LỊCH SỬ NGÀY LỄ.
Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Nội dung Thánh lễ được triển khai theo đoạn Phúc âm thánh Luca 2,22-40.
Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mê-si bước vào Đền thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu ước qua ông Simêon và bà tiên tri Anna; Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: thanh tẩy theo luật Do thái (Lv 12).
Khi du nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giêrusalem; khi đoàn đồng tế đến đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria.
Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, ngay cả trong phụng vụ Rôma, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Thánh lễ này chấm dứt chu kỳ Giáng Sinh.
(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh, tập 1, tr 68).
Ý NGHĨA NGÀY LỄ
Theo tập tục của luật Maisen.
Bài Tin mừng cho thấy Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn những tập tục của luật Maisen liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu. Luật Maisen qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời (x. Lv 12,3; Lc 1,59-60; 2,21).
Khi được một tháng tuổi, trẻ phải được đưa tới Đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Người, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13, 2.12-13; Ds 18,15-16).
Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Đức Maria đã làm (x. Lv 5,7; 12,8).
Mặc dù biết Đức Giêsu con của mình, là Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc. Đó là một gương mẫu cho chúng ta.
Sách Xuất hành qui định: “Giavê phán cùng Maisen rằng: Hãy hiến thánh cho Ta mọi con đầu lòng: vật gì bất cứ, khi thông dạ mẹ, thì thuộc về Ta”. Điều luật này tưởng nhớ sự kiện Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Vì thế, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải dành riêng cho Người. Tuy nhiên, sau khi việc phụng tự được dành riêng cho chi tộc Lêvi, thì con trai đầu lòng thuộc các chi tộc khác không phải lo việc phụng tự nữa.
Nhưng để tỏ ra chúng vẫn thuộc sở hữu của Thiên Chúa, nên người ta thực hiện một nghi thức chuộc lại. Sách luật qui định con dân Israel phải hiến dâng một lễ vật tượng trưng để chuộc lại con trai.
Đức Maria dâng con theo lề luật.
Theo luật Maisen cũng là tục lệ của người Do thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế.
Vậy sau khi Chúa Giêsu sinh ra được 40 ngày, Đức Maria đem con lên Đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo luật Do thái. Mẹ Ngài hoàn toàn thanh sạch, không cần phải giữ luật ấy, nhưng Mẹ cũng thi hành đầy đủ lễ nghi, trước là vâng theo ý Chúa, sau là để người ta khỏi sai lầm mắc phải.
Hôm ấy, ông già Simêon là người hằng mong đợi được trông thấy Đấng Cứu Thế, lên Đền thờ cũng là ngày cha mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền thờ. Vừa trông thấy Hài Nhi, được ơn trên soi sáng chỉ dẫn, ông rất vui mừng, vội đưa tay ẵm kính Hài Nhi và chúc tụng Thiên Chúa:”Lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Hai Ông Bà thấy và nghe như thế thì lấy làm lạ, chưa kịp hỏi han gì thì cụ già Simêon nhìn lên Đức Mẹ mà thưa:”Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người ta chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2,34-35).
Đồng thời, nữ tiên tri Anna trông thấy Chúa Hài Nhi, bà cũng nói lên lời chúc tụng Thiên Chúa và nói lại cho người ta biết rằng chính Ngài là Vị Cứu Thế muôn dân đang chờ đợi.
Mặc dầu biết Đức Giêsu, con mình, là Con Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì luật đòi buộc. Và sau cùng, để chuộc lại con mình, hai Ông Bà vì nghèo nàn chỉ dâng lên Thiên Chúa một đôi chim gáy với tất cả tấm lòng thành.
Lễ hôm nay cũng là Lễ Nến
Khi lễ này được du nhập vào phụng vụ Rôma, Đức Thánh Cha Sergiô I lại thêm vào nghi thức rước nến, vì vậy lễ dâng Chúa Giêsu vào Dền thờ hôm nay cũng được gọi là Lễ Nến, vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân.
Chính cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Thánh Xôprôniô, Giám mục Giêrusalem đã nói:”Đây là ý nghĩa của mầu nhiệm: chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là Ánh Sáng thật đã đến, Ánh Sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy tỏa sáng” (Kinh Sách, các bài đọc ngày 02.02).
Cuộc rước trong phụng vụ hôm nay nói lên đời sống của mỗi tín hữu phải giãi chiếu ánh sáng cho người khác. Chúa Kitô là ánh sáng cho trần gian. “Ánh Sáng” là một từ thường được dùng để chỉ về sự sống và chân lý. Thiếu ánh sáng là cô đơn, nghi nan và lầm lạc. Chúa Kitô là Sự Sống cho thế gian và cho mọi người, Là Ánh Sáng chiếu soi, là Chân Lý giải thoát, Là tình Yêu viên mãn… Mỗi khi cầm nên đi trong đoàn kiệu, chúng ta thông phần vào ánh sáng của Chúa Kitô.
BƯỚC THEO MẸ MARIA.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết theo gương Mẹ để biết khiêm nhường phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.
Trước hết, Lễ này dạy chúng ta bài học khiêm nhường vâng giữ luật Chúa và Hội thánh. Thật ra luật Cựu ước không buộc Đức Maria và Chúa Giêsu, vì Đức Maria không thụ thai cách bình thường như người đời. Ngài mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, nên Ngài không bị ô uế theo luật Maisen và không buộc phải thanh tẩy.
Đức Giêsu cũng không buộc phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật dạy, vì rồi đây chính Ngài sẽ bị sát tế và dâng hiến lên Chúa Cha trên thánh giá để làm của lễ chuộc tội loài người. Việc hiến dâng các trẻ em Do thái theo luật Maisen chỉ là hình bóng việc tự hiến của Ngài mà thôi. Thế nhưng chỉ vì khiêm tốn vâng phục mà Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn luật Cựu ước cho Chúa Giêsu để nêu gương cho chúng ta.
Thứ đến, Đức Maria sẵn lòng dâng hiến Con mình cho Thiên Chúa. Qua đó, Mẹ lặp lại lời Fiat, và một lần nữa, trao phó trọn đời mình cho Thiên Chúa an bài sử dụng. Chúa Giêsu được hiến dâng lên Chúa Cha trên tay của Mẹ Maria. Đây là cuộc hiến dâng đặc biệt nhất tại Đền thờ, và không bao giờ được lặp lại. Hơn ba mươi năm sau, Chúa Giêsu đã dâng chính thân Người, nhưng ngoài thành, ở trên đồi Calvê.
Mẹ Maria đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời để Chúa sử dụng trong cuộc việc cứu chuộc loài người. Mẹ không từ chối Chúa một sự gì. Tiếng Fiat luôn chiếm hữu tâm trí Mẹ để mọi việc được diễn tiến theo thánh ý Chúa, cho dù thân xác Ngài phải bị hao mòn.
Truyện: Ngụ ngôn về cây bút chì.
Người thợ làm bút chì nâng niu sản phẩm của mình trước khi cho nó vào hộp. Ông nói với bút chì: “Có 5 điều mày cần phải nhớ trước khi tao để mày bước vào thế giới hỗn độn ngoài kia. Lúc nào mày cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều ấy, khi đó, mày mới trở nên một cây bút chì đẹp nhất, hiểu không?
Thứ nhất, mày luôn có thể tạo ra những thứ rất vĩ đại, nhưng chỉ khi nào mày nằm trong tay một ai đó.
Thứ hai, mày phải liên tục chịu đựng những sự gọt giũa rất đau đớn, nhưng hãy nhớ, tất cả đau đớn ấy chẳng qua để làm cho mày đẹp hơn mà thôi.
Tiếp theo, mày phải nhớ lúc nào mày cũng có thể sửa chữa những lỗi mà mày ghi ra.
Và một điều nữa, hãy biết phần quan trọng nhất trên cơ thể của mày chính là phần ruột, phần bên trong chứ không phải là lớp vỏ ngoài.
Cuối cùng,, mày, bút chì, phải để lại vết chì của mày trên bất cứ bề mặt nào mà mày được sử dụng để viết, và phải liên tục viết, bất kể chuyện khó khăn gì, được không?
Cây bút chì hiểu rõ những lời người thợ nói và nó tự hứa sẽ nhớ tất cả những điều ấy, và rồi, nó vào nằm trong hộp để bước ra thế giới với những mục đích riêng mà nó đã định.
Qua câu truyện ngụ nôn về cây bút chì, bạn hãy thử đặt chính bạn vào vị trí cây bút chì xem. Lúc nào bạn cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều này, khi đó, bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại cho mà xem.
Bạn hãy cố thực hành:
Thứ nhất, bạn có thể làm nên những chuyện vĩ đại, nhưng chỉ khi nào bạn biết đặt mình vào trong vòng tay của Thiên Chúa, hãy để cho mọi người được sử dụng những món quà mà Thiên Chúa ban cho bạn.
Thứ hai, bạn sẽ phải liên tục nếm trải những đau đớn và thất bại trong cuộc sống, nhưng có trải qua ngần ấy đau khổ, bạn mới có thể mạnh mẽ hơn được.
Cũng cần phải nhớ lúc nào bạn cũng có thể khắc phục những sai lầm trong quá khứ.
Tiếp theo đó, bạn phải biết phần quan trọng nhất của cơ thể bạn không phải là ngoại hình mà là tấm lòng bên trong của bạn
Còn điều cuối cùng, trên mọi nẻo đường mà bạn đi qua, bạn hãy để lại những dấu ấn riêng của bạn và trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của minh.
Hãy làm theo ngụ ngôn về bút chì, nó sẽ giúp cho bạn cảm thấy bạn đúng là một con người đặc biệt và chỉ có bạn mới có thể hoàn thành được những trách nhiệm mà ngay từ khi sinh ra, bạn đã được giao phó.
Đừng bao giờ để mình bi quan và cũng đừng bao giờ cho rằng cuộc đời bạn thật tầm thường và rằng bạn không thể thay đổi bất cứ thứ già cả.
Trong Thánh Lễ hôm nay, cùng với lễ dâng trọn hảo là chính Chúa Giêsu, được Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng trong Đền thờ, chúng ta cũng xin hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc sống của chúng ta làm lễ dâng lên Thiên Chúa. Xin Ngài chúc phúc và hướng dẫn đường đời chúng ta trong thánh ý Ngài, hầu cả cuộc sống chúng ta trở nên lễ dâng tình yêu trong Tình Yêu Thiên Chúa.
Home »
suy niệm chúa nhật
» DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THỜ- Lm. Giuse Đinh Lập Liễm