PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói về việc sửa lỗi cho nhau. Trong bài đọc I, kể lại việc Chúa dùng miệng ngôn sứ Êzêkiel phán dạy với dân riêng của Ngài: "Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác từ bỏ con đường gian ác, nó sẽ phải chết bởi sự gian ác của nó, thì Ta sẽ đòi máu nó bởi tay ngươi" (Êz 33,8). Có nghĩa là Chúa muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm sửa lỗi cho nhau, khi thấy họ làm điều gian ác. Nếu chúng ta không lên tiếng nhắc nhở và sửa lỗi cho nhau, thì chúng ta sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên dân thành Rôma: "Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, trừ ra tình thương mến"(Rm 13,8). Đức Chúa Trời ban cho chúng ta 10 điều răn, nhưng 3 giới răn đầu dành cho việc thờ phượng kính mến Chúa, còn lại 7 giới răn sau Chúa dành cho việc đối xử với tha nhân, mà một trong những cách đối xử tốt với tha nhân là việc sửa lỗi cho nhau.

Thế thì, phải nói ngay rằng: việc sửa lỗi cho người khác là một việc không đơn giản tí nào. Bởi vì, về phía người sửa lỗi nghĩ rằng "Chân mình thì lấm bê bê, làm sao dám cầm bó đuốc mà rê chân người". Vua Đavít đã cảm nghiệm được điều này khi thưa lên cùng Chúa: "Ngài thấy cho, lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai" (Tv 50,7). Bởi lẽ, con người nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng đấm ngực lỗi tại tôi mọi đàng 3 lần, thì làm sao mà dám mở miệng đi sửa lỗi người khác? Thậm chí, đã không sửa lỗi cho nhau thì thôi, chứ đừng mang chuyện xấu của người đó mà đi nói với người khác.

Còn về phía người được sửa thì theo tâm lý tự nhiên ai cũng ngại người khác biết được tính xấu. Ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới lầm lỗi của mình. Và càng không muốn người khác sửa lỗi cho mình nữa.

Nhưng trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một vài nguyên tắc trong việc sửa lỗi, nhưng cốt lõi phải được xây dựng trên nền tảng yêu thương.

Thứ nhất: Nhẹ nhàng và tế nhị. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vậy, người sai lỗi đó là ai? Thưa người anh em đó chính là người thân, người cùng chung sống trong mái ấm gia đình, trong môi trường làm ăn hay trong một tập thể nào đó….. bước đầu tiên ta gặp gỡ người đó, trao đổi trong tình anh em kín đáo và tế nhị. Sự tế nhị tạo nên khoảng cách gần gũi, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một cung cách dễ dàng đối thoại với nhau, khai thông bế tắc. Sự tế nhị nhẹ nhàng sẽ giúp người có lỗi dễ dàng đón nhận lời góp ý chân thành của chúng ta.

Thứ hai: Mạnh mẽ và hi sinh. Không ai muốn đụng chạm, làm mích lòng người khác. Dại gì mà nói những chuyện không vui để mang vạ vào thân. Vì thế, khi sửa lỗi, người đóng vai trò sửa lỗi phải mạnh mẽ nói lên sự thật về khuyết điểm của họ. Nếu sau khi đã gặp gỡ riêng tư mà người có lỗi vẫn còn thái độ cố chấp, bảo thủ, thì chúng ta nên mời thêm hai ba người nữa cùng góp ý, như vậy có tính cách khách quan hơn. Vì nhiều người sẽ có sức thuyết phục hơn.

Thứ ba: Tôn trọng. Vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, cùng chung sống với tôi, đáng quí trọng đối với tôi. Vì thế, nếu đã có nhiều người góp ý, khuyên nhủ mà vẫn không lay chuyển được tội nhân, thì hãy đưa họ ra cộng đoàn, tức là đưa đến người có thẩm quyền để giải quyết, nhưng xin nhớ rằng: người có thẩm quyền trong Giáo hội chứ không phải là chính quyền các cấp. E rằng, "vạch áo cho người ta xem lưng".

Thứ tư: nếu đã qua ba bước mà tội nhân vẫn không thay lòng đổi dạ, không hoán cải, thì quả thật "hết thuốc chữa", nhưng không phải vì thế mà bỏ cuộc. Một bí quyết cuối cùng là kiên trì cầu nguyện nhờ ơn Chúa giúp biến đổi lòng họ. Nếu không thành công, thì hãy chấp nhận giới hạn của mình, và phó thác tội nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật, một nghệ thuật mang tính thánh thiêng. Người được sửa lỗi phải biết khiêm tốn lắng nghe và quyết tâm vươn lên. Người có trách nhiệm sửa lỗi cần ý thức mình chỉ là công cụ của Thiên Chúa chứ không phải là một quan tòa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng sửa lại mọi sự trong ngoài mà thôi. Bởi lẽ, không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Trước khi sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần ý thức giới hạn và bất toàn nơi mình. Điều quan trọng là chúng ta cần phải học hỏi nghệ thuật đồng hành hơn là dùng quyền hành mà đoán xét.

Xin Chúa giúp chúng ta có đủ yêu thương để xây dựng tình hiệp nhất trong những mối tương quan tốt, để mỗi người chúng con được trở nên tốt lành thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.



Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter