SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ:
- ĐI - LÀM CHO THÀNH MÔN ĐỆ
- LÀM PHÉP RỬA - DẠY DỖ
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Cv 1,1-11
Đây là bản văn thứ hai trong Tân ước, sau Phúc Âm Luca 24,50-53, tường thuật một cách minh nhiên về biến cố Chúa Giêsu được rước lên trời.
Sau khi mô tả thật vắn tắt nội dung của Phúc Âm Luca: Chúa Giêsu đã rao giảng, đã làm phép lạ - rồi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Ngài đã tuyển chọn các Tông đồ - Ngài đã chết và được phục sinh với những lần hiện ra trong khoảng 40 ngày - và sau khi căn dặn các ông Ngài được rước lên trời, tác giả sách Công vụ đã thuật lại những lời dặn dò cuối cùng của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các Tông đồ: ‘Các ông sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần để trở nên chứng nhân cho Chúa Giêsu tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất.’
Tác giả của bài đọc I đã cố gắng cho thấy điểm chung nhất giữa hoạt động của Chúa Giêsu với sứ vụ của các Tông đồ: đó là cả hai đều đặt nền tảng trên sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Như thế, công trình của Chúa Giêsu cũng đã là công trình của Chúa Thánh Thần; và khi Chúa Giêsu không còn hiện diện cách minh nhiên giữa các Tông đồ thì những hoạt động của các ông lại càng cho thấy rõ nét hơn nữa đây là công trình của Chúa Thánh Thần.
2. Bài đọc II – Ep 1,17-23
Một khi đã chỉ cho các tín hữu thành Êphêsô thấy công trình mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, đó là: làm cho Ngài từ cõi chết sống lại – đặt Ngài ngự bên hữu vượt trên mọi cấp bậc và mọi danh hiệu khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài – tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội thánh, thánh Phaolô xác tín rằng: để có thể chấp nhận những nội dung trên như đối tượng của đức tin, chúng ta phải cần đến ‘thần trí khôn ngoan và mạc khải’ của Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta có thể nhận biết rõ hơn về vai trò Chúa Giêsu đang ảnh hưởng trên đời sống đức tin của giáo hội cũng như của mỗi người chúng ta như thế nào.
Như thế, vượt trên tất cả mọi nỗ lực rao giảng của giáo hội, đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh - trước tiên luôn là một ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa.
3. Bài Phúc Âm – Mt 28,16-20
Đối với Phúc Âm Mattheu, Galilêa vốn là địa điểm thật thân quen của Thầy Giêsu với các môn đệ, nay lại được chọn để trở thành điểm hẹn của Đấng Phục Sinh. Chính tại điểm hẹn ấy, các môn đệ từ nay luôn xác tín rằng: Vị Thầy Giêsu chính là Đấng Phục Sinh và như thế Ngài đã trở nên Đức Chúa của họ.
Và chỉ trong tư cách ấy, Chúa Giêsu đã trao cho các ông sứ mạng: ‘Lên đường, Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, đồng thời dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.’
Theo cấu trúc bản văn hy lạp, bốn hành động trong lệnh truyền của Chúa Giêsu được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
1) Lên đường: người môn đệ chỉ có thể chu toàn sứ mạng được giao khi luôn ý thức và sống thân phận của một người luôn đang trên đường để ra đi đến bất cứ nơi nào và gặp bất cứ ai.
2) Làm cho thành môn đệ: đây là động từ quan trong nhất trong bốn động từ. Động từ này nhấn mạnh đích đến phải đạt được: biến đổi để trở thành môn đệ. Còn cách thức thì hoàn toàn tùy thuộc vào óc sáng tạo của người môn đệ.
3) Làm phép rửa: hành động này được thực hiện chỉ sau khi đã làm cho một người trở thành môn đệ.
4) Dạy dỗ tuân giữ: đây là công việc thật cần thiết nhằm duy trì và làm phát triển đời sống đức tin cho các anh chị em mới trở nên môn đệ Chúa Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Sứ mạng trở nên chứng nhân của người môn đệ chỉ có thể được thực hiện một cách triệt để trên nền tảng của xác tín về một Đức Giêsu đã chết, đã được phục sinh và được tôn vinh làm Đức Chúa. Như thế xác tín vào một Đấng Phục Sinh đang ‘ở cùng’ nơi cuộc sống của người môn đệ chính là khởi điểm ắt có và đủ để góp phần làm nảy sinh đức tin nơi anh chị em xung quanh.
2. Nỗ lực truyền giáo chính là bản chất của người môn đệ, tuy nhiên nỗ lực này luôn đi kèm với một xác tín nền tảng: đức tin trước hết và trên hết là một ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa. Như thế, việc loan truyền Phúc Âm không mệt mỏi của người môn đệ luôn phải đi kèm với một lời kêu cầu liên lỉ lên Thiên Chúa để xin ơn đức tin cho thế giới.
3. Bốn hành động trong lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ đã thật rõ ràng: Đi - Làm cho thành môn đệ - Làm phép rửa - Dạy dỗ tuân giữ. Sự đảo lộn thứ tự ưu tiên này có nguy cơ làm cho nỗ lực truyền giáo của người môn đệ sẽ không gặt hái được kết quả, thậm chí còn gây ra những hệ lụy không mấy tích cực cho công cuộc loan truyền Phúc Âm.
Home »
suy niệm chúa nhật
» CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH LỄ CHÚA THĂNG THIÊN