Từ 1633 -1888, kết thúc thời Văn Thân bắt đạo, số người theo Chúa tăng được 7%. Từ 1888 - 1960, bắt đầu thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, số người tin theo Chúa không có gia tăng.
Rồi đến 2020, nhân dịp kỷ 60 thành lập hàng Giáo phẩm và hơn 400 năm Giáo hội Việt nam lãnh nhận đức tin, làm một bản thống kê, số tín hữu tin theo Chúa tăng được 8%.
Như vậy từ 1960 - 2020 số tín hữu tin theo Chúa tăng được 1%, nhưng liệu 1% này, có phải là do công lao loan báo Tin mừng của người tín hữu Việt Nam không? Trả lời câu hỏi này không chắc chắn lắm. Bởi vì trong số 1% này, có thể phát triển theo sinh sản tự nhiên, và số đông người nữa theo đạo vì lập gia đình, chứ ít có người theo đạo do người Công giáo lôi cuốn.
Chính vì thế hằng năm, Giáo hội dành một ngày Chúa nhật cầu nguyện cho việc truyền giáo, để kêu gọi mọi tín hữu ý thức bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Điều này Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2).
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Máccô kể lại sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và nói:"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho mọi loài thọ tạo"(Mc 16,15).
Anh chị em để ý động từ đi. Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đi đến trần gian này để loan báo Tin mừng và cứu rỗi nhân loại. Rồi Chúa sai các tông đồ ra đi "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân...". Đến lượt các tông đồ tiếp tục sai những đấng kế vị, và tất cả mọi người tín hữu chúng ta.
Vì thế, sau mỗi Thánh lễ, linh mục chủ tế nói "Lễ xong chúc anh chị em đi bình an". Có nghĩa là lễ xong anh chị em hãy ra đi loan báo Tin mừng mà anh chị em đã lãnh nhận từ nơi đây. Hãy ra đi loan báo niềm tin mà anh chị em mới vừa tuyên xưng trong Thánh lễ này.
Thế thì, chúng ta loan báo Tin mừng bằng cách nào? Thưa, Đức Giêsu đưa ra nhiều phương thế, nhưng ở đây xin đưa ra ba phương thế căn bản.
1/ Cầu nguyện: Chúa nói "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa". Trước đây, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh nữ không đi ra ngoài, nhưng tâm hồn thánh nữ từng giây từng phút cầu nguyện cho các vị thừa sai, cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cho nên, việc truyền giáo đầu tiên phải cầu nguyện, vì không ai trong chúng ta có khả năng làm thay đổi được tâm hồn người khác. Chúng ta có thể là nhà giáo dục cung cấp kiến thức cho học trò, nhưng chúng ta không thể nào có khả năng làm thay đổi được tâm hồn người khác được. Vì đó là công việc của Chúa Thánh Thần, vì thế chúng ta cầu nguyện để xin Chúa biến đổi lòng dạ họ.
2/ Sống chứng nhân: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau". Đạo chúng ta là đạo yêu thương. Tin Mừng mà chúng ta loan báo sẽ trở thành vô nghĩa nếu không thể hiện tình yêu thương.
Trong thư chung HĐGMVN năm 2003 đã nhắc nhở: "Những việc bác ái, là những lời rao giảng dễ đón nhận nhất, vì người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi các thầy dạy cũng là những chứng nhân". Chớ gì, người Công giáo hiện diện ở đâu thì hãy cố gắng sống hiền hòa, sống tình yêu thương để làm chứng cho đạo Chúa là đạo yêu thương.
3/ Loan báo: Trong bài đọc II thánh Phaolô nói: "Làm sao người ta kêu cầu danh Chúa nếu họ không tin vào Chúa; làm sao người ta tin được nếu họ không được nghe nói; làm sao người ta nghe nói nếu không có người rao giảng; làm sao có người rao giảng được nếu không có người sai đi" (Rm, 10,14-15).
Cho nên Chúa sai chúng ta đi là để nói, để rao giảng, để giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Nhiều khi chúng ta ngại nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.
Thế thì, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: tôi có trách nhiệm trong vấn đề này bao nhiêu phần trăm? Tôi có thao thức gì trong việc loan báo Tin mừng không?
Nếu xem việc truyền giáo không phải là bổn phận của mình thì thật đáng trách. Vì như lời thánh Phaolô nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm".
Anh chị em thân mến,
Giáo hội chọn ngày Khánh Nhật Truyền Giáo ngay trong tháng Mân Côi là có ý mời gọi các tín hữu hãy nhìn lên Đức Maria là mẫu gương truyền giáo đầu tiên trong việc mang Chúa đến cho gia đình người chị họ Êlizabeth. Thế thì, mỗi lần tham dự bàn tiệc Thánh thể, chúng ta được rước Chúa Giêsu vào lòng, noi gương Đức Mẹ đừng giữ lại cho riêng mình, nhưng hãy mau mắn mang Chúa đến cho người khác.
Đồng thời, nhắc nhở chúng ta mỗi khi lần chuỗi Mân Côi với tất cả ý thức khi đọc kinh Lạy Cha là mong cha Danh Cha được cả sáng, nghĩa là mong cho nhiều người được nhận biết Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Đây cũng là một trong những phương thế chúng ta cầu nguyện cho việc truyền giáo, và nhất là lo chu toàn sứ mạng mà Chúa đã sai chúng ta đi. Amen.