SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 17 TN

THỨ HAI TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,31-35

"Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải
người nọ lấy gieo trong ruộng mình"
(Mt 13,31)
Dụ ngôn hạt cải và nắm men:1. Giữa hạt cải, nắm men và một hạt cát chúng ta thấy có một điểm giống nhau: chúng đều bé nhỏ. Nhưng bên cạnh cái giống đó có một điểm khác biệt rất lớn: hạt cải và nắm men thì có sức sống còn hạt cát thì không. Ném hạt cát xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, nhưng ném hạt cải xuống đất hay vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả sẽ khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu giữa hạt cải, nấm men và hạt cát là sức sống bên trong.

Nếu ngày xưa mà nhóm 12 tông đồ chùn bước trước tình trạng đầy dẫy khó khăn do đế quốc Rôma gây ra thì đã không có Giáo Hội ngày nay.

Báo Tuổi trẻ có lần đã đăng một câu chuyện có liên quan đến ông Kofy Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước đây. Theo bài báo thì hồi còn thanh niên, có lần ông vào thăm một lớp học, ông đưa ra cho các học sinh xem một cái áo sơ-mi thật trắng nhưng trên áo có một vết mực đen. Ông hỏi cả lớp và từng người xem họ đã thấy gì trên đó. Tất cả đều trả lời là thấy một vết mực đen.

Sau đó ông mới hỏi mọi người:

- Tại sao cả một tấm áo trắng mà mọi người không thấy mà chỉ thấy một vết đen?

Vâng, cuộc sống của chúng ta cũng thường xảy ra như thế: Người ta dễ thấy một chấm đen nhỏ xíu trên một nền trắng nhưng lại khó mà thấy cả một nền trắng trên đó chỉ có một chấm đen!

Vào cuối thế kỷ 19, một vị giám mục đến thăm một trường Công giáo ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Ngài được mời cư ngụ tại nhà của chính ông hiệu trưởng, một giáo sư lý hoá có đầu óc phóng khoáng lúc đó.

Ông hiệu trưởng đã tổ chức một bữa tiệc để khoản đãi vị giám mục. Ông còn mời cả ban giáo sư đến để gặp gỡ giám mục và để học hỏi kinh nghiệm với một con người nổi tiếng là khôn ngoan và đạo đức này nữa.

Sau bữa ăn, mọi người bàn đến viễn ảnh của thiên niên kỷ mới. Xem ra vị giám mục không tỏ ra lạc quan lắm về những gì sẽ xảy đến vào năm 1900, năm bắt đầu thiên niên kỷ thứ 20. Ngài cho rằng, tất cả mọi sự trong thiên nhiên đều đã được khám phá rồi. Do đó, có lẽ con người không còn gì để phát minh nữa.

Một cách lịch sự, ông hiệu trưởng bác bỏ ý kiến của giám mục. Ông cho rằng, nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa của những phát minh rạng rỡ nhất.

Vị giám mục cười hỏi:

- Thế thì, theo ông, đâu sẽ là phát minh lớn nhất của thế kỷ 20?

Ông hiệu trưởng trả lời không chút do dự:

- Trong năm mươi năm nữa nhân loại sẽ bay được.

Nghe vậy, vị giám mục bật cười bảo:

- Ông thật là mơ mộng. Nếu Thiên Chúa muốn cho con người bay thì tất ngài đã cho con người đôi cánh. Bay lượn trên không trung là chuyện của chim chóc và các thiên thần mà thôi.

Ông hiệu trưởng đã nghĩ đến chuyện bay của con người trong câu chuyện trên đây chính là ông Orville Wright và Wilbur Wright.

Hai người này đã sáng chế ra chiếc máy bay đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1903-1904.

2. Vâng, tùy vào cái nhìn của con người mà chúng ta biết được ai là người lạc quan và ai là người luôn bi quan yếm thế. Người bi quan yếm thế thì nhìn cái gì cũng tối tăm và ngược lại, những người lạc quan yêu đời thì nhìn cái gì cũng thấy ở trong đó có nhiều ánh sáng.

Tái ông chuyên sống nghề nuôi ngựa. Ngày kia ông mất một con. Có người đến thăm phàn nàn cho sự rủi ro ông đáp:

- Biết đâu việc mất ngựa chẳng phải là điềm may.

Bỗng vài ngày sau, con ngựa cũ trở về lại rủ được một con ngựa Hồ rất hay. Có người cho đó là điều may mắn. Ông nói:

- Chưa hẳn được ngựa là may đâu!

Đứa con trai của ông thấy ngựa Hồ hay liền bắt cưỡi thử. Chẳng may bị ngã ngựa té gãy chân. Nhiều người nghe tin đến phân ưu với ông. Ông lại nói:

- Chưa biết chừng đây là điềm báo trước điều phúc cho gia đình ông.

Qua năm sau, giặc Hồ tràn qua nước ông. Theo lệnh vua, các trai tráng trong làng đều phải xung vào cờ ngũ đi dẹp loạn và mười người chỉ sống sót được một: Con trai ông vì tàn tật nên được miễn dịch, nhờ đó mà thoát chết và gia đình ông được an toàn.

Khi Chúa nói "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình. Hay như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men" (Mt 13,31-33), thì Chúa muốn cho chúng ta hãy biết nhìn cuộc sống này với niềm tin tưởng lạc quan. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống bằng cặp mắt đen với màu xám xịt, chúng ta sẽ chỉ thấy cuộc sống toàn là một màu ảm đạm, nhưng nếu biết nhìn bằng cặp mắt tin tưởng và lạc quan, chúng ta sẽ thấy một thế giới vô cùng kỳ diệu và đáng sống chung quanh chúng ta.

THỨ BA TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,36-43

"Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng
trong ruộng cho chúng con nghe."
(Mt 13,36)

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Với dụ ngôn này, Chúa muốn cho chúng ta thấy Ngài sẵn sàng chấp nhận tình trạng pha trộn tốt xấu trong Nước của Thiên Chúa trong giai đoạn trần thế.

1. Chúa muốn chúng ta cũng hãy biết chấp nhận nhau.

Đây là câu chuyện có thật. Chuyện này cho chúng ta thấy việc chấp nhận nhau trong cuộc sống sẽ đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho nhau: Học giả Lâm Ngữ Đường nổi tiếng là người chiều vợ. Để cho vợ vui, ông thường ngồi trên chiếc ghế tựa, miệng hút xì gà lắng nghe vợ nói chuyện, thỉnh thoảng lại phụ họa vài câu. Nếu vợ tức giận, ông sẽ chẳng nói một câu nào. Tuyệt chiêu của ông là: nói ít tốt hơn nói nhiều. Ông cho rằng, vợ chồng cãi cọ nhau chẳng qua là do bất đồng ý kiến, tức giận, nói thêm một câu càng làm cho tình hình thêm căng thắng. Ông thường dùng sự khôi hài để "điều hòa âm dương". Ông còn khuyên người khác: "Lúc vợ vui, bạn nên chiều theo ý cô ấy. Lúc vợ tức giận, bạn nên nhường nhịn cô ấy".

Vợ ông chúa ghét người khác nói cô ấy mập, thích nhất được người khác khen cô ấy có chiếc mũi dọc dừa vừa cao vừa thẳng. Vì thế, mỗi khi vợ không vui, Lâm Ngữ Đường đến gần vuốt chiếc mũi của vợ, khiến cô ấy phải bật cười. Có nhiều khi, sau bữa ăn, ông còn giúp vợ rửa bát. Vợ ông rất sợ tiếng bát vỡ cùng với sự vụng về của ông trong công việc bếp núc, nhưng nghĩ đến sự thành tâm của chồng, cô ấy để mặc cho ông "biểu diễn".

Đối với việc trang điểm của phụ nữ, ông không hề bủn xỉn chút nào. Ông biết vợ rất coi trọng giày dép, nên mỗi khi đi ngang qua tiệm giày, ông thường để cho vợ vào chọn mua giày, còn mình thì dắt con đi xem những cửa hàng bên cạnh.

Học giả Lâm Ngữ Đường nói: "Những ký ức trong những ngày tháng gian khổ là những ký ức ngọt ngào nhất".

Mặc dù hai vợ chồng ông lúc còn trẻ rất nghèo, nghèo đến nỗi không có tiền đến rạp xem phim, nhưng tuần nào họ cũng đến thư viện mượn một chồng sách về. Hai người cùng nằm bên ngọn đèn dầu đọc sách thâu đêm. Thú vui này của họ được duy trì đến lúc già. Ông Lâm Ngữ Đường đã chứng tỏ cho mọi người thấy: khi vợ chồng chung sống hòa thuận với nhau thì nghèo túng không đồng nghĩa với "khổ". Hai vợ chồng luôn cảm nhận được những niềm vui mình đang có và cố gắng cùng nhau tận hưởng niềm vui đó.

Schopenhauer đã nói thật chí lý: "Chúng ta ít khi nghĩ đến những cái chúng ta có, mà chỉ nghĩ đến những cái mà ta không có. Đó là nguyên nhân hầu của hết những thảm trạng đời ta. Chính nó đã gây ra nhiều sự đau khổ hơn bất cứ cuộc chiến tranh hay bệnh thiên thời nào trong lịch sử trái đất này."

2. Bài học kiên nhẫn.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm nên lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Người. Đó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Ta hãy tập kiên nhẫn như Chúa đối với những người xấu. Schopenhauer bảo: "Trên đường đời, hành lý quan trọng nhất phải mang theo là lòng nhẫn nhục".

Chúa kiên nhẫn vì:

a/ Ngài chờ kẻ xấu ăn năn. "Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét Ngài không nỡ tắt đi"(Mt 12,20); "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống"(Ed 33,11).

b/ Vì tôn trọng tự do mà Người đã ban cho mỗi người.

Một trong những câu chuyện dân gian hay nhất ở vùng cận Đông còn truyền tụng lại là câu chuyện về ông Abraham:

Abraham là người rất tốt bụng. Ông thường dời bữa ăn sáng lại chờ đến khi có một người đói đến để cùng chia sẻ bữa ăn với ông. Một ngày nọ, có một cụ già đi ngang qua và được ông mời vào và được dùng bữa.

Nhưng trước khi dùng bữa, Abraham nghe thấy cụ già thì thầm đọc lời kinh của người ngoại đạo, ông liền mời cụ già đi nơi khác. Cụ già chưa đi khuất, thì Abraham nghe tiếng Chúa trách:

- "Abraham! Abraham! Ta đã cung cấp lương thực để nuôi sống cụ già trên 80 năm qua, mặc dù cụ không phải là người tin thờ Ta, thế mà con không đủ kiên nhẫn và nhân từ để chia sẻ một bữa ăn với cụ sao?"

Thư 2 Phêrô 3,15: "Và anh em hãy biết rằng, Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông".

Lời của mẹ Têrêsa: "Hãy thật chân thành khi tiếp xúc với nhau và có lòng can đảm để chấp nhận lẫn nhau. Hãy luôn ghi nhớ cộng đồng của chúng ta không bao gồm những người đã nên thánh, mà gồm những người đang cố trở thành thánh nhân. Vì vậy, chúng ta hãy thật kiên nhẫn với lỗi lầm và thất bại của nhau". Amen.

THỨ TƯ TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,44-46

"Nước Trời giống như chuyện
kho báu chôn giấu trong ruộng.
Nước Trời lại cũng giống như chuyện
một thương gia đi tìm ngọc đẹp."
(Mt 13,44-45)

1. Hai dụ ngôn này có cùng một ý nghĩa: Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả những gì mình có để đổi lấy.

Nước Trời quý giá hơn tất cả. Bởi vì chỉ có Nước Trời mới tồn tại vĩnh viễn, còn mọi giá trị khác có ngày sẽ mất. "Được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn thì nào được ích gì?"(Mt 16,26).

Thi hào Tagore có viết một bài thơ với tựa đề là "Viên ngọc quí giá nhất". Bài thơ có nội dung như sau:

Đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, vừa đi vừa cầu nguyện

thì nhà hiền triết Sanathan bỗng thấy một thanh niên tiến đến với mình.

Chàng thanh niên thành khẩn van xin Ngài bố thí cho anh một cái gì đó.

Nhà hiền triết đáp:

- Ta không có gì cả.

Ta đã cho đi tất cả rồi,

Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi.

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ:

- Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp Ngài, vì chỉ có Ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được.

Ông nghĩ rằng, biết đâu viên ngọc quí này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó.

Nghĩ vậy cho nên ông liền chỉ cho người thanh niên nơi ông đã cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quí.

Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm.

Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết

và lại khẩn khoản tiếp tục nài xin:

- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý, quý hơn mọi viên ngọc quý nữa cơ.

Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Một viên ngọc quý, quý hơn mọi viên ngọc quí. Viên ngọc ấy là viên ngọc nào? Thánh Nữ Têrêsa Avila cho chúng ta biết đó chính là Chúa. Chỉ có Chúa mới là giá trị tuyệt đối cho mọi cuộc tìm kiếm.

Thánh Augustino sau bao nhiêu năm trời ngụp lặn trong đam mê lạc thú, những thứ mà ông tưởng rằng, chúng sẽ đem lại cho ông niềm vui và hạnh phúc, nhưng cuối cùng cũng đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, linh hồn con khắc khoải xao xuyến cho đến khi con tìm được Chúa". Và tìm được Chúa như lời thánh Têrêsa Avila là đã quá đủ rồi. "Một mình Chúa là đủ".

2. Bán tất cả để sở hữu thửa ruộng. Bán tất cả để mua viên ngọc quý.

Người nông dân bán đi tất cả để mua cho được thửa ruộng vì biết rằng, trong đó có kho tàng đang ẩn giấu. Người thương gia cũng vội vã đầu tư mọi gia sản mình vào viên ngọc quý.

Vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình. Chỉ vì chiến thắng, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập. Vì tương lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất xám và thời gian cho sự học hỏi.

Một em học sinh thuộc câu lạc bộ Sainte Clara ở Hoa Kỳ. Mỗi ngày em thức dậy lúc 5g30 sáng ra hồ bơi luyện tập suốt hai giờ đồng hồ rồi vội vàng lo đi học. Sau suốt ngày học ở trường, em lại ra hồ tập luyện thêm hai tiếng đồng hồ nữa rồi mới học bài và đi ngủ đúng 9 giờ tối. Ngày nào cũng vậy, em luôn luôn trung thành với chương trình tập luyện và kỷ luật của mình. Em chỉ nhận tham gia một vài sinh hoạt xã giao với bạn bè khi nào chương trình đó không cản trở việc học và tập luyện bơi lội của em. Một hôm có người tò mò hỏi: "Tại sao em làm như vậy? ".

Em trả lời xác tín: "Tôi muốn đoạt giải vô địch môn bơi lội trong thế vận Hội Thể thao sắp đến". Thái độ hy sinh mọi sự cho mục tiêu duy nhất mà em học sinh kia đã nói lên: "Tôi muốn đoạt giải bơi lội trong thế vận Hội Thể thao sắp đến".

Nếu phần thưởng dành cho vận động viên đoạt giải trong các cuộc thi đấu tại thế vận hội ngày xưa chỉ là một ngành lá ô liu, hay ngày nay là những huy chương vàng, bạc, đồng...nghĩa là những thứ mau qua, kèm theo chút danh vọng chóng tàn, mà con người còn sẵn sàng đầu tư tất cả cuộc đời cho những thứ ấy, thì tại sao người Kitô hữu chúng ta, lại không dám làm như thế đối với một phần thưởng vô cùng cao quí, đó là Nước Trời?

Qua hai dụ ngôn "Kho Báu" và "Viên Ngọc Quí", được kể trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hẳn muốn nói với chúng ta rằng, cần phải đầu tư cuộc đời của chúng ta cho Đức Tin.

Lạy Chúa,

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,47-53

"Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi,
rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ,
còn cá xấu thì vứt ra ngoài."
(Mt 13,48)

1. Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt kẻ xấu để cho vào hay loại bỏ khỏi Nước Trời.

Điều đáng chú ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc. Chính Ngài ấn định lúc nào lưới được kéo lên. Lúc Ngài thanh lọc thì dứt khoát chỉ còn lại hai hạng người: hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng người lưng chừng đứng giữa.

Trong khi chờ đợi ngày Chúa hoàn thành việc thanh lọc, chúng ta hãy bắt chước Chúa: nhân từ, khoan nhân dung thứ và kiên nhẫn. Ngài đã kiên tâm chờ đợi hơn 40 năm mới có được Giám Mục Augustino thánh thiện. Có những người mà Thiên Chúa phải chờ đợi cả đời để đến giờ phút cuối cùng, họ mới trở về với Chúa. Chắc anh chị em không ai mà không biết câu chuyện của người trộm lành. Anh đã trở về vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời mà không ai ngờ tới.

Một thanh niên mới học nghề thợ mộc, vừa cưa gỗ, vừa bào ván, cậu vừa thắc mắc tự hỏi: Làm sao Thiên Chúa là Đấng thánh vô cùng lại có thể tha thứ tội lỗi cho nhân loại được? Làm sao Ngài không khỏi đau lòng trước những tội lỗi của con người?

Không tìm được câu trả lời, cậu đến giãi bày với một vị tôn sư. Vị này âu yếm nhìn chàng thanh niên ngay thẳng, ngoan đạo, và nói:

- Con thuộc dòng dõi thứ ba của một gia tộc chuyên nghề đóng bàn ghế. Thầy hỏi thật con nhé: nếu như một cái bàn do chính ông nội con đóng bằng gỗ quí, con có đem quăng nó đi không?

Chàng thanh niên đáp:

- Dĩ nhiên là không, bởi vì đôi chút vệt trầy không thể nào hủy bỏ giá trị của một bảo vật được.

Vị tôn sư lại hỏi:

- Nếu vì chưa thạo nghề, con trật tay làm trầy đôi chút trên mặt gỗ lim, con có đập phá cái bàn mà con đã khó công làm nên không?

Chàng thanh niên không chút ngần ngại trả lời:

-Thưa thầy, không, bởi vì những đường trầy, những vết cọ sát không làm thuyên giảm bản chất của gỗ qúi và của cái bàn đẹp.

Vị tôn sư mỉm cười và nói:

- Tốt lắm! Con suy nghĩ giống như một người thợ mộc lão luyện và có lương tâm, biết nhận định giá trị của công việc và của bảo vật. Con đã được ban tặng tinh thần của Đấng sáng tạo trời đất muôn vật và luôn tiếp tục bảo vệ sự sống của mọi thụ tạo, cả đến những vi khuẩn bé tí ti mà mắt con không thể trông thấy. Nếu con chỉ là một chú thợ mộc mà còn quí trọng sản vật vô lương tri, vô cảm giác chính tay con làm nên, thì thử hỏi làm sao Thiên Chúa lại không quí trọng con người là tạo vật quan trọng nhất trong các loài thụ tạo của Chúa. Bởi vậy, cho dù con người có bị tội lỗi làm hoen úa, khác nào những vết trầy trên mặt bàn gỗ quí, làm sao Ngài nỡ lòng quên đi giá trị thiêng liêng của con người để tiêu diệt nó chỉ vì những nhơ bẩn tội lỗi của nó được.

Thiên Chúa yêu thương con người cho nên không bao giờ Ngài làm thế.

2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong Giáo Hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung với lòng mong mỏi cho những kẻ không tốt có thời giờ để hoán cải thành người tốt.

Đừng lên án Giáo Hội, đừng lên án ai cả. Cũng đừng bực tức bất mãn với Giáo Hội hay với bản thân mình. Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trìsửa đổi để ngày một nên tốt hơn.

Một bác sỹ nọ tìm đến với một vị Giám Mục và tuyên bố:

- Con đến cho Đức Cha hay con muốn ra khỏi Giáo Hội. Đức Cha nghĩ sao?

Vị Giám Mục xin ông cho biết lý do.

Ông nói: "Đức Cha nghĩ coi: Giáo Hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?".

Vị Giám Mục bình tĩnh trả lời: "Bác sỹ nói chí lý. Nhưng bác sỹ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sỹ cũng như tôi cứ phải rửa tay?"

Nghe thế, vị bác sỹ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa. (Mỗi ngày một tin vui).

Để chấm dứt mấy phút suy niệm hôm nay tôi xin gửi đến anh chị em lời của mẹ Têrêsa Calcutta nói với các chị em nữ tu trong Gia đình Bác ái của mẹ:

"Hãy chiếu giãi và sống một cuộc sống của Chúa Kitô.

Hãy là một thiên thần an ủi đối với người bạn đau yếu.

Hãy là bạn hữu đối với các trẻ nhỏ.

Hãy yêu mến người khác như Chúa đã yêu thương mọi người chúng ta bằng một tình yêu bao la và đặc biệt.

Hãy sống nhân từ với nhau, nói tử tế với người khác.

Thà mắc một chút sơ suất đang khi hành động tế nhị còn hơn là làm một phép lạ trong lúc cư xử bất nhã."

Hãy noi gương cuộc đời Chúa Giêsu để biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.

THỨ SÁU TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 13,54-58

"Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin."
(Mt 13,58)

1. Những người Nagiareth đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến gần đến đức tin. Nhưng rất tiếc hành trình ấy bị chặn lại vì thành kiến. Họ nghĩ: một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế thì làm sao lại có thể là Đấng Messia được.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.

Với tựa đề: "Người Mở Hàng", tác giả Trọng Nhơn đã chia sẻ trong mục tạp bút của báo Tuổi Trẻ một câu chuyện có thật như sau:

Từ ngày khai trương, shop quần áo của tôi luôn đông khách. Sáng nay như thường lệ, vừa mở cửa tôi đã có khách. Một cô gái khoảng 17, 18 tuổi đứng tần ngần ra đó.

Nhìn thoáng qua bộ quần áo bà ba sờn bạc ở vai và gấu, tôi nghĩ ngay trong đầu: Ngữ này chắc là không mua bán trao đổi gì rồi, mới sớm mai mở cửa đã bị ám. Kéo thanh sắt lên tôi hỏi gắt:

- Em cần gì?

Như sợ tôi quay vào, cô gái đáp ngay giọng nhỏ nhẹ:

- Anh gì ơi! Em dưới quê thồ rau lên thành phố bán, nhưng vừa đến đây, xe em bị nổ vỏ mà sáng sớm dậy đi, em lại không mang theo tiền. Theo hướng cô gái chỉ, bên mé đường là một chiếc xe đẩy rau: su hào, bắp cải, hành, hẹ, rau dền.v.v…

Bao năm sống ở thành phố, mọi gian trá lường gạt tôi đã gặp nhiều, nên bây giờ tôi chỉ biết có chính bản thân tôi mà thôi. Vậy mà không hiểu tại sao tôi lại đưa em tờ giấy năm ngàn đồng.

Ngày hôm sau không thấy em đến, các bà bán đồ bên cạnh được dịp phô đủ thứ kiểu lường gạt cả tin để rồi cuối cùng quay lại chuyện của tôi và bảo tôi là ngu.

Bẵng đi vài hôm, vào một buổi sáng, vừa thắp xong cho mẹ một nén hương, tôi ra cửa và lại thấy em. Vẫn cái dáng lưng tôm, mạnh khỏe tựa vào chiếc xe rau nặng cồng kềnh:

- Dạ em xin lỗi, em cám ơn, xin hoàn lại anh số tiền. Rồi cùng với nụ cười tươi tắn, em còn biếu tôi hai bó rau tươi và ngượng ngập thanh minh về lý do em không lên như đã hứa. Vẫn cái lối gập đầu cám ơn, em thong thả đẩy chiếc xe rau đi cho kịp buổi chợ.

Ngày hôm đó tôi thật vui, vui với cái lối chân chất thật thà của cô gái quê. Có lẽ gương mặt tôi toát lên niềm vui nên hôm đó tôi bán hàng đắt khách.

2. "Ngài không làm nhiều phép lạ ở nơi đó, vì họ chẳng có lòng tin"(Mt 13,58). Rõ ràng là những người ở Nagiareth đã đánh mất đi một cơ hội bằng vàng để được chứng kiến những điều kỳ diệu của Chúa, chỉ vì đầu óc của họ quá hẹp hòi và thiển cận.

Đây là một câu chuyện từ Internet:

Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.

Tôi vừa đuổi vừa kêu: "Cướp! Cướp!". Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng soài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy,rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.

Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày được đưa ra khỏi phòng cấp cứu, hơi thở anh ta yếu dần. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói:

- Tôi xin lỗi anh.

Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi:

- Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây, tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình không sống uổng phí.

Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.

Rất tiếc là những người ở Nagiareth, không được như vậy. Họ đã bỏ qua một cơ hội làm cho đời sống của họ tốt hơn khi Chúa trở về với họ.

Lạy Chúa, xin cho con mắt chúng con mở rộng để thấy những việc tốt lành Chúa làm. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Mt 14,1-12

"Vua muốn giết ông Gioan,
nhưng lại sợ dân chúng,
vì họ coi ông là ngôn sứ."
(Mt 14,5)

1. Cả hai nhân vật Gioan và Hêrôđê đều can đảm nhưng mỗi người hướng về những mục đích khác nhau: Gioan can đảm làm điều tốt cho dù phải hy sinh tính mạng. Hêrôđê can đảm dám phạm bất cứ tội lỗi nào.

Không riêng gì tính can đảm, mà nhiều khả năng khác của con người (như trí thông minh, sức mạnh, quyền lực…) cũng phải được định hướng cho đúng mới tốt được.

Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta những khả năng, quyền lực v.v… Nhưng xin dạy chúng ta biết sử dụng chúng cho đúng hướng.

Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma cho mời nhà quí tộc Rômanus đến. Vua muốn cùng một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.

Nhưng Rômanus tâu vua, mình hết lòng cám ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.

Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đàng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.

Sau một ngày, ông Rômanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Rômanus can đảm tâu vua:

- Dây hôn phối ràng buộc khanh với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.

Vua ra sức nài ép song vô ích.

Ông Rômanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.

Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.

2. "Vua muốn giết ông Gioan, nhưng sợ đám đông vì họ coi ông là ngôn sứ". (Mt 14,5).

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho đặc ân cao quý là có quyền tự do lựa chọn. Chúng ta được quyền chọn bất cứ điều gì, hành động ra sao, cư xử như thế nào. Nhưng chúng ta đừng quên cách chúng ta phải sử dụng quyền đó cho chính đáng. Vua Hêrôđê đã cho mình quyền "tự do" của một ông vua, nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Nhưng đâu biết rằng, chính lúc ông thực hiện quyền tự do ấy cũng là chính lúc ông bị ràng buộc bởi một sức mạnh khác. Đó là lời thề và danh dự của ông trước mặt các khách dự tiệc. Ngược lại, Gioan đã sử dụng những khả năng Chúa ban cho mình để bênh vực cho lẽ phải. Cho nên dù có bị giam cầm và bị chặt đầu nhưng lòng ông cũng thanh thản vì ông làm đúng lương tâm.

Tờ New York Times ngày 17.3.1994 có đăng câu chuyện có thật của một phạm nhân:

Ông Ricardo Caputo, một tội phạm nghiêm trọng của tòa án liên bang đã giết chết bốn người vợ trong thời gian 20 năm. Bằng nhiều thủ đoạn khéo léo, ông đã trốn thoát khỏi mọi mạng lưới pháp luật bao vây lùng bắt của tòa án liên bang. Tuy nhiên, sau 20 năm, ông ta đã tự ra đầu thú tại một sở cảnh sát ở Mineola, New York bởi vì lương tâm ông cắn rứt không còn chịu nổi. Khi ra đầu thú, ông cho biết, ông thà bị giam cầm trong ngục còn sướng hơn bị lương tâm cắn rứt và tội lỗi dày vò.

3. Chúng ta đừng coi thường tiếng nói của lương tâm vì đó là tiếng nói của Chúa.

Trong cuốn sách có tựa đề là "Chờ Đợi Chúa" người ta đọc được câu chuyện này: Một người cha kia có hai người con. Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn nghề thợ rèn rồi vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi đến một ngôi làng khác. Một hôm, hai cha con đi ngang một cánh đồng, thấy một con bò đang gặm cỏ, người chăn ở đâu không thấy mà làng mạc thì xa. Đứa con nói với cha:

- Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn.

Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói:

- Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có công việc.

Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội lùa con bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà, thì hai cha con bắt tay vào việc làm thịt bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói:

- Ta hãy đoán xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt bò này.

Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt bò. Trong khi người cha ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật, người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích:

- Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm, còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm chẳng bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được.
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter