Mùa chay chúng ta thường nói đến ba việc đạo đức không thể thiếu là ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái. Ba việc này giúp con người yếu đuối có dịp đền bù tội lỗi bằng hy sinh hãm mình trong chay tịnh để diệt trừ tính hưởng thụ, nuông chiều tính xác thịt, cùng cầu nguyện để trông cậy ơn Chúa giúp sửa bỏ lỗi lầm, nhất là biết làm việc bác ái để đền bù những lỗi công bằng bác ái với tha nhân.
Đây là việc tốt, việc nên làm, nhưng đáng tiếc nhiều người lại làm nhưng thiếu lòng sám hối chân thành. Dường như họ chỉ làm để phô trương việc danh thế nhiều hơn là vì muốn thăng tiến bản thân.
Đây là căn bệnh thành tích mà ngày nay người ta nói nhiều hay nói đến. Thích hoành tráng mà không cần cốt lõi. Thích khoe khoang bản thân mà sẵn sàng phung phí tiền của bừa bãi. Họ là loại người mà dân gian gọi là người thích phô trương.
Có thứ phô trương do sĩ diện, do tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” và để thích “oai”, thích “oách” hơn người. Nhưng cũng có thứ phô trương nhằm mục đích trục lợi được ẩn hiện dưới nhiều hình thức hết sức kín đáo ngay cả trong việc bác ái, từ thiện . . .
Thói phô trương, huênh hoang đã trở thành một nhu cầu, một thói quen trong cuộc sống của họ đến mức không khoe những việc mình làm thì không thể nào chịu được. Việc nhỏ họ cũng khoe. Việc lớn càng khiến họ đánh bóng tên tuổi mình. Dường như khoe khoang phô trương là cách họ thỏa mãn tính tự cao tự đại của họ.
Có anh chàng tính hay khoe khoang. Một hôm, may được cái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua để người ta khen. Đứng mãi từ sáng đến chiều chả thấy ai hỏi cả, anh ta tức lắm.
Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to:
- Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?
Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:
- Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!
Đây là truyện cười “Lợn cưới áo mới” trong kho tàng văn học Việt Nam. Cha ông ta muốn mượn tình huống hài hước, khoe khoang của hai người đàn ông để phản ánh và chế giễu những người có lối sống khoe của một cách quá trớn, khoe không có điểm dừng và không khéo léo. Hai anh khoe của chạm trán nhau, họ rất tự nhiên bộc lộ bản tính của mình nhưng dẫu thế nào cũng không giấu được thói khoe của, khoác lác đến lực cười, đến lố bịch. Câu chuyện là một bài học đầy ý nghĩa cho chúng ta trong cuộc sống.
Khởi đầu Mùa Chay Chúa Giê-su cũng nhắc chúng ta cần phải có tâm tình khiêm nhường trong các hành vi đạo đức. Làm việc đạo đức không phải để khoe khoang mình sốt sắng hơn người khác. Việc đạo đức của mình không phải để dạy người khác hay để đánh bóng tên tuổi mình. Việc đạo đức chúng ta làm là vì mến Chúa và mong muốn hoàn thiện mình mỗi ngày một tốt hơn.
Thế nên, sự sám hối chân thành là nhìn nhận sự yếu đuối của mình để đề ra phương thế canh tân đời sống qua 3 việc cụ thể là: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Đây là việc đại đức để mình đẹp lòng Chúa hơn chứ không phải để mình được người khác khen thưởng tán dương.
Xin cho mùa chay thánh được sinh hoa kết trái tốt trong đời sống của chúng ta nhờ những việc lành phúc đức mà chúng ta làm vì lòng yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta hoàn thiện mình mỗi ngày tốt hơn qua việc hy sinh chay tịnh, cầu nguyện và bác ái. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền