Chính vì thế, chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay tìm đến với Đức Giêsu trình bày nỗi ước mơ ấy: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" (Mc 10, 17). Đây là câu hỏi đúng đắn, là câu hỏi hợp lý, là niềm khắc khoải của mỗi chúng ta.
Đối diện với con người đi tìm sự sống đời đời, đi tìm kiếm hạnh phúc, Đức Giêsu lại có vẻ không hài lòng, nên Ngài hỏi lại anh mà không cần câu trả lời: "Sao anh gọi ta là nhân lành trừ một mình Thiên Chúa?". Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn điều chỉnh mục đích căn bản tìm kiếm của người thanh niên. Sao anh bận tâm trước hết phải làm gì? Điều quan trọng hơn làm gì để được sự sống đời đời đó là tôi sống với ai? Cho nên, không phải là tôi làm điều a, điều b nhưng điều quan trọng là tôi sống với Đấng ấy như thế nào.
Thiên Chúa là Đấng nhân lành đã từ bỏ trời cao xuống đất thấp tìm đến với nhân loại, tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và Ngài muốn thiết lập mối tương quan tình nghĩa với con người, để cao nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa mà xưa kia Ađam Evà đã đánh mất.
Tin mừng trước là Tin mừng về một Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên Chúa muốn kết nối với con người, Thiên Chúa muốn sống với con người và mời gọi con người sống với Ngài.
Thật vậy, ngày xưa trong vườn địa đàng khi không thấy Ađam và Evà đâu, thì Thiên Chúa đi tìm và hỏi: "Ađam, Ađam, ngươi đang ở đâu vậy?". Thiên Chúa như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như người cha nhân hậu ngày ngày ra đứng đầu ngõ để mong tìm đứa con hư hỏng trở về. Thiên Chúa như người Samaria nhân hậu sẵn sàng cúi xuống băng bó vết thương cho nạn nhân chính là nhân loại tội lỗi của chúng ta. Cho nên, điều quan trọng là tôi sống với Đấng nào, Đấng ấy là ai đối với tôi và tôi là ai đối với Đấng ấy rồi sau đó mới đi đến chuyện tôi sẽ làm gì.
Đức Giêsu tỏ ra rất thông cảm với anh, nhưng đồng thời Ngài gợi mở cho anh thấy rõ, đạo Chúa không phải là việc tuân giữ các điều răn một cách tiêu cực: "Không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai…", nhưng đạo Chúa là đạo yêu thương quan tâm chia sẻ, coi mọi người đều anh em với nhau con cùng một Cha trên trời.
Người thanh niên có thể chưa bao giờ làm thiệt hại ai, vì anh có nhiều tiền của. Anh có vợ đẹp đảm đang, đâu cần phải đi ngoại tình… Nhưng anh có làm gì để giúp đỡ ai chưa?
Anh có dùng tiền của để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người mình trần thân trụi áo mặc chưa?
Anh có quảng đại chia sẻ những gì mình có cho người nghèo, để anh được sự sống đời đời mà anh hằng khát mong tìm kiếm không?
Lối sống của người thanh niên biết đâu có thể cũng là quan niệm sống của ai đó trong chúng ta đây. Chúng ta hài lòng vì đã được làm con Chúa, tự mãn vì mình đã giữ các giới răn Chúa từ thuở nhỏ, không làm phiền lòng ai… điều đó tốt lắm.
Nhưng Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa, đó là sống tình liên đới, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho tha nhân. Vì bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, cần đến sự giúp đỡ. Chúng ta không thể kính mến Chúa mà lại làm ngơ trước những nổi khổ của tha nhân.
Khi nghe Chúa Giêsu đề nghị chia sẻ tiền của cho người nghèo. Lập tức, anh thanh niên buồn sầu bỏ đi. Thấy vậy, Chúa Giêsu đưa ra nhận định: "Người giàu có khó vào Nước Trời biết bao"(Mc 10, 23). "Khó vào" chứ không phải là không vào được. Nếu chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ những người túng cực, nghèo đói, thì lối vào Nước trời sẽ rộng mở cho chúng ta.
Đức Giêsu tỏ ra tuyệt đối trong đòi hỏi của Ngài: "Ai trong anh em không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Thầy" (Lc 14,33). Từ bỏ của cải không nhất thiết là từ bỏ quyền sở hữu.
Từ bỏ ở đây, có nghĩa là có của mà lòng không tham lam, không quá dính bén tiền của. Có của mà biết dùng của để mua sắm cho mình kho tàng không bao giờ hư nát ở trên trời.
Có của mà biết quan tâm chia sẻ cho những người túng thiếu, coi hoàn cảnh đói rách của người khác là phần trách nhiệm của mình. Đó phải là cách sống đạo tốt nhất dành cho những ai thực sự muốn làm môn đệ của Đức Kitô.
Đức Giêsu xuống thế làm người trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta nên giàu có: giàu về khả năng và sức khỏe. Giàu về tiền của và sự nghiệp. Giàu về danh dự vào công phúc.
Tất cả những gì chúng ta đang có là hồng ân Chúa ban, thế nhưng, chúng ta có mở lòng quảng đại chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo không? Những người nghèo không xa chúng ta đâu! Họ ở ngay trong xứ đạo, ngay trong làng xóm ngỏ, có khi bên cạnh nhà chúng ta.
Đôi khi họ không nghèo đói về chén cơm manh áo, nhưng họ đói tình người, đói sự quan tâm. Họ cần một lời thăm hỏi, một chút lòng thương cảm của chúng ta.
Ước gì mỗi lần tham dự Thánh lễ là mỗi lần chúng ta tha thiết xin Chúa khơi dậy ước mơ sự sống đời đời lớn lên trong chúng ta. Vì tự nơi đây, chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể, là Bánh hằng sống. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời.
Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta đừng để của cải, làm ngăn cản bước đường đi theo Chúa, nhưng hãy biết dùng của cải tinh thần cũng như vật chất, mà mua lấy Nước trời, bằng việc sống tinh thần bác ái đối với tha nhân. Đồng thời điều quan trọng hơn hết là đi tìm Chúa sống gắn bó với Chúa ngay ở đời này, thì đời sau Chúa sẽ gắn bó với chúng ta trên nước trời. Amen.