I. TỔNG QUÁT
24,1 – 27,13 : Khải huyền của Isaia: mặt đất tan
hoang – ngày chung thẩm – tiệc cánh chung – thánh thi tạ ơn – Israel được phục hồi.
28,1 – 33,24 : Những tính toán chính trị và
Ơn Cứu độ: Samaria thất thủ – Số sót – Các ngôn sứ giả – Dụ ngôn về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Giêrusalem – Lời tiên tri về Ơn Cứu độ – Lời sấm về Assyria – Sion được giải thoát – Vị vua công chính và ơn giải thoát.
34,1 – 35,10 : Những lời sấm sau lưu đày: lời sấm chống Edom – Giêrusalem toàn thắng.
36,1 – 39,8 : Những câu chuyện từ thời vua Hezekiah: cuộc xâm lăng của Sennacherib – Cầu cứu ngôn sứ Isaia – Thánh thi tạ ơn – Phái đoàn Babylon.
II. CUỘC CHUNG THẨM (24,21-23)
1. Ngày của Chúa
“Ngày của Chúa” là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh. Tuy nhiên ở đây có một điểm đặc biệt: Đức Chúa sẽ trừng trị cả đạo binh thiên quốc (các vì sao được coi như các thiên thần, các thần ngoại giáo (Đnl 4,19; Gier 8,2). Chi tiết này làm nổi bật chiều kích vũ trụ của ngày chung thẩm.
Câu 21 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa “đạo binh thiên quốc” và “vua chúa trần gian”: “Trên trời, Đức Chúa sẽ trừng trị đạo binh thiên quốc; dưới đất, Người trừng trị vua chúa trần gian.” Các vua chúa trần gian có vị bảo trợ cho họ trên trời, nhờ đó họ có sức mạnh, đây là ý tưởng quen thuộc thời xưa. Đỉnh cao trong “Ngày của Chúa” là Đức Chúa sẽ hiển trị trên núi Sion và vinh quang của Ngài tỏ rạng trước muôn dân (24,23).
2. Người Kitô hữu và ngày chung thẩm
Khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Ngài sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm dành cho người công chính cũng như kẻ bất lương, “Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hi vọng này, như chính họ cũng hi vọng, là người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24,15), rồi được hạnh phúc vĩnh hằng hay bị kết án muôn đời.
Ngày chung thẩm xảy ra lúc nào, chỉ một mình Thiên Chúa biết. Sau cuộc chung thẩm, vũ trụ được giải thoát khỏi cảnh hư nát và được chia sẻ vinh quang với Chúa Kitô, bắt đầu Trời Mới Đất Mới (2Pet 3,13). Vương quốc Thiên Chúa sẽ được hoàn thành và Thiên Chúa nắm toàn quyền trên muôn loài (1Cor 15,28). Niềm tin đó phải hướng dẫn đời sống của ta ngay từ bây giờ, “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách, và sống bình an” (2Pet 3,14).
III. TIỆC CÁNH CHUNG (25,6-8)
1. Ý nghĩa
Bữa tiệc là chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh cũng như trong nhiều truyền thuyết của các dân tộc. Ở đây, bữa tiệc là tiệc mừng sau khi chiến thắng. Tuy nhiên Isaia trình bày một số nét đặc biệt: đây là tiệc mừng cho mọi dân tộc, “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc” – Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời, “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân” – Thiên Chúa sẽ cất bỏ mọi nỗi đe doạ trên nhân loại, “Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người.”
Gắn với lời loan báo về tiệc cánh chung là thánh thi tạ ơn (26,1-19). Thiên Chúa sẽ trả thù cho người nghèo nhưng sống công chính. Hơn nữa, “các vong nhân sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên; những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng” (26,19). Một vài học giả cho rằng câu này là lời khẳng định sớm nhất trong Thánh Kinh về niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên nhiều nhà chú giải lại cho rằng câu này có ý nói đến sự phục sinh một dân tộc chứ không phải sự phục sinh của những người đã chết. Dù sao, ý tưởng này cũng dọn đường cho niềm tin vào sự phục sinh kẻ chết.
2. Trong Tân Ước
Trong Kitô giáo, “miền đất không còn nước mắt” được hiểu là thiên đàng, Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Trong sách Khải Huyền 19,6-10, Khải hoàn ca trên thiên quốc được diễn tả bằng hình ảnh tiệc cưới: “Nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng … Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên.” Hình ảnh tiệc cưới cũng là hình ảnh quen thuộc trong giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời, “Nước Trời giống như chuyện một vị vua mở tiệc cưới cho con mình…” (x. Mt 22,2-14; Lc 14,16-24).
Ghi chú: Sách Isaia được chia ra làm ba phần: Isaia đệ nhất (chương 1-39), Isaia đệ nhị (chương 40-55) và Isaia đệ tam (chương 56-66). Isaia đệ nhị và đệ tam được viết vào cuối thế kỷ VI trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là sau thời ngôn sứ Isaia đến hai trăm năm. Vì thế, chúng ta ngưng đọc sách Isaia ở đây để sang các ngôn sứ khác, rồi sau này sẽ tiếp tục đọc Isaia đệ nhị và đệ tam.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: WGPSG