SUY NIỆM LỜI CHÚA HẮNG NGÀY TUẦN I MV

THÁNH ANDRÊ TÔNG ĐỒ

I. GƯƠNG THÁNH NHÂN

Thánh Andrê, em thánh Phêrô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông đồ đã biết Chúa Giêsu, ngay sau khi người chịu Phép rửa ở sông Giođan, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.Phúc âm kể như sau : "Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói:

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi :

- Các anh tìm gì thế ?

Họ đáp :

Thưa Rápbi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu ?

Người bảo họ :

- Đến mà xem.

Họ dã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1,35-39).

Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:

Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon, và nói:

- Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô) " (Ga 1,40-43) .

Nhưng thánh nhân chỉ được Chúa chính thức gọi theo Người lúc đang thả lưới với anh là Phêrô, ở biển hồ Tibêria. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây:

Người đang đi dọc biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông Andrê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:

- Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.

Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt. 4,18-20).

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!" (Ga 6,9).

Và ở Giêrusalem, khi những người Hy Lạp xin gặp Chúa Giêsu, ông là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga.12,22).

Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilê. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp và chịu tử đạo tại đây. Người ta bắt ngài đem nộp cho quan tổng trấn ở Patra. Viên nầy bảo ngài tế thần thì ngài nói :

- Thần của các ông là ma quỷ xấu xa không nên thờ. Chỉ phải thờ Thiên Chúa là Vị Thẩm phán có quyền xét xử mọi người.

Tổng trấn hỏi lại :

- Vị Thẩm phán anh nói là Giêsu bị đóng đinh treo trên khổ giá đó phải không? Nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói:

- Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.

Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết. Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ phải bị treo lên, Ngài chào mừng và nói:

- Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh của tôi.

Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh Andrê tông đồ, ngài nói: "Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, Andrê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với anh…

Những điều ông đã học trong thời gian rất vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào không? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Messia đến, và của linh hồn mong đợi. Người tự trời đến, rồi nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, và vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng"

II. BÀI HỌC

* Chúng ta học được bài học gì qua cuộc đời của Thánh Andrê? Có nhiều bài học nhưng có lẽ bài học thực tế nhất đó là bài học biết quan tâm đến người khác.

Gặp được Chúa Giêsu, Andrê đã nghĩ ngay đến anh mình.

Trong hoang địa khi Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ tìm của ăn cho dân chúng ăn, một mình Andrê đã nhanh chóng thấy được một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá.

Tại Giêrusalem, những người Hy Lạp đang băn khoăn không biết làm sao để có thể gặp được Chúa, Anrê đã có mặt để dẫn họ đến với Chúa.

Tin mừng chỉ ghi lại có ba lần như thế nhưng với ba lần đó chúng ta cũng có thể thấy được Andrê là con người tốt như thế nào.

* Andrê đã sống như thế, còn chúng ta thì sao? Không biết ngày nay chúng ta có sống được như thế hay không? Hình như là ngày nay con người thường nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến người khác. Việc biết quan tâm đến những người khác người đã trở thành hiếm hoi. Thế giới ngày nay với cuộc sống hướng nhiều về hưởng thụ đang làm cho con người chỉ muốn vun quén cho mình mà không biết đến người khác.

Chúng ta hãy xin với thánh Andrê điều chỉnh lại cuộc sống của chúng ta.

Đây là câu chuyện của một sinh viên được loan đi trên mạng Internet:

“Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị tạp vụ ở trường tên là gì ?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sâm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài nọc đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.

THỨ HAI TUẦN 1 MÙA VỌNG
Mt 8,5-11

"Tôi không thấy một người Israel nào có
lòng tin như thế" (Mt 8,10)

1. Chúng ta vừa bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa mong chờ, mong chờ Chúa đến trong thế gian và đến trong mỗi tâm hồn chúng ta. Chúa đã đến thế gian cách đây hơn 2000 năm, nhưng nhiều vùng nhiều nơi trên hành tinh chúng ta có nhiều người chưa biết Chúa.

Chúa đã đến với ta, nhưng cũng có nhiều vùng nhiều nơi trong thế giới nhỏ bé của ta chưa được Lời Chúa chiếu soi và thánh hóa. Để giúp ta đi vào tinh thần Mùa Vọng, phụng vụ hôm nay nói cho chúng ta về lòng tốt và đức tin của một viên sĩ quan ngoại giáo.

Chúa Giêsu khen người sĩ quan ngoại giáo có lòng tốt (yêu thương đầy tớ mình), có lòng tin (tôi không thấy ai trong Israel có lòng tin mạnh như thế). Chúa còn nói đến sự kính trọng và lòng khiêm tốn của ông đối với Chúa (tôi chẳng đáng Thầy đến nhà tôi). Và sau đó Chúa Giêsu so sánh cuộc sống của người Do Thái với người ngoại tốt lành này và kết luận: “Tôi nói thật với các ông: Từ phương Đông, phương Tây, nhiều người sẽ tới dự tiệc cùng các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob trong Nước Trời, nhưng con cái trong nhà thì bị quăng ra chỗ tối tăm và khóc lóc (Mt 8,11).

Như vậy Lời Chúa hôm nay cho ta thấy:

- Nước Chúa được mở rộng cho hết mọi người, Do Thái hay dân ngoại, có đạo hay ngoại đạo; nước Chúa không bị đóng khung, chỉ dành cho một số người nào đó thôi.

- Nhiều người dân ngoại lại sống tốt hơn Do Thái, tốt hơn nhiều người Công giáo. Lời Chúa hôm nay vì thế là một lời cảnh cáo: Không phải là Công giáo thì đương nhiên được lên Thiên đường. Thiên đường chỉ dành cho những ai có một cuộc sống tốt lành biết yêu thương mọi người và có một đức tin vững mạnh.

2. Sống thương yêu kẻ khác và có lòng tin mạnh vào Chúa, đó là hai điều kiện giúp con người gặp được Chúa.

Một hôm hoàng đế Napoléon của Pháp cải trang đi vi hành. Vì không muốn cho ai nhận ra mình nên hoàng đế và viên sĩ quan tùy viên ăn mặc như thường dân. Ông vào một nhà hàng nọ.

Sau khi hai người ăn uống xong, chủ quán đến tính tiền. Tổng cộng là 14 quan. Sĩ quan tùy viên lấy tiền trả. Nhưng bỗng mặt ông tái mét đi vì ông quên không đem tiền theo.

Thấy thế hoàng đế Napoléon hiểu ngay, ông nói nhỏ:

- Không sao, đừng lo để tôi trả cho.

Hoàng đế lục xét hết túi trên rồi túi dưới nhưng cũng không có đồng nào.

- Làm sao bây giờ đây?

Viên sĩ quan tùy viên nói với bà chủ nhà hàng:

- Thật là xui cho chúng tôi. Hôm nay chúng tôi quên đem theo tiền. Xin bà vui lòng cho chúng tôi khất một giờ đồng hồ thôi tôi sẽ trở lại để thanh toán số tiền này cho bà.

Bà chủ nhà hàng nhất định không chịu và còn dọa là nếu hai người không trả tiền tức khắc thì bà sẽ cho gọi cảnh sát.

Rất may cho hai người là trong tiệm đó có một người bồi bàn rất tốt. Được chứng kiến và theo dõi câu chuyện từ đầu, anh cảm thương hai người khách nên nói với bà chủ:

- Quên đem theo tiền trong túi là một điều có thể xảy ra cho bất cứ ai. Điều đó quá thường mà bà. Xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì. Tôi xin trả 14 quan thay cho hai ông khách này đây. Xem ra hai ông đây là người thật thà chứ không phải muốn lường gạt gì đâu.

Thế là nhờ anh giúp bàn trong nhà hàng có lòng tốt mà hoàng đế Napoléon và viên sĩ quan tùy tùng mới có thể rời quán bình an.

Và…..chỉ một lát sau, viên sĩ quan tùy viên trở lại nhà hàng. Ông hỏi bà chủ nhà hàng:

- Bà đã tốn bao nhiêu tiền để mở nhà hàng này?

Bà chủ trả lời:

- 30.000 quan.

Viên sĩ quan lấy từ ở trong túi ra số tiền 30.000 quan và đặt trên bàn rồi nói:

- Vâng lệnh của chủ tôi là hoàng đế Napoléon, tôi xin bà sang lại quán này cho người giúp việc của bà, người đã giúp chúng tôi trong lúc chúng tôi kẹt không đem tiền theo.

Người bồi bàn trong quán nhà hàng hôm nay quả là một người vừa tốt vừa có lòng thương người. Việc nhà vua Napoléon và viên sỹ quan tuỳ tùng rất may mà gặp được người tốt như thế này. Nếu không thì không biết sự việc sẽ ra sao.

Viên bách quan đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay đã được Chúa thương bởi vì ông vừa có lòng tốt lại vừa có đức tin mạnh. Chúng ta cũng hãy cầu xin cho chúng ta có được đức tin mạnh và biết sống có lòng tốt với mọi người để Mùa Vọng này đem lại nhiều niềm vui cho chúng ta.

Xin được kết thúc bằng lời khuyên của thánh Phêrô tông đồ: "Anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc."(Pr 3,89).Amen.

THỨ BA TUẦN 1 MÙA VỌNG
Lc 10,21-24

"Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy." (Lc 10,23)

1. Những người được “thấy”, được “nghe” và được “biết” Tin Mừng là ai? Thưa là những kẻ bé mọn. Còn những người tự cho mình là thông giỏi kiêu ngạo thì Tin Mừng của Chúa khó đến với họ. Họ giống như những chiếc thùng đầy nước cho nên có đổ thêm bao nhiêu nước vào nữa thì cũng vô ích, nước sẽ tràn hết ra ngoài hết.

Vào thời Minh Trị (1786-1912), có một giáo sư đại học muốn tìm hiểu về thiền với một thiền sư nổi tiếng người Nhật tên là Nam-in.

Thiền sư Nam-in chào hỏi, tiếp đón rất lịch sự nhưng sau đó khi rót nước trà mời khách thì thiền sư cố ý rót đầy tách trà của khách. Tách đã đầy nhưng thầy vẫn cứ tiếp tục rót thêm!

Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa, ông lên tiếng:

- Đầy quá rồi, xin đừng rót nữa.

- Giống như cái tách này. Nam-in nói. Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông, làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước!

Vâng chỉ có những người ý thức mình còn thiếu thốn, yếu kém mới có thể vui vẻ đón nhận Tin Mừng. Họ chẳng khác gì những chiếc thùng rỗng nên lúc nào cũng có thể đổ thêm nước vào. Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha vì đã cho những người bé mọn ấy được thấy, được nghe và được biết Tin Mừng.

2. Như vậy muốn đón nhận được ơn Chúa, cũng như muốn hiểu được Chúa hơn thì chúng ta cũng phải trở nên những kẻ bé mọn, khiêm nhường. Có như thế thì ơn Chúa mới có thể đến với chúng ta. “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24).

Ngày xưa, có một ông vua rất giàu sang và quyền thế. Sau khi đã chinh phục được các quốc gia láng giềng và có được tất cả những gì mình mong ước, thế nhưng vua vẫn chưa cảm thấy thỏa lòng. Nhà vua còn ước ao có được thêm một kho tàng quý hơn nữa đó là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng. Vua sai các quan tướng đi tìm kiếm khắp nơi trong nước, từ trên núi cao xuống tận đáy biển, trong rừng sâu tới chốn bùn lầy nhưng việc làm đó chỉ tốn công vô ích. Sau cùng, chính nhà vua quyết định chính mình sẽ đích thân đi tìm chìa khóa mở cổng Thiên Đàng.

Một hôm, nhà vua cưỡi ngựa đến trước một bức tường cao có tháp canh, cổng sắt rất kiên cố. Trước cổng có thiên thần canh gác rất kỹ, nhà vua tiến lại gần thân thưa:

- Tôi sẽ không được bình an trong tâm hồn cho đến khi tìm được chìa khoá mở cửa Thiên Đàng.

Thiên thần cười đáp:

- Thật ra chìa khoá mở cửa Thiên Đàng trên trần gian này không thiếu. Có hàng trăm hàng ngàn thứ chìa khóa có thể mở được cửa Thiên Đàng. Các chìa khóa đó ở ngay dưới chân vua. Người ta dẫm lên chúng. Ngài có thể tìm được nếu ngài bền tâm và chịu khó tìm kiếm.

Sau lần gặp gỡ đó, ngày ngày nhà vua bách bộ lang thang đó đây. Năm tháng trôi qua, mặc dầu nhà vua đã mệt mỏi tìm kiếm khắp nơi trên trái đất nhưng vẫn không tìm thấy.

Rồi một ngày kia, đang lúc đi dạo trong rừng, nhà vua vấp chân vào một gốc cây nhỏ bé gần như sắp tàn héo bên vệ đường. Vì mắt đã già, sức yếu nên nhà vua cảm thấy tự nhiên thích quan tâm đến những vật nhỏ bé. Nhà vua nhổ cây đó lên đem về trồng ở hoàng cung rồi hằng ngày tự tay chăm sóc tưới bón cho nó. Các quan cận thần trong hoàng cung thấy vậy liền nói với nhà vua:

- Tâu Chúa thượng, sao chúa thượng lại phải bận tâm đến một cây bé nhỏ héo tàn như vậy? Chắc gì nó sống lại được, và nếu nó có sống được thì với tuổi tác trên vai, làm sao hoàng thượng còn hy vọng gì nghỉ dưới bóng mát của nó hoặc hưởng dùng hoa trái của nó được? Nhà vua thản nhiên trả lời:

- Một ngày nào đó, tuy ta không còn sống nữa, nhưng sẽ có người khác đến ngồi dưới bóng cây và họ sẽ sung sướng được thưởng thức hoa trái của nó; điều đó đủ để ta cảm thấy vui sướng ngay từ lúc này rồi.

Vừa nói xong, nhà vua đưa chân bước đi thì kìa một chìa khóa từ dưới đất mọc lên như một cái nấm. Chìa khóa làm bằng một thứ kim loại rất lạ xanh đỏ đủ màu.

Lạy Chúa, Chúa đã hứa với những người thành tâm thiện chí cùng Chúa rằng: “Ai xin thì sẽ được. Ai tìm sẽ thấy. Ai gõ cửa sẽ mở cho”(Mt 7,7).

Xin ban cho con được lòng khiêm tốn và bền tâm đi tìm chìa khóa mở cửa tâm hồn con trước, để con biết nhìn mọi người với con mắt đức tin, biết bước đi trong niềm hy vọng và biết thực thi đức bác ái trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống và nhất là với những người bé mọn yếu hèn. Với chìa khóa này trên tay, con tin chắc Chúa sẽ mở cửa Thiên Đàng cho con trong ngày sau hết. Amen.

THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG
Mt 15,29-37

"Ai nấy đều ăn và được no nê.
Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được bảy thúng đầy."
(Mt 15,37)

1. Nếu chúng ta đặt câu chuyện này song song với Tin Mừng Lc 9,10-17 thì chúng ta sẽ được biết thêm những chi tiết đặc biệt khác. Luca cho chúng ta biết, đứng trước cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng của những người trong cuộc rất khác nhau:

a/ Trước hết là phản ứng của những môn đệ. Các môn đệ phản ứng rất tiêu cực:“Xin Thầy cho đám đông về, để họ... kiếm thức ăn”. Đây là phản ứng theo lý (các môn đệ thấy mình chẳng có trách nhiệm gì đối với đám đông này), và họ chọn thái độ thoái thác, mặc kệ (họ đã tự ý đi theo Chúa Giêsu thì họ cũng phải tự lo thức ăn).

Thông thường thì chúng ta cũng như thế. Đây là thái độ của Cain sau khi Chúa hỏi anh về cái chết của Abel, em của anh ta.

Thái độ khép kín lòng từ tâm này rõ ràng chẳng làm cho con người được hạnh phúc mặc dù cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn một thứ gì.

b/ Phản ứng thứ hai là phản ứng của Chúa Giêsu. Đây là phản ứng rất tích cực“Chính anh em hãy lo cho họ ăn”, sau đó Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều.

Rõ ràng đây là phản ứng phát xuất từ tình thương, từ sự quan tâm tới người khác, từ tấm lòng quảng đại gánh lấy việc chẳng phải là trách nhiệm của mình.

Tại văn phòng của một cố vấn tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ đẹp vừa giàu sang bước vào giải bày tâm sự:

- Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho tất cả. Tôi có đủ mọi “sự” nhưng lòng của tôi lúc nào cũng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên.

Nhà cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể lại chuyện đời cô cho người phư nữ này nghe. Cô thư ký kể:

- Chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng; con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả. Tôi không ngủ được. Tôi không muốn ăn uống. Tôi không bao giờ cười. Rồi một hôm, tôi đi làm về hơi khuya. Một chú mèo con cứ lẽo đẽo đi theo tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó quá, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên từ sau những thảm kịch bi đát của gia đình... tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi nướng vài ổ bánh đem sang cho bà cụ hàng xóm đang nằm bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp, được vui vẻ. Và quả thực, tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không có hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình. Ngược lại, ta sẽ hạnh phúc thật, khi ta làm cho người khác hạnh phúc”.

Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì mà đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).

2. “Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông nói: “Thưa có 7 chiếc bánh và một ít cá nhỏ” (Mt 15,34).

Trong bài giảng số 178, thánh Augustinô có kể lại câu chuyện xảy ra lúc ngài sống tại Milanô Bắc Italia như sau:

Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại Lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình, để nhận lại. Đọc được tấm bảng, người mất ví tìm đến nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ. Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho ông mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng, người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận. Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào". Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giàu. Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông và ông cảm thấy lòng mình thảnh thơi.

Byron nói: “Phương thế tốt nhất để bảo toàn hạnh phúc là biết chia sẻ hạnh phúc.”

Vua Baudouin thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đau cái đau của người khác, biết khắc khoải nỗi khắc khoải của người khác. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chia sẻ với người khác mọi hạnh phúc chúng con đang có.”

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
Mc 16,15-20

I. LỊCH SỬ

* Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của Vương quốc Navarre nhỏ bé miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Favre, và sau đó với Thánh Ingatio. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ingatio thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh Ingatio khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

* Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Inđônêsia. Là vị Giám mục đầu tiên của Tỉnh Dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục Thánh Ingatio, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

* Thánh Phanxicô qua đời ngày 3.12.1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ingatio vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.

B. TRÊN ĐUỜNG TRUYỀN GIÁO

* Động lực thúc đẩy Ngài đi truyền giáo

Con đường truyền giáo của Ngài bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa và các linh hồn. Đây chúng ta hãy nghe chính tâm tư của Ngài. Tâm tư được bộc lộ trong lá thư Ngài gửi cho thánh Ignatio

“Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo.

Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các Đại học bên Châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng : “Khốn thay, có vô số linh hồn, vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục”.

Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã uỷ thác cho họ” (CGKPV trang 535)

* Phương pháp của Ngài là luôn kết hiệp mật thiết với Chúa.

Ở thành phố Yamaguchi miền Nam nước Nhật, Ngài dựng được một túp lều nhỏ để làm nhà nguyện. Ngài vẫn dâng lễ và cầu nguyện ở đó hàng ngày. Nhiều buổi sáng sớm người ta phát hiện Ngài ngủ say mê ngay cạnh bàn thờ.

Người ta nói rằng có nhiều ngày Ngài làm việc say mê đến mức độ không có đến cả giờ để đọc sách nguyện. Tuy nhiên, dù đêm khuya, Ngài vẫn muốn đến chia sẻ gian khổ và hy vọng của mình với người bạn chí thân là Chúa Giêsu. Lịch sử kể lại rằng một lần kia ngài quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng vì quá mệt mỏi nên ngài ngủ gục ngay trên bục bàn thờ. Biết rằng làm như thế là không phải nên ngài đã cầu nguyện với Chúa: “ Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa"

Rồi ngài đã lăn ra ngủ thiếp đi cho đến sáng.

* Và không quên cuộc sống của một chứng nhân.

Một ngày kia Thánh Phanxicô Xaviê đang giảng trong một thành phố Nhật bản, một người đến gặp ngài và muốn nói chuyện riêng với ngài. Ngài cúi đầu xuống để nghe cho rõ, thì bỗng nhiên kẻ kiêu ngạo đã nhổ nước miếng vào mặt ngài. Không có một lời hay có cử chỉ phản đối, ngài lấy khăn tay lau mặt và tiếp tục cuộc nói chuyện. Chàng kia kinh ngạc, tỏ vẻ kính phục thánh nhân. Một trong những người trí thức nhất thành phố có mặt một hôm ấy nhận định rằng đức tính khiêm hạ như thế nâng cao đạo đức, lòng can đảm và tự chủ, chỉ xuất phát từ Thiên Chúa cho các tôi trung của Chúa. Củ chỉ khiêm hạ của Thánh Phanxicô đã đánh động lòng ông, ông trở lại đạo công giáo và lôi cuốn rất nhiều người khác theo đạo. Đức khiêm hạ của nhà truyền giáo đã mang lại biết bao thành công cho việc mở mang nước Chúa.

