Người con cả, tiêu biểu cho những người tội lỗi, là hạng người thu thuế và gái điếm, ban đầu nói "Con không đi'', nhưng sau hối hận lại đi.
Còn người con thứ, tượng trưng cho giới lãnh đạo Do thái, gồm các Luật sĩ, Biệt phái và kinh sư. Những người này nói ''Vâng con đi", nhưng rồi lại không đi, họ nói mà không làm.
Những người này tự cho mình đạo đức giữ luật tỉ mỉ. Họ thường lên đền thờ cầu nguyện và đọc Thánh kinh trong các Hội đường, nhưng lại không đón nhận lời giảng dạy của Chúa. Không những thế, họ còn tìm cách loại trừ Chúa ra khỏi tôn giáo của họ. Cho nên cả hai người con đều là tội lỗi. Tuy nhiên, nếu so sánh thì người con cả vẫn tốt hơn vì đã biết sám hối ăn năn.
Việc này ngay từ thời Cựu ước, Tiên tri Ê-dê-ki-ê đã nhân danh Chúa mà tuyên sấm rằng: "Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính mà phạm tội ác, nó sẽ phải chết. Ngược lại, nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác mà thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống".
Trong xã hội ngày nay, cũng không thiếu những người nói một đàng nhưng làm một nẻo. Người ta mang danh là "con Chúa", theo đạo Chúa, nhưng chỉ tuyên xưng danh Chúa trên môi miệng, còn đời sống đạo chưa là một chứng nhân cho đạo thánh Chúa. Rồi có những người tỏ ra rất đạo đức ở nhà thờ, nhưng đời sống của họ chưa thể hiện là người sống đức tin.
Ví dụ: Có người đến nhà thờ đọc kinh to tiếng, nhưng khi ra khỏi nhà thờ gặp trái ý, thì chửi nhau không ai lớn tiếng bằng. Ngược lại, có những người không lớn tiếng phô trương đạo đức cho ai biết, nhưng lại rất nhiệt thành âm thầm trong việc phục vụ nhà Chúa, và sẵn lòng giúp đỡ những người đau khổ túng nghèo.
Bởi thế, có lần Chúa nói: "Không phải cứ thưa: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng còn phải thi hành thánh ý Cha Ta nữa". Như thế, việc thi hành ý Chúa mới là quan trọng. Thiên Chúa không xét hỏi lý lịch, nhưng Ngài luôn mời gọi: "Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho Ta".
Người ta kể rằng: Có hai người bạn cùng đồng hành, vì đường còn xa mà trời lại tối, vì sợ thú dữ và cướp bóc, nên hai người rủ nhau vào một cái miếu bên đường để dừng chân qua đêm. Cái miếu này nổi tiếng là có yêu tinh ma quái hay làm hại người ta. Người có đạo đeo thánh giá ở cổ; người không có đạo sợ hãi, nên mượn thánh giá của người kia đeo vào cổ.
Nửa đêm, lúc hai người ngủ say sưa thì con yêu tinh nó sờ vào cổ người có đạo, định bóp cổ nhưng nó thầm nói: "Người này có trong mà không có ngoài", rồi nó buông tay. Tiếp đến, nó sờ vào cổ người không có đạo, nó sờ đúng cây thánh giá và lên tiếng: "Người này có ngoài mà không có trong", rồi nó mạnh tay bóp cổ, anh ta la lên và cả hai hoảng hồn bỏ chạy.
Thế thì, chúng ta là hạng người nào? Người có bên trong mà không có bên ngoài, hay người có bên ngoài mà không có bên trong? Chúng ta thi hành các việc đạo đức, rồi mang ảnh tượng, huy hiệu trên người, nhưng liệu tâm hồn chúng ta có phải là Kitô hữu đích thực không? Đời sống của chúng ta có thể hiện những gì mà chúng ta tuyên xưng không? Hay chỉ có cái vỏ bên ngoài, mà chẳng có gì ở bên trong?
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn dang rộng đôi tay để chờ đón chúng ta sám hối trở về. Trở về để được Chúa yêu thương; trở về được được Ngài tha thứ. Chẳng hạn như: Một Giakêu thu thuế, một Phêrô chối Thầy, một Mađalên…và ngay cả mỗi người chúng ta đây đều là đối tượng của lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là người cha nhân hậu, đầy lòng thương xót và hay tha thứ. Cho nên, chỉ có tấm lòng sám hối ăn năn, là con đường dễ dàng đón nhận ơn cứu độ. Còn nếu không biết sám hối trở về, cố chấp trong đàng tội lỗi, là một hình thức từ chối bỏ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa dạy, đừng bao giờ nói mà không làm. Xin cho chúng ta mau mắn sám hối trở về mỗi khi lầm lỗi và thưa lên với Chúa rằng: Lạy Cha, tin lòng Cha bao la luôn thứ tha vạn lần ngã sa. Lạy Cha, tin lòng Cha thương con, con chỉ mong gặp lại tình thương. Amen.