I. TÍNH THIÊNG THÁNH CỦA MÁU (17,1-15)
Khi Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại, Ngài đã chọn một ngôn ngữ cụ thể gắn với một nền văn hoá cụ thể. Vì thế để hiểu Thánh Kinh, không thể không hiểu cách suy nghĩ và diễn đạt của ngôn ngữ và văn hoá đó.
Trong văn hoá Hípri, mọi sự được diễn tả cách cụ thể chứ không trừu tượng. Chẳng hạn, chân lý, công bằng, hoà bình…
không phải là những ý niệm trừu tượng nhưng là những sự vật sống động.
Vì thế, Thánh Kinh diễn tả, “An tình và chân lý nay hội ngộ, hoà bình và công lý hôn nhau. Chân lý mọc lên từ đất thấp, công bằng nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,11-12). Tương tự như thế, sự sống không phải là một ý niệm tổng quát nhưng được đồng hoá với máu. Máu là sự sống, mất máu là chết, và cái chết hành động như một tên trộm lấy cắp sự sống: “Mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi …Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào vì sự sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ” (Levi 17,14).
Có như thế, ta mới hiểu được ý nghĩa của những quy định trong sách Lêvi về việc sát sinh. Mọi việc sát sinh, dù chỉ là tìm thức ăn, cũng phải trở thành lễ tiến và hy lễ. Hành động đó là hành động nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn sự sống, và nhờ hành động đó, kẻ dâng lễ tế được tiếp tục sống.
Trong trường hợp săn được một con thú hoặc một con chim được phép ăn, thì phải lấy đất phủ lên máu của con vật. Tương tự như vậy, khi làm công việc sao chép văn bản Thánh Kinh, nếu một ký lục lỡ chép sai thì ông sẽ không xé trang đó đi và chép lại, nhưng phải cẩn thận rút phần bị sai đó ra khỏi cuộn sách, để vào trong hộp nhỏ rồi đốt đi. Tại sao lại như thế? Vì cũng như sự sống ở trong máu thì Thần Linh thánh thiện cũng ở trong Lời Chúa.
Dù đã có những thay đổi nhưng cho đến nay nhiều người Do thái vẫn không ăn máu. Với người Kitô hữu, khi hiểu được ý nghĩa của máu trong văn hoá Thánh Kinh như thế, ta cảm nghiệm sâu sắc hơn lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Tất cả anh em hãy uống chén này vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Lời mời gọi đó có nghĩa là: Hãy nên một với Thầy, nên một với sự sống của Thầy.
II. NĂM TOÀN XÁ (25,1-55)
Trong năm thứ bảy, đất sẽ được nghỉ ngơi, một sabat kính Đức Chúa (25,4). Như thế Đức Chúa đã tách riêng năm thứ bảy cho Ngài, trong năm đó đất được coi là thánh. Trong tháng thứ bảy của năm thứ 49 và kéo dài sang năm 50, dân Chúa cử hành năm toàn xá. Trong ngày xá tội, tù và được thổi lên để quy tụ dân, “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó sẽ là thời kỳ toàn xá” (25,10). Dân chúng được trở về gia đình và đất đai của mình (câu 10). Sẽ không gieo gặt trong năm đó (câu 11). Nếu dân tuân theo, họ sẽ được sống yên hàn và đất đai sẽ trổ sinh hoa trái (câu 18-19).
Trong năm toàn xá, người ta có quyền chuộc lại đất (25,23-55), kể cả với những người không có khả năng chuộc lại, “Nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến năm toàn xá; đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình” (25,28).
Thật ngỡ ngàng khi đọc lại những quy định này trong sách Lêvi. Ngày nay người ta nói nhiều đến việc giải phóng người nghèo và bảo vệ môi sinh, và coi đó là những điều rất mới mẻ. Thế nhưng từ nhiều thế kỷ trước, sách Lêvi đã có những quy định rất cụ thể về điều này. Như thế ta khám phá Thánh Kinh là một tác phẩm chất đầy tính nhân văn và xã hội. Và nền tảng của những quy định này là: “Đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (25,23). Chỉ Thiên Chúa mới là chủ sở hữu, còn mọi người đều là khách trọ, là ngoại kiều. Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, chiếm đoạt quyền sở hữu của Thiên Chúa, thì con người cũng biến tha nhân thành nô lệ cho mình, biến thiên nhiên thành phương tiện sản xuất thuần túy. Đó là cội nguồn của tình trạng bất công và áp bức, tàn phá và hủy diệt môi sinh. Hiểu như thế, những quy định trong sách Lêvi về Năm toàn xá là cả một hiến chương mời gọi nhân loại không ngừng suy nghĩ lại về chính mình cũng như về xã hội.
Cách riêng với người tín hữu Chúa Kitô, những quy định về Năm toàn xá mời gọi ta suy nghĩ lại về cách ta cử hành Năm toàn xá. Phải chăng ta chỉ chú trọng đến những cử hành thiêng liêng mà không quan tâm gì đến những đòi hỏi và âm hưởng xã hội chính ra phải có trong năm này? Phải chăng ta chỉ lo tuân giữ những quy định về việc đi viếng nhà thờ hay tham dự các nghi lễ mà không quan tâm gì đến việc biến đổi bản thân và lối sống hằng ngày của mình? Ngay trong cách cử hành thiêng liêng để được hưởng ơn toàn xá, phải chăng ta cũng có những tính toán ích kỷ, dù là ích kỷ về mặt thiêng liêng, để tìm phần rỗi cho riêng mình mà không quan tâm đến sự giải thoát anh em?
Nguồn: WGPSG