Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu cởi mở đón nhận các hồng ân của Chúa Thánh Linh, và để cho các hồng ân ấy triển nở qua các hoa trái trong cuộc sống bác ái cụ thể, chống lại tội lỗi, thực thi các công trình công lý và hòa bình.Trên đây là nội dung bài giảng thánh lễ ngài cử hành lúc 10 giờ sáng chúa nhật 24-5-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước sự tham dự của 9 ngàn tín hữu.

Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y và 50 GM tại Tòa Thánh cùng với 250 linh mục. 17 đại chủng sinh thuộc Học Viện Anh quốc đảm trách phần giúp lễ, trong đó có thày người Việt là Phó tế Nguyễn Quốc Tạo, thuộc giáo phận Oslo, bên Na Uy. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn được ca đoàn ”Mater Ecclesiae”, Mẹ Giáo hội, gồm 80 ca viên, và Ca đoàn Ionica đông phương gồm 100 người, phụ trách.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã làm phép nước và rảy trên các tín hữu, nhắc nhớ bí tích rửa tội, đồng thời cầu xin Chúa canh tân nội tâm để có thể luôn trung thành với Chúa Thánh Linh, Đấng được ban cho chúng ta như hồng ân:

Bài giảng của Đức Thánh Cha

”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.. Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Ga 20,21.22). Việc phú Thánh Linh đã diễn ra vào chiều ngày Phục Sinh, lại được tái diễn trong ngày lễ Ngũ Tuần, được củng cố bằng những biểu hiện ngoại thường bên ngoài. Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Đồ và thở Thần Khí Ngài trên các vị (Xc Ga 20,22); trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, việc phú Thánh Linh diễn ra một cách vang dội, như gió ập mạnh vào nhà và tràn vào trong tâm trí các Tông Đồ. Qua đó, các vị nhận được năng lực đến độ thúc đẩy các vị loan báo trong các thổ âm biến cố Chúa Kitô Phục Sinh: “Tất cả được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Cv 2,4). Cùng với các vị, có Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Nữ Môn đệ đầu tiên, Mẹ của Giáo Hội đang khai sinh. Cùng với niềm an bình, và với nụ cười, Mẹ tháp tùng niềm vui của vị Hôn Thê trẻ trung, Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Lời Chúa, đặc biệt là trong ngày hôm nay, nói với chúng ta rằng Thánh Thần hoạt động trong con người và trong các cộng đoàn được tràn đầy Thánh Linh: Ngài hướng dẫn đến trọn vẹn chân lý (Ga 16,13), canh tân trái đất (Tv 103), và ban các hoa trái của Ngài (Gl 5,22-23).

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng khi Ngài trở về cùng Chúa Cha, thì Thánh Linh sẽ đến, Người sẽ hướng dẫn họ ”đến chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu gọi Thánh Linh là “Thần chân lý” và giải thích cho họ rằng hoạt động của Thánh Linh là dẫn đưa họ ngày càng vào sâu hơn trong sự hiểu biết những gì mà chính Ngài, Đức Messia, đã nói và đã làm, đặc biệt là cái chết và sự sống lại của Ngài. Với các Tông Đồ là những người không có khả năng chịu đựng biến cố gây vấp phạm là cuộc khổ nạn của Thầy mình, Thánh Linh ban cho họ một chìa khóa mới để đọc biến cố, hầu dẫn đưa họ đến sự thật và vẻ đẹp của biến cố cứu độ. Các môn đệ, thoạt đầu là những người nhát sợ và bị khớp, ẩn kín trong nhà Tiệc Ly để tránh những âm hưởng của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nay họ không còn hổ thẹn vì là môn đệ của Chúa Kitô nữa, không run rẩy trước các tòa án loài người. Nhờ Chúa Thánh Linh mà họ được ban tràn đầy, họ hiểu ”trọn vẹn chân lý”, nghĩa là hiểu rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự thất bại, nhưng là biểu hiện tột đỉnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu chiến thắng sự chết trong cuộc Phục Sinh của Ngài, và tôn vinh Chúa Giêsu như Đấng Hằng Sống, là Chúa, là Đấng Cứu Chuộc loài người, cứu chuộc lịch sử và thế giới. Và thực tại này mà họ là nhân chứng, trở thành Tin Mừng cần được loan báo cho mọi người.

ĐTC nói tiếp:

”Hồng ân của Thánh Linh canh tân trái đất. Thánh vịnh nói: ”Xin sai Thần Trí Ngài .. và canh tân trái đất” (Tv 103,30). Trình thuật của Tông Đồ công vụ về sự khai sinh Giáo Hội tìm được sự tương ứng đầy ý nghĩa trong thánh vịnh này, là một bài ca lớn chúc tụng Thiên Chúa Tạo Hóa. Thánh Linh mà Chúa Kitô sai đến từ Chúa Cha, và Thánh Thần sáng tạo ban sự sống cho mọi sự, cùng là một. Vì thế, sự tôn trọng thiên nhiên, công trình sáng tạo, là một đòi hỏi do đức tin của chúng ta: mảnh vườn nơi chúng ta sống không được ủy thác cho chúng ta để chúng ta khai thác bóc lột nó, nhưng để chúng ta vun trồng và bảo tồn trong niềm tôn trọng (Xc St 2,15). Nhưng điều này chỉ có thể nếu Adam - con người được nặn bằng đất sét - để cho mình được Thánh Thần đổi mới, để cho Chúa Cha tái nhào nặn theo kiểu mẫu Chúa Kitô là Adam mới. Vì vậy, nếu được Thánh Thần Chúa canh tân, chúng ta có thể sống tự do của con cái, hòa hợp với toàn thể thụ tạo, và trong mỗi thụ tạo, chúng ta có thể nhận ra phản ánh vinh quang của Đấng Tạo Hóa, như một thánh vịnh khác đã quả quyết: ”Lạy Chúa, là Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa trên toàn trái đất!” (8,2.10).

Trong thư gửi tín hữu Galat, Thánh Phaolô muốn chứng tỏ đâu là hoa trái được biểu lộ trong cuộc sống của những người tiến bước theo Thánh Linh (Xc 5,22). Một đàng có ”xác thịt” với các tính mê tật xấu mà Thánh Tông Đồ liệt kê, và đó là những công việc của con người ích kỷ, khép kín đối với hoạt động của ơn thánh Chúa. Trái lại nơi con người, trong niềm tin, để cho Thần Trí Chúa tràn vào, thì các thiên ân được triển nở, được tóm tắt trong 9 nhân đức vui mừng mà thánh Phaolô gọi là ”hoa quả của Thánh Linh”. Từ đó có lời kêu gọi được lập lại trong phần mở đầu và kết luận, như một chương trình sống: ”Anh em hãy tiến bước theo Thánh Linh” (Gl 5,16.25).

ĐTC nhận xét rằng:

”Thế giới đang cần những người nam nữ không khép kín, nhưng tràn đầy Thánh Linh. Sự khép kín đối với Thánh Linh không những là một sự thiếu tự do, nhưng còn là tội lỗi. Có bao nhiêu cách thức khép kín đối với Chúa Thánh Linh trong sự ích kỷ, tìm kiếm tư lợi, trong thái độ vụ luật cứng nhắc - như thái độ của các nhà thông luật mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ giả hình -, trong sự quên lãng những điều Chúa Giêsu đã dạy, trong cách sống cuộc sống Kitô không phải như một sự phục vụ, nhưng như một sự tìm kiến tư lợi riêng, v.v. Thế giới đang cần lòng can đảm, hy vọng, đức tin, lòng kiên trì của các môn đệ Chúa Kitô. Thế giới đang cần hoa trái của Thánh Linh: ”yêu thương, vui mừng, an bình, quảng đại, từ nhân, tốt lành, trung thành, dịu dàng, tự chủ” (Gl 5,22). Hồng ân Thánh Linh đã được ban dồi dào cho Giáo hội và mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể sống với niềm tin chân chính và lòng bác ái cụ thể, để chúng ta có thể gieo vãi những hạt giống hòa giải và an bình. Được Thánh Linh và nhiều hồng ân của Chúa củng cố, chúng ta có thể chiến đấu không nhân nhượng chống lại tội lỗi và sự hư hỏng, kiên nhẫn tận tụy thi hành những công việc công lý và hòa bình”

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các thứ tiếng Arập, Pháp, Hoa, Malayalam Ấn độ, và Croát, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội ngày càng được hiểu biết sinh động hơn về Chúa Giêsu vị Hôn Phu, cầu cho những người thánh hiến, xin Chúa Thánh Linh biến họ thành lá thư gửi đến con người ngày nay và canh tân nơi họ niềm vui ơn gọi; cầu cho các chính quyền, xin Thần Trí chỉ bảo hướng dẫn các quyết định của họ và củng cố các dự án công lý và hòa bình, cầu cho các tội nhân và những người không tin, xin Thánh Thần từ bi chiếu sáng họ trong nơi tối tăm tội lỗi chết chóc, biến cuộc sống của họ thành những bầu rượu mới, đầy sự hiện diện của Chúa. Sau cùng, mọi người đã cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, xin Thánh Thần sức mạnh biểu lộ nơi họ vẻ đẹp được thuộc về Chúa Giêsu và thánh hóa những đau khổ của họ..

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Sau thánh lễ, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ Giáo Hoàng trong dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC cũng nhắc đến sự kiện trong Ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ nhận được ơn Chúa Thánh Linh và được hoàn toàn biến đổi: từ nhát sợ đến can đảm, sự khép kín nhường chỗ cho sự loan báo và mọi nghi ngờ bị xua đuổi bằng niềm tin đầy tình thương yêu. Đó là ”phép rửa của Giáo Hội, khởi đầu hành trình của Hội Thánh trong lịch sử, được sức mạnh của Thánh Linh hướng dẫn”.

Biến cố ấy thay đổi con tim và đời sống của các Tông Đồ và các môn đệ, âm vang ngay ở bên ngoài nhà Tiệc Ly. Thực vậy cánh cửa nhà ấy bị đóng kín trong 50 ngày, nay được mở toang và cộng đoàn Kitô đầu tiên không còn co cụm vào mình, nhưng bắt đầu nói với đám đông dân chúng xuất xứ khác nhau, về những công trình vĩ đại Thiên Chúa đã làm (Xc v.11), nghĩa là sự sống lại của Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đanh. Và mỗi người hiện diện đều nghe các môn đệ nói trong tiếng của mình. Hồng ân Thánh Linh tái lập sự hòa hợp ngôn ngữ đã bị mất tại tháp Babel và báo trước chiều kích đại đồng sứ vụ của các Tông Đồ. Giáo Hội sinh ra có đặc tính hoàn vũ, duy nhất và công giáo, với một căn tính rõ rệt, nhưng cởi mở, bao gồm toàn thế giới, không loại trừ một ai.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: Thánh Thần được phú ban trong Ngày Lễ Ngũ Tuần vào tâm hồn các môn đệ là khởi đầu một mùa mới: mùa làm chứng tá và huynh đệ. Đó là một mùa đến từ trên cao, từ Thiên Chúa, như những lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi môn đệ. Đó là ngọn lửa tình thương đốt cháy mọi cứng cỏi; đó là ngôn ngữ của Tin Mừng vượt qua mọi biên cương do con người đặt ra và đánh động tâm hồn nhiều người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc hoặc quốc tịch. Như trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh cũng liên tục được ban xuống cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta, để chúng ta ra khỏi tình trạng tầm thường và thái độ khép kín của mình, và thông truyền tho toàn thế giới tình yêu thương xót của Chúa. Đó là sứ mạng của chúng ta! Cả chúng ta cũng được ơn ”ngôn ngữ” của Tin Mừng và lửa của Thánh Linh, để trong khi chúng ta loan báo Chúa Giêsu Phục Sinh, hằng sống và hiện diện giữa chúng ta, chúng ta sưởi ấm con tim các dân tộc, dẫn đưa họ đến gần Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Kêu gọi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC cho biết: Ngài tiếp tục rất lo âu theo dõi những vụ nhiều người tị nạn tại Vịnh Bengala và biển Andamane, đồng thời nói rằng: ”Tôi đánh giá cao những cố gắng của những nước sẵn sàng đón nhận những người tị nạn ấy đang gặp bao nhiêu đau khổ và nguy hiểm trầm trọng. Tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế cung cấp cho họ trợ giúp nhân đạo cần thiết”.

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 23-5, tại Salvador cho Đức Cha Oscar Romero, TGM San Salvador, bị giết do lòng oán ghét đức tin trong khi Người cử hành thánh lễ. Vị Mục Tử nhiệt thành này, theo gương Chúa Giêsu, đã chọn ở giữa dân của mình, nhất là những người nghèo và bị áp bức, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Và tiếp đến là lễ phong chân phước tại Kenya cho Nữ tu Irene Stefani người Italia, thuộc dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi, đã phục vụ dân chúng tại Kenya trong hân hoan, từ bi và dịu dàng thương xót. ĐTC nói: ”Ước gì tấm gương của các vị Chân phước này khơi dậy nơi mỗi người chúng ta ước muốn nồng nhiệt can đảm làm chứng chứng cho Tin Mừng với tinh thần từ bỏ.”

G. Trần Đức Anh OP. Nguồn Rv
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter