SUY NIỀM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 21 TN

THỨ HAI TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 23,13-22

CHÚA GIÊSU KHIỂN TRÁCH CÁC KINH SƯ

Kết án tội mù quáng
Tin Mừng của 3 ngày liên tiếp (hôm nay, thứ ba và thứ tư) ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới Luật sĩ và Biệt phái vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm 3 lời:

1. Khóa cửa Nước Trời (c.13)

“Các ngươi khóa cửa Nước Trời… các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”

2. Làm hại việc truyền giáo (c.15)

“Khốn… các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”.

3. Dẫn đàng mù quáng (c.16)

“Khốn… những kẻ dẫn đường mù quáng”: những người Do Thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù” (x. Rm 2,19) Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những “người mù dắt người mù”.

Toàn chương 23 Phúc âm thánh Matthêu ghi lại những lời kết án của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt phái. Nhưng trước khi công bố 7 lời kết án đó, tác giả Matthêu ghi lại nhận định chung của Chúa Giêsu (c. 1-12): Chúa Giêsu công bố luật sống của Chúa cho tất cả những ai bước theo Ngài. Ngài là vị thầy duy nhất thay thế cho Môsê và các vị thầy nhân loại khác, và Ngài muốn cho các môn đệ Ngài đừng rơi vào thái độ của những Luật sĩ và Biệt phái: mù quáng, giả hình, vụ hình thức, tuân giữ những gì phụ thuộc bên ngoài mà bỏ quên tinh thần, bỏ quên nội dung giáo lý cốt yếu cho những hình thức đó.

Ba lời lên án của Chúa Giêsu đối với Luật sĩ và Biệt phái trong Tin Mừng hôm nay có cùng một điểm chung là sự mù quáng, vì mù quáng các Luật sĩ và Biệt phái chẳng những không vào được Nước Trời, mà còn cản trở những ai muốn vào đó: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào”; vì mù quáng họ chỉ muốn khoe khoang lòng nhiệt thành tông đồ của họ, chứ không thực sự nhắm đến ơn cứu rỗi của những người họ muốn đưa về cùng Chúa: “Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”; vì mù quáng họ thay đổi luật Chúa theo ý riêng để có lợi cho cá nhân, chứ không thực sự màng đến luật Chúa.

Đó là ba lời kết án của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã coi mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm chiên lạc, như thầy thuốc cần cho bệnh nhân, như một Thiên Chúa quyền năng sẵn sàng tha thứ và giải phóng con người tội lỗi. Thế nhưng, chúng ta đọc thấy trong Phúc âm hôm nay là những lời lên án hết sức mạnh mẽ thẳng thắn: “Khốn cho các ngươi”,không phải vì Chúa không còn lòng nhân từ và tha thứ, nhưng vì sự cứng lòng chai đá và ngoan cố của những người biệt phái đã tới mức tột cùng không chịu hoán cải. Với tinh thần giả hình vụ hình thức, lạm dụng Tôn giáo, con người không thể hưởng được tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa.

Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng con khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho chúng con biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để chúng con xứng đáng hưởng chúc lành của Chúa.


THỨ BA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 23,23-26

KẾT ÁN THÁI ĐỘ VỤ HÌNH THỨC
Lời khiển trách thứ tư và thứ năm:

- Về việc nộp thuế thập phân (cc. 33-24)

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật!”

- Về việc rửa sạch bên ngoài chén đĩa (cc. 25-26)

“Khốn cho các ngươi… các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”.

Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời khiển trách của Chúa đối với thái độ vụ hình thức của Luật sĩ và Biệt phái. Trước hết là việc họ giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thực thi công bằng và tình yêu thương.

Trong Do Thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ luật thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với lề luật, các Luật sĩ và Biệt phái buộc người ta những cái tỉ mỉ thật phụ thuộc mà luật không nói đến như bạc hà, thì là, rau húng. Trong khi đó lại không quan tâm gì đến những điều căn bản và chính yếu của luật, đó là công bình, lòng nhân và thành tín.

