôi đã cầu nguyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo Thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhận lời tôi."
Không ai trong chúng ta được chọn lựa sinh ra hoặc không sinh ra. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn... Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với tất cả một định mệnh. Người ta thường hay nói: Có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người may mắn, có người kém may mắn. Thế nhưng, trong ánh mắt tình yêu của Thiên Chúa thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Thiên Chúa luôn có một chương trình cho mỗi một con người.
THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA CHAY
Lc 11,29-32
"Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê
sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ,
vì xưa dân ấy đã sám hối
khi nghe ông Giôna rao giảng." (Lc 11,32)
1. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.
Khi nhắc lại truyện Giona, Chúa Giêsu cảnh cáo những người Do Thái thời của Ngài: "Dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giona giảng, mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giona nữa"(Lc 11,32).
a/ Sám hối gồm 4 điều:
- Biết mình có tội.
- Buồn.
- Tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
- Quay về với tình thương ấy.
Thiếu một trong bốn điều trên đây thì không phải là sám hối thật.
b/ Sám hối là điều làm vui lòng Thiên Chúa vì qua đó con người biết nhận ra tội lỗi của mình. Nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhất trên con đường trở về với Chúa.
Đức Cha Pierre de Corbeille Tổng Giám Mục giáo Phận Seine nước Pháp, một ngày nọ thấy một tội nhân đến quì sụp dưới chân ngài để xin xưng tội. Anh ta tha thiết van nài ngay từ đầu là xin ngài hãy bắt anh nhận một việc đền tột thật nặng.
Sau khi nghe xưng thú, Đức Cha bảo:
- Tất cả tội lỗi của con hết sức nghiêm trọng. Vì vậy theo như ý con mong muốn, ta ra việc đền tội cho con là phải tự đánh đòn mỗi ngày trong 7 năm.
Anh ta ngước mắt lên khóc ròng:
- Thưa Đức cha, như thế vẫn còn quá nhẹ, không đủ đền bù tội lỗi của con, con xin được làm việc ấy vĩnh viễn cho đến chết !
Đức Cha nghe vậy thì chậm rãi bảo anh:
- Vì tấm lòng thành của con, ta quyết định bớt cho con: chỉ còn ba năm phải ăn chay và uống nước lã!
Thế nhưng, anh ta lại đấm ngực thổn thức:
- Thưa không, lạy Đức Cha, việc đền tội như thế chưa cân xứng với tội lỗi con đã phạm. Nói cho cùng con chỉ xứng đáng lãnh nhận cái chết mà thôi!
Cảm động trước lòng ăn năn thống hối của anh ta, Đức Cha Pierre de Corbeille đã đỡ anh ta dậy, nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm lệ của anh rồi bảo:
- Này con thân yêu, việc đền tội của con bây giờ chỉ còn là đọc một kinh lạy Cha, chỉ một kinh lạy Cha thôi. Ta tin chắc Thiên Chúa sẽ hài lòng về con!
Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp tình yêu.
2. Quả thực như thế, khi con người phạm tội, họ không còn cách nào khác để sửa lại lương tâm của mình bằng sự sám hối.
Nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa phải là sám hối đúng nghĩa. Sám hối còn phải là làm lại cuộc sống. Có như thế thì sám hối mới có hậu.
Tạp chí kinh tế Viễn Đông mới đây có ghi lại chuyện tự nộp mình rất đáng khâm phục của một tên cướp như sau: Một đêm nọ, vì quá mỏi mệt với cuộc sống chui lủi, tên cướp khét tiếng đã ra đầu thú. Trước thái độ hồ nghi của viên công an trực, tên cướp đã chỉ vào vết sẹo để khẳng định rằng, chính mình là người đã từng bị lực lượng an ninh tầm nã trong mấy tháng qua. Nhân viên công an vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhất định không cho anh vào khám, còn kẻ cướp thì dứt khoát không chịu bỏ đi. Phải đợi đến sáng hôm sau, các viên chức công lực mới nhận diện được người mà họ đã truy nã trong mấy tháng qua. Tên cướp cho biết, anh đã kiệt sức vì cuộc chạy trốn, hằng đêm anh không thể ngủ yên khi nghe tiếng chó sủa, ngay cả tiếng gà gáy. Bước vào phòng giam, tên cướp nhìn vào viên công an trực của đêm hôm trước với vẻ đắc thắng.
Mọi người chúng ta đều là tội nhân. Vì thế mà từng người chúng ta cần phải sám hối. Việc sám hối như thế sẽ làm vui lòng Thiên Chúa và thần thánh trên trời. Làm sao chúng ta quên được lời quả quyết của Chúa Giêsu “Cả Thiên Đàng sẽ hân hoan vì một tội nhân hối cải”(Lc 15,7). Chẳng những làm cho Thiên Đàng vui, mà lòng sám hối, sự hoán cải còn là chìa khóa hạnh phúc và an bình cho chính bản thân ta, cho gia đình, xã hội và mọi người chung quanh ta nữa.
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 7,7-12
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho." (Mt 7,7)
Ý chính của các bản văn Phụng vụ hôm nay một lần nữa lại dạy chúng ta về sự cầu nguyện, một trong ba việc quan trọng phải làm trong Mùa Chay.
1. Trước hết khi cầu nguyện, Chúa bảo: phải có lòng tin. "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho"(Mt 7,7).
Năm 1868, trong tuần đại phúc tại Aix, một vị thừa sai được mời đến để giảng. Trong một bài giảng, ngài đã kể một câu chuyện làm xúc động mọi người. Ngài đã kể lại một sự việc có thật đã xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Ngài nói:
- Cách đây ít năm, một người mẹ thấy giờ chết của mình đã gần. Các con cái bà đều đến vây quanh giường, chỉ thiếu có một đứa. Đứa con này bị tù vì một tội ác. Điều đó đã góp phần vào việc làm cho mẹ nó mất sớm. Dẫu thế, người mẹ hấp hối muốn thử một lần cuối để đưa đứa con mình về nẻo chính đường ngay. Mặc dầu cho tới khi đó, mọi lời cầu nguyện của bà xem ra đều vô hiệu. Người ta đã làm đơn xin người quản đốc trại giam cho đứa con của bà được gặp bà lần cuối. Sau khi xem xét hoàn cảnh của người mẹ đáng thương, viên giám đốc trại giam đã bằng lòng. Với lính tráng bảo vệ cẩn mật, phạm nhân đã được dẫn độ đến bên giuờng mẹ để hắn có thể nhìn mẹ một lần cuối. Và đứa con tội lỗi kia đã được dẫn đến bên giường của mẹ mình. Người mẹ đã không còn đủ sức để nói một lời với con. Dầu vậy bà đã dồn mọi tàn sức để mở mắt nhìn con một lần cuối với vẻ thật đau buồn. Sau đó bà đã ra đi. Trên khuôn mặt của bà người ta thấy toát lên một sự thanh thản, như là một người đã được thoả mãn tất cả những ước vọng của cuộc đời mình.
Sau đó tù nhân lại được đưa về trại giam. Thật không ngờ cái nhìn của bà mẹ đã như một phép lạ. Trở về phòng giam, đứa con của bà đã quì xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ít lâu sau đó, anh đã cởi bỏ được gánh nặng tội lỗi sau khi xưng tội. Ơn thánh Chúa đã tiếp tục tác động trên anh. Sau thời gian giam giữ, anh được trả tự do rồi anh xin dâng mình cho Chúa và anh đã trở thành một linh mục". Nói tới đây, ngài dừng lại một chút rồi với một giọng đầy cảm xúc, Ngài nhấn mạnh từng tiếng: "Và người con đó, chính là tôi đây."
Sau đó ngài nói với mọi người: "hãy can đảm và trông cậy, hỡi anh chị em tín hữu thân mến. Kẻ tội nhân có lỗi đến đâu thì lòng nhân hậu và tình thương xót của Thiên Chúa còn to lớn hơn gấp bội”. Những lời đó đã làm xúc động mọi người tham dự. Họ được tràn đầy lòng tin tưởng. Họ đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa qua câu chuyện có thật họ vừa được nghe và họ đã thống hối xưng thú mọi tội lỗi cách thành thật.
2. Thứ đến: Chúa dạy khi cầu nguyện phải có lòng thành. Lòng thành là lòng tốt đối với mọi người "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta" (Tướng Aman là một hình ảnh người không có lòng tốt nên rốt cuộc chính ông lại bị hại)..
Đây là những câu tương tự với Lời Chúa Giêsu dạy:
- Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Khổng Tử).
- Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác. Đó là tóm tắt tất cả lề luật (Rabbi Hillel).
Trong kho tàng Nhà Phật có câu chuyện nổi tiếng này. Một hôm, có một gã khùng kia nghe Đức Phật dạy rằng: đừng bao giờ lấy ác báo ác. Ngày nọ, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính thử xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ, và gọi Ngài là tên đần độn.
Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ, Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ cho đến khi hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Phật mới lên tiếng.
