Tuần 3. SÁNG THẾ (chương 5-11)

I. LỤT HỒNG THUỶ (6,1 – 9,29)

Có sự giống nhau giữa trình thuật này và một truyện thần thoại của Babylon (Gilgamesh Epic), theo đó hội đồng các thần linh quyết định hủy diệt nhân loại. Ea là thần khôn ngoan hiện ra với Utnapishtim và báo cho biết tai hoạ sắp tới, đồng thời dạy phải làm tầu để cứu cả nhà. Utnapshtim làm tầu rồi đem gia đình và cả thú vật lên tầu. Các thần cho cơn bão hoành hành nhưng rồi chính các thần linh cũng không kiểm soát nổi cơn bão, và phải run sợ ẩn nấp trên trời. Khi bão tan, Utnapishtim thả những cánh chim ra để xem xét tình hình. Khi vừa lên bờ, họ dâng lễ tạ ơn thần linh và được các thần thuởng cho sự bất tử. Tuy nhiên giữa truyện thần thoại này và trình thuật Thánh Kinh có những khác biệt căn bản. Trong trình thuật sách Sáng Thế, không hề có bóng dáng đa thần. Thiên Chúa và chỉ một mình Người mà thôi điều khiển tất cả và không có chuyện cơn bão lụt vượt ra ngoài sự kiểm soát của Thiên Chúa. Cơn lụt được trình bày rõ ràng là hình phạt của tội, và sau cơn lụt, Noê bước vào giao ước với Thiên Chúa chứ không để hưởng sự bất tử.

Bản văn cũng nói đến cuộc hôn nhân giữa con trai Thiên Chúa và con gái loài người (6, 1-4). Ở đây có âm vang của các chuyện thần thoại mang dáng dấp đa thần. Tác giả Thánh Kinh vận dụng câu truyện này để dẫn vào chuyện lụt hồng thủy như hình phạt tội lỗi, tội lỗi đã lan rộng đến độ vượt qua cả ranh giới giữa đất và trời!
Ý nghĩa này được nhấn mạnh hơn nữa trong 6,5-8; 8,21-22 với ghi nhận rằng “Lòng con người toan tính điều xấu.” Trong văn hoá Hípri, trái tim (lòng) trước hết không phải là trung tâm tình cảm nhưng là nguồn tri thức và ý muốn. Do đó, điều nhấn mạnh ở đây là toàn bộ suy tư và đời sống con người đã ra xấu xa.

Trình thuật này đã được vận dụng vào trong đời sống của Hội Thánh cách phong phú.

Nước trong Lụt hồng thủy được coi như hình bóng của bí tích Thánh tẩy. Cũng như nước hồng thủy vừa hủy diệt nhân loại tội lỗi vừa tác sinh nhân loại mới, thì nước Thánh Tẩy cũng tha thứ tội lỗi và biến đổi chúng ta thành những con người mới.

Con tầu Noê cũng được xem là hình bóng về Hội Thánh. Con tầu Noê được làm mà không có bánh lái, như thế giống như một Đền thờ hơn là con tầu Hình ảnh này diễn tả về Hội Thánh hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa (7,17).

Noê cũng là hình ảnh loan báo Chúa Kitô, Đấng là Đầu nhân loại mới được canh tân trong Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy (8,20). Noê đã dâng lên Thiên Chúa hiến lễ đẹp lòng Người, và Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước bao gồm cả nhân loại. Giao ước này loan báo giao ước tối hậu trong Chúa Kitô.

II. CÁC DÂN TỘC TRÊN THẾ GIỚI (10,1 – 11,27)

1.Bản danh sách các dân tộc (10,1 – 11,27)

Ý nghĩa thần học của bản danh sách này là sự thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa trong St 1,28 “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất.” Israel là một trong số các dân, và việc Thiên Chúa tuyển chọn họ không phát xuất từ những ưu điểm của họ nhưng hoàn toàn do lòng từ ái của Thiên Chúa mà thôi.

2.Tháp Babel (11,1-9)

Tháp Babel biểu tượng cho giấc mơ rồ dại của con người muốn xây dựng một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Sau này, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ quy tụ và hiệp nhất các dân nước khác nhau trong cùng một ngôn ngữ.



Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter