Trong mùa Thường Niên, chúng ta chiêm ngắm cuộc đời hoạt động công khai rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, khởi đi bằng việc chịu phép rửa nơi bờ sông Giođan. Nói đến rửa là chúng ta nghĩ ngay đến nước. Nước là một nhu cầu thiết yếu cho muôn loài thọ sinh.
Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm. Như vậy, nước có khả năng đem lại sự sống và tẩy rửa mọi sự. Trong chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa dùng nước để thanh tẩy những điều xấu xa và đồng thời kiến tạo những gì là mới mẽ.
Chẳng hạn như câu chuyện lụt Đại Hồng Thủy. Khi nhân loại đắm chìm trong đam mê tội lỗi, lúc bấy giờ Chúa cho mưa xuống 40 đêm ngày, Hồng Thủy tiêu diệt tất cả nhân loại tội lỗi đó, chỉ trừ gia đình ông Noe, được Thiên Chúa tuyển chọn.
Khi Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng dọn lòng đón Chúa đến, lắng nghe lời ông, họ lũ lượt kéo nhau đến bờ sông Giođan, xin ông làm phép rửa. Mặc dù phép rửa của Gioan chỉ bày tỏ lòng sám hối, chứ không đủ khả năng tha tội. Và đây chính là sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan và phép rửa của Đức Giêsu thiết lập. Đức Giêsu tái sinh chúng ta bằng mạch nước từ cạnh sườn Ngài chảy ra và ơn Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được sạch tội tổ tông và tội mình làm.
Tin mừng thánh Máccô ghi lại, lúc Đức Giêsu từ dòng sông Giođan bước lên, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Lúc đó, có tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con". Tiếng nói ấy không chỉ dành riêng cho Đức Giêsu, mà còn cho tất cả những ai khi lãnh nhận Bí tích thanh tẩy đều được trở nên con cái Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Trong kinh Vinh Danh chúng ta vừa hát, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, ấy thế mà tại sao Đức Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa? Chính lúc đặt câu hỏi như thế, chúng ta mới thấy nổi bật lên Đức Giêsu muốn sống tình liên đới với con người. Có nghĩa là, Ngài muốn đồng cảm với con người, để rồi khi từ dưới dòng sông Giođan bước lên, Ngài muốn nâng chúng ta lên trở thành con cái Thiên Chúa.
Thế thì hôm nay, hành động của một Giêsu hòa mình với dân chúng để lãnh nhận phép rửa. Hành động đó muốn nói với chúng ta rằng: trong cuộc đời, có những lúc chúng ta gặp thất bại, đau khổ, buồn phiền, cách này cách khác, chúng ta hãy tin rằng, trong ánh nhìn đức tin, Đức Giêsu vẫn đồng hành thiêng liêng với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra Chúa đang ở cùng ở với chúng ta không?
Giáo hội đã trải qua hơn 2.000 năm qua, từ thời các Thánh tông đồ cho đến nay, luôn luôn có những người họa lại gương Đức Giêsu, sống tình liên đới đồng cảm với những mảnh đời đau thương dập nát.
Chẳng hạn như: Cha Đamiêng tông đồ người hủi. Thánh Phanxicô Xavie, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Gioan Phaolô II, thánh Têrêsa Calcutta… những vị thánh này đã không ngừng dấn thân vào khắp hang cùng ngõ hẻm, sống chung với mọi thành phần trong xã hội, nhất là những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh… bằng đôi tay nâng đỡ, với con tim rộng mở, để xoa dịu và đem lại niềm bình an cho họ.
Mừng Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, chúng ta chung lời tạ ơn Chúa vì hồng ân được rửa tội và sai đi. Như Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha xức dầu Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin mừng cho kẻ khó nghèo.
Chúng ta cũng vậy thưa anh chị em, chúng ta được rửa tội là để Chúa sai đi sống làm chứng cho Chúa về đạo yêu thương của mình.
Mừng lễ kỷ niệm Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, xin cho chúng ta được sống xứng đáng là con cái Chúa, khi mà chúng ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Amen.