Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy” (Cv 1:8). Và đã xảy ra đúng như thế. Các môn đệ lúc đầu đầy sợ hãi, họp nhau trong phòng với cánh cửa đóng kín. Điều ấy xảy ra ngay cả khi Chúa đã Phục Sinh. Nhưng sau đó, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng rằng: các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa (Ga 15:27). Từ đó, các môn đệ không còn do dự, không còn sợ hãi, nhưng đầy can đảm. Bắt đầu từ Gierusalem, các môn đệ đi tới tận cùng trái đất. Khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông hãy còn nhút nhát, nhưng khi Chúa Giêsu đi và sai Chúa Thánh Thần đến, Thần Khí đã biến đổi tâm hồn các ông, làm cho các ông đầy mạnh mẽ.
Thần Khí giải phóng các môn đệ khỏi xích xiềng sợ hãi. Chúa Thánh Thần khơi lên trong tâm hồn các ông lòng quảng đại đầy tràn. Chúa Thánh Thần mở những tâm hồn khép kín, thúc đẩy lòng người biết lên đường phục vụ. Ngài đẩy lui lòng tự mãn và mở ra hướng đi mới. Ngài giúp ấp ủ những ước mơ mới. Điều đó có nghĩa là biến đổi các tâm hồn. Người đời hứa hẹn thay đổi này nọ, tạo nên những khởi đầu mới, những thay đổi phi thường; nhưng kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, chẳng có ai trên trái đất này có thể thay đổi thực tại để hoàn toàn làm thỏa mãn lòng người. Thế nhưng, sự thay đổi, sự biến đổi mà Chúa Thánh Thần mang lại thì khác. Sự thay đổi ở đây không phải là cuộc cách mạng đảo lộn cuộc sống quanh ta, nhưng là biến đổi tâm hồn ta. Cuộc biến đổi này không giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của các vấn đề, nhưng làm cho chúng ta tự do để có thể đối diện với các vấn đề ấy. Sự biến đổi ấy không đến với chúng ta để giải quyết vấn đề một lần cho tất cả, nhưng làm cho chúng ta tự tin, can đảm và không biết mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ cho tâm hồn chúng ta luôn trẻ trung. Tuổi trẻ, dù ta có cố gắng níu kéo cách nào, thì sớm hay muộn tuổi trẻ cũng sẽ trôi đi. Nhưng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ngăn chặn sự lão hóa, không phải là lão hóa thể lý mà là lão hóa nội tâm. Cách nào mà Chúa Thánh Thần làm được điều ấy? Đó là bằng cách đổi mới tâm hồn chúng ta, bằng cách tha thứ cho các tội nhân. Ở đây có sự thay đổi rất lớn: từ thân phận tội lỗi, Ngài làm cho chúng ta trở nên công chính và như thế là thay đổi tất cả. Từ thân phận nô lệ cho tội lỗi, chúng ta được trở nên những người con yêu dấu, từ kẻ bất xứng trở nên người xứng đáng, từ chỗ thất vọng chuyển sang tràn đầy hy vọng. Với tác động của Chúa Thánh Thần, niềm vui được tái sinh và bình an tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Hôm nay chúng ta hãy học biết những gì phải làm, khi chúng ta cần những thay đổi thực sự trong cuộc sống. Ai trong chúng ta không cần những thay đổi? Nhất là khi cuộc đời đầy u ám, khi ta mệt mỏi với những gánh nặng, khi ta chịu áp lực với đầy yếu đuối, những lúc khó khăn mà ta khó lòng có thể tiếp tục và dường như không thể yêu thương. Trong những lúc ấy, chúng ta cần một sức bật mạnh mẽ: đó là Chúa Thánh Thần, là quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Thật tốt lành làm sao khi mỗi ngày chúng ta có thể cảm nhận được sức bật mạnh mẽ ấy trong cuộc đời mình! Mỗi sáng khi thức dậy, hãy thưa lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin ngự vào tâm hồn con, ngự vào ngày sống của con!”.
Chúa Thánh Thần biến đổi các hoàn cảnh
Chúa Thánh Thần không chỉ biến đổi các tâm hồn, mà Ngài còn biến đổi các hoàn cảnh. Giống như việc gió thổi đến mọi nơi, và ngay cả thâm nhập vào những hoàn cảnh khó lòng có thể tượng tưởng được. Trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta bị thu hút bởi chuỗi sự kiện kinh ngạc tuyệt vời. Đây là cuốn sách ta cần đọc, và nhân vật chính của cuốn sách, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Khi các môn đệ nhận thấy có ít hy vọng nhất, thì Chúa Thánh Thần sai các ông đi vào dân ngoại. Ngài mở ra những con đường mới, ví dụ như trường hợp của thầy phó tế Philipphe. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Philipphe đi con đường sa mạc từ Gierusalem đến Gaza. Dọc đường, Philipphe giảng cho viên quan và rửa tội cho viên quan. Sau đó Thần Khí đưa Philipphe đến Azotus, rồi đến Cesarea, đến những hoàn cảnh mới để loan truyền sự mới mẻ của Thiên Chúa. Điều tương tự cũng xảy ra với thánh Phaolô. Thánh nhân “bị Thánh Linh bắt buộc” (Cv 20:22) ra đi, đi xa để mang Tin Mừng đến cho muôn dân xa lạ. Nơi nào có Chúa Thánh Thần, nơi ấy luôn có gì đó diễn ra; nơi nào Thần Khí thổi đến, nơi ấy không bao giờ lặng im.
Trong đời sống cộng đoàn, khi chúng ta trải qua kinh nghiệm vô nghĩa nào đó, chúng ta thích yên ổn và tĩnh lặng, hơn là điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu xấu. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cố trú ẩn để tránh cơn gió là Thần Khí. Khi chúng ta sống theo kiểu tự đủ và khép kín trong nhà mình, thì đó là dấu hiệu không tốt. Gió là Thần Khí đang thổi, nhưng chúng ta là con thuyền lại hạ cánh buồm xuống. Cho dù như thế, chúng ta vẫn thường thấy Chúa Thánh Thần làm việc thật kỳ diệu! Rất thường khi, ngay giữa thời ảm đạm nhất, thì Thần Khí vẫn nâng dậy những gì thánh thiêng nổi bật nhất! Ngài là linh hồn của Hội Thánh. Ngài khơi dậy niềm hy vọng tươi mới, đổ đầy niềm vui ngập tràn, làm phát sinh nhiều hoa trái, và làm cho sự sống mới nảy sinh. Trong một gia đình, khi có một người con chào đời, người con ấy làm cho lịch trình của gia đình trở nên rối loạn, em bé làm chúng ta mất ăn mất ngủ, nhưng em bé cũng mang lại niềm vui và đổi mới cuộc sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta mở rộng trong tình yêu mến. Cũng thế, Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội sự trẻ trung của “thời thơ ấu”. Từ thời này qua thời kia, Chúa Thánh Thần tiếp tục trao tặng sức sống mới. Ngài hồi sinh tình yêu đầu đời của chúng ta. Ngài nhắc Giáo hội nhớ rằng, dù trải qua lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng Giáo hội vẫn luôn là cô dâu trẻ trung mà Thiên Chúa hết mực yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chào đón Chúa Thánh Thần vào cuộc đời mình, và xin ơn Ngài trước mọi việc chúng ta làm: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”.
Sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm
Chúa Thánh Thần sẽ mang đến sức mạnh biến đổi của Ngài, một sức mạnh độc nhất vô nhị, một sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm. Là sức mạnh quy tâm, bởi vì sức mạnh ấy hoạt động nơi trung tâm, nơi sâu thẳm trong trái tim ta. Sức mạnh ấy mang đến hiệp nhất và đẩy lùi chia rẽ, mang đến bình an và đẩy lùi phiền não, mang đến sức mạnh và đẩy lùi cám dỗ. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ điều này, khi ngài viết rằng: hoa trái của Thần Khí là niềm vui, bình an, trung tín, tự chủ (Gl 5:22). Chúa Thánh Thần ban cho ta tình thân gắn bó với Chúa, ban sức mạnh nội tâm để ta tiếp tục tiến bước. Là sức mạnh ly tâm, bởi vì đó là lực đẩy để đi ra ngoài. Thần Khí ở trong chúng ta, để đẩy chúng ta đi ra các vùng ngoại biên, để đẩy chúng ta đi ra mọi vùng ngoại vi của nhân loại. Ngài cho chúng ta thấy gương mặt Thiên Chúa, Ngài cũng mở tâm hồn chúng ta trước các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Ngài sai chúng ta đi và làm cho chúng ta trở thành chứng nhân. Ngài đổ vào lòng chúng ta đầy tình yêu, lòng từ nhân, lòng quảng đại, sự dịu hiền. Chỉ trong Thần Khí là Đấng An Ủi, chúng ta mới có thể nói được những lời sống động và chân thực để khích lệ tha nhân. Những ai sống nhờ Thần Khí thì sống trong mình mối giằng co thiêng liêng này: vừa thấy mình bị kéo về phía Thiên Chúa vừa thấy mình bị kéo về phía nhân loại.
Chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lối sống như thế. Xin Chúa Thánh Thần, là cơn gió mạnh mẽ của Thiên Chúa, thổi vào chúng ta, thổi vào tâm hồn ta, và làm cho ta biết thở ra sự dịu hiền của Chúa Cha! Xin Thần Khí thổi vào Giáo Hội và làm cho Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Xin Ngài thổi vào thế giới sự nồng ấm của hòa bình, sự tươi mới dễ thương của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến biến đổi chúng con và đổi mới mặt địa cầu. Amen.
Tứ Quyết SJ. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống 2018.rv
Home »
suy niệm chúa nhật
» Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn