Biện phân, thực ra, là ý niệm nòng cốt làm cột sống cho Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô. Ngài chỉ đem những gì ngài từng tu luyên suốt quãng thời gian ở trong Dòng và cả sau này nữa (gần 60 năm, vì ngài vào Dòng năm 1958) vào tông huấn từng gây ra thật nhiều tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo.
Điều ấy dễ hiểu, vì biện phân quả là nghệ thuật cao đẳng mà nếu tu luyện được, tín hữu Công Giáo chắc chắn trở thành môn đệ của Đức Kitô mà đặt vào bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, cũng vẫn rất mới và rất cổ, mô phỏng đầy đủ nguyên lý bất hủ: Chúa Kitô là hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Nhưng dường như chỉ những đấng thượng thừa may ra mới tu luyện được, người bình thường, khó lòng đạt tới, và do đó, nói đến nó, không những ít người nắm được mà còn hoang mang nữa.
Chính vì thế, khi đọc phát biểu gần đây của Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, người giáo dân bình thường thấy chới với. Chới với y như người đệ tử trong câu truyện hai thầy trò một vị chân tu đi đường, gặp vũng lội, thầy không do dự bế cô gái đẹp băng qua vũng lội ấy, rồi ung dung tiếp tục tiến bước, trong khi trò cứ bận tâm mãi không hiểu tại sao thầy lại đi bế cô gái đẹp, ngược với giới luật tu trì.
Quả vậy, theo Catholic World News ngày 22 tháng Hai, cha Bề Trên Cả Dòng Tên nói rằng: mọi tín lý của Giáo Hội đều phải được biện phân.
Trong một cuộc phỏng vấn của một nhà báo Thụy Sĩ, Cha Arturo Sosa Abascal nói rằng cả các lời của Chúa Giêsu cũng cần được cân đo trong “ngữ cảnh lịch sử” của chúng, lưu ý tới nền văn hóa trong đó Người sống, và cả các giới hạn nhân bản của những người viết ra các sách Tin Mừng.
Lúc trao đổi về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và ly dị, khi được hỏi về lời Chúa Kitô kết án ngoại tình, Cha Sosa nói rằng “phải suy nghĩ thật nhiều về điều Chúa Giêsu thực sự nói”.
Ngài cho biết tiếp: thời ấy, không ai có máy ghi âm để ghi lại các lời Chúa nói. Điều ta biết là lời lẽ của Chúa Giêsu cần phải được ngữ cảnh hóa, chúng được phát biểu trong một ngôn ngữ, một khung cảnh chuyên biệt, chúng được ngỏ với một ai đó đặc thù.
Cha Sosa giải thích rằng ngài không có ý tra vấn lời lẽ của Chúa Giêsu, nhưng theo ngài, cần phải khảo sát thêm nữa “lời lẽ của Chúa Giêsu như chúng ta giải thích chúng”. Ngài nói rằng diễn trình biện phân mới của ngài phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khi người phỏng vấn nhận xét rằng việc biện phân của một cá nhân có thể dẫn họ tới một kết luận không phù hợp với tín lý Công Giáo, Cha Bề Trên Cả Dòng Tên trả lời rằng: “đúng thế, vì tín lý không thay thế được biện phân, mà nó cũng không thay thế được Chúa Thánh Thần”.
Sợ rằng Catholic World News trích dẫn quá sơ sài lời nói quan trọng của Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, người giáo dân bình thường đi tìm đọc L’Espresso của Sandro Magister, thì thấy nguyên văn các câu hỏi thưa sau đây:
Hỏi: Đức Hồng Y Műller, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, có nói liên quan đến hôn nhân rằng lời lẽ của Chúa Giêsu rất rõ và “không quyền lực nào ở trên trời hay dưới đất, không thiên thần hay giáo hoàng nào, không công đồng hay luật giám mục nào có năng quyền thay đổi chúng”.
Cha Sosa: Như vậy thì phải suy nghĩ rất nhiều về điều Chúa Giêsu thực sự nói. Thời ấy, không ai có máy ghi âm để ghi lại các lời Chúa nói. Điều ta biết là lời lẽ của Chúa Giêsu cần phải được ngữ cảnh hóa, chúng được phát biểu trong một ngôn ngữ, một khung cảnh chuyên biệt, chúng được ngỏ với một ai đó đặc thù.
Hỏi: Nhưng nếu mọi lời của Chúa Giêsu phải được khảo sát và đem trở về với ngữ cảnh lịch sử của chúng, thì chúng đâu có giá trị tuyệt đối.
Cha Sosa: Suốt trong thế kỷ trước trong Giáo Hội, đã nở rộ thật nhiều cuộc nghiên cứu để tìm cách hiểu chính xác điều Chúa muốn nói... Đây không phải là thuyết duy tương đối, nhưng chứng thực rằng lời nói có tính tương đối, Tin Mừng do những con người nhân bản viết ra (?), nó được Giáo Hội chấp nhận mà Giáo Hội được lập thành bởi những con người nhân bản... Thành thử, đúng là không ai được thay đổi lời của Chúa Giêsu, nhưng ta phải biết lời ấy là lời nào!
Câu hỏi: Điều đó có thể xẩy ra cho cả câu trong Mátthêu 19:3-6: “Do đó, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”?
Cha Sosa: Tôi theo điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói. Ta không đem nó vào hoài nghi, ta đem nó vào biện phân...
Câu hỏi: Nhưng biện phân là đánh giá, là chọn lựa giữa các giải pháp khác nhau. Không còn nghĩa vụ phải theo một giải thích duy nhất nữa...
Cha Sosa: Không, nghĩa vụ vẫn còn đó, nhưng phải theo kết quả của biện phân.
Câu hỏi: Tuy nhiên, quyết định cuối cùng căn cứ vào phán đoán tương đối đối với nhiều giả thuyết khác nhau. Thành thử nó cũng xem xét cả giả thuyết cho rằng câu “loài người không được phân ly...” không chính xác như biểu kiến. Nói tóm lại, nó đem lời nói của Chúa Giêsu vào hoài nghi.
Cha Sosa: Không phải lời nói của Chúa Giêsu, mà là lời nói của Chúa Giêsu như chúng ta giải thích nó. Biện phân không chọn lựa giữa nhiều giả thuyết nhưng lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng, như Chúa Giêsu từng hứa, sẽ giúp chúng ta hiểu các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người.
Câu hỏi: Nhưng biện phân cách nào?
Cha Sosa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô biện phân theo Thánh Inhã, như toàn bộ Dòng Tên: Thánh Inhã nói, ta phải tìm thì sẽ thấy thánh ý Thiên Chúa. Đây không phải việc tìm tòi bông lông. Biện phân dẫn tới một quyết định: ta không chỉ đánh giá, mà phải quyết định.
Câu hỏi: Và ai phải quyết định?
Cha Sosa: Giáo Hội luôn nhắc đi nhắc lại tính ưu tiên của lương tâm bản thân.
Câu hỏi: Thế nếu sau khi biện phân, lương tâm bảo tôi rằng tôi có thể rước lễ dù qui luật không dự trù điều này...
Cha Sosa: Giáo Hội đã phát triển trong nhiều thế kỷ, nó không phải là một khối bêtông kiên cố. Giáo Hội được sinh ra, được học hỏi, có nhiều thay đổi. Đấy là lý do tại sao các công đồng chung đã được triệu tập, để giúp các khai triển tín lý được chú trọng. Tín lý (doctrine) là chữ tôi không thích lắm (?), nó mang theo hình ảnh cứng cỏi của đá. Thay vào đó, thực tại con người có nhiều sắc thái hơn, nó không bao giờ đen hoặc trắng, nó là một phát triển liên tục.
Câu hỏi: Hình như tôi hiểu ra rằng đối với cha ta phải dành ưu tiên cho việc thực hành biện phân tín lý.
Cha Sosa: Đúng, nhưng tín lý là một phần của biện phân. Biện phân đích thực không thể không có tín lý.
Câu hỏi: Nhưng nó có thể đạt tới những kết luận khác với tín lý.
Cha Sosa: Đúng như thế, vì tín lý không thay thế biện phân, nó cũng không thay thế Chúa Thánh Thần.
Đọc các nhận định trên, người giáo dân bình thường tuy không thể nói Cha Sosa sai, nhưng mong rằng một là ngài chỉ nên nói với những người như vị chân tu bồng cô gái đẹp mà lòng vẫn không một chút tư dục nổi lên. Hai là có thể người ta tường thuật sai không hẳn hết mọi điều ngài nói nhưng ít nhất điều này: tín lý là một phần của biện phân. Người giáo dân bình thường chỉ hiểu biện phân là để nhận ra sự thật của tín lý, nhận ra cho chính bản thân mình.
Vũ Văn An
Kỳ sau: Biện phân là gì?