Đây là lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”(Mt 11,29). Và lời Đức Mẹ: “Chúa hạ kẻ quyền thế khỏi địa vị của họ và nâng các kẻ khiêm nhường lên” (Lc 1,52)

THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA VỌNG
Mt 7,21.24-27

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá." (Mt 7,24)

1. Câu chủ yếu của đoạn này là câu 21: “Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.

Vâng! Biết phải đi đôi với làm. Ta biết là thuốc tốt nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. Người Tây Phương có câu châm ngôn: “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí”

Cha Jean Weslay là một nhà giảng thuyết nổi tiếng. Một hôm có một bác nông phu người Anh đến nghe cha giảng. Hôm đó, cha giảng về đề tài dùng của cải. Ông nhà quê này chăm chú nghe.

Bài giảng chia làm 4 phần:

Phần 1: Hãy tìm cho được của cải. Đầu đề này làm ông kia hài lòng quá, thúc tay vào người ngồi cạnh ông nói nhỏ: hay quá, thật tuyệt.

Phần 2: Hãy tiết kiệm: người kia sung sướng ngồi thẳng lên, chăm chú nhìn cha và nuốt lấy từng lời cha nói. Ông nghĩ cha nói đúng quá. Chính mình cũng vẫn chủ trương như vậy.

Phần 3: Đừng xài phí: Người nhà quê gật gù hài lòng. Ông nghĩ mình phải thầm cám ơn Chúa vì mình vẫn nghĩ và hành động đúng như vậy.

Phần 4: Hãy rộng rãi làm phúc: Nghe đến đây, ông nhăn mặt khó chịu, thở dài đứng lên bỏ về.

Ở đời rất đông người hành động theo bác nhà quê này: lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít, lý thuyết thì rất hay nhưng thực hành thì chẳng có gì.

2. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta hay xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm đến việc xây dựng cuộc sống đạo đức của mình trên việc tìm và thi hành ý Chúa, hay trên việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Muốn biết ngôi nhà đức tin của chúng ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:

- Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?

Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời

- Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua

- Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được... Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

Có thực thi chân lý thì chân lý mình hiểu biết mới đem lại kết quả tốt cho cuộc sống bằng không thì chân lý sẽ chẳng khác gì những dòng chữ chết.

3. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21)

Ý muốn của Thiên Chúa thì đã quá rõ, chỉ có điều là chúng ta có chịu đem áp dụng vào cuộc sống của mình hay không. Thí dụ Chúa dạy chúng ta phải hiền lành.“Chúng con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Nhưng trong cuộc sống chúng ta đã sống theo Lời Chúa dạy chưa.

Có một đứa bé lẻn vào nhà ăn trộm tiền của Cha Jean Marie Vianney, cha sở họ Ars. Hai thầy giúp việc cho Cha sở coi đây là việc hệ trọng nên báo cáo cho xã trưởng biết. Ông này bèn cho gọi em nhỏ ấy đến làm bộ tra vấn răn đe cốt để em nhỏ sợ sau không dám tái phạm nữa. Bà mẹ em nhỏ nghi ngờ chính là cha sở đã tố cáo con bà, bà hùng hổ chạy thẳng ra nhà thờ, đến chỗ cha đang ngồi giải tội. Nhìn thấy điệu bộ bà hằm hằm cơn lôi đình, hai thầy bảo nhau:

- Nguy đến nơi,

Rồi cả hai cùng chạy ra nhà thờ xem sự thể ra sao.

Đang lúc quá giận, bà tiến thẳng đến tòa giải tội, gọi cha ra ngay. Vừa giải tội xong một người, cha bước ra. Bà này liền nói một thôi một hồi:

- Con tôi còn nhỏ tuổi, có tinh nghịch chăng nữa thì đã đến nỗi nào mà cha nộp nó cho xã trưởng?

Bà nhiếc móc một hồi cho hả giận. Cha Vianney đứng khoanh tay nghe phán xét, rồi bình tĩnh trả lời vắn tắt:

- Bà nói phải đấy, xin bà cầu cho cha sửa mình lại! Nói thế rồi, Ngài lại vào tòa tiếp tục giải tội như trước.

Vâng! Thật là tấm gương cho ta.

Biết Lời Chúa dạy nhưng phải sống thì Lời Chúa mới đem lại niềm vui cho mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata).

THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG
Mt 9,27-31

"Các anh tin thế nào thì được như vậy." (Mt 9,30)

1. Chuyện này có hai vai:

a. Chúa Giêsu:

- Ngài không muốn cho đám đông dân chúng biết phép lạ Ngài làm. Bởi đó khi hai người mù xin Ngài cứu giúp ở chỗ đông người thì Ngài không đáp lại gì cả. Khi về tới nhà, Ngài mới cứu chữa họ. Cứu chữa họ xong, Ngài “nghiêm giọng” bảo họ“đừng cho ai biết”. Lý do: Chúa Giêsu không muốn người ta tin theo Ngài chỉ vì phép lạ.

- Ngài nhấn mạnh tới lòng tin: Trước khi làm phép lạ, Ngài hỏi “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Sau khi làm phép lạ, Ngài nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”

b. Hai người mù: đức tin họ rất mạnh

- Họ gọi Chúa Giêsu là “Con vua Đavid”(Mt 9,27), tức là tước hiệu người ta gọi Đấng Messia.

Ban đầu Chúa Giêsu không đáp ứng, nhưng họ cứ theo Ngài cho tới nhà. Khi Ngài hỏi, họ tuyên xưng đức tin:

- Thưa Ngài, chúng tôi tin.

Chính Chúa Giêsu nói phép lạ họ được là kết quả của lòng tin: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”.

2. “Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt; chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai, sẽ đi về đâu và đâu là ý nghĩa cuộc sống? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận được ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Người ta thuờng nói đến nhiều loại mù: mù chữ, mù nhạc, mù hội họa, mù văn chương, mù vi tính v.v.. nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là loại mù nguy hiểm và tai hại hơn cả.

* Trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ người ta đọc được câu chuyện này. Ngày xưa có mấy anh mù rủ nhau đi xem voi. Họ được dẫn đến cạnh một con voi rất to để họ dùng tay mà sờ vào nó. Anh thứ nhất sờ được vào cái vòi của con voi. Sờ xong anh đắc chí hô to:.

- Tôi biết voi giống cái gì rồi, nó giống như một con rắn.

Anh thứ hai sờ vào chân voi rồi nói:

- Đâu phải, voi giống như cái cột nhà.

Anh thứ ba sờ vào sườn voi, phản đối:

- Các anh điên hả? Voi giống như một bức tường chứ!.

Anh thứ tư sờ vào tai voi, bật cười.

- Các anh nói gì vậy? Voi giống như một tàu lá chuối.

Đúng là mù! Mù là không thấy và vì không thấy nên không biết hay biết một cách phiếm diện, biết không đầy đủ.

* Trong một tập truyện dụ ngôn Léon Jacobe người ta đọc được câu chuyện này: Con sư tử đến hỏi con tê giác

- Ai là Chúa tể khu rừng này?

Con tê giác sợ quá nên đáp

- Là sư tử chứ ai.

Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã:

- Ai là Chúa tể khu rừng này?

Và hà mã cũng trả lời

- Là sư tử chứ ai.

Sư tử lại đến hỏi con voi.

- Ai là Chúa tể khu rừng này?

Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử choáng váng mặt mày, mình mẩy ê ẩm, nhưng cũng rán nói vớt vát:

- Vì mi ngu quá chẳng trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi.

Đây là một thứ mù nữa. Người ta gọi là mù tâm linh, mù không dám nhận sự thật. Đây là thứ mù thường xảy ra nhất trong đời sống của chúng ta.

Vâng không dám nhận sự thật cũng là một bệnh mù. Bệnh này rất nguy hiểm, nó thường bộc phát và lây lan nhanh. Nguyên nhân của căn bệnh là tính kiêu ngạo, một loại vi trùng rất khó trị và thường gây ra những hậu quả rất tai hại cho những người mắc thứ bệnh này.

Chúng ta lấy một vài thí dụ. Philatô đứng trước mặt Chúa Giêsu nhưng chỉ thấy Chúa như một tên tử tội cần phải loại trừ chứ không thể nhận ra Chúa là cứu Chúa cho đời mình như là Giakêu người thu thuế. Hêrôđê cũng vậy mặc dù được trực diện với Chúa nhưng chỉ thấy Chúa như một người điên.

Ngược lại, hai người mù trong bài Tin Mừng hôm nay mặc dầu họ mù hai con mắt thể xác nhưng họ lại sáng hai con mắt đức tin, hai con mắt tâm hồn, cho nên họ đã nhận ra Chúa. Họ đã tin Chúa và đã được Chúa chữa lành, cho họ được nhìn thấy.

Phần chúng ta, để có thể tiếp nhận được ánh sáng của Chúa, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng.
Chỉ trong Chúa chúng con mới thực sự là người được sáng mắt.
Chỉ trong Chúa chúng con mới biết chúng con là ai, sẽ đi về đâu và đâu là ý nghĩa cuộc sống cho cuộc đời chúng con.

THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG
Mt 9,35-10,1.6-8

"Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương." (Mt 9,36)

1. Tin Mừng hôm nay ghi lại: "Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố và làng mạc để dạy dỗ và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Khi nhìn đoàn lũ dân chúng, Ngài động lòng thương xót họ” (Mt 9,36).

Chúa nhìn và sau cái nhìn là "Ngài động lòng thương".Tin Mừng đã ghi lại nhiều lần như thế. Rồi từ chỗ động lòng thương Chúa sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho họ.

Tại sao Chúa lại động lòng trắc ẩn như thế?

Thưa vì Ngài thấy dân chúng là những con người đang “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn”.(Mt 9,36)

Chúa nhìn thấy tình trạng đó, nên Chúa động lòng thương dân. Lòng thương của Chúa không dừng lại ở nơi tình cảm chóng qua, mà còn thôi thúc Chúa đi đến chỗ hành động để biểu lộ tình thương. Tin Mừng ghi: Ngài kêu gọi các môn đệ lại và nói với họ: “Các con hãy xin với chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa của Ngài”(Mt 9,38).

Rồi cụ thể hơn nữa, Ngài tập hợp các môn đệ lại, ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế, và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền rồi sai các ông đi đến với những con chiên đang bơ vơ lạc lõng ấy.

2. Chúa Giêsu đối xử với con người như thế, còn chúng ta thì sao?

Chắc chắn là không phải lúc nào chúng ta cũng có được cái nhìn giống như Chúa. Ngay cả những người được coi là thông minh và khôn ngoan nhất trên trần gian này cũng thế. Trường hợp của vua Salomon là một thí dụ.

Lịch sử kể lại rằng, vì phải xử quá nhiều vụ oan ức, nên nhà vua càng ngày càng trở nên vô cảm, vô tình. Đôi mắt của ông không còn được sáng như trước nghĩa là không còn có cái nhìn thông cảm như xưa.

Một hôm khi Salomon ngồi lên ngai và sắp sửa xử một vụ án, thì chiếc vương miện trên đầu vua bỗng tuột xuống che cả hai con mắt. Nhà vua lấy tay đẩy nó lên, nhưng chỉ một phút sau là nó lại sụp xuống. Sự việc tái diễn đến 8 lần như thế. Cuối cùng, nhà vua bực quá nói với nó:

- Tại sao mày cứ sụp xuống che mắt tao mãi như thế?

Chiếc vương miện trả lời:

- Tôi phải làm thế để nhắc cho Ngài biết rằng: khi mà quyền hành đã mất đi sự cảm thông thì người cầm quyền sẽ bị che mắt như thế.

Nói cách khác, khi cái nhìn không còn đi cùng với con tim thì cái nhìn đó sẽ trở thành khô cằn, vô cảm và chai đá.

“Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).

Đó là cái nhìn được trộn lẫn bằng những dòng máu của con tim.

Hồi đó, hoàng đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo lần mò đến các bậc thang, xuống tận hầm tối của một lâu đài là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ chẳng khác gì một ổ rác và lương thực hàng ngày là vài mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng đã được làm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.

Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua đã nhiều lần cải trang đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả bằng những thái độ rất chân thành đối với người đến thăm mình. Sự việc cứ diễn ra như thế, nhưng rồi một ngày kia nhà vua quyết định phải cho cho cụ già biết mình là ai, để xem cụ sẽ xin điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:

- Bấy lâu nay, có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân nghèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua. Ta rất quí mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.

Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng cụ chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu ý mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.

- Có lẽ ông chưa hiểu rằng, ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.

Cụ già cúi đầu đáp:

- Tâu Hoàng Thượng, con đã hiểu tấm lòng của Hoàng Thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao quí nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa. Con chỉ xin một điều là Hoàng Thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quí giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.

Lạy Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng. (Epphata)
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter