LÝ DO.
Bài trước chúng ta đã dựa vào Kinh thánh và nền luân lý cổ truyền của dân tộc Việt Nam để trình bày về nghĩa vụ thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ và chúng ta đã dừng lại ở điều răn thứ tư của Thiên Chúa :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ để được trường thọ trên miền đất Ta sẽ ban.
Kể từ bài này, chúng ta sẽ đi sâu vào nghĩa vụ hiếu thảo. Vậy nghĩa vụ ấy bao gồn những bổn phận nào ? Tôi xin thưa :
- Nghĩa vụ ấy bao gồm bốn bổn phận chính yếu, đó là yêu mến, trọng kính, vâng lời và giúp đỡ.
Trước hết, chúng ta cùng nhau bàn về bổn phận yêu mến cha mẹ.
Nói tới bổn phận yêu mến cha mẹ, tôi nghĩ ngay đến một mẩu chuyện về anh nhạc sĩ có tên gọi là Rousseau.
Đúng thế, anh là một nhạc sĩ tài ba. Mỗi lần trình diễn, anh đều được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Báo chí đăng tải những thành công rực rỡ của anh. Người cha già của anh ở miền quê hay biết, ông quyết định dành dụm một số tiền để lên tỉnh xem anh biểu diễn.
Và quả thực, người ta đã hoan hô, đã ca tụng con ông hết mình. Ông vui mừng và sung sướng. Sau buổi trình diễn, ông ra đứng ở cửa rạp chờ con. Khi anh nhạc sĩ đi ngang qua, ông đã nói lớn cho mọi người hay Rousseau chính là con của mình. Thế nhưng, anh nhạc sĩ đã lạnh lùng nhìn ông và nói :
- Ông mà là bố của tôi à.
Rồi anh yên lặng bỏ đi. Trước thái độ bất hiếu này, báo chí đã phê bình gay gắt và khán giả đã tẩy chay anh.
Đó cũng là một bài học cho chúng ta suy nghĩ. Những người con bất hiếu sẽ bị coi thường, sẽ bị tẩy chay như vậy. Và nhất là xã hội Việt Nam, một xã hội vốn trọng chữ hiếu, chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động, những thái độ như thế.
Vậy tại sao chúng ta lại phải yêu mến cha mẹ ?
Trước hết, vì Thiên Chúa đã truyền dạy.
Thực vậy, như chúng ta vừa nói điều răn thứ tư Thiên Chúa truyền cho Maisen trên đỉnh Sinai, được khắc ghi trên bia đá như thế này :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, để ngươi được trường thọ trên miền đất Ta sẽ ban.
Sở dĩ như vậy, vì cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta.
Vào năm 1958, người ta đã tổ chức trọng thể để đón tiếp đức hồng y Aganianian, đến chủ tọa đại hội Thánh Mẫu toàn quốc. Hay như cách đây mấy năm, người ta cũng đã chào đón long trọng đức hồng y Rossi. Tại sao thế ? Tôi xin thưa vì các đức hồng y này là những vị đặc sứ, thay mặt cho Đức Giáo hoàng để đến với Giáo Hội Việt Nam.
Trong lãnh vực ngoại giao, chúng ta phải trọng kính các vị đại sứ vì họ ở giữa chúng ta, thay mặt cho tổng thống, cho chính phủ, cho nhân dân của quốc gia họ. Và công pháp quốc tế thường lên án gắt gao những vụ xâm chiếm tòa đại sứ hay bắt cóc các vị đại sứ.
Thế nhưng, ai cao trọng và quyền phép cho bằng Thiên Chúa ? Vì vậy, cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta, nên chúng ta phải yêu mến và trọng kính đối với các ngài.
Hơn thế nữa, cha mẹ còn là những người đã làm ơn cho chúng ta.
Người làm ơn có thể không đòi phải đền ơn, thế nhưng một khi đã nhận ơn của ai, chúng ta có bổn phận phải nhớ ơn và
đền ơn. Cách nhớ ơn và đền ơn ý nghĩa nhất đó là hãy yêu mến các ngài.
Đúng thế, nhờ các ngài chúng ta mới có mặt và hiện diện trong cuộc sống. Nếu cha mẹ là những kẻ ích kỷ, chỉ muốn tìm lấy những vui thú và hưởng thụ bằng những phương pháp ngừa thai và phá thai một cách bừa bãi, chắc chắn chúng ta đã không được diễm phúc mở mắt chào đời và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Làm sao kể ra cho hết những khổ đau, những vất vả, những hy sinh cha mẹ đã phải chịu vì chúng ta suốt chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và nuôi dạy chúng ta nên người.
Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh người mẹ đã phải thức trắng nhiều đêm để canh giữ giấc ngủ cho đứa con, khi nó đau ốm. Chúng ta hãy nghĩ đến những giọt mồ hôi chảy xuống trên khuôn mặt người cha trong những giờ lao động cực nhọc ngoài đồng ruộng nóng cháy, trong hầm đá mệt mỏi, hay tại nhà máy ồn ào đinh tai nhức óc….tất cả những việc ấy để làm gì nếu không phải là để kiếm tiền về nuôi sống chúng ta và gia đình.
Bởi đó, chúng ta mắc nợ cha mẹ nhiều lắm, không phải chỉ mắc nợ về tiền bạc vật chất, mà còn mắc nợ về tình yêu thương. Một khi đã mắc nợ về tình yêu thương thì chỉ có thể đáp trả lai bằng tình yêu thương mà thôi. Chính vì thế, chúng ta phải yêu mến cha mẹ
Ca dao tục ngữ đã nhiều lần khuyên nhủ :
- Dạy con, con chớ quên lời,
Yêu cha mến mẹ suốt đời không quên.
- Khuyên ai thương lấy mẹ già,
Sống mà ngồi đó bằng ba kho tiền.
Bổn phận làm con là phải lấy chữ hiếu làm đầu. Và một trong những điều chính yếu của chữ hiếu là yêu mến. Hay như thày Mạnh tử đã bảo :
- Chung thân mộ phụ mẫu, nghĩa là phải yêu mến cha mẹ suốt đời.
BIỂU LỘ.
Thế nhưng tình yêu không có việc làm chỉ là một tình yêu đã chết. Chúng ta không thể chỉ cho người khác một tình yêu không việc làm. Trái lại, chúng ta có thể dùng chính những việc làm dù nhỏ bé tầm thường nhất để chỉ cho người khác thấy tình yêu của chúng ta đậm đà đến chừng nào và quyến luyến biết bao nhiêu ?
Cũng vậy, chúng ta phải biểu lộ lòng yêu mến đôi với cha mẹ bằng những hành động, những thái độ, những cử chỉ bên ngoài.
Trước hết là trong tư tưởng.
Hãy cầu nguyện cho cha mẹ và mong ước cho các ngài được mọi sự tốt lành. Khi mong ước cho ai được mọi sự tốt lành là chúng ta đã lưu ý đến họ. Và khi đã lưu ý đến họ, thì ít nữa là một cách thức gián tiếp, chúng ta đã góp phần xây dựng cuộc đời của họ.
Nhìn vào thực tế, chúng ta phải lấy làm đau buồn mà thú nhận rằng : có những đứa con đã chì chiết cha mẹ, đã rủa thầm cha mẹ và cả gan dám mong cho cha mẹ sớm chết đi. Đó không phải là thái độ của người con hiếu thảo.
Trái lại, hãy cầu nguyện cho cha mẹ, biết đâu vì những lời kinh ấy, cha mẹ sẽ dứt bỏ được nếp sống khô khan nguội lạnh, hay sửa đổi được nết xấu này, thói hư nọ.
Thứ đến là trong lời nói.
Chúa Giêsu đã bảo :
- Lòng đầy thì mới tràn ra ngoài.
Căn cứ vào lời nói, người ta có thể đánh giá được con người và hiểu được cõi lòng chúng ta.
Thực vậy, nếu môi miệng chúng ta có những lời trọng kính, thì cõi lòng chúng ta mới thực sự yêu mến. Bởi đó, hãy dùng những lời nói ôn tồn, lịch sự và tử tế mỗi khi muốn nói với cha mẹ điều gì. Chúng ta hãy trình thưa vâng dạ hẳn hoi. Rồi những danh xưng cũng phải thân mật những đầy sự trọng kính như : thưa ba, thưa má…chứ không phải là ông ấy hay bà ấy, ông via hay bà via, ông già hay bà già…
Sau cùng là trong việc làm.
Tư tưởng thì trừu tượng khó mà kiểm chứng. Lời nói thì nhiều lúc trở thành bôi bác giả hình. Bởi đó, cách thức biểu lộ tình yêu có ý nghĩa nhất vẫn là những việc làm của chúng ta.