- Này con, nếu có một người nào đó không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho, thì món quà ấy sẽ đi về đâu?
Gã khùng cay cú đáp:
- Thằng điên nào mà chả biết, dĩ nhiên là món quà ấy sẽ trở về lại với người đem cho.
Đức Phật liền nói:
- Hỡi con, con vừa tặng cho ta rất nhiều lời thóa mạ, nhưng ta chẳng nhận đâu nhé!
Gã khùng liền câm miệng không thốt ra được lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp:
- Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện, thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn. Cũng thế, kẻ nào thóa mạ một người nhân đức, thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi.
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời của Chúa Giêsu: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 5,20-26
"Vậy, Thầy bảo cho anh em biết,
nếu anh em không ăn ở công chính
hơn các luật sĩ và người Pharisêu,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."
(Mt 5,20)
1. Lời Chúa trong sách Êzêchiel rất an ủi chúng ta: Chúa không chấp nhất chuyện quá khứ. Cho dù trong quá khứ ta từng lỗi phạm nhiều, nhưng nếu hôm nay ta quay về, thì Chúa vẫn coi là công chính.
Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Tin Mừng thứ 5", tác giả, một người Ý, đã tưởng tượng một câu chuyện như sau:
Ngày kia các thánh trên Thiên Đàng không còn chịu nổi sự xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên các ngài mới họp công nghị để tìm cách chận đứng tội lỗi của loài người. Sau nhiều buổi họp, cuối cùng, các vị thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng: việc con Thiên Chúa chịu chết trên Thập Giá vẫn chưa đủ để làm cho con người sáng mắt. Vậy, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được con người. Các ngài họp thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được toàn bộ thế giới. Các ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn các kẻ tội lỗi thì các ngài tập trung tất cả về một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài đã dựng sẵn một giàn hỏa thiêu cực lớn để tiêu diệt tất cả bọn họ. Các ngài tin chắc rằng, sau lần thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất này sẽ chỉ còn lại những người công chính mà thôi. Khi mọi việc đã sẵn sàng để tiến hành sự hủy diệt, các thánh bỗng nhận thấy ở giữa đám người tội lỗi có một người đang vác Thập Giá đi về phía giàn thiêu. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp đỡ hắn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn:
- Tại sao người tội lỗi này lại muốn được xử theo hình phạt chỉ dành riêng cho Con Thiên Chúa?
Nghĩ thế, nên các thánh cho điệu kẻ vác Thập Giá đến, trói chân tay hắn lại, rồi giải đến trước mặt thánh Phêrô để xin Ngài xét xử. Vừa nhìn thoáng qua kẻ vác Thập Giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra đó chính là thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng khi nghe thánh Phêrô tiết lộ rằng:
- Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi.
Lúc đó, các ngài mới nhớ lại lời của Chúa Giêsu: "Con người không đến để cứu thoát những người công chính, mà chính là cứu những kẻ tội lỗi".(Mt 9,13)
Trước sự ngỡ ngàng của các thánh, Chúa Giêsu nói: "Ta muốn chết một lần nữa cho các tội nhân. Bởi vì trên trần gian không có người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh".
2. Chúa Giêsu bảo: "Ai giận anh em mình thì bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì bị lửa hỏa ngục thiêu đốt." (Mt 5,21-22)
Những lời này Chúa Giêsu nói theo giọng cường điệu. Sự thật không được hiểu sát nghĩa như thế. Tuy nhiên, việc Chúa phải cường điệu khi dạy ta đừng giận, đừng mắng, đừng chửi cũng đáng ta lưu ý.
Một câu chuyện nhỏ từ Internet: Câu chuyện về túi khoai tây
Vào một buổi học, thầy giáo chúng tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên của người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa. Chúng tôi thích thú viết tên những người mình không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.
Sau đó, thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi cùng bạn bè cũng phải đem theo.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết số khoai ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.
Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: "Các em có thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng cho mọi người, mà đó còn là một món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình".
Mẹ Têrêsa bảo: "Nếu thực sự muốn yêu thương, ta phải học cách tha thứ."
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 5,43-48
"Anh em hãy nên hoàn thiện
như Cha anh em ở trên trời
là Đấng hoàn thiện." (Mt 5,48)
1. Kitô hữu là con của Chúa Cha, nên cũng phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha. "Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương"( Mt 5,45). Biên giới của tình thương là không có biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.
Chúa Giêsu kể ra ba mức độ phải đối xử với kẻ không yêu thương mình:
a/ Yêu thương.
b/ Làm ơn.
c/ Cầu nguyện.
