Đã gần bảy năm kể từ khi đặt chân đến thủ phủ của Giáo Hội, để theo học tại một chủng viện gần thành Vatican, giờ tôi mới trở về Việt Nam theo ý bề trên Giáo phận để nhập vào lớp các anh em chủng sinh đã tốt nghiệp chuẩn bị đi giúp xứ trong năm nay.
Ngồi trên taxi từ nơi cách ly về nhà, tôi nhận thấy quê hương thay đổi nhiều quá nhưng hình như chỉ có tình người là mãi chẳng đổi thay, bởi tôi nghe anh tài xế nói chuyện chống dịch của người Việt Nam mình, cũng dễ thương và cảm động lắm chứ! Nào là siêu thị 0 đồng, ATM gạo, khẩu trang…nghe mà thấy thú vị cái cách chúng ta đặt tên cho những việc thiện nguyện ấy.
“Thì con người Việt Nam mình là thế mà anh, đồng cam cộng khổ, chia sẻ lúc khó khăn, có lẽ từ ngàn đời nay vẫn vậy, ăn vào máu thịt của đồng bào mình rồi, anh nhỉ?”- Tôi nhìn anh với ánh mắt tìm kiếm sự tán đồng.
Nhưng anh lại trầm tư hơn rồi thở dài:“Đồng cam cộng khổ thì được đấy, nhưng hễ thấy ai hơn mình thì lại khó chịu, chỉ cảm thấy yên tâm khi biết người khác thua kém mình, ít nhiều anh em mình cũng vậy!”.
Những năm tháng được sống và làm việc với nhiều con người ở nhiều quốc gia khác nhau, tôi hiểu rõ điều anh nói chứ! Nhưng không muốn để con tim tốt lành này bi quan thêm nên tôi nói với anh:“Em nghĩ là mình cần nhìn vào những điều tích cực dẫu có đôi khi chúng bị che khuất”.
Nhưng thấy anh có vẻ không hiểu khi cười gượng gạo, tôi liền thêm:“ Chẳng phải tang thương, sợ hãi và bất lực là những từ có thể dùng để miêu tả tình trạng bi quan của thế giới này sao anh? Covid-19 đã lấy đi của chúng ta quá nhiều, đã có quá nhiều ca tử vong, nhiều người trong số họ còn rất trẻ thậm chí chưa kịp bắt đầu cho một tương lai rộng mở; làm sao cầm được nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ còn quá nhỏ dại đang ngơ ngác trước sự ra đi của bố mẹ, cuộc sống của các em rồi sẽ thế nào đây? Còn tội nghiệp hơn nữa khi thấy những bé với giây phút chào đời cũng là lúc mẹ vĩnh viễn ra đi, dù chưa kịp một lần được nằm trong vòng tay của mẹ. Đấy là em chưa kể, biết bao người chẳng còn gì ăn tại nơi họ vẫn hằng ngày kiếm sống. Buồn lắm chứ phải không?”.
Tôi nhìn ra cửa kính ô tô rồi nói tiếp: “Nhưng anh có nghĩ, chúng ta có quyền chọn lựa? hoặc bi quan nơi những gì ta đã mất, hay nhìn vào những gì ta vẫn còn, hoặc sẽ có trong tương lai không?”
Tôi nhận thấy anh đang cho xe chạy chậm hơn, có lẽ vì điểm đến đã gần mà hình như anh còn muốn nghe tôi nói.
“Em nghĩ rằng chưa bao giờ lòng tốt được nhắc đến, được lan truyền và cổ vũ nhiều như lúc này đây. Rất nhiều lần xã hội phải “rung lên hồi chuông báo động” về sự vô cảm thờ ơ, tiếc là ai rung thì người ấy tự nghe; giờ thì khác, những con người cụ thể cùng những bài học thực tiễn của lòng quảng đại, tinh thần hy sinh xả thân vì người khác đang được lan truyền mạnh mẽ.”
Từ xa tôi đã thấy ngọn tháp nhà thờ giáo xứ, tôi vội chỉ cho anh lối rẽ vào mà quên cả chủ đề đang nói.
Nhưng anh tài nhắc:“Chú nói tiếp đi, anh vẫn đang nghe đấy nhé!”
Tôi cười rồi lại tiếp tục:“À, em nghĩ nhiều người sẽ không khỏi xúc động trước hình ảnh của các “thiên thần áo trắng” ngày đêm không mệt mỏi nơi tuyến đầu, họ đã bỏ qua sự nguy hiểm, quên đi sức khỏe, gác lại chuyện gia đình để toàn tâm toàn lực giúp đẩy lùi dịch bệnh, đang trở nên nguồn cảm hứng của biết bao con người, có thể nói họ chính là người truyền ngọn lửa của lòng quảng đại trong trái tim của rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ. Anh có nghĩ thế không?”
Niềm vui trên khuôn mặt của anh đã trở lại như lúc anh chào đón tôi lên xe, quá hào hứng, anh chia sẻ:“Chú nói thế anh thấy cũng đúng thật! vì hai nhóc nhà anh hâm mộ mấy cô chú y bác sĩ tuyến đầu lắm! đứa nào cũng muốn trở thành bác sĩ để được vào vùng dịch cứu bệnh nhân đấy chú ạ!”
Anh còn nói thêm: “Đúng là những bài học về tình người, sự tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách thầy cô vẫn dạy các cháu ở trường nay được cụ thể hóa qua lòng tốt của con người là việc đóng góp tiền của, chia sẻ lương thực thực phẩm thiết yếu của người dân khắp mọi miền”
Tôi cười và nói:“Tất cả như để lan truyền và chuyên trở thông điệp: tình yêu mà biểu hiện của nó là lòng tốt, sự tử tế trong cuộc sống là điều duy nhất sẽ mãi mãi còn lại cho dù mọi thứ khác có thể bị cướp mất. Vì thế! Hãy yêu thương nhiều hơn anh nhỉ? vì ở đâu có Tình yêu nơi đó có sự sống”.
“Nhưng làm thế nào để mọi người yêu thương nhiều hơn, đối xử tốt với đồng loại hơn hả chú?” – ánh mắt anh quay sang nhìn tôi như mong tìm được lời giải đáp cho vấn đề cực kì nan giải.
Chỉ tiếc cũng vừa lúc xe đến sân nhà thờ giáo xứ, anh nhanh nhẹn đỡ giúp tôi hành lý vào bóng cây, rồi không quên tạm biệt tôi bằng nụ cười còn tươi hơn trước nữa, chỉ còn thiếu câu trả lời cho cái thắc mắc của anh mà chính tôi cũng chưa biết phải đáp lại thế nào.
Tôi nhanh chóng quên ngay cái thắc mắc ấy, khi thấy bố mẹ, anh chị cùng các cháu đang vẫy tay và tiến về phía tôi. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi khi thấy bố mẹ gầy và già đi nhiều quá. Cái nắng vùng nhiệt đới này như đã vắt kiệt sức sống của bố tôi mỗi ngày trên giàn giáo xây dựng; bàn tay mẹ giơ về phía tôi, đã thấy rõ sự vất vả của việc đồng áng, chăn nuôi mà mẹ lo gánh vác. Tôi chợt giật mình vì hình như chính tôi lại cũng đang chăm chú vào những điều tiêu cực. Tôi phải tạ ơn Chúa, vì bố mẹ và mọi người trong gia đình đều khỏe mạnh, vẫn có đầy đủ công ăn việc làm mới phải chứ nhỉ?
Chiều hôm ấy, đợi tôi đọc kinh xong, mẹ mới nói:“Có thời gian con sang thăm anh Đức nhé!”. Tôi đáp: “Anh Đức nào ạ!”
Mẹ nói:“Thì anh Đức ngày xưa vẫn chơi với con đấy, anh mới có thêm đứa con gái, gia đình bây giờ cũng khó khăn.”
Tôi cười:“À! Đức ‘rơi’, anh ấy lớn tuổi rồi mà mẹ, chắc cố đẻ con trai mà không được đây! Thế bây giờ con sang chơi luôn nhé, tiện cho mấy đứa hộp bánh luôn”.
Tôi sang đến sân nhà anh Đức thì đã nghe thấy tiếng cười của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, nhà có trẻ con là vui thế đấy.
Tôi còn chưa kịp gọi, thì anh đã lao ra giữa sân: “Ôi! Chú Tùng, à thầy Tùng chứ, thầy về bao giờ đấy, lâu quá rồi không gặp thầy, thầy bây giờ đẹp quá, gặp ngoài đường chắc anh không nhận ra đâu”.
Tôi vào nhà và thấy mọi thứ trong nhà anh có vẻ chẳng khác là bao với ngày tôi còn chưa đi học, chắc anh cũng vất vả nuôi ba cô con gái ăn học, giờ lại còn đẻ thêm cô nữa, lại càng thêm khó khăn nhưng anh vẫn như ngày nào, luôn vui vẻ, lạc quan và yêu đời.
“Vy ơi, Vy!, con ra chào thầy này, thầy Tùng nhà mình đấy, sang năm thầy được làm cha rồi!” – Anh phấn khởi gọi cô con gái út.
Cô con gái chạy ngay vào lòng bố và đang ngơ ngác nhìn vị khách chưa gặp bao giờ. Cô bé rất xinh và nhanh nhẹn. Tôi nói đùa với anh:“Cô này là đẻ cố đấy hả anh, quyết tâm có thằng chống gậy mà không được hả?”.
