CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ TRONG MÙA VỌNG NÀY? Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Hiện nay, nhiều nơi Mùa Vọng đã trở thành một dịp cho các cuộc vui chơi lễ hội, mua sắm, giải trí… Ngược lại, đối với người Kiô giáo thì khác, Mùa Vọng vừa là mùa chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, tức Ngài đến lần thứ nhất với loài người; nhưng qua việc kính nhớ này, Mùa vọng giúp người tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì thế, Mùa Vọng được coi như mùa hân hoan mừng vui sẵn sàng chờ Chúa đến trong tư thế tỉnh thức, sám hối và làm việc bác ái. Vì thế, Lời Chúa hôm này mời gọi chúng ta phải quyết tâm sống những ngày còn lại của Mùa Vọng này có định hướng rõ ràng: sám hối và yêu thương.

Tin Mừng Luca thuật lại rằng sau khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời với một thái độ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm nên họ hỏi thánh Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thánh nhân đưa ra hành động căn bản đó là: ăn năn sám hối và là việc bác ái.

Trước hết, thánh Gio-an Tẩy giả kêu gọi: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8). Tại sao phải sám hối vì chưng con người không ai là trọn lành chỉ mình Chúa là Đấng trọn lành. Chính Thánh vua Đa-vít đã khẳng định: “Lạy Chúa, Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Cho nên, lời rao giảng đầu tiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15). Rõ ràng Chúa Giêsu nói sám hối rồi mới tin vào Tin Mừng. Như vậy, việc làm đầu tiên của đức tin chúng ta là sám hối, ăn năn. Cho nên, Chúa Giêsu trước khi về trời, Chúa căn dặn rằng: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Như vậy, sám hối chưa phải là tấm vé để vào Thiên Đàng nhưng là điều kiện để có đức tin. Đức tin có đó nhưng nó sống hay chết là tùy thuộc cung cách sống đạo, tức sống Lời Chúa ở nơi mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày qua mọi hoàn cảnh. Vì thế, nhìn vào cuộc đời Kitô hữu của mình từ bao lâu nay mình sống đức tin như thế nào trong tương quan với Chúa và với tha nhân? Đã thật sự tốt chưa? Có nghĩa rằng đã trọn lành như lòng Chúa Giêsu mong muốn chưa? Nếu tốt rồi, hãy tạ ơn Chúa, nếu chưa tốt hay còn nhiều thiếu sót, lầm lỗi thì hãy ăn năn sám hối thật lòng để rồi đến hòa giải với Chúa và với anh em. Vì vậy, Mùa Vọng là mùa của sám hối để làm hòa với Chúa và với tha nhân ngõ hầu Chúa sẽ giáng sinh nơi cung lòng của mỗi người chúng ta. Thế nào là làm hòa với Chúa: xét mình, ăn năn tội, xưng thú tội, lãnh nhận ơn hòa giải, dốc lòng chừa. Việc này ai làm cũng được rất dễ. Còn làm hòa với tha nhân thì sao? Tha nhân gồm có tha nhân xa và tha nhân gần. Tha nhân xa là người dưng nước lã, bạn bè, hàng xóm… tha thứ, làm hòa hơi dễ. Còn tha nhân gần chính là vợ chồng, con cái, anh chị em ruột của tôi, bạn bè thân cận tôi hay anh chị em trong cộng đoàn và giáo xứ tôi đây. Cho nên, việc hòa giải này mới khó, khó ở chỗ rằng chúng ta biết nhau quá, thương nhau quá nhưng tại sao họ lại phạm tội này… tôi không thể tha thứ được. Khó tha thứ thật nhưng phải làm bởi vì một nhà thần học nọ nói rằng: “Trên đời người ta cần chữ viết – Chúa gửi các nhà giáo dục. Nếu người ta cần tiền – Chúa gửi các nhà kinh tế. Nếu cần giải trí – Chúa gửi các anh hề hay ca sĩ. Và cuối cùng, nếu người ta cần tha thứ – Chúa gửi các Kitô hữu vì họ không chỉ tha 7 lần mà 70 lần bảy”.

Hành động thứ 2 mà Thánh Gioan tẩy giả kêu gọi chúng ta: “làm việc bác ái”. Bác ái Kitô giáo có 2 chiều kích: bên ngoài và bên trong. Chiều kích bên ngoài trong là nhắm vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi thân xác của tha nhân nên chúng ta bắt đầu sống bác ái bằng việc chăm sóc những người cần chúng ta giúp đỡ. Cụ thể, Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay nói: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia sẻ những gì mình đang cần thiết, trong tinh thần huynh đệ, trong tinh thần yêu người khác như chính mình và cũng trong tinh thần Mến Chúa yêu người. Vậy, hãy thử nhìn lại đời sống Kitô giáo của mình: Tôi đã thực sự sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết không? Có bao giờ tôi giúp đỡ người có tội bằng cách cho họ một lời khuyên, một lời an ủi hay một lời tha thứ chưa? Thánh Têrêsa Calcutta dạy ta: “Hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa”.

Từ xưa đến nay, khi nói đến việc chuẩn bị đón mừng Chúa, chúng ta nghĩ ngay tới việc đi xưng tội, lo dọn mình sạch mọi tội lỗi, chừng đó chưa đủ vì Lời Chúa hôm nay khẳng định chúng ta hai hành động rõ ràng: sám hối để làm hòa với Chúa và với nhau đồng thời hãy sống bác ái với tha nhân để có một cuộc sống đầy tình người. Chỉ có cuộc sống chân chính không gian dối, không bóc lột, không lừa đảo, không gian tham; chỉ có cuộc sống công bình, yêu thương, chia sẻ và phục vụ mới dần dần tạo cho tâm hồn mình tinh tuyền thánh thiện hầu đón Chúa trong đời ta mọi lúc nói như Lời Chúa trong bài đọc 1: “Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng, vì ta, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ta” (Xp 3,17).
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter