Tuần 40: Sách Mica

I. BELEM EPHRATA (5,1-14)

1. Lời tiên tri

“Phần ngươi, hỡi Belem Ephrata…” Ephrata là tên của một địa điểm ở phía bắc Giêrusalem, gần

Rama là nơi bà Rachel qua đời (x. 1 Sam 10,2; Gier 31,15). Đây cũng là tên một bộ tộc là dòng dõi của Ephrata, vợ thứ hai của Caleb (x. 1 Ks 2,18-19, 50-55 nhắc đến Bethgader và Belem).

“Nguồn gốc của Người có từ thuở trước, từ thuở xa xưa” (5,1): bản văn Hípri dùng từ “nguồn gốc” ở số nhiều, có ý nhắc đến lịch sử ba trăm năm của triều đại Đavít. Nhưng người Kitô hữu quy chiếu bản văn này về Chúa Kitô, và đọc bản văn này như nói về nguồn gốc vĩnh cửu của Ngôi Hai Thiên Chúa.

“… cho đến thời một phụ nữ sinh con” (5,2): Giống như Isaia (7,14), Mica làm nổi bật khuôn mặt người mẹ của vị vua tương lai. Trong Cựu Ước, hoàng hậu chiếm vị trí quan trọng tại triều đình (x. 1 V. 1,11-37). Bản văn không nói gì đến người cha của vị vua tương lai. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi đây như lời ám chỉ về việc thụ thai đồng trinh của Mẹ Maria.

“Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (5,4): Truyền thống Kitô giáo nối kết câu này với phần trên nói đến vị vua tương lai (x. Bài đọc I, Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm C)

2. Lời tiên tri và phụng vụ Công giáo

Vào Chúa nhật IV Mùa Vọng năm C, Hội Thánh đọc Mk 5,1-4a cùng với bài Tin Mừng Lc 1,39-45. Sự chọn lựa này làm nổi bật những điểm chính yếu:

(1) Mica đã nói tiên tri về việc giáng sinh của Chúa Giêsu,

(2) Hài nhi trong lòng Mẹ Maria là Thiên Chúa “nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”,

(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”Các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng có mục đích giúp ta chuẩn bị tâm hồn cử hành lễ Giáng Sinh. Trong thực tế, người Công giáo ngày nay cử hành lễ Giáng Sinh thế nào? Có còn đầy đủ ý thức đức tin không hay chỉ còn là dịp vui chơi và mua sắm?

II. ĐỨC CHÚA KIỆN CÁO DÂN NGƯỜI (6,1-8)

1. Đọc bản văn

Mica dùng từ “vụ kiện” nên bản văn cũng được trình bày như diễn tiến một vụ kiện ở toà án:

– Triệu tập phiên toà (6,1-2): cả vũ trụ trở thành toà án, chứng nhân là “các núi và nền tảng vững bền của cõi đất,” còn nguyên cáo là chính Đức Chúa.

– 6,3-4 : những câu hỏi liên tiếp được đặt ra, không những nhắc lại những việc tốt lành Thiên Chúa đã làm cho Dân Người, mà còn diễn tả nỗi đau đớn của Thiên Chúa khi chứng kiến sự vô đạo của dân.

– 6,5 : nhắc đến câu chuyện vua Balak triệu Balaam đến để nguyền rủa Israel nhưng thay cho lời nguyền rủa, Balaam lại chúc phúc (x. Ds 22-24). Shittim là giai đoạn cuối trong hành trình từ Ai Cập đến phía đông sông Jordan. Gilgal là thánh điện nổi tiếng gần Jericho (Amos 4,4). Như thế câu này nhắc lại toàn bộ lịch sử Israel từ khi ra khỏi Ai Cập đến khi vào Đất Hứa. Tất cả để làm nổi bật những việc tốt lành Chúa đã làm.

– 6,7-8 : Dân tìm biện hộ cho mình bằng những nghi thức tế tự: lễ toàn thiêu, dâng bê một tuổi, dâng ngàn dê đực, dâng vạn suối dầu, dâng cả con trai đầu lòng… tưởng rằng có thể làm nguôi cơn giận của Đức Chúa trước tội ác của họ. Thế nhưng điều Thiên Chúa muốn là “thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước đi với Chúa.”

2. Liên kết với cử hành phụng vụ

Mica 6,1-2 đã gợi hứng cho thánh thi Improperia (Những lời trách cứ) được hát trong Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi cộng đoàn hôn kính Thánh Giá Chúa Giêsu.

Bạn hãy sống lại bầu khí của Thứ Sáu Tuần Thánh, đặt mình đối diện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá, và lắng nghe lại những lời này:
“Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi?

Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng?

Hãy trả lời Ta đi?”

Chúa đã làm gì cho bạn, và bạn đã làm gì cho Chúa?

ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter