Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giê-su cũng chứng kiến sự ô uế của một môi trường được xem là thánh thiêng, là nơi cực thánh, thế nhưng đã bị tục hoá từ vật chất đến tinh thần. Đền thờ là nơi linh thánh đã bị lạm dụng vào việc làm ăn, buôn bán, trao đổi tiền. Nhìn vào đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tục hoá mà lòng Chúa Giê-su quặn đau.
Ngài đã không thể chần chờ. Ngài đã hành động dứt khoát để thanh tẩy đền thờ, để mang lại vẻ đẹp ban đầu của đền thờ là nơi Chúa ngự, là nơi linh thánh cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Phúc âm nói rằng: Chúa Giê-su bện roi xua đuổi tất cả những ai can dự vào việc làm ô uế đền thờ từ những người buôn bán chiên, bò, bồ câu tới những người đang ngồi đổi tiền hay nhận tiền hoa hồng từ việc làm ăn buôn bán. Người đã đổ tung và lật nhào bàn ghế của họ. Người khuyến cáo họ : “đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”.
Ngài đã không thể chần chờ. Ngài đã hành động dứt khoát để thanh tẩy đền thờ, để mang lại vẻ đẹp ban đầu của đền thờ là nơi Chúa ngự, là nơi linh thánh cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Phúc âm nói rằng: Chúa Giê-su bện roi xua đuổi tất cả những ai can dự vào việc làm ô uế đền thờ từ những người buôn bán chiên, bò, bồ câu tới những người đang ngồi đổi tiền hay nhận tiền hoa hồng từ việc làm ăn buôn bán. Người đã đổ tung và lật nhào bàn ghế của họ. Người khuyến cáo họ : “đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”.
Hôm nay ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô, là nhà thờ chánh toà Đức Giáo Hoàng. Thánh đường La-tê-ra-nô được xem là Nhà Thờ Mẹ của tất cả mọi nhà thờ trên toàn thể thế giới. Việc mừng kính ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường này nói lên sự hiệp thông của toàn thể Giáo Hội. Giáo hội luôn hiệp nhất và gắn kết với nhau làm thành một thân thể mầu nhiệm Chúa Ky-tô ở giữa thế gian này. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là dấu chỉ hữu hình của Giáo hội Chúa hiện diện giữa thế gian. Thánh đường phải sạch sẽ bên ngoài. Thánh đường còn phải sử dụng đúng mục đích để bảo toàn sự thánh thiêng và thanh sạch bên trong.
Thánh đường còn là dấu chỉ sự hiện diện của Giáo hội, thế nên mỗi người ky-tô hữu phải là những viên đá xây dựng nên toà nhà Giáo hội. Mỗi người ky-tô hữu cũng là một đền thờ hữu hình để tôn vinh Thiên Chúa, để thánh hoá nhân loại. Do đó, đền thờ bằng đá sẽ mất ý nghĩa nếu đền thờ tâm hồn nơi các ky-tô hữu bị tục hoá, bị biến chất bởi sự ô uế tâm hồn và đánh mất sự linh thánh nơi thân xác là Đền Thờ Thiên Chúa.
Thế nên, kỷ niệm việc cung hiến đền thờ cũng là dịp nhắc nhở về đền thờ tâm hồn nơi mỗi người chúng ta. Thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa hãy biết kính trọng thân xác mình và anh em. Đừng lạm dụng thân xác trong những đam mê bất chính. Đừng lạm dụng thân xác để tìm thú vui xác thịt và kiếm tiền. Đừng phá huỷ đền thở tâm hồn trong những xa hoa truỵ lạc. Hãy biết sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Hãy sống cao thượng hơn các loài sống theo bản năng hoặc các loài vô tri vô giác. Hãy thanh tẩy từ chính tâm hồn chúng ta khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những ước muốn gian dâm và trộm cắp. Hãy loài trừ trong tâm hồn chúng ta những cái nhìn bất chính, những ước muốn tầm thường, những đam mê vô độ. Hãy để Chúa ngự trị và chiếm đoạt tâm hồn chúng ta. Hãy sống thanh sạch. Hãy thanh tẩy tâm hồn mình thường xuyên bằng các bí tích nhất là bí tích Hoà Giải và Thánh Thể. Nhờ bí tích hoà giải mà ta luôn làm mới lại tâm hồn và nhờ bí tích Thánh Thể để ta luôn có Chúa ở trong mình.
Nguyện Xin Chúa luôn nâng đỡ và trợ giúp để chúng ta biết thanh tẩy mình mỗi ngày nên tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự ,và là viên đá sống động xây dựng nhiệm thể Chúa Ky-tô mỗi ngày một vững mạnh hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền