Tuần 33 Sách Hô-sê, chương 1-7

I. Tổng quát

1,1 : Dẫn nhập

Tên gọi Hosea nghĩa là “hành động cứu độ” hay “Đấng Cứu độ”. Sách Hosea mở đầu với lời “Lời Đức Chúa phán với ông Hosea” (khác với Amos: Lời của Amos). Như thế nhấn mạnh tính linh hứng của lời rao giảng.1,2 – 3,5 : Giavê, Phu quân của Israel

Ba chương đầu tập trung vào cuộc hôn nhân của Hosea, những bất trung của bà vợ Gomer, nghi ngờ về con cái, và áp dụng hoàn cảnh này cho giao ước của Israel với Giavê.

4,1 – 5,7: Tội ác của các nhà lãnh đạo

Tất cả những tội ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân đều được gọi là ngoại tình; như thế làm nổi bật mối tình thắm thiết của Giavê với Dân Ngài.

5,8 – 8,14: Ám sát, bất ổn, mất mát.

Các chương này bàn đến những vụ ám sát các vua và hoàng tộc, những chính sách ủng hộ hay chống Assyria, những hứa hẹn to lớn nhưng thực chất nghèo nàn…

II. Kinh nghiệm hôn nhân và lời rao giảng

1. Tiên tri Hosea có kinh nghiệm rất đau buồn về hôn nhân (1,2-8)

Người vợ của Hôsê có nguồn gốc không tốt đẹp, lại là một người vợ bất trung: “hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm” (1,2). Cũng vì thế, nhà tiên tri đặt cho con cái mình những cái tên lạ thường: “không-được-thương”, “không-phải-dân-Ta”.

Hơn thế nữa, người vợ của ông lại còn ngoại tình. Thế nhưng vâng lời Chúa, ông đã tha thứ cho vợ và đón nhận vợ trở về: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình” (3,1-5).

2. Rao giảng Lời Chúa từ chính kinh nghiệm bản thân

Kinh nghiệm về hôn nhân đã giúp tiên tri Hôsê cảm nghiệm tình yêu nóng bỏng của Thiên Chúa với Dân Người: tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn, tình yêu đổi mới. Người Kitô hữu cũng được mời gọi để cảm nghiệm Thiên Chúa qua chính kinh nghiệm trong đời sống gia đình của mình, trong tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái.

Tiên tri Hosê không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng hành động và chính cuộc sống của mình. Khi ông đi cưới một người đàn bà làm điếm là để nói với dân rằng “cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm” (1,2). Và khi ông đi cưới một người đàn bà đang ngoại tình, cũng là để nói với dân về “Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác” (3,1). Cũng thế, người Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. Vậy cuộc sống hằng ngày của tôi có trở thành lời loan báo Tin Mừng không, hay lại là phản chứng?

3. Hôn nhân và giao ước giữa Thiên Chúa với con người

Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Dân Ngài. Theo cách diễn tả của Môsê, giao ước này mang tính lề luật. Với Hosea, giao ước này trở thành giao ước hôn nhân với nền tảng là tình yêu và sự tín nhiệm lẫn nhau. Ở đây, hôn nhân mang ý nghĩa và giá trị đặc biệt vì diễn tả chính tình yêu của Thiên Chúa với loài người, mở đường cho cách nhìn của thánh Phaolô: “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Eph 5,31-32).

III. Bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

1. Tiên tri Hosê nói về Thiên Chúa

Khi nói về Thiên Chúa, Hosê không chỉ nói về Thiên Chúa cách chung chung. Ít nhất là 45 lần, ngài sử dụng từ YAHWEH là Danh Thiên Chúa được tỏ cho Môsê (Xh 3, 11-15), nghĩa là Thiên Chúa là Đấng hằng ở với Dân. Khi Hosea dùng từ Elohim hay El để nói về Chúa thì luôn luôn là “Chúa của anh em” hay “Chúa của tôi”:

* Nó sẽ thưa “Thiên Chúa của con” (2,25)

* Con cái Israel sẽ trở lại tìm kiếm Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng (3,5)

Cách diễn tả này nói lên mối quan hệ mật thiết và sống động giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Đồng thời cách diễn tả này giúp ta ý thức hơn về đời sống đức tin.

2. Tin là bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

Tin không chỉ là nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc chấp nhận những định tín về Ngài. Nhưng tin là bước vào mối quan hệ cá vị, thân tình, riêng tư với Thiên Chúa như vợ chồng, cha mẹ và con cái, bạn với bạn… Cầu nguyện là cách thế tốt nhất để diễn tả, đồng thời giúp ta sống mối quan hệ này.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter