XÃ HỘI :Trong phần thứ nhất, chúng ta đã tìm hiểu về việc canh tân đời sống đạo đức trong gia đình vì theo tôi nghĩ tinh thần đạo đức chính là yếu tố căn bản, nhờ đó chúng ta sẽ tạo được một bàu khí yêu thương, sẽ bắc được một nhịp cầu cảm thông, để mọi người xích lại gần nhau hơn với một sự hòa thuận đầm ấm.
Tiếp nối vào đó, trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu và cố gắng đổi mới những liên hệ trong gia đình. Trước hết là mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ.
Nói đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ, chúng ta nghĩ ngay tới chữ hiếu. Đúng thế, chữ hiếu đã in sâu vào tim óc người Việt Nam và đã trở thành một cái “đạo” cho mọi người sống và tuân theo.
Đi tìm nguồn gốc, chúng ta thấy quan niệm về chữ hiếu mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo.
Thực vậy, theo Khổng tử người con trai phải có ngũ thường, năm nhân đức cần phải tập luyện, đó là nhân nghĩa lễ trí tín. Như thế, cố gắng đầu tiên của Khổng tử là dạy người ta đạt tới đạo nhân, tức là làm cho người ta lúc nào cũng ngập tràn những tình cảm hiền hòa và chân thành.
Lẽ thường cha mẹ và anh chị em là những người thân thiết với chúng ta hơn cả, thì đương nhiên chúng ta phải kính, phải yêu trước đã, rồi đối với người ngoài mới có lòng từ ái và mến thương được.
Nếu ở với cha mẹ mà không hiếu thảo, ở với anh chị em mà không kính yêu, tức là tình cảm của chúng ta rất đỗi tệ bạc, thì làm sao có thể yêu thương được người dưng nước lã.
Đồng thời, Nho giáo còn chủ trương tam cương, nghĩa là trong xã hội có ba rường cột chính nâng đỡ và chi phối mọi hoạt động của chúng ta. Ba rường cột ấy gồm quân thần, phụ tử và phu phụ. Đạo vua tôi, đạo cha con và đạo vợ chồng.
Đi vào xã hội, chúng ta thấy người Việt Nam rất gần gũi với quan niệm sống kể trên. Thực vậy, một đứa con bất hiếu, có những hành vi thiếu trọng kính và tệ bạc đối với cha mẹ, sẽ bị coi là đồ bỏ và nhiều khi còn bị xã hội Việt Nam dành cho những hình phạt thật nặng nề và nghiêm khắc, tùy theo tập tục của từng địa phương, của từng thời đại, chẳng hạn như gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông….
Chính vì thế, tục ngữ ca dao cũng như thơ văn cổ xưa không thiếu những lời khuyên chân thành và cụ thể. Thí dụ Nguyễn công Trứ đã viết :
- Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Nguyễn đình Chiểu đã khuyên nhủ :
- Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Nhiều khi trong những hoàn cảnh éo le, bên tình bên hiếu, bên nào trọng hơn, người ta đã dám hy sinh cả mảnh tình riêng tư để giữ cho tròn đạo hiếu.
Ngoài ra, trong xã hội Việt Nam ngày xưa, cuốn “Nhị thập tứ hiếu”, câu chuyện về hai mươi bốn người con có hiếu, được viết ra để làm gì, nếu không phải để nêu lên cho hậu thế những mẫu gương sáng chói mà noi theo.
Chúng ta có thể mượn lời ca dao sau đây để đúc kết về chữ hiếu của người Việt Nam :
- Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
KINH THÁNH
Đọc lại Kinh thánh, chúng ta cũng sẽ tìm thấy được những quan niệm tương tự như thế.
Thực vậy, điều răn thứ tư của Cựu ước đã qui định những gì, nếu kông phải là những bổn phận của con cái đối với cha mẹ.
Sáng Xuất Ai Cập đã viết :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ hầu ngươi được trường thọ trên đất Thiên Chúa sẽ ban cho.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc lại giới luật trên. Chẳng hạn khi chàng thanh niên đầy thiện chí đến hỏi Chúa :
- Lạy Thày nhân lành, con phải làm gì để được sông muôn đời.
Ngài đã trả lời:
- Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, hãy tuân giữ các giới răn : chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ và yêu thương anh em như chính mình vậy.
Rồi thánh Phaolô, trong bức thư mục vụ gửi giáo dân Êphêsô cũng đã viết :
- Ai thảo kính cha mẹ thì làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương cho chúng ta.
Thực vậy, nhìn vào mái nhà Nagiarét, chúng ta thấy được một sự đảo lộn, một sự khác biệt về trật tự và uy quuyền. Trước mặt Thiên Chúa , thì Chúa Giêsu là người cao trọng nhất, rồi tới Đức Mẹ và thánh Giuse. Còn trước mặt nhân loại, thì người gia trưởng có uy tín và quyền thế nhất lại là thánh Giuse, rồi tới Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu luôn nghe lời thánh Giuse và Mẹ Maria.
Để kết thúc về quãng đời thơ ấu của Ngài, thánh Luca đã viết :
- Sau đó, trẻ Giêsu trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.
Xem thế chúng ta thấy : mặc dầu là Chúa trời đất , Ngài cũng đã chu toàn nghĩa vụ của một người con hiêu thảo trong gia đình hầu đem lại cho chúng ta một bài học và nêu lên cho chúng ta một mẫu gương để bắt chước.
Tới đây, tôi xin kể laị môt mẩu chuyện.
Nhà tỉ phú nọ chết đi, để lai một gia tài to lớn. Trên pháp lý gia tài này thuộc về người con trai duy nhất của ông ta. Nhưng kẹt một nỗi, cậu con trai duy nhất ấy lại được gửi đi du học ở ngoại quốc ngay từ hồi còn nhỏ, nên không một ai biết mặt, dù là họ hàng thân thích.
Ngày kia, có ba chàng thanh niên đến khóc lóc, biêu lộ niềm thương tiếc, đồng thời nhận mình là con của nhà tỷ phú và xin lãnh nhận phần gia tài.
Ông quan tòa là nguời đang quản lý gia tài ấy bèn truyền cho vẽ bức ảnh của nhà tỉ phú, ghi một chữ thập đỏ ở giữa ngực rồi bảo :
- Ai trong các anh bắn trúng chữ thập đỏ, thì sẽ nhận được phần gia tài.
Người thứ nhất cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào ngay sát chữ thập đỏ và được ông quan tòa khen :
- Anh bắn khá lắm.
Người thứ hai cũng cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào chữ thập đỏ, nhưng chưa trúng giữa, chỗ hai đường giao nhau. Ông quan tòa cũng khen :
- Tốt lắm, rất khá.
Sau cùng người thứ ba cũng cầm súng, giơ lên và ngắm bắn … nhưng rồi lại hạ xuống. Anh giơ lên rồi lại hạ xuống, thái độ phân vân và suy nghĩ, khiến ông quan tòa phải hối thúc :
-Nào bắn đi chứ để chúng tôi trao phần gia tài.
Anh lại giơ súng lên, nhưng cuối cùng đã vứt khẩu súng đi. Anh thở dài và nói :
- Dù đây chỉ là một hình vẽ, nhưng là hình vẽ của ba tôi, nên tôi không thể bắn vào. Thà rằng tôi đành mất phần sản nghiệp còn hơn là bắn vào hình ba tôi.
Ông quan tòa vui vẻ vỗ vai anh và nói :
- Anh mới thực là người con hiếu thảo. Và như thế phần sản nghiệp sẽ thuôc về anh.
Để kết luận, tôi xin ghi lại nơi đây điều răn thứ tư Chúa đã truyền cho ông Maisen trên đỉnh Sinai :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, hầu ngươi được trường thọ trên miền đất ThiêChúa hứa ban cho ngươi.