Năm Mục vụ Gia đình 2017: Gặp gỡ I: CHÚNG TA YÊU NHAU

Mục đích:
Trước tình hình người ta có những quan niệm rất khác nhau về hai chữ “tình yêu”, những buổi gặp gỡ hội thảo về chủ đề này nhằm giúp các bạn trẻ nhận ra những ý nghĩa khác nhau mà người ta thường gán cho hai chữ đó. Từ đó, họ phân biệt được ý nghĩa thật của tình yêu đôi lứa theo cái nhìn Kitô giáo so với các quan niệm thông thường khác: tình yêu ấy bắt nguồn từ Tình yêu Thiên Chúa và đặt nền tảng trên tình yêu đó; trong cuộc sống hằng ngày tình yêu ấy bị đe dọa bởi những lầm lỗi và tội lỗi của con người; tình yêu ấy cần được không ngừng vun trồng và làm thăng tiến.

Một khi nhận ra và cảm nếm được ý nghĩa đích thực của tình yêu vốn tự nó hướng tới một dự phóng chung trong đời hôn nhân, đôi bạn sẽ thấp thoáng thấy được “Niềm vui của Tình yêu” (Amoris Laetitia) trong đời sống gia đình mình đang hướng tới.

Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:

Lời dẫn:

Thiên Chúa là tình yêu. Người đã tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Ngài, cho họ tham dự vào khả năng yêu thương của Ngài. Chính Ngài đã ban anh chị cho nhau, đã cho anh chị được gặp nhau và đồng hành với anh chị để tình yêu của anh chị mỗi ngày trở nên đích thực hơn: một tình yêu dấn thân trọn vẹn con người mình, như một tặng phẩm dâng hiến cho người kia.

Lời Chúa: trích trong sách Sáng thế

Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau. (St 2,18-25).

Lời nguyện của đôi bạn:
Chúc tụng Chúa, là Chúa cả trời đất,

Vì Ngài đã ban cho chúng con sự sống và cho chúng con được gặp nhau.

Chúa là suối nguồn của tình yêu nảy nở giữa chúng con và giao phó trách nhiệm cho chúng con:

Xin hãy biến đổi tình yêu ấy mỗi ngày nên đẹp hơn, thật hơn, không vương vấn kiêu căng và ích kỷ, nhưng quảng đại tìm kiếm thiện ích cho tha nhân.

Xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm tinh tuyền và trong sáng, để biểu lộ sự chân thành trao hiến cho nhau,

hầu gia tăng hiệp thông sự sống, cho tình yêu trở nên mỗi ngày một sâu sắc hơn.

Chỉ như thế chúng con mới có thể cảm nghiệm và làm chứng được tình yêu Chúa vô biên.

Câu hỏi giúp suy tư:

– Ngày nay người ta nghĩ gì về tình yêu?

– Tình yêu có nghĩa gì đối với anh chị?

– Những thứ ảo tưởng nào đe dọa tình yêu?

Suy tư:

Về chữ tình yêu

“Tình yêu” là một trong những từ ngữ được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ tôn giáo và xã hội dân sự nơi mọi dân tộc. Nó diễn tả những kinh nghiệm tôn giáo cao quý nhất, những dâng hiến quảng đại nhất, những kinh nghiệm kỳ diệu nhất… Mọi người đều tưởng mình biết ý nghĩa của tình yêu và hướng đến cùng một thực tại, đang khi thực ra họ hiểu theo những nghĩa khác nhau.

Không chỉ có một loại tình yêu duy nhất: có tình bạn, tình thân tâm giao, tình liên đới vốn khác biệt sâu xa với tình yêu hướng đến cô gái hay chàng trai mà mình phải lòng.

Tình yêu và tình dục

Tình yêu ban đầu khi mới nảy sinh, như bao điều tốt đẹp mới khởi đầu, bao giờ cũng tươi vui và hấp dẫn. Những người đang yêu luôn nhìn nhau trong lý tưởng. Tình yêu nảy nở nhiệm mầu trong con tim của chàng và nàng đòi hỏi đó phải là ái tình duy nhất và không san sẻ và, như thế là vì ta cảm thấy người kia lấp đầy khoảng trống trải ta thiếu thốn. Một mình ta không đủ để có hạnh phúc tròn đầy, ta được dựng nên vì người khác, để hạnh ngộ, để đi vào đối thoại. Ta hiện hữu trong một thân xác, vốn là thân xác của một người nam hay một người nữ, và tính dục là phần quan trọng của cuộc hạnh ngộ này, nhưng tính dục không phải là tất cả tình yêu. Văn hóa ngày nay, ngược lại, thường có xu hướng sống hai thái cực: một đàng, đề cao tính dục vì chính tính dục và ban cho nó những “công trạng” quá mức, đàng khác lại tương đối hóa tính dục đến độ dung tục.

Amoris Laetitia: “Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, vì nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy. […] Trong bối cảnh này, ái tình xuất hiện như một sự thể hiện tính dục chuyên biệt của con người. Trong đó, người ta có thể tìm thấy lại “ý nghĩa hợp hôn của thân xác và phẩm giá đích thực của tặng phẩm trao hiến”.[1] Trong các bài giáo lý thần học về thân xác, Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng thân xác với tính dục dị biệt không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng”.[2] Một khao khát tình dục lành mạnh, cho dù gắn với một mưu cầu lạc thú, đều giả thiết có một ý thức cảm thán, và chính bởi đó mà nó có thể làm cho các xung năng có tính nhân văn.”[3]

Ý nghĩa của tình yêu

Một khi đã khát khao con người của nhau, đôi bạn dần lớn lên trong tình yêu. Người này cảm thấy một nhu cầu tự nhiên nảy sinh muốn đem lại hạnh phúc cho người kia. Thế nhưng, thói ích kỷ vẫn luôn chực rình chờ, nó thường khiến mỗi người mệt mỏi không còn cố gắng “quên mình” để yêu tha nhân kia. Tình yêu đích thực thì khác với thứ tình yêu hời hợt hay giả hiệu ở chỗ nó có đặc tính của sự hiến trao bản thân: anh yêu em khi anh cảm thấy hạnh phúc vì làm em hạnh phúc, khi anh có thể nghĩ được là đã trao cho em đời sống của anh, hơn là nghĩ nhận lấy được gì từ cuộc sống của em.

Amoris Laetitia: “Trong bài ca đức mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,

Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,

Không nóng giận, không nuôi hận thù,

Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”

(1 Cr 13,4-7)”[4].

Một bước sau cùng nữa của tình yêu tăng trưởng, đó là tình yêu thật thì hướng tới một dự phóng chung. Mỗi người, trong suy nghĩ của mình, hết sức chăm chút, ân cần, ra sức, hoàn toàn dấn mình cho việc chọn lựa người bạn đời, trợ tá của nhau, trên hành trình thực hiện viên mãn cuộc sống của mỗi người.

Hơn nữa, tình yêu tuôn tràn trong con tim của hai người nam và nữ thì cởi mở ra với Đấng siêu việt. Cuộc sống của mỗi thụ tạo thì hướng đến Thiên Chúa và mỗi kinh nghiệm, kể cả tình yêu, cũng phải được sống như nó đến từ Thiên Chúa và phải được nghĩ như là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Con người vượt qua được nỗi đơn độc nhờ Thiên Chúa, vì Ngài đã thổi vào trái tim con người Thần Khí của Ngài, chính khả năng yêu thương của Ngài. Bởi thế, cả người nam lẫn người nữ đều không thể nói với người bạn đời của mình một cách tuyệt đối rằng: “em là tất cả cuộc sống của anh”, hay “anh là tất cả cuộc sống của em”, và ngược lại. Bởi lẽ họ được tạo dựng cho nhau, và đồng thời cả hai thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi người đều mang một khát vọng trong mình về vô biên, mà không một con người thụ tạo nào có thể làm thỏa mãn được. Kinh nghiệm hôn nhân phải dành chỗ cho Thiên Chúa Đấng Vô Biên ấy, Ngài muốn đi vào trong cuộc sống của đôi vợ chồng, để “cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo của tình yêu nhân loại”[5] nơi họ, để dẫn họ đến bến bờ cuộc sống viên mãn.

Hành trình xây dựng đôi lứa

Tình yêu được sống trong một trạng thái thăng bằng nhưng thường xuyên bấp bênh, được xây đắp ngày này qua ngày khác, và cần được theo đuổi, vun trồng, bảo vệ, dự phòng. Không bao giờ được nghĩ là mình đã đạt tới đích. Tình yêu phải được học hỏi như những điều tốt đẹp trong cuộc sống khiến ta phải học: học yêu. Đức Giêsu minh họa điều này rất hay trong ví dụ hạt lúa phải chết đi nó mới làm trổ sinh nhiều bông hạt, và chính Người đã thực hiện như thế làm cho người ta thấy được trên thập giá, Người đã chọn lựa sống vì yêu, và thế nào là tình yêu đích thực. Việc khó nhất chính là cam kết dấn thân cả đời mình sống vì người khác, trong tư thế như từ bỏ chính mình, bỏ cách nghĩ của mình, bỏ những thói quen của mình, từ bỏ những sở thích, thú riêng tư…

Trợ giúp đôi bạn

Thường đôi bạn hay nhìn xung quanh mình và cảm thấy cô đơn. Nếu có các cặp bạn hữu nào đó để cùng vui sống những giờ phút thư giãn chứ không để bàn những chuyện nghiêm túc, như ngày cuối tuần chẳng hạn, thì rất có ích. Có khi, cũng không hiếm trường hợp, một đôi bạn cảm thấy mình cần gặp gỡ trao đổi với những người khác về những vấn đề hay những khó khăn làm cuộc sống mình bất ổn hay cay đắng. Ngày nay, có nhiều Nhóm các gia đình thân hữu (các cặp đính hôn, vợ chồng trẻ, các gia đình) đang phổ biến, vì tình thân hữu và bằng hữu giúp nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, và của đôi bạn.

Amoris Laetitia: Đức Giáo hoàng mời gọi: “các cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết rằng việc đồng hành với những người đính hôn trong hành trình tình yêu của họ là một việc thiện ích cho chính họ. […] Đối với cộng đoàn Kitô hữu, những người kết hôn là “một nguồn tài nguyên quý giá vì, trong khi chân thành dấn thân lớn lên trong tình yêu và tự hiến cho nhau, họ có thể góp phần đổi mới chính tấm áo dệt nên toàn bộ thân thể Hội thánh. […] Điều quan trọng là “con đường khai tâm” vào Bí tích Hôn nhân khả dĩ cung cấp cho họ những yếu tố cần thiết để có thể lãnh nhận bí tích ấy với những điều kiện tốt nhất và khởi đầu cuộc sống gia đình một cách vững chắc”[6].

“Cũng nên tìm những phương thế để chuẩn bị từ xa khả dĩ giúp cho tình yêu của họ trưởng thành bằng một sự đồng hành gần gũi và chứng từ phong phú. Thường thì rất hữu ích nếu quy tụ được các nhóm bạn đang thời kỳ đính hôn và đề ra những buổi nói chuyện chuyên đề dựa trên một vài chủ đề khác nhau mà người trẻ quan tâm […]”[7].

Thảo luận theo nhóm:

– Chúng ta thường có những phản ứng tức thời nào trước một lời đề nghị của ai đó?

– Người ta có thể thực hiện những chọn lựa nào để gìn giữ phẩm giá của tình yêu trong thời gian đính hôn và trong cuộc sống đôi lứa?

– Anh chị có những dự phóng nào để mỗi ngày lớn lên trong tình yêu? Cần có những chọn lựa ưu tiên nào cho mục đích đó?

– Có mối liên hệ nào giữa tình yêu và tình dục? Đâu là những cản trở chính theo anh chị sẽ có thể gặp phải khi sống tình dục trong viễn ảnh này?
–––––––––––––––––––––

[1] Gioan Phaolô II, Thần học về Thân xác XLVIII, 1, bản dịch Việt ngữ, NXB Tôn giáo 2016, 352.

[2] Gioan Phaolô II, Thần học … cit., 125.

[3] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu), 151.

[4] Amoris Laetitia, cit., 90.

[5] Bênêđictô XVI, Tđ. Deus caritas est, 11. Cf. Phanxicô, Amoris … cit., 70.

[6] Amoris Laetitia, cit., 207.

[7] Ibid., 208.

Văn phòng HĐGMVN
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter