Chúa Giê-su chịu phép rửa
Mc 1,7-11
ĐỒNG HÀNH VÀ LIÊN ĐỚI
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòngvề Con.” (Mc 1,11)
Suy niệm: Một trong những chọn lựa ưu tiên trong học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo là chọn đứng về phía người nghèo, người bị gạt bên lề xã hội, người dễ bị tổn thương. Giáo Hội học được bài học đồng hành và liên đới này từ chính Đấng Sáng Lập, qua mầu nhiệm Nhập Thể cũng như trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng qua việc chịu phép rửa, để bày tỏ tình liên đới và đồng hành với người tội lỗi và dân tộc. Đây là lần đầu tiên có một phong trào lãnh nhận phép rửa nơi Dân Chúa, bởi vì chỉ có người ngoại trở lại đạo Do Thái mới chịu phép rửa còn người Do Thái thì không. Phong trào trở về với Chúa qua phép rửa ấy lôi cuốn nhiều người, và Đức Giê-su cũng muốn liên đới với dân chúng trong cuộc trở về với Chúa này.
Mời Bạn: Liên đới đòi bạn phải rời “vị trí an toàn” của mình để đứng vào hàng ngũ những người nghèo, người bị gạt bên lề, ngõ hầu thấu hiểu, có chung tâm tình như họ, và giúp họ phát triển. Đồng hành đòi bạn phải cùng chung nhịp bước, để chia sẻ vui buồn với người khác. Qua cử chỉ liên đới và đồng hành, bạn đang thực thi điều luật cao cả nhất là yêu thương, và chắc chắn Thiên Chúa sẽ cho thấy Ngài hài lòng về bạn.
Chia sẻ: Tôi có thể bày tỏ tình liên đới với những loại người nào hiện nay trong xã hội?
Sống Lời Chúa: Tôi quan sát, nghiên cứu hoàn cảnh sống của những người chung quanh, và có một quyết tâm cụ thể để sống tình liên đới và đồng hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chung quanh chúng con còn bao người nghèo, bị gạt bên lề xã hội, xin cho chúng con luôn biết bày tỏ sự liên đới với họ.
09/01/18 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21b-28
TA THUỘC VỀ CHÚA
“Lời giảng dạy thì mới mẻ. Người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (Mc 1,27) Suy niệm: “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3,20). Tên quỉ ô uế đúng là kẻ ghét ánh sáng, y hoảng sợ la to lên khi thấy Đức Giê-su, ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa,’ và muốn xua đuổi Ngài đi chỗ khác, để mặc cho y hành động. Chúa đời nào nhượng bộ trước yêu sách này, Ngài bày tỏ uy quyền, trục xuất nó ra khỏi người bị ám. Con người được dựng nên cho Chúa, thuộc trọn về Ngài, luôn được Ngài ấp ủ yêu thương. Chúa Giê-su không muốn cho ai đó hay một chỗ nào đó trong lòng người là nơi dành riêng cho quỉ dữ.
Mời Bạn: Xã hội đầy dẫy gian xảo lừa đảo, tham nhũng, chạy chức, bằng cấp giả, hóa đơn ma, học sinh quay cóp... Có vẻ như quỉ dối trá thâm nhập vào mọi cơ chế xã hội và muốn ‘khoanh vùng’ để mặc tình thao túng. Người Ki-tô hữu xác tín rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con Chúa và chi thể trong Thân Thể Ngài. Họ được kêu mời để nên thánh, sống thánh giữa đời.
Chia sẻ: Lãnh vực nào trong cuộc sống bạn chưa được ‘phủ sóng’ Tin Mừng của Chúa? Phương thế để khắc phục?
Sống Lời Chúa: Dạy nhau sống trước nhan Chúa mọi lúc mọi nơi, không đóng kịch giả dối, thiếu trung thực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chịu chết để cứu chúng con khỏi tay ác thần và đem chúng con vào đời sống mới. Xin cho chúng con luôn biết xa tránh tội lỗi và bất cứ điều gì làm chúng con lìa xa Chúa. Amen.
10/01/18 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39
ƯU TIÊN SỐNG CẦU NGUYỆN
Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (Mc 1,35) Suy niệm: Tin Mừng Mác-cô hôm nay mô tả cuộc sống thường nhật của Chúa Giê-su gồm hai nhịp: hoạt động truyền giáo và cầu nguyện. Dù bận rộn với đủ mọi hạng người đến với mình, nhưng Chúa Giê-su vẫn ưu tiên dành những giây phút quý giá nhất trong ngày để cầu nguyện với Cha. Chính trong tương giao với Cha qua cầu nguyện, Ngài đã nhận ra và chọn sống theo ý Cha. Nhờ chọn lựa này, Ngài không lưu lại một chỗ để “thưởng thức” lòng ham mộ, sự thành công, nhưng rong ruổi nay đây mai đó để nhiều người hơn được biết Tin Mừng Nước Trời. Ngày sống của Ngài được đan dệt bằng hai chất liệu quý giá: tâm tình hiếu thảo với Cha và tấm lòng yêu thương con người.
Mời Bạn: Trong xã hội hiện nay, học sinh bù đầu lo chuyện học, người lớn đầu tắt mặt tối với việc làm ăn, giáo xứ với tổ chức lễ lạc… Dường như “chủ nghĩa duy hoạt động” thắng thế: người ta đặt hiệu quả việc loan báo Tin Mừng nơi hoạt động, qua công việc, chứ không nơi đời sống cầu nguyện. Hậu quả tất yếu là xem nhẹ sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong khi đó, cầu nguyện là “hơi thở” của đời sống Ki-tô hữu, “là tiếng kêu của linh hồn” (A. Belden). Qua cầu nguyện, ta gặp gỡ Chúa, nhìn ngắm, xin Ngài tư vấn, để rồi nhờ lắng nghe, ta biết được và chọn làm theo Ý Ngài.
Chia sẻ: Bạn thường cầu nguyện do nhu cầu cần gặp gỡ Chúa hay do muốn xin ơn, cầu lợi?
Sống Lời Chúa: Dành riêng 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con biết dành thời gian tâm sự với Chúa mỗi ngày. Amen.
11/01/18 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ
Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh. (Mc 1,41) Suy niệm: Những người phong, cư dân trên đảo Molokai, xôn xao khi thấy cha Đa-miêng đến chung sống với mình. Họ càng cảm động hơn khi biết vị linh mục trẻ này hoàn toàn lành lặn, chỉ vì yêu thương họ quá, nên tình nguyện đến chia sẻ và phục vụ họ ngay trên mảnh đất khốn khổ này. Ngài đã phá đổ hàng rào ngăn cách vô hình giữa người lành/người phong, da trắng/da mầu, Ki-tô hữu/ngoại đạo. Qua cử chỉ giơ tay đụng vào người phong, Đức Giê-su cũng xóa tan hố sâu ngăn cách xã hội thời đó đặt ra. Thật vậy, ngoài những đau đớn khủng khiếp nơi thân xác, người phong thời ấy còn phải chịu nỗi đau buồn cùng cực trong tinh thần khi bị cộng đồng ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đụng đến người phong không chỉ bằng bàn tay, nhưng còn bằng lòng thương xót trước nỗi khổ của con người.
Mời Bạn: Nhìn ngắm mẫu gương của Đức Giê-su khi Ngài kết hợp tài tình giữa trái tim chạnh lòng thương và bàn tay giơ ra, đụng đến chữa lành, cũng như giữa lòng thương xót và quyền năng. Bạn được mời gọi vận dụng mọi nguồn lực để bày tỏ lòng thương xót.
Chia sẻ: Sống trong một thế giới đầy những hố sâu phân cách: giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh... bạn làm gì để vượt qua những hố sâu này ngõ hầu diễn tả lòng thương xót?
Sống Lời Chúa: Tập mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận nhiều người, hơn là chỉ trong nhóm người quen thuộc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa, để biết chạnh lòng thương trước đau khổ của người lân cận. Xin cho bàn tay chúng con cũng biết giơ ra đụng đến và làm vơi nhẹ nỗi đau của người khác.
12/01/18 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Mc 2,1-12
HƠN CẢ ĐIỀU TỐT NHẤT
Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra ... (Mc 2,12) Suy niệm: Đứng lên, vác chõng mà đi! Có lẽ ta phải nằm liệt một chỗ nhiều năm như anh này mới cảm được hết cái tuyệt vời của việc “đứng lên vác chõng mà đi.” Nhưng đó chưa phải là tất cả điều tuyệt vời đang diễn ra ở đây. Anh vác chõng đi ra trong sự thanh thoát của tâm hồn, vì anh đã được thứ tha hoàn toàn khỏi tội lỗi. Đúng như lời của một mẩu quảng cáo rất ấn tượng: Better than the best! Tốt hơn điều tốt nhất!
Mời Bạn: Hầu như ai cũng có những vấn đề phải lo, từ chuyện sức khoẻ, chuyện làm ăn, đến chuyện học hành, chuyện gia đình, v.v... Và ta thường nghĩ: điều tốt nhất cho tôi lúc này là trả được món nợ kia, hay chữa dứt được chứng đau bao tử nọ, hay đạt được đủ điểm trong kỳ thi sắp tới, hay kiếm được một công việc làm... Thực ra, còn có điều tốt hơn những ‘điều tốt nhất’ ấy nữa: đó là tình trạng được giải phóng trong tâm hồn, được hoàn toàn tự do đối với tội lỗi, được ơn thứ tha của Chúa. Bạn có tha thiết với điều ‘siêu tốt’ này không?
Chia sẻ: Câu chuyện người bại liệt hôm nay cho thấy Chúa Giêsu vừa có quyền năng vừa rất muốn cho ta nhiều hơn ta dám mơ. Bạn có muốn mang những vấn đề của mình, nhất là chính tình trạng tội lỗi của mình, đến với Chúa Giêsu không? Tại sao?
Sống Lời Chúa: Đến lãnh bí tích Hòa Giải để được tha thứ và bình an sâu xa trong tâm hồn cho năm mới. Ta quyết giữ sự bình an này, ngay cả dù nghèo dù khổ, hơn là có được mọi thứ mà mất sự bình an ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi và chữa lành con. Xin cho mọi người trong gia đình con được ơn bình an này.
13/01/18 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 2,13-17
NGƯỠNG MỘ MỘT BẬC THẦY
Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” (Mc 2,14) Suy niệm: Khi kêu gọi Lê-vi làm môn đệ, Đức Giê-su biết rõ ông là một nhân viên thu thuế. Đối với người Do Thái, người thu thuế bị coi là cộng tác với ngoại bang là chính quyền Rô-ma để bóc lột dân tộc mình. Đó là chưa kể đến những sự nhũng nhiễu lạm thu mà họ có thể gây ra. Người Do Thái gọi họ bằng cái tên miệt thị “quân thu thuế” đồng hàng với “phường tội lỗi.” Ngày ngày Lê-vi ngồi đó nơi trạm thu thuế như một kẻ tội lỗi công khai. Cũng chính tại nơi này Chúa Giê-su đã bắt gặp Lê-vi và gọi ông đi theo Ngài. Chúa Giê-su không coi Lê-vi như một chướng ngại cho sự hoà hợp trong nhóm môn đệ cũng như sứ vụ của mình. Đức Giê-su đã gọi Lê-vi làm môn đệ và đồng bàn với ông để cảm hóa và chữa lành ông như một bậc thầy đáng ngưỡng mộ.
Mời Bạn: Đức giáo hoàng Phanxicô khuyến khích hãy “xây cầu” chứ đừng “xây tường”. Đức Giê-su đã từng “xây cầu” qua việc chọn Lê-vi làm môn đệ mình mà không chấp nhất tội lỗi quá khứ của ông. Sống ở đời ai cũng cần có người cộng tác giúp đỡ. Tha nhân sẽ là người giúp ích cho ta và cho người khác nếu ta biết quên đi quá khứ tội lỗi của họ và kêu mời họ sống và làm việc với mình như Đức Giê-su đã kêu mời Lê-vi.
Sống Lời Chúa: Nhìn vào việc Đức Giê-su kêu gọi Lê-vi để xác tín hơn rằng mọi tội nhân đều có hy vọng đổi đời và mưu ích cho người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết nhìn về tương lai của anh chị em kém thánh thiện trong niềm hy vọng họ sẽ đổi đời để chúng con “xây cầu” như Chúa đã xây.
5 phút Lời Chúa