Gioan sinh ra trong gia đình dòng tộc tư tế, và sự chào đời của ông cũng rất lạ thường, để rồi Chúa trao cho ông sứ mạng làm ngôn sứ cho Đấng cứu thế, đúng như lời thân phụ của ông đã nói:" Hài nhi hỡi, con sẽ là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước mở lối cho Người" (Lc 2,76).
Để thực hiện sứ mạng Chúa trao, ngay từ tuổi ấu thơ, Gioan sớm rời khỏi gia đình êm ấm đầy đủ tiện nghi vào ở trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện sống gắn bó với Chúa, để rồi khi đến thời đến buổi Chúa đã thúc đẩy ông ra khỏi hoang địa.
Thánh sử Luca ghi lại thời điểm Gioan đi đến ven sông Gio-đan rao giảng, trong bối cảnh lịch sử của dân Do thái đang bị đế quốc Rôma thống trị, lúc bấy giờ là năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Tibêriô và Philatô làm tổng trấn ở Giuđêa và những vị thượng tế như là Anna và Caipha lãnh đạo Do thái.
Gioan kêu gọi dân chúng lãnh nhận phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô, trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ san cho bằng, chốn gồ ghề hãy làm cho phẳng phiu, để mọi người sẽ thấy ơn Cứu Độ” (Is 40,3-4).
Thông thường người ta mở đường nơi đông dân cư mới có người đi lại, còn đàng này giữa hoang địa vắng bóng người ở, vậy mà Gioan kêu gọi dân chúng mở một con đường cho thẳng. Hóa ra con đường ở đây không phải là con đường vật lý mà là con đường nội tâm. Như vậy, hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người. Tình người trong những mối tương quan đã khô cạn. Giữa phố xá đông người, nhưng con người vẫn xa lạ lạnh lùng dửng dưng với nhau. Tại sao vậy?
Thưa, bởi vì tâm hồn con người có những hố sâu ích kỷ, chỉ lo vun đắp cho mình mà ít quan tâm đến người khác. Người ta sống trong những khu xóm nhà sát vách nhau, nhưng dường như nhà ai nấy ở, cửa ai nấy cài, chính vì thế họ không biết nhau, và như vậy con người sẽ rơi vào tình trạng sống cô đơn như giữa hoang địa.
Tâm hồn con người có những đỉnh đồi kiêu ngạo thích nâng mình lên, tự hào về khả năng của mình, luôn cho mình tài giỏi hơn người khác, không bao giờ chịu thua kém bất cứ ai. Xin hãy hạ mình xuống với lòng khiêm tốn như Gioan tẩy giả.
Để Chúa được vinh quang Gioan phải khiêm nhường. Để Chúa được nhận biết, Gioan phải quên mình. Để Chúa được nổi lên, Gioan phải chìm xuống. Gioan hiểu rõ điều đó, nên ông không ngừng hạ mình khiêm nhường trong lời nói cũng như trong hành động.
Khi uy tín của ông lan rộng, người ta tưởng là Đấng Cứu Thế, nhưng ông khiêm tốn nhìn nhận: "Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đấng đến sau tôi uy quyền hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ bé đi".
Tâm hồn chúng ta đôi khi có những khúc quanh co dối trá, trong lời ăn tiếng nói và việc làm, sống không thành thật với Chúa, không thành thật với nhau. Lời Chúa dạy “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là do lòng tà. Xin hãy uốn lại với lòng thành thật theo Tin mừng Chúa dạy.
Tâm hồn chúng ta có những lượn sóng gồ ghề, khó tính khó nết, khó sống với người khác, hay than thân trách phận, không bằng lòng với số phận của mình.
Gioan tẩy giả từ bỏ phố xá đông người, để vào nơi hoang địa thanh vắng tìm gặp Chúa. Ông đã khước từ những thức ăn cao lương mỹ vị, ông chỉ dùng những thức ăn đơn sơ đạm bạc của núi rừng. Ông từ bỏ quần áo lụa là, chỉ khoác trên mình tấm da thú che thân.
Noi gương ông, chúng ta cũng phải vui lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh mà Chúa do an bài gởi đến, như bệnh tật, bị con cháu bỏ rơi, thiếu thốn cách này hay cách khác, để nên giống Chúa Giêsu Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Gioan tẩy giả chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ I, chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ II. Làm tiền hô cho quê hương, trong môi trường mình đang sinh sống, đó là nhiệm vụ của mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu đã đến trần gian hơn hai ngàn năm rồi, nhưng mà ngày nay vẫn còn thiếu vắng những con đường phẳng phiu, ngay thẳng. Vậy để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, mỗi Kitô hữu trong tình liên đới với Giáo Hội hoàn vũ hướng đến thượng hội đồng Giám mục thế giới, với chủ đề: Hướng về một Giáo hội Hiệp Hành, với ba đặc tính: Hiệp thông- Tham gia và Sứ vụ.
Đó là lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô. Ngài mong ước một Giáo hội tất cả mọi người cùng đồng hành với nhau trên con đường mang tên Giêsu, là cùng nhau đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ. Cùng nhau lên đường dấn thân phục vụ. Và nhất là cùng nhau dành thời giờ đi thăm hỏi những người đau yếu bệnh tật, đang thiếu vắng tình thương, đang rơi hoàn cảnh bế tắt trong bối cảnh cơn đại dịch chưa chấm dứt. Amen.