Thực ra, Chúa Giêsu không kết án những Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ, nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bình và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Các Luật sĩ và Biệt phái rất coi trọng việc rửa tay chân chén đĩa… và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (x. 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố trộm cấp và vô độ.

Nhiều nguời nước ngoài đã nhận xét rằng: giáo dân Việt Nam rất siêng năng đọc kinh dự lễ, nhưng lại ít quan tâm đến những điều quan trọng trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Họ thiếu ý thức công bình như trộm cắp, gian lận của công và tài sản công dân, họ thiếu lòng nhân như chửi rủa, lên án, nói hành nói xấu nhau, thiếu thành tín như lường gạt thất hứa, bất trung, bất tín… Đạo như thế là đạo nhà thờ chứ chưa phải là đạo của cuộc sống.

Là tín hữu chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề trong cuộc sống Đạo như: giúp đỡ người nghèo, che chở bênh vực người yếu đuối bị chèn ép, sống công bằng xã hội, có lương tâm nghề nghiệp, chung thủy trong hôn nhân.

Do đó, việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải có ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng con sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng con nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.


THỨ TƯ TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 23,27-32

KẾT ÁN TỘI GIẢ HÌNH
Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bẩy:

- Những mồ mả tô vôi (cc. 27-28)

“Khốn… các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”.

- Xây mồ cho các ngôn sứ (cc. 29-32)

“Khốn… các ngươi xây mộ cho các ngôn sứ và tô điểm mả cho những người công chính…”

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời phê phán của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt phái có thái độ sống giả hình. Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hàng năm khi đến gần đại lễ Vuợt Qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. DS 19,16) Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nâm mồ tô vôi ấy. Vẻ đẹp bên ngoài của các mồ mả che giấu thực tại ghê tởm bên trong. Cũng vậy các Luật sĩ và Biệt phái bên ngoài xem ra là những người công chính, nhưng bên trong đầy sự giả hình và độc ác; việc họ giữ luật cách nghiêm nhặt chỉ là tấm màn che đậy một đời sống tương phản với những điểm cốt yếu của lề luật Thiên Chúa, đó là sự công bình, lòng bác ái và trung tín.

Trong lời kết án thứ bẩy, Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ lại căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên họ, vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì mưu giết chính Đấng Mêsia.

Nhìn lại kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể cảm nghiệm những lời kết án của Chúa Giêsu không phải là chuyện đã qua của thời quá khứ, nhưng vẫn còn liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta có thể che giấu những tội lỗi và những tật xấu của mình bằng những màn kịch cho phớt qua, nhưng chỉ có một phương thế duy nhất để tránh những lời kết án của Chúa là thật sự ăn năn trở lại, là khiêm tốn can đảm bỏ đi những mặt nạ chúng ta quen mang từ trước đến nay. Chúng ta được trở thành những người chỉ có danh hiệu là Kitô, nhưng kỳ thực là những con người đã xa lìa Chúa Kitô và sống nghịch với giáo huấn của Ngài.

Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn, nếu không sinh hoa trái thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ phải lãnh nhận số phận như các Luật sĩ và Biệt phái: cây khô sẽ bị chặt đi và ném vào lửa đời đời.

Washington, lúc còn trẻ, một hôm ông đào cây quí của cha trồng, lúc cha ông đang hầm hầm giận dữ, ông vẫn đủ can đảm đến thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Người cha thấy con như thế, đổi giận làm vui, ông ôm lấy con và nói: “Tất cả tài sản của cha thực sự không quí bằng tính ngay thật của con”.

Quả vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bậc anh hùng nổi danh.

Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi sự giả hình, khỏi tính ích kỷ và tự mãn. Xin cho chúng con khiêm tốn nhận mình tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa. Xin Chúa đổ tràn đầy ân sủng tình thương trong tâm hồn chúng con, ngõ hầu chúng con biết đáp lại ơn soi sáng của Chúa cách chân thành.


THỨ NĂM TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 24,42-51
PHẢI CANH THỨC VÀ SẴN SÀNG
- Hai chương 24-25 của Matthêu là bài giảng về ngày cánh chung.

- Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế và việc Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng hệ trọng này buộc người ta phải lựa chọn dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối Đức Ki-tô. Nhưng không phải chờ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây giờ.

- Do đó những biến cố ấy và sự lựa chọn ấy có ảnh hưởng tới cách sống hàng ngày trong hiện tại.

Phúc âm thánh Matthêu chương 23 đã mời gọi chúng ta kiểm điểm lại đời sống của mình dựa trên những lời trách của Chúa Giêsu đối với thái độ sống giả hình của những Luật sĩ và Biệt phái. Hôm nay chúng ta được Giáo hội mời gọi đọc và suy niệm tư tưởng của Chúa Giêsu vào lúc kết thúc lịch sử và về việc Chúa trở lai trong vinh quang.

Phúc âm hôm nay nói đến việc Chúa trở lại như kẻ trộm ban đêm và kêu gọi chúng ta phải có thái độ sẵn sàng như người tôi tớ trung thành và khôn ngoan.

Hai dụ ngôn “tên trộm và người quản gia” trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ ý nghĩa bổ túc cho nhau. Dụ ngôn thứ nhất nói về việc Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm: vì không ai biết giờ nào trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác; Dụ ngôn Quản gia: người quản gia trung tín làm việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn những việc được giao, chứ không phải lúc nào có mặt chủ thì làm tốt con khi vắng mặt chủ thì bê tha. Cũng vậy, ngày giờ Chúa đến cũng rất bất ngờ, do đó, người tôi trung thì luôn phải có thái độ sẵn sàng chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp nhất.

Người ta kể rằng: một người dân thuộc bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hỏa hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông báo cáo với các chức sắc trong làng như sau: Người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu đó, hỏa hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc rằng tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Nào ngờ ngọn lửa cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước nỗi thất vọng của mọi người. Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa ư? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi, trái lại phải có lối sống chờ đợi Chúa đến bằng một thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: “…vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày, chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.

Trong một xưởng lắp ráp tàu thuyền ở Belford xứ Irlande, người ta chuẩn bị hạ thủy một con tàu xuyên đại dương với cái tên thật uy nghiêm: Titanic. Người ta tin rằng con tàu vĩ đại sẽ vượt sóng đại dương và coi thường những cơn bão tố của biển cả. Người ta còn thách thức đến cả sức mạnh của Thượng Đế cũng không thể làm gì được nó. Chính trong sự kiêu hãnh và kiêu ngạo như thế, con tàu đã bị đánh chìm bởi biển cả và bị nhận chìm xuống đáy đại dương với đa số khách trên chiếc tàu ấy.

Sống đức tin, đức cậy, đức mến trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.



THỨ SÁU TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 25,1-13

DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ
Dụ ngôn mười trinh nữ tiếp tục dạy về sự tỉnh thức:

* Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (chàng rể) đến.

* Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến.

* Tỉnh thức là lúc nào cũng chuẩn bị sẵng sàng (như đèn đầy đủ dầu).

* Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.

Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quí chuộng, và cuộc chờ đợi nào cũng tiềm ẩn niềm hy vọng và hạnh phúc: Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người đợi chờ bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Dụ ngôn mười cô trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn đầy yêu thương, với đèn đầy đủ dầu để cháy sáng cho đến lúc chàng rể đến.

Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ không ai có thể đoán trước được (Mt 25,1-13).

Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới là những cô đón rước chàng rể đến bất ngờ với đèn cháy sáng. Đèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ cho đèn của mình luôn được cháy sáng cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, cho dù chàng rể có đến chậm, cho dù gặp phải thử thách họ vẫn tỉnh thức đợi chờ.

Trong Tin Mừng có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan, 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là ích kỷ không? Chi tiết trên của dụ ngôn cho chúng ta hiểu thêm rằng trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin luôn cháy sáng, đó là điều không thể thay thế được, không thể vay mượn được của người khác, bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Mỗi người tín hữu cần được ơn Chúa soi sáng để hiểu và xác tín về dụ ngôn này: mỗi người tự gánh trách nhiệm về cuộc đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.

