SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 15 TN

THỨ HAI TUẦN 15 TN (Mt 10,34-11,1)

NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ

“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng

sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,38-39) 

Suy niệm: Một học sinh lớp 5 nói với bạn mình là người công giáo rằng: Chúa của bạn ác lắm, vì Chúa của bạn đòi hễ ai tin Chúa thì phải bỏ những thứ mình có và phải vác thập giá mà theo Chúa!!! Lời con trẻ đơn sơ nhưng chứa đựng một chân lý nhức nhối về phía chúng ta. Theo tính tự nhiên, ai mà chẳng dị ứng đối với thập giá! Chúa cũng biết thế – Ngài đã chẳng run sợ đến mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu là gì? Thế nhưng Ngài vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.” Chúa không phải là người thích chịu đau khổ để tự hành hạ mình hay thấy người khác đau khổ mà lấy làm vui. Chúa phát biểu một qui luật mà thoạt nghe có vẻ như nghịch lý: Khư khư giữ lấy thì bị mất; còn dám liều chịu mất cả mạng sống vì Chúa thì lại lấy lại được. Chúa Giê-su hoá giải nghịch lý thập giá và chứng minh tính đúng đắn của qui luật đó qua cái chết và phục sinh của chính Ngài: “Phải qua đau khổ mới tiến được vào vinh quang.”

Mời Bạn: Nếu bạn biết Chúa chịu khổ nạn như thế là để đền bù thay cho bạn, vì tội của bạn thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” nữa không? Nếu bạn biết Ngài mời bạn cùng vác thập giá để được hạnh phúc với Ngài, thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” với bạn nữa không?

Sống Lời Chúa: Bạn thấy việc bổn phận nào đang là thập giá cho bạn? Bạn hãy chu toàn việc đó cách vui lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thương Chúa đã chịu khổ vì con. Xin cho con biết vác thập giá mình để đáp lại tình thương của Chúa.


18/07/17 THỨ BA TUẦN 15 TN (Mt 11,20-24)

THÔI ĐỪNG CỨNG LÒNG

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ.” (Mt 11,23) 

Suy niệm: Xu hướng hưởng thụ đang lên ngôi trong tâm trí con người. Của cải vật chất được bày biện ngày càng nhiều lại càng hấp dẫn khiến dường như việc kiếm tiền của là mục đích duy nhất của người thời đại. Lý tưởng sống cao đẹp đã bị “di dời, giải toả” khỏi sinh hoạt thuờng nhật. Mối quan hệ với người nghèo, người cô thế, người bất hạnh cần được an ủi không còn nằm trong kế hoạch hằng ngày nữa. Mọi thứ đã bị qui đổi ra tiền, kể cả giá trị con người cũng được đánh giá dựa trên những gì nó sở hữu. Đi theo sau xu hướng hưởng thụ vật chất là hưởng thụ thú vui thể xác. Đáng thương thay! Người ta đang “xuống cấp” mà lại tưởng mình “lên đời”. Chúa Giê-su cảnh báo người thời đại đừng ảo tưởng mình đang “được nâng lên tận trời”, nhưng hãy cấp thời tái lập vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, phục hồi địa vị cao đẹp của người làm con Chúa và nối lại mối thân tình với tha nhân.

Mời bạn: Bạn ơi! Thôi đừng cứng lòng nữa! Nhưng hãy là cánh tay hữu hình của Chúa nơi trần gian, thực hiện lý tưởng sống đẹp của người Ki-tô hữu để chuyển giao sứ điệp đó cho mọi người trong thế giới hôm nay.

Chia sẻ: Kể cho nhau gương sống Tin Mừng của một người bạn quen biết.

Sống lời Chúa: Xét xem bạn dành cho Thiên Chúa vị trí nào trong tâm trí bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng con là cánh tay hữu hình Chúa dùng nơi trần gian để thức tỉnh mọi người khỏi cơn mê vật chất, bằng một đời sống thanh bần và kính sợ Chúa.


19/07/17 THỨ TƯ TUẦN 15 TN (Mt 11,25-27)


TRỞ NÊN NGƯỜI BÉ MỌN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25) 

Suy niệm: Những người thông thái đây là ai vậy? Đối với người Do Thái, người thông thái là người sành sỏi sách Luật. Niềm tự mãn thông biết Lề Luật đã biến họ thành con người giàu kiến thức nhưng lại nghèo thiện chí tìm kiếm Nước Trời. Còn những người bé mọn mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, họ là những ai? Họ là những người nghèo khó, thất học, bệnh tật, bị bỏ rơi, v.v. Tấm lòng chân thành là điểm chung ở họ. Kinh nghiệm truyền giáo đã cho Chúa Giê-su một kết luận “trên cả tuyệt vời” là: chính Thiên Chúa mở lòng cho con người biết mầu nhiệm Nước Trời. Ngài là tác nhân cho những tâm hồn dễ mở lòng đón nhận đức tin. Nơi họ không có thành kiến, không tự mãn về tài trí mà chỉ có lòng chân thành, niềm khao khát được ủi an, chia sẻ. Kinh nghiệm này củng cố tinh thần Ki-tô hữu biết bao, nhất là những lúc chưa thấy được kết quả trong việc truyền giáo.

Mời Bạn: Lần sau cùng bạn cảm tạ Chúa về công việc truyền giáo tới nay là bao lâu rồi? Con tim bạn có rung động trước việc Chúa mạc khải cho bạn và những người bạn đang truyền giáo về mầu nhiệm Nước Trời không?

Chia sẻ: Lời tạ ơn như Chúa Giê-su gây niềm cảm hứng cho Ki-tô hữu trong việc truyền giáo thế nào?

Sống Lời Chúa: Dâng lời cảm tạ Chúa cách chân thành như Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.


20/07/17 THỨ NĂM TUẦN 15 TN

Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo 
Mt 11,28-30

ÁCH CỦA CHÚA GIÊ-SU

“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,30) 


Suy niệm: Cái “ách”, biểu tượng của khổ sai, nô dịch, của nặng nề, tủi nhục, thế mà Chúa Giê-su lại bảo “Hãy mang ách của Ngài” vì nó “êm ái, nhẹ nhàng”! Một điều thật khó nghe đối với ai không học trong trường của Chúa Giê-su. Thoát khỏi cái ách nặng nề của những quy định hết sức rối rắm, chi li trong đạo Do thái để rồi lại khoác lấy ách của Giê-su, phải chăng là rơi vào cái vòng luẩn quẩn? Trái tim Chúa Giê-su đang thổn thức vì đủ thứ “ách nặng nề” đang đè lên vai những con người bé mọn, nghèo đói, bị bỏ rơi… của tất cả mọi thời đại. Ngài mời chúng ta đến nghỉ ngơi bồi dưỡng trong trái tim đầy yêu thương của Ngài. Ngài đề nghị chúng ta vác lấy cái ách của Ngài bằng cách chỉ cần trút bỏ đi lối sống ích kỷ của chúng ta và mặc lấy tâm tình hiền hậu và khiêm nhường của Ngài thì lập những cái ách nặng nề sẽ trở nên nhẹ nhàng êm ái.

Mời Bạn: Những phút giây bạn đến cầu nguyện với Chúa Giê-su là một sự nghỉ ngơi trong Ngài hay đó là một gánh nặng nề, nhàm chán đối với bạn?

Chia sẻ: Bổn phận và luật buộc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật có trở thành “ách nặng nề” với bạn không? Làm thế nào để điều đó trở thành “êm ái, nhẹ nhàng” với bạn?

Sống Lời Chúa: Tìm một dịp để cảm thông và chia sẻ với những người đang có tâm sự buồn phiền. Một lần viếng thăm, một cuộc điện thoại... Tại sao không, ngay lúc này?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con phú dâng tất cả mọi gánh nặng của đời sống con cho Chúa. Xin ban cho con một con tim quảng đại để nâng đỡ những gánh nặng của anh em con. Và đừng để con trở nên gánh nặng cho người khác.


21/07/17 THỨ SÁU TUẦN 15 TN

Th. Lô-ren-sô Brin-đi-si, linh mục, tiến sĩ HT 
Mt 12,1-8

TÂM TÌNH GIỮ LUẬT

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.” (Mt 12,7) 

Suy niệm: Luật có hai đặc tính trái ngược tưởng như không thể dung hoà với nhau: luật có thể là những chữ viết vô hồn, khô khan, nhưng đồng thời lại có thể có hồn, sinh động. Người thổi cái hồn cho luật là người thi hành luật cách công tâm, với ý hướng bảo vệ trật tự và thiện ích chung của con người. Người áp dụng luật nhằm lợi lộc, quyền uy cá nhân, sẽ làm mất đi thiện ích chung, cũng như dẫn đến độc tài. Ngoài người thi hành luật, luật có hồn hay vô hồn còn tuỳ nơi ý hướng của người giữ luật. Với người giữ luật có tâm tình kính trọng Thiên Chúa, yêu mến con người, luật sẽ đem lại hạnh phúc, niềm vui cho chính người ấy cũng như cho mọi người.

Mời Bạn: Hai thái cực: óc duy luật và thái độ bất cần luật đều phản ánh tính ích kỷ. Ta phải biết dung hòa cho thích hợp với lợi ích chung. Luật nhằm đến thiện ích của bản thân và của cả cộng đoàn hay xã hội. Ý hướng khi giữ luật của bạn cũng quyết định giá trị việc giữ luật ấy của bạn trước mặt Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ xem lại ý hướng khi vâng giữ luật lệ của mình, từ luật dân sự cho đến luật tự nhiên và luật Hội Thánh. Tôi theo lời dạy của Thánh Âu-cơ-tinh khi giữ luật: “Hãy yêu rồi muốn làm gì cũng được.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, qua sách Tin Mừng, con thấy Chúa là mẫu gương trong vấn đề tuân giữ lề luật. Xin cho con ý thức “luật pháp Chúa toàn thiện, bổ sức cho tâm hồn… cho người dại nên khôn” (Tv 9) để con luôn trung thành bước đi trong đường lối Chúa dạy. Xin cho con tuân giữ lề luật vì yêu mến Chúa và tha nhân. Amen.


22/07/17 THỨ BẢY TUẦN 15 TN

Th. Ma-ri-a Mác-đa-la
Ga 20,1-2.11-18

HÃY KHÓC!

“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ.” (Ga 20,11)

Suy niệm: “Này bà, sao bà khóc?” Câu hỏi ấy của Chúa Giê-su xem ra hơi thừa, bởi một người đang đau khổ vì Thầy mình chết, nay lại bị ai lấy mất xác, thử hỏi làm sao không khóc? Tuy nhiên, khi nêu lên thắc mắc như vậy, Chúa Giê-su không có ý muốn biết lý do tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la khóc, mà chỉ muốn giúp chị phản tỉnh, để rồi thay cho những giọt nước mắt là niềm vui oà vỡ. Đã đành nước mắt, thứ ngôn ngữ không lời, cũng thật cần thiết: Chính Chúa Giê-su cũng từng khóc khi nghĩ đến ngày tàn của Đền thánh Giê-ru-sa-lem, hay khóc thương La-da-rô chôn trong mộ bốn ngày. Nhưng khác với Ma-ri-a, những giọt nước mắt của Chúa Giê-su chảy ra vì lòng xót thương, còn với Ma-ri-a, là những giọt nước mắt tuyệt vọng, mà nguyên nhân vì chưa lĩnh hội lời Chúa Giê-su từng phán lúc sinh thời: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều .... bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9,22).

Mời Bạn: Khi vác thập giá lên Đồi Sọ, Chúa Giê-su khuyên những kẻ khóc thương Ngài rằng: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lc 23,28). Qua đó, Ngài khuyên ta hãy biết khóc cho tội lỗi của mình, bởi chúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết. Và phúc cho ai biết khóc như vậy, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,5).

Chia sẻ: Bạn thường tỏ ra đau đớn trong những trường hợp nào?

Sống Lời Chúa: Đừng vô cảm trước nỗi đau của người khác, cũng đừng thờ ơ khi chứng kiến tội lỗi lan tràn, hãy biết xót thương và hành động vì lòng mến.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

5 Phút Lời Chúa
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter