Tôi cũng vâng lời thánh nhân dạy và cứ nói «Xin Đức Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong con». Vậy mà chẳng thấy Chúa cầu gì đâu, toàn là tôi nói như con vẹt ấy. Tôi không hiểu nhưng vẫn xin, vì chẳng phải Chúa yêu thích những tâm hồn ngoan ngoãn, dễ bảo sao? Không cần thắc mắc, tìm hiểu, chỉ biết rằng Chúa, Mẹ dạy sao thì làm vậy, rôi lần lần Chúa sẽ soi sáng cho tôi hiểu thấu hơn.
Ngày kia, tôi ở nán lại trong nhà thờ như thường lệ. Sau Thánh Lễ, có môt người ngồi bên phía ghế xa xa cầu nguyện. Tôi biết người này có một ông anh làm linh mục. Chỉ biết sơ qua thôi, nên tôi cũng ít có cầu nguyện cho họ. Nhưng lòng tôi như có ai nhắc nhở «Phải cầu nguyện cho cha X». Ngạc nhiên quá, tôi vội lân la đến và hỏi : «Chào bạn, cha X khỏe không? Có gì trở ngại cho cha không?». Người đó mở cặp mắt tròn xoe nhìn tôi và hỏi : « Bạn biết tin đó rồi sao? Có phải cha Y nói với bạn?». Trời ơi, đâu có biết tin gì, tôi vội nói : « Không, tôi đâu có nghe tin gì từ cha Y đâu, cha X xảy ra chuyện à?». Người bạn đó nói với tôi rằng cha X bị nhiều chuyện lắm, gia đình rất là hoang mang lo lắng, rồi người này nhờ tôi cầu nguyện cho cha X.
Sau này biết được hơn về chuyện của linh mục X. Hóa ra dạo đó ngài gần như là bỏ ra khỏi dòng. Từ khi được Chúa nhắc nhở cầu nguyện cho linh mục đó, tôi càng ngày càng tin, rằng Chúa Thánh Thần thật sự hiện diện dạy chúng ta cầu nguyện. Mối liên hệ của chúng ta có mật thiết với Ngài hay không, là do bởi chúng ta siêng năng cầu nguyện.
ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận đã ví cầu nguyện như đường dây dẫn kết nối dòng điện giữa nguồn điện và bóng đèn : Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV, 120)
Linh hồn chúng ta càng tiếp cận với Chúa thì càng ở trong ánh sáng.
Có những ơn mà Chúa chỉ chờ đợi một linh hồn nào đó cầu nguyện, rồi Chúa mới ban ơn. Chẳng phải vì linh hồn đó lập công nghiệp lớn lao gì, nhưng chỉ vì Chúa muốn như vậy, tôi coi đó như là một bí nhiệm của Chúa. Chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho tha nhân, không cần thắc mắc, kẻo rơi vào cạm bẫy của lòng tự phụ, kiêu ngạo.
Trong sách Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa, có một đoạn Chúa nói với thánh nữ Faustina, rằng Chúa chỉ chờ thánh nữ cầu nguyện cho linh hồn đó rồi mới ban ơn.
Trường hơp này đã xảy đến cho tôi. Có một người kia có người con đã bỏ rước lễ và xưng tội hơn 10 năm. Nó chỉ đi nhà thờ Chúa Nhật, nhưng không bao giờ rước lễ và xưng tội. Bà này chỉ biết tôi sơ sơ thôi, tự nhiên bà phone nhờ tôi cầu nguyện cho con bà, kể sơ về tình trạng đáng thương của nó cho tôi nghe. Bà còn nói «Chúa thương cháu lắm, bác biết là cháu cầu thì Chúa sẽ nhậm lời». Bà nói rằng cả gia đình buồn lắm vì chuyện này, nó không nghe ai khuyên răn, hầu như mất đức tin. À, nó không phải là em nhỏ, tuổi nó trạc hơn 30. Tôi nói rằng nhiều người cầu, thì Chúa động lòng trắc ẩn, không phải chỉ mình tôi cầu thì được đâu.
Rồi thì tôi nói với Chúa : « Chúa ơi, con không quen người này, Chúa khiến bà ta gọi đến nhờ con cầu nguyện. Vậy là Chúa muốn con cầu nguyện cho con bà và Chúa sẽ ban ơn phải không Chúa? Nếu đúng vậy thì Chúa Giêsu làm một dấu chỉ gì cho con biết là Chúa nhận lời vì tới lượt con cầu. Đó là xin Chúa cho người con này đi xưng tội trước Phục Sinh.»
Tôi nói vậy chứ, thực ra tôi còn sợ Chúa Giêsu la rày lắm. Sao lại dám đặt điều kiện với Chúa? Hú hồn, sợ Chúa giận thí mồ. Tôi cũng cầu nguyện cho nó, dĩ nhiên là với Kinh Mân Côi của Mẹ Maria. Thế rồi, một hai tuần sau, tôi cũng quên mất người này, và không cầu nữa.
Bỗng một hôm bà cụ lại điện thoại cho hay, với giọng đầy nước mắt hạnh phúc vui mừng. Bà nói rằng tuần rồi, đứa con chở bà đi xưng tội, và thường thì nó ngồi trên băng ghế nhà thờ, chờ bà xếp hàng trước tòa cáo giải. Bà ngó quanh chẳng thấy nó đâu, lo quá vì sợ rằng nó chờ bà lâu, nên bỏ đi về.
Nhìn quanh quất. Ô kìa! Nó đây rồi, nó đang xếp hàng bên phía tòa giải tội gần đó để xưng tội, ngay khi trước Phục Sinh mấy ngày. Chúa đã nhậm lời!
Tôi nghe bà kể trong điện thoại, mà tim như muốn ngừng đập vì xúc động mạnh, xúc động trước Lòng Thương Xót vô biên của Chúa. Tôi cũng không muốn tìm hiểu vì sao Chúa lại chờ tới phiên tôi cầu cho nó, thì mới chịu ban ơn. Chuyện của Chúa thì con người mình không làm sao dò thấu được.
Một điều tôi hiểu rằng chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhau, dù không hề quen biết, vì biết đâu với lời cầu của mình, người đó thoát đươc một sự cố nào nguy hiểm chăng?
Tôi thường có thói quen cầu cho người ta, chẳng hạn như thấy ông thợ leo lên thang thay bóng đèn nhà thờ. Cao ơi là cao, tôi cũng thì thầm cầu xin Thiên thần bản mệnh gìn giư ông ây khỏi té.
Khi thấy đám tang đi qua, tôi cầu cho linh hồn người quá cố được rỗi, và những người con lại được nhận biết Chúa.
Cầu cho cả người coi tôi là thù địch. Khi thấy ai trong nhà thờ cầu nguyện, nhất là họ vừa gục mặt vừa khóc, chẳng biết khóc trong đau khổ hay vui mừng, tôi cũng thưa với Chúa : « Con xin hiệp lời cầu với người này, nếu đẹp lòng Chúa, xin Chúa nhận lời ».
Khi tắm thì có khi tôi nói : « Cám ơn Chúa cho con có nươc xài, giữ thân thể con sạch sẽ, xin Chúa cũng giữ linh hồn con như vậy, xin tẩy sach linh hồn con bằng Máu Thánh Chúa mà con rước hằng ngày.» Lời cầu bộc phát theo từ trường hợp, phải chăng là do Đức Chúa Thánh Thần nhắc nhở? Tôi tin là như vậy.
Tóm lại, mỗi khi nhớ đến Chúa, tôi luôn cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi việc làm. Cả khi ăn uống chẳng hạn, có khi tôi không ăn ớt, vì thầm thì với Chúa, tôi dâng hy sinh nhỏ bé này, để cầu cho ai tôi chợt nhớ, đang cần lời cầu nguyện.
Kính xin đa tạ Đức Chúa Thánh Thần đã luôn sát cánh bên tôi, để nhắn nhủ, dạy bảo, hướng dẫn tôi luôn biết cầu nguyện. Kính xin Ngài cũng giúp đỡ mọi người cũng thành tâm muốn kết hiệp với Chúa luôn mãi.
Qua những lời chia sẻ trên, chúng ta cũng có thể may mắn, dễ dàng lãnh hội được một chút bí quyết cầu nguyện, một chút cách thức đơn giản đến với Chúa Giêsu, hoặc một chút thái độ thân thiết khi tâm tình với Ngài. Hy vọng đó là những hạt giống quý hóa, gieo vào lòng những người thành tâm.
Nguồn Thánhlinh.net