Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống của Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người : có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.
Lời Chúa trong Thánh Kinh .
Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo hội đã khuyên nhủ chúng ta :”Thánh công đồng Vatican 2 nhiệt liệt cổ vũ các tín hữu chuyên cần lắng nghe và đọc Thánh Kinh, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì đó là khoa học cao siêu dạy về Chúa Kitô. Vì theo thánh Giêrônimô :”Không biết Thánh Kinh là không hiểu biết về Chúa Kitô”(cf Verbum Dei # 25). Thánh Kinh dạy cho chúng ta hiểu biết về Chúa, am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời, hay nói cách khác ,Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta thánh ý của Ngài.
Hạt giống lời Chúa là thứ hạt giống tốt có thể phát triển mạnh. Lời Chúa có thể thay đổi được lòng người nhưng Chúa không muốn can thiệp vào đời tư của con người một cách thô bạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.
Lời Chúa tự nó có sức mạnh vô biên. Ta có thể ví lời Chúa như nước chảy, nước rất mềm, nhưng có thể làm cho đá mòn như người ta thường nói :”Nuớc chảy đá mòn” (tục ngữ). Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề trong tâm hồn để trở nên những viên đá tròn trịa.
Thiên Chúa cứ gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng người, còn việc hạt giống đó có phát triển được hay không là do thái độ của tùng người có muốn cộng tác hay không.
Sống đạo bằng gì ?
Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng : họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng nhận lãnh các bí tích và bằêng tham dự các lễ nghi.
Đúng vậy, người Công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo ! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp sống đạo đâu ! Và nếu sống đạo bằng cách tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ ! Vả lại, đạo ở các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.
Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này. Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi. Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 387-388).
Mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi , địa vị, chức vụ và khả năng, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận sứ vụ rao giảng Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào hồn chúng ta, như sức sống nuôi dưỡng làm cho triển nở tới thời sung mãn, để rồi sau đó lại phải gieo rắc sự dư tràn đó vào lòng những người khác. Đó là sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta phải chu toàn.