Tình cảm gia đình là một cái gì đó rất thiêng liêng và cao cả. Gia đình là một sáng kiến tuyệt vời của Tạo Hoá, để qua đó, Ngài tiếp tục thực thi công trình sáng tạo với sự góp sức của con người. Từ tình yêu và sự kết hợp giữa người nam và người nữ, một mầm sống mới ra đời. Hơn ai hết, cha mẹ cảm nếm được niềm hạnh phúc lớn lao khi thấy thành quả tình yêu của mình hiển hiện ngay trước mắt. Ngay từ lúc đứa con ấy còn đang thành hình trong dạ mẹ, đã có một sự mong chờ thấp thỏm ngày đêm trong lòng. Đứa con ấy ra đời, là hình ảnh của chính cha mẹ, là máu là xương là thịt của cha mẹ, là bản sao di truyền tiếp nối từ đời này đến đời kia, và cứ thế, sự sống lan ra qua từng thế hệ.
Niềm hạnh phúc khi được làm cha làm mẹ chắc hẳn là chỉ có ai trong cuộc mới hiểu được. Niềm hạnh phúc ấy bao gồm cả những lắng lo, trách nhiệm. Cha mẹ là những người duy nhất trên thế giới này đã, đang và sẽ luôn cho con cái mình mọi thứ mà không cần chúng đền đáp gì, chỉ mong sao chúng được nên người, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Bởi thế, cha mẹ luôn dành cho mọi sự tốt nhất cho con cái, tình yêu thương, sự săn sóc, gần gũi… Đối với cha mẹ, con cái là cả thế giới, là mục đích sống, là niềm an vui, niềm hy vọng… là tất cả, nên dù con mình có lớn thế nào, thành công thế nào, thì vẫn chỉ là một đứa con bé bỏng trong mắt bố mẹ.
Là người theo dấu chân con từ khi con còn chưa biết gì cho đến khi con khôn lớn, cha mẹ luôn khắc ghi trong lòng từng phút giây đánh dấu sự phát triển của con. Thoáng một chốc, đứa bé ngày nào còn nằm gọn trong vòng tay mình, nay đã là những chàng trai cô gái trưởng thành, tung cánh bay đi tìm hạnh phúc cho bản thân. Đây sẽ là một khoảnh khắc vô cùng khó khăn đối với những bậc cha mẹ, vừa vui lại vừa buồn. Vui vì con đã lớn, đã có thể tự mình đứng trên đôi chân, tung cánh bay muôn phương. Buồn là vì từ nay, chúng sẽ không còn “kè kè” bên mình nữa, sẽ ít dành thời gian cho mình và mình cũng không còn là ưu tiên hàng đầu của con nữa. Có một chút ích kỷ rất riêng của người làm cha mẹ, khi lúc nào cũng luôn muốn giữ con cho riêng mình, không muốn san sẻ chúng với ai cả. Sự ích kỷ đó cũng nói lên tình thương rất đỗi thiêng liêng của cha mẹ khi sợ rằng khi con mình vào đời, nó có thể sẽ bị tổn thương, không được che chở, sẽ phải chịu đói chịu khát…
Khi con đã tìm được một tình yêu đích thực dành cho mình, cha mẹ nào cũng hiểu rằng đã đến lúc mình phải buông tay và nhường con mình cho một người khác. Gia đình vốn dĩ là điều rất thiêng liêng nhưng tự nó không đóng kín trong chính mình. Nó mở ra với những tình yêu khác, một tình yêu dành cho người không cùng máu huyết. Kinh Thánh đã diễn tả nó qua hình ảnh “lìa bỏ cha mẹ mình để kết hợp với người bạn đời.” Thật khó để có thể đón nhận điều này, dù rằng cha mẹ nào cũng vui nếu con mình tìm thấy được hạnh phúc riêng của bản thân. Xét cho cùng, cha mẹ sinh con vào đời, nhưng đâu làm chủ cuộc sống của con. Con được cha mẹ đưa vào hiện hữu, nhưng mỗi người đều có thụ hưởng một sự sống riêng. Con đã từng là tất cả cha mẹ, và vẫn mãi luôn là tất cả, chỉ có điều, giờ đây, cha mẹ phải tập buông tay, để con được tự do dựng xây hạnh phúc riêng của mình.
Giây phút con lập gia đình đánh dấu một chặng đường mới, nơi đó, nó tập gánh lấy một trách nhiệm chung với một người khác để tạo lập một gia đình riêng. Kể từ giờ phút đó, người con đã đồng thời trở thành người vợ hoặc người chồng, cũng hệt như mình năm xưa. Nếu nói một cách phũ phàng, cha mẹ giờ đây đã được xếp vào hàng thứ hai rồi, vợ-chồng-con cái mới nằm ở vị trí ưu tiên số một. Có lẽ vì không muốn chấp nhận sự thật này nên nhiều bậc cha mẹ đã luôn tìm cách níu kéo, khống chế, và hay can thiệp quá sâu vào gia đình riêng của con cái mình. Họ cứ cố khăng khăng cầm giữ con mình trong tay, không chịu mở lòng ra để đón nhận thêm một người con khác. Cũng chính từ đây là biết bao bi kịch, xung khắc trong gia đình xảy đến.
Trong ý định của Tạo Hoá, cha mẹ đóng vai trò là người cộng tác để sản sinh con cái và nuôi dạy chúng thành người. Thiên Chúa đã đặt giữa cha mẹ và con cái một mối dây gắn kết bền chặt đến nỗi không ai và không gì trên thế giới này có thể cắt đứt nó. Người ta có thể chia tay người yêu, ly dị với bạn đời, chấm dứt tương quan với người khác, nhưng chẳng ai có thể làm gì để trở nên “không còn là con cái hay là cha mẹ” của ai đó được. Tương quan cha mẹ – con cái gắn liền với chính sự hiện hữu của mình, với chính mình. Chẳng ai có thể tồn tại mà không đồng thời là con của một người nào đó, bởi lẽ, ta hiện diện trên đời là nhờ được sinh ra chứ không phải tự nhiên mà có. Dù là bền chặt như vậy, tất cả đều được mời gọi để đảm nhận lấy sứ mạng của mình theo một cách thức riêng. Gia đình là nơi ta thành hình, và cũng là nơi ta khởi hành ra đi. Cha mẹ là người đưa ta vào đời, nuôi ta lớn khôn để rồi vẫy tay tiễn đưa ta đi vào thế giới. Có một sự cắt đứt nào đó diễn ra, và dĩ nhiên, nó luôn khiến cả hai mang những nỗi niềm bâng khuâng. Nhưng chính nhờ sự cắt đứt này mà con người được lớn lên và sự sống được tiếp tục lan toả đến tận cùng bờ cõi theo lệnh truyền của Thiên Chúa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