I. HIẾN TẾ ISAAC (22,1-19)
Đây là một trong những áng văn đẹp nhất của Thánh Kinh Cựu Ước. Hãy hình dung cảnh tượng hai cha con bước đi trong thinh lặng của núi rừng mà lòng Abraham trĩu nặng. Hãy nghĩ đến những tâm tư thầm kín của tổ phụ Abraham trong từng bước đi. Hãy nhớ đến câu hỏi thật đơn sơ và ngây thơ của Isaac hỏi cha mình… Tất cả làm nên một trình thuật không những sâu sắc về tư tưởng mà còn thật cuốn hút về mặt văn chương.
Các học giả ghi nhận mối quan hệ giữa trình thuật này với tục lệ sát tế con cái để dâng cho thần linh. Đây là tục lệ của những dân tộc lân cận với Israel thời đó, và một số người trong dân Israel cũng đã bắt chước dù bị cấm (x. 1V 16,34; 2V 3,27; 23,10). Có thể trình thuật này nhắm mục đích phê phán và phủ quyết tục lệ này. Tuy nhiên điểm nhấn của trình thuật vẫn là việc thử thách đức tin của Abraham. Thiên Chúa đã thử thách Abraham đến độ đòi hỏi ông phải hiến tế chính đứa con duy nhất của mình, đứa con làm nên niềm vui và hi vọng duy nhất của đời ông. Và tổ phụ Abraham đã chứng tỏ niềm tin tín thác trọn vẹn và tuyệt đối của ông vào Thiên Chúa. Tên gọi “Đức Chúa sẽ liệu” (câu 14) mà Abraham đặt cho nơi ông hiến dâng con mình đã diễn tả tất cả, diễn tả sự phó thác trọn vẹn của ông vào Thiên Chúa, đồng thời diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa với lời hứa của Người. Chủ đề về Lời hứa một lần nữa được nhấn mạnh trong trình thuật này (câu 15-19).
Khi đọc trình thuật này, ta dường như dành trọn sự thương cảm cho Abraham, và cùng với sự thương cảm đó là một chút “ác cảm” với Thiên Chúa vì cho rằng đòi hỏi của Người quá “phi lý” và “bất nhân.” Thế nhưng có khi nào ta đọc câu chuyện này và nhớ lại khung cảnh của đồi Canvê, khi Thiên Chúa dìu Người Con chí ái của Người lên đồi và chấp nhận để cho thế gian đóng đinh Con của Người vào thập giá? Có khi nào ta hình dung nỗi đau của Thiên Chúa khi chứng kiến Con của Người đang quằn quại theo từng nhát búa? Hãy hình dung như thế để khám phá lại tấm lòng yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Hãy hình dung như thế để hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người luôn luôn vĩ đại hơn niềm tin của con người dành cho Thiên Chúa, cho dù con người đó là Abraham. Hãy hình dung như thế để bước đi trong niềm tín thác vào Thiên Chúa Tình yêu bởi vì “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32).
II. TÌM VỢ CHO ISAAC (24,1-67)
Hàm ẩn trong câu truyện dễ thương này vẫn là chủ đề về lời hứa. Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn tổ phụ Abraham từng bước để thực hiện lời Người đã hứa. Tuy nhiên Người không can thiệp cách trực tiếp mà qua sự hướng dẫn trong tâm hồn và qua những dấu chỉ.
Theo tập quán thời đó, tổ phụ Abraham phải sắp xếp cuộc hôn nhân cho con mình. Vì tuổi cao sức yếu nên ông trao phó nhiệm vụ này cho người lão bộc trung thành với những lời căn dặn thật rõ ràng và chu đáo. Isaac sẽ không kết hôn với phụ nữ Canaan, nghĩa là loại trừ việc kết hôn khác đạo. Cũng không thể để Isaac trở về quê cũ của tổ phụ Abraham vì Đức Chúa “đã phán và thề với tôi rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này” (câu 7). Như thế trong mọi sự, Abraham luôn tín thác vào Chúa là Đấng đã hứa và trung thành với lời hứa của Người.
Người lão bộc đã thực hiện đúng như lời tổ phụ Abraham căn dặn. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, ông đã tìm được Rebecca, được gia đình của Rebecca chấp thuận, và đã đưa Rebecca về cho Isaac.
Toàn bộ câu truyện ánh lên niềm xác tín rằng cuộc hôn nhân giữa Isaac và Rebacca không chỉ do những tính toán của con người nhưng chính Thiên Chúa dẫn đường chỉ lối cho họ đến với nhau. Như thế câu truyện này thể hiện niềm tin đã được nhấn mạnh trong sách Sáng Thế và Chúa Giêsu cũng lập lại: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6).