Có bao giờ bạn đọc câu này của Thánh Augustinô chưa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”...
Các bạn trẻ thân mến,Có bao giờ bạn đọc câu này của Thánh Augustinô chưa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Đó là lời đúc kết của thánh nhân sau những năm tháng thánh nhân đi tìm chân lý. Mỗi người chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và trong tâm hồn mỗi người đều có ước mong tìm kiếm Người và hy vọng sẽ gặp được Người.
Câu trên đây thoạt đầu chúng ta thấy ngạc nhiên và dường như không tin lắm, vì thực tế còn có những người vô thần, họ chẳng màn gì đến Thiên Chúa. Là một triết gia hiện sinh nổi tiếng của Pháp, Gabriel Marcel chia sẻ với chúng ta rằng: “Con người là hữu thể tôn giáo.” Biểu hiện dễ nhất mà ta từng cảm nghiệm với những thắc mắc, ưu tư (kể cả người vô thần) trước những câu hỏi: Nguồn gốc con người là gì? Sau khi chết con người sẽ ra sao? Hoặc, Thiên Chúa là ai? Chính khi trải nghiệm như thế, trong mỗi con người đều có “tính tôn giáo”, nghĩa là có khả năng nghĩ đến, đặt vấn đề và có tương quan với thần linh, Thượng Đế.
Từ những trải nghiệm khởi điểm trên đây, con người bắt đầu lên đường đi tìm. Và nhờ con người là con vật có lý trí, như Aristotle định nghĩa, nên họ có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn. Nhất là khi người trẻ đang trong giai đoạn bước vào giai đoạn lý trí ấy bùng sáng, người trẻ từ ngạc nhiên đến hoang mang trước nhiều vấn đề, trong đó có lãnh vực Đức Tin. Họ thực sự bị thôi thúc truy tìm chân lý. Chính trong hành trình đó, người trẻ có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và đối thoại với Thiên Chúa. Nếu theo tiến trình này, như lời thánh Albertô Cả dòng Đaminh, thì người trẻ đang đi đúng hướng, vì “mục đích tối cao của lý trí là nhận biết Thiên Chúa.”
Trong khi tìm câu trả lời cho chính mình về Thiên Chúa, nhiều người trẻ thường gặp khủng hoảng, bối rối và rơi vào đêm tối của đức tin. Tiếc là trong hoàn cảnh ấy không ít bạn trẻ từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Tại sao? Vì nhận biết Thiên Chúa vô hình là một thách đố lớn đối với tâm trí con người. Hơn nữa khi hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, họ phải từ bỏ nhiều thứ và khuôn mình trong những luật lệ Thiên Chúa đòi hỏi họ. Cũng như hình ảnh anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng xin theo Chúa Giêsu, Chúa bảo anh hãy bán hết tài sản cho người nghèo rồi sau đó theo Chúa. Anh sa xầm nét mặt và bỏ đi. Hôm nay không ít bạn trẻ cũng theo vết xe đổ của anh thanh niên năm xưa.
Như thế người trẻ hướng về Thiên Chúa có khả thể không? Tùy bạn trả lời! Một trong những lý do khiến người trẻ khó hướng về Thiên Chúa đó là dường như ta không thể thực sự hiểu biết và nói rốt ráo về Thiên Chúa. Trong khi đó bản chất của người trẻ cần một đáp án dứt khoát, chung cuộc về Thiên Chúa. Tiếc là lý trí con người lại không thể hiểu hết Đấng Vô Biên. Mặt khác, nhiều bạn trẻ không chịu thanh tẩy và cải tiến không ngừng ngôn ngữ của họ về Thiên Chúa. Thiên Chúa nói một đường, họ hiểu một nẻo. Nhưng không sao, đã đến lúc người trẻ chúng ta bình tâm lại, và đón nhận những giới hạn hiểu biết của mình về Thiên Chúa. Chân thành mà nói, “Tất cả những gì người ta không hiểu hết, với mục đích nhằm để người ta hiểu nhiều hơn.” (nhà toán học lỗi lạc người Pháp Blaise Pascal).
Lời trên của Pascal mời gọi người trẻ hãy kiên nhẫn, khiêm tốn và thành tâm trong khi hướng về Thiên Chúa. Chúng ta ít nhiều kinh nghiệm được một Thiên Chúa luôn đợi chờ, thương xót và tha thứ. Chính Thiên Chúa lôi kéo con người về phía Người. Đây là ân huệ lớn lao dành cho người trẻ “dám để cho đức tin của mình bị thách đố.” Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Nguồn vui của Kitô hữu là biết chắc rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, yêu thương thân mật bởi Đấng Tạo hóa… yêu thương bằng một tình yêu đam mê và trung tín, một tình yêu lớn hơn là những bất trung và tội lỗi của ta, một tình yêu luôn tha thứ.”
Dĩ nhiên là người trẻ, chúng ta cũng khát khao cảm nhận được Thiên Chúa thực sự yêu thương mình. Nhất là trong những lúc đau khổ hay vô vọng, ước mong các bạn trẻ để lòng mình hướng đến Thiên Chúa vốn là chỗ nương thân, nơi có câu trả lời xác đáng. Thực sự Thiên Chúa không vắng bóng, nhưng Người hiện diện một cách vô hình. Ngoài ra, người trẻ có thể chiêm ngắm đời sống các thánh, cả những vị thánh trẻ, để thấy được các ngài hướng về Thiên Chúa mạnh mẽ ra sao! Chẳng hạn một trong những chia sẻ của thánh Đaminh Saviô (15 tuổi) là: “Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những người bạn thân nhất của tôi.” Hay, khi vào nhà tập Dòng Tên, Thánh Lu-Y Gonzaga tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Hoặc, khi hấp hối, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chia sẻ với chúng ta rằng: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu. Sau khi tôi chết, tôi sẽ làm mưa hoa hồng. Từ thiên đàng, tôi sẽ tiếp tục làm phúc xuống cho trần gian!”
Còn nhớ ngày 22 tháng 10 năm 1978 trong thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng cử hành trước thềm Đền thờ thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô II đã gióng lên lời kêu gọi tín hữu công giáo toàn thế giới như sau: “Anh chị em đừng sợ hãi. Hãy mở cửa, còn hơn thế nữa hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô! Thánh Giáo Hoàng còn nhắc lại lời ấy nhiều lần trong các kỳ Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Hôm nay, thánh nhân cũng luôn ủng hộ, nhắn nhủ và đồng hành cùng với mỗi người trẻ: “Đừng sợ! Hãy hướng lòng về Thiên Chúa.” Cũng trong chiều hướng đó, ĐGH Phanxicô trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018, mời gọi các bạn trẻ:
1. Hãy đem Tin Mừng cho hết mọi người.
2. Hãy loan báo Chúa Giêsu Kitô.
3. Thông truyền niềm tin đến tận cùng trái đất.
4. Người trẻ hãy làm chứng cho tình yêu.
5. Ước gì các bạn trẻ dám hướng mở về Thiên Chúa, đừng sợ Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net