Nếu tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.
Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ rệt bạn và thù và cư xử "ân oán phân minh". Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó: Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng.
Philipphê, vua nước Macedonia, khi đang đem quân vây thành Meton, có một tên cung thủ đại tài tên là Asthê đến xin vua cho hắn được sát nhập vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng, tài nghệ cung tên hay lắm, chim bay dầu lẹ đến mức nào, y cũng bắn không sai bao giờ. Vua mỉa mai bảo:
- Được, để bao giờ đánh trận với chim sẻ ta sẽ dùng đến tài ngươi.
Asthé nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành đang bị vây để chờ dịp trả thù.
Một hôm, Asthé đứng trên bờ thành, thấy vua Philipphê đang đi kinh lý các trại đóng binh ở ngoài thành. Asthé liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: gửi cho con mắt bên phải của vua Philipphê rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Nhà vua tức giận vô cùng, truyền cho cận vệ ghi lên mũi tên ấy câu này: “Ta mà lấy được thành này, Asthé sẽ bị xử giảo”, rồi truyền cho quân sĩ bắn tên ấy vào thành.
Sau quả đã xảy ra đúng như vậy.
Vua Philipphê thật đã mua một giá rất đắt cái thú được nói một lời có ý mỉa mai. Nhưng mà Asthé lại mua đắt hơn cái thú trả được thù.
Lòng hiềm thù nhiều khi đưa con người đến chỗ bế tắc. Cái thói muốn châm chích người ta cũng nguy hiểm chẳng kém gì. Đành rằng, nói được những câu thâm trầm khiến cho người ta bị chạm và đau khổ nhiều khi cũng là một cái thú ở trên đời. Thế nhưng, đó không phải là điều mà lúc nào người ta cũng nên làm.
Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.
Chúng ta không thể quên Lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con”(Mt 5,44) và “Hãy tha thứ để được Thiên Chúa tha cho”.(Lc 6,37)
2. Hãy yêu thương kẻ thù địch. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.
Hai người cùng bán hàng tại một khu phố. Vì tranh giành khách hàng nên hai người đã trở nên kình địch với nhau.
Một trong hai người này xin trở lại đạo Công Giáo. Một hôm người này đến hỏi cha xứ:
- Thưa Cha, con vẫn ghét kẻ thù địch của con, con không biết làm thế nào để có thể lướt thắng được điều này. Xin Cha giúp ý cho con.
Cha xứ hỏi:
- Kẻ thù của ông là ai?
Sau khi đã nghe biết đầu đuôi câu chuyện, cha xứ góp ý:
- Mỗi lần có khách hàng nào đến cửa tiệm của ông mà ông không có món hàng người đó muốn mua, ông hãy giới thiệu cho người khách đó qua cửa tiệm của người đang kình địch với ông. Ông hãy cứ thử làm như thế xem sao!
Người kia đã về làm như lời cha xứ dạy và kết quả là số khách hàng đến cửa hàng của người không Công giáo mỗi ngày một đông. Nhưng đồng thời người này cũng nhận ra rằng, hàng hóa của ông bán cũng chạy hơn kể từ ngày ông thực hiện lời khuyên của cha xứ.
Thành thực mà nói, ai trong chúng ta, ít nhiều gì cũng có kẻ thù và có lẽ lúc này đây chúng ta cũng đang mang một mối hận thù hay là một sự cay đắng nào đó đối với một người đã xúc phạm đến chúng ta.
Phương thuốc hay nhất để diệt kẻ thù là biến kẻ thù trở thành bạn. Khi đó chúng ta không mất người, nhưng lại còn được thêm bạn.
Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ có thói quen áp dụng phương pháp bất thường để kết bạn.
Một lần kia ông đã dùng lời hay ý đẹp để nói tốt về những chính trị gia đối lập với mình. Nghe biết thế, một phụ nữ thắc mắc:
- Tại sao ông lại ca ngợi những địch thù của mình như vậy, khi mà lẽ ra ông phải phê bình chỉ trích để làm hạ giá và hủy diệt họ?
Tổng thống Abraham Lincoln đã trả lời người đã hỏi ông về vấn đề này bằng một câu nói:
- Biến thù thành bạn, đó lại không phải là cách tôi tiêu diệt kẻ thù hay sao?
Lạy Chúa Giêsu,
Giữa một thế giới còn tràn ngập hận thù và chia rẽ. Xin dạy con biết phục vụ và yêu thương như Chúa. Amen.
Home »
suy niệm ngày thường
» SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 1 MÙA CHAY