Khi còn bé, hãy cố gắng chu toàn những công việc bổn phận. Chẳng hạn nếu còn được diễm phúc cắp sách đến trường, thì hãy chu toàn bổn phận của người học trò : chăm chỉ học hành, không bỏ phí thời giờ, cũng như vui vẻ vâng lời thày cô. Có chăm chỉ học hành, có vâng lời thày cô thì mới không phụ những công lao vất vả cha mẹ đã phải chịu vì chúng ta.
Khi đã khôn lớn, chúng ta hãy giúp đỡ những công việc lặt vặt trong gia đình như thổi cơm, rửa bát…Chúng ta thử tưởng tượng một người cha đi làm quần quật suốt ngày ở ngoài đồng, mồ hôi mồ kê chảy ra nhễ nhại, thế mà khi về tới nhà thì nồi cơm chưa có, khiến ông lại phải lủi thủi vào bếp, châm lửa, vo gạo và thổi cơm. Trong khi đó, cô con gái, lấy lý do ôn bài, nằm võng coi tiểu thuyết, xem truyền hình hay đang sơn sửa móng chân móng tay.
Rồi một mai khi đã bước xuống cuộc đời, chúng ta có bổn phận phải góp phần bảo đảm đời sống vật chất của gia đình. Các sách luân lý đã qui định : nếu còn ăn cơm trong gia đình thì chúng ta có bổn phận phải đem số tiền lời do buôn bán hay số tiền công chúng ta lãnh hàng tháng về cho cha mẹ để làm giảm bớt gánh nặng kinh tế trong gia đình. Hãy biết hy sinh cho cha nẹ trong cuộc sống thường ngày.
Thuở xưa, có một ông quan đại thần chẳng may phạm tội và bị nhà vua tuyên án xử trảm. Trước án lệnh của nhà vua, người con trai đã làm đơn dâng lên nhà vua để xin chết thay cho cha. Nhà vua đọc xong bèn cảm động và truyền tha cho người cha, rồi khen ngợi người con là có hiếu, trọng thưởng tiền bạc và cất nhắc lên một chức vụ lớn trong triều.
Dĩ nhiên chúng ta không có những dịp trọng đại đến độ phải hy sinh mạng sống vì cha mẹ. Lãnh vực của chúng ta thì nhỏ bé, âm thầm và khiêm tốn hơn.
Tiên vàn là phải biết chịu đựng. Người ta thường bảo :
- Bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng.
Hơn thế nữa :
- Nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình.
Bởi đó, trong cuộc sống chung, chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội, những hiểu lầm, những buồn phiền…Hãy biết nhường nhịn và chịu đựng, quên đi và tha thứ để nhờ đó tạo được một bàu khí hòa thuận, bắc được một nhịp cầu cảm thông vì một sự nhịn là chín sự lành.
Tiếp đến là hãy tế nhị làm cho cha mẹ được vui lòng qua những hành động nho nhỏ.
Chẳng hạn ba tôi là người hút thuốc lào, nên thỉnh thoảng tôi có thể hy sinh đánh điếu cho ba. Chẳng hạn mẹ tôi là người thích ăn trầu, nên mỗi khi đi chợ, tôi có thể mua cho mẹ một chục cau tươi hay một mớ trầu vàng.
Đó là những biểu lộ tình cảm tuy nhỏ bé nhưng lại có một ý nghĩa đậm đà và sâu xa.
Để kết luận, tôi xin ghi lại nơi đây một vài tư tưởng để hướng dẫn cho hành động của chúng ta.
Tư tưởng thứ nhất của thày Mạnh tử :
- Có năm điều bất hiếu, một là trễ biếng tay chân chẳng đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ. Hai là cờ bạc rượu chè chẳng ngó ngàng chi tới cha mẹ. Ba là thích tiền bạc lo riêng cho vợ con mà chẳng lo cho cha mẹ. Bốn là theo người tai mắt mà làm nhục cho mẹ và sau cùng năm là tranh đua để làm hại cha mẹ.
Tư tưởng thứ hai của ngạn ngữ Trung hoa :
- Đạo hiếu có ba hình thức, cao nhất là giúp đỡ cha mẹ, kế đến là không làm buồn lòng cha mẹ và sau cùng là chịu đựng cha mẹ.
Tư tưởng thứ ba của tục ngữ Việt Nam :
- Dạy con, con chớ quên lời,
Yêu cha mến mẹ suốt đời chẳng quên.