Anh cười đáp:“Tuổi này rồi còn sinh đẻ gì nữa thầy! nuôi ba vịt giời đã vất vả lắm rồi thầy ơi”.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng chưa biết phải hỏi lại thế nào, thì anh tiếp:“Vy này là con anh chị nhận nuôi, cháu là con của một bà mẹ đơn thân làm cùng công ty với anh, không may chị nhiễm Covid. Tội nghiệp! chị ấy chưa kịp nhìn thấy con thì đã qua đời ngay sau khi sinh cháu”.
“Anh thấy tội nó quá, cũng đắn đo lắm, vì mình cũng có dư giả gì đâu thầy! nuôi con nhỏ bây giờ cũng tốn kém lắm chứ”- Anh ôm bé vào lòng.
“Sao anh không để cháu cho Nhà nước lo, anh chị cũng vất vả lắm rồi mà” – Tôi mau miệng đáp để có thể nghe anh nói tiếp lý do.
Anh cười:“Thầy quên biệt danh của anh là Đức ‘rơi’ à?”. Anh nhìn lên bàn thờ bố mẹ rồi nói:“Vì anh được bác gái nhặt trong một lần đi kiếm ve chai ở thùng rác, anh cũng là trẻ mồ côi thầy à! nhờ có hai bác anh mới được sống, có gia đình, có tình thương của bố mẹ, được ăn học đoàng hoàng. Anh tạ ơn Chúa, và biết ơn bố mẹ nhiều lắm”
Anh lau nước mắt rồi nói:“Cứ nghĩ vậy thôi là anh không thể cầm được nước mắt khi để Vy vào trại trẻ mồ côi. Anh không muốn cháu phải ‘rơi’ vào đâu nữa, nhưng sẽ ‘hạ cánh’ trong nhà Thiên Chúa, trong nhà anh chị, cháu xứng đáng có một gia đình, có các chị và được đi học như bao bạn khác.”
Nói rồi anh chỉ lên khung Lời Chúa nhưng mãi từ năm 2016, mà anh và gia đình vẫn đọc lên mỗi tối trong giờ kinh chung. Anh ngậm ngùi nói:“Anh đã nhận được sự sống từ Thiên Chúa, qua lòng tốt của bố mẹ; giờ đây anh không thể làm gì khác hơn là để tình yêu, sự sống anh đã lãnh nhận được tiếp tục chảy đến người khác, và đó là Vy! À! ở nhà vẫn gọi cháu là Cô-Vy đấy thầy ạ”
Tôi cố nheo mắt để đọc câu Lời Chúa ấy, vì giấy đã bay màu nhiều:“Anh em đã nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b). Vậy là ít nhiều tôi đã hiểu lý do nơi lòng tốt của anh.
Anh cười rồi nói tiếp: “À nhắc đến Lời Chúa mới nhớ, thầy Tùng biết không; một lần kia, cô thứ ba nói với anh chị: Bố! không lẽ mình chỉ đọc Lời Chúa ấy thôi à! phải thực hiện chứ? Các sơ dạy con là phải thực hành lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng mà”.
“Thế là anh chị quyết định cả nhà sẽ tiết kiệm, cả các cháu nữa để nuôi con heo nhựa, khi nào nhiều và có cơ hội thì giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Đúng là anh đã nhận nhiều chứ cho được bao nhiêu đâu thầy nhỉ!”- anh đơn sơ nói.
Vậy là tôi đã tìm ra câu trả lời cho cái thắc mắc của anh tài xế hôm trước, thì ra chỉ khi con người biết rằng mình đã được nhận rất nhiều, đồng thời phải có lòng biết ơn; bấy giờ con người mới biết chia sẻ cho người khác, biết làm ơn cho tha nhân, biết cư xử tốt với đồng loại.
Nếu nhân loại hôm nay không biết đối xử tốt với nhau là vì chúng không có hoặc thiếu lòng biết ơn; mà trước hết là biết ơn Tạo Hóa là chính Thiên Chúa, con người không chịu nhận ra những gì mình có được là do ơn ban, cùng với sức lực của mình và không thiếu những sự giúp đỡ âm thầm của người khác. Chỉ tại con người vô ơn nên không thấy mình có bổn phận yêu thương và sẻ chia với anh em mình.
Tôi tạ ơn Chúa vì ban cho tôi một bài học quý giá làm hành trang trong năm tập vụ tới đây; bài học chẳng đến từ sách vở, nhưng từ một con người suốt đời lam lũ chưa hề biết đến thần học; như thế tôi biết rằng không thể mang kiến thức xa vời để phục vụ cộng đoàn, nhưng trước hết là phục vụ bằng trái tim đơn sơ của lòng biết ơn. Và nếu chúa thương bài học ấy sẽ theo tôi suốt hành trình đời linh mục với châm ngôn sống: “con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8b)
Totus Tuus