Muốn trở thành dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô trong cuộc sống, người tín hữu cần có ơn khôn ngoan của Thiên Chúa để vuợt qua những thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.

Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.

Lạy Chúa là ánh sáng muôn dân, xin mở mắt chúng con để chúng con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con chu toàn bổn phận của mình cho phù hợp với thánh ý Chúa.


THỨ BẢY TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 25,14-30

DỤ NGÔN NHỮNG NÉN BẠC
Dụ ngôn các nén bạc:

- Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít.

- Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người sử dụng những nén bạc đó. Bởi thế người đã lãnh 5 nén và người đã lãnh 2 nén mà sử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”.

- Cách sử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình, nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

Trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang vào giây phút cuối cùng lịch sử, Tin Mừng hôm nay được thánh Matthêu kể lại dụ ngôn về ông chủ trao cho các đầy tớ các nén bạc, và nhấn mạnh đến thái độ tích cực trong việc chờ đợi Chúa đến.

Nếu dụ ngôn về “Mười Người Trinh Nữ” đi đón chàng rể (Mt 25,1-13) nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực tỉnh thức chờ đợi chàng rể với đèn còn cháy sáng khi chàng rể đến vào lúc mọi người không ngờ trước, thì hôm nay “Dụ Ngôn Nén Bạc” giải thích rõ hơn về sự chờ đợi tích cực phải như thế nào?. Đó là phải dấn thân hoạt động để làm lợi thêm những tài năng đã lãnh nhận (x. Mt 25,14-30).

Người chủ trao những nén bạc cho đầy tớ, hiểu như chính Chúa Kitô trao cho mỗi người những tài năng khác nhau, mỗi người cũng được mời gọi làm sao để những tài năng ấy được sinh lợi thêm. Người đầy tớ thứ ba bị ông chủ trách phạt vì không sinh lợi, không làm trọn bổn phận mình. Trong sinh hoạt thiêng liêng, không làm mất đi nén bạc nào cũng không được, nhưng phải sinh lợi thêm mới được.

Những nén bạc được nhận lãnh từ Chúa không phải chỉ để dành riêng cho chúng ta, mà là cho tất cả. Chúng ta không phải là chủ các tài năng của mình, nhưng chỉ là quản lý mà thôi, do đó cần phải sử dụng tối đa để phục vụ Thiên Chúa và anh em xung quanh. Đạo Chúa đòi chúng ta phải dấn thân trong xã hội như “Men trong bột”.

Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là Đức tin. Đức tin được ban cho chúng ta một cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta có được đức tin mà không do bất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được chia sẻ là một niềm tin sống động, trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một niềm tin bị mai một và chết dần.

Câu chuyện cho thấy: trên đời này, mỗi người chúng ta là một quản lý của Chúa, phải sinh lời những nén bạc tuỳ theo vốn Chúa ban. Quản lý đúng là sử dụng ơn Chúa theo chủ đích của Chúa ban các ơn ấy; các ơn trong lãnh vực tự nhiên nhưng nhất là trong lãnh vực Nước trời: thời gian quản lý là cuộc đời mỗi người. Người tôi tớ khôn ngoan và trung thành sẽ được Chúa trọng thưởng.

Một thanh niên có thói quen ngủ rất say, luôn có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp anh đi làm ở một nơi xa nhà, mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi đi ngủ, nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh giơ tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ, và anh bị đuổi việc, khi anh trở về gia đình mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ, anh đáp chiếc đồng hồ hoàn toàn vô dụng đối với con.

Cho vô dụng là vì con không chịu dùng nó, mẹ anh đáp. Vậy bao nhiêu ơn lành Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không sử dụng đúng.

Ước gì lời ông chủ nói với người đầy tớ, cũng là lời Chúa nói với chúng con hôm nay: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23).
Lm. Giuse Phạm Thanh Minh
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter