Việc Tôn Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu Có Khác Với Việc Tôn Kính Lòng Chúa Thương Xót Không?

Chúng ta đang ở trong Tháng Sáu, được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ ngày 23 tháng 5 năm 2000, được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thánh Bộ Phụng Tự đã ra quyết định chọn Chúa Nhật II Phục Sinh là “Chúa Nhật kính Lòng Chúa Xót Thương”; Cách đặc biệt hơn, năm nay cũng là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Vậy hai việc tôn kính này có gì giống nhau và có gì khác nhau?

Tôi không biết nên bắt đầu bằng cách nêu bật những điểm giống nhau hay là những điểm khác nhau trước. Thật ra thì nhiều điểm khác nhau không có nghĩa là đối nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà thôi. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những điều tổng quát giống nhau, rồi sẽ dần dần bước sang những điểm khác nhau.

Nói một cách tổng quát, chúng ta cần phải nhấn mạnh đó là: “Không có gì khác nhau hết”, bởi vì cả hai đều quy về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc hiến mạng sống vì chúng ta; cả hai đều đề cao tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn sùng lòng Thương xót Chúa đều dành cho cũng một Chúa Giêsu (chứ không phải là hai Chúa khác nhau), và cả hai đều nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thánh Tâm (tức là trái tim) là biểu hiệu của tình yêu; và lòng thương xót hẳn nhiên là nói đến tình yêu rồi.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, tất cả các việc tôn kính đều nhắm đến một Ngôi Vị, một Chủ Thể, chứ không bao giờ dừng lại ở hình thức hoặc tước hiệu bên ngoài. Chẳng hạn như khi tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Carmel, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lavang, Trái Tim Đức Mẹ,.v.v… thì tất cả đều nhắm đến bản thân của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Cứu Thế và của Hội Thánh. Chúng ta đừng nên dừng lại ở tước hiệu, nhưng hãy nhìn đến Đức Mẹ, để bày tỏ lòng kính mến cũng như bắt chước gương các nhân đức.

Trở lại với đề tài mà chúng ta đang bàn, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn kính lòng thương xót của Chúa đều hướng đến Chúa Giêsu. Thế nhưng, chính trong sự đồng nhất này mà ta thấy có đôi nét khác biệt.

Những khác biệt đó là gì?

Sự khác biệt thứ nhất đó là về thời gian. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bắt nguồn từ thời các Giáo phụ, nghĩa là từ ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo. Nổi bật là các Giáo phụ như: Origène, Augustino,…

Sang thế kỷ XII, lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu được các thần học gia bàn đến trong những tác phẩm thần học, chẳng hạn như: Thánh Alberto Cả, chân phúc Henri Suso Dòng Đaminh,... Trong số những nhà thần bí nói đến Thánh Tâm vào thời kỳ ấy, nổi tiếng nhất là thánh nữ Gertrude, sinh năm 1256 và qua đời năm 1301, là đan sĩ Dòng Xitô thuộc đan viện Hefta bên Đức, với tác phẩm “Sứ giả của lòng thương xót Chúa”.

Sang thế kỷ XIV, chúng ta thấy thánh nữ Catarina Siena đã viết rất nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng thánh nữ không gắn với việc tôn sùng Trái Tim; có chăng là thánh nữ nhận thấy biểu tượng của lòng thương xót ở nơi bửu huyết của Chúa.

Thế nhưng, việc sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVII do ảnh hưởng của thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690). Hầu hết những bức ảnh vẽ Thánh Tâm Chúa Giêsu được trưng bày trong các nhà thờ, nhà nguyện Công Giáo đều dựa theo phong trào mà thánh nữ Margarita Margarita Alacoque cổ động. Thánh nữ là một tu sĩ Dòng Thăm Viếng. Vào thời thánh nữ Margarita, Giáo Hội bị đe doạ bởi chủ nghĩa Giansenit, trình bày Thiên Chúa như là một Đấng Công thẳng đáng sợ; Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở con người rằng Thiên Chúa là tình yêu, chứ không chỉ là Đấng thẩm phán.

Tóm lại, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến kể từ thế kỷ XVII là nhờ bởi hai vị thánh nổi tiếng, đó là:

- Thánh Jean Eudes, linh mục, sinh năm 1601 và qua đời năm 1680, đã thành lập hai Dòng tu, một nam một nữ, mang tên là Hai Trái tim (nghĩa là: Trái tim Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ), cũng như cổ động việc thiết lập một lễ phụng vụ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nên biết là, theo thánh Jean Eudes, trái tim là trung tâm điểm của con người, vì thế tượng trưng cho chính bản thân Chúa Giêsu, nơi gặp gỡ tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, với vũ trụ.

- Vị thánh thứ hai của thế kỷ XVII là thánh nữ Margherita Maria Alacoque thuộc Dòng Thăm Viếng, nhưng các văn phẩm được phổ biến nhờ vị linh hướng là thánh Claude de la Colombière. Người ta thường coi hai vị thánh này là những cổ động viên cho lòng tôn kính Thánh Tâm trong toàn thể Hội Thánh, được các Đức Giáo Hoàng ủng hộ, không những qua việc thiết lập lễ phụng vụ, mà còn qua nhiều văn kiện, quan trọng nhất là Đức Giáo Hoàng Piô XII với Thông điệp Haurietis aquas năm 1956.

Còn lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa bắt nguồn từ khi nào?

Lòng thương xót của Chúa tuy đã được các nhà thần học bàn đến từ lâu, nhưng trở thành phổ cập vào giữa thế kỷ thứ XX, do ảnh hưởng của thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938). Vào thời thánh nữ Faustina, nhân loại đang trải qua những cuộc tàn phá do những khủng hoảng chính trị gây ra bởi những cuộc chiến tranh và những chủ nghĩa độc tài; lòng thương xót Chúa nhắc nhở con người hãy tín thác vào Thiên Chúa, đừng sợ hãi, đừng thất vọng.

Thế nên, khi nói đến việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót, là chúng ta muốn nói đến hình thức tôn sùng được quảng bá do bởi thánh nữ Faustina Kowalska. Vị thánh này sống vào tiền bán thế kỷ XX, sinh năm 1905 và qua đời năm 1938. Chị cũng là một người tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu.

Trong quyển Nhật ký, chị ghi lại lời tâm sự của Chúa như thế này: “Này con của Ta, hãy biết rằng, trái tim của Ta là lòng thương xót. Từ biển thương xót này mà các ân sủng trào ra khắp thế giới. Không linh hồn đến gần Ta mà không được an ủi đi ra về. Mọi nỗi lầm than đều được chôn vùi trong đáy của lòng thương xót của Ta, và mọi ơn huệ thánh hóa đều trào ra từ suối này”. Trong một đoạn khác của quyển Nhật ký, thánh nữ đã bộc lộ tâm tình thờ lạy Trái tim Chúa Giêsu ở trong bí tích Thánh Thể với những lời như sau: “Ôi bánh thánh hằng sống, là sức mạnh duy nhất của con, nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót, xin hãy ôm ấp thế giới và nâng đỡ các linh hồn yếu đuối. Ôi, thật là giây phút diễm phúc khi Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta quả tim đầy lòng thương xót của Người”.

Như vậy, đối tượng của việc tôn kính Thánh Tâm và của việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cũng là một, đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.

Trên đây là những sự giống nhau và khác nhau nhìn cách tổng quát; vậy những gì còn lại chỉ là điều nhỏ nhặt hay sao?

Tôi không dám nói rằng, những gì còn lại đều là tiểu tiết, bởi vì khó mà lượng giá tầm quan trọng; nhưng mà chúng ta hãy tiếp tục theo dõi những tương đồng và khác biệt.

Một điểm tương đồng đáng chúng ta lưu ý, là hai người cổ động của hai việc tôn sùng này đều là nữ tu,và tương đối trẻ: thánh nữ Margarita qua đời lúc 43 tuổi, thánh nữ Faustina qua đời lúc 33 tuổi. Dĩ nhiên, cả hai trường hợp này đều là mặc khải tư, nghĩa là không mang lại chân lý nào mới cho kho tàng đức tin của Giáo Hội, nhưng chỉ đào sâu thêm vài khía cạnh của đức tin, theo như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã khẳng định ở số 67.

Như vừa nói trên đây, cả hai nữ tu này đều trùng hợp ở chỗ tôn kính tình yêu của Chúa Giêsu được biểu lộ qua Thánh Tâm. Tuy nhiên, việc tôn kính được biểu lộ qua những tấm ảnh mà các vị muốn cổ động. Đến đây, ta thấy có sự khác biệt trong cách diễn tả những hình ảnh đó:

- Hình ảnh Trái Tim Chúa theo thánh nữ Margarita chỉ cho ta thấy, một trái tim bừng rực lửa mến chứ không có toàn thể chân dung của Chúa. Trái Tim ấy có một vòng gai quấn chung quanh, nhắc đến cuộc khổ nạn của Chúa. Nói cách khác, Trái Tim Chúa Giêsu gợi ra cuộc khổ nạn của Chúa: vì yêu thương chúng ta, Ngài đã đổ máu mình ra cho chúng ta.

- Đang khi đó, bức tranh mà thánh nữ Faustina được lệnh quảng bá thì trình bày toàn thân Chúa Giêsu, và là Chúa Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, Chúa Giêsu mặc áo dài trắng (có lẽ vừa tượng trưng cho phẩm phục tư tế, vừa tượng trưng cho y phục của thân thể vinh hiển rạng ngời), và trong tư thế đứng, giống như khi hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại.

Như vậy, khi tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta tôn kính tình yêu của Thiên Chúa phải không?

Chắc chắn rồi. Điều này đã được giải thích bởi các nhà thần học từ thời Trung cổ cũng như trong các văn kiện của các Giáo Hoàng thời cận đại. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn điển hình của Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo viết như sau: “Thánh Tâm Chúa Giêsu, chịu đâm thâu bởi tội lỗi của chúng ta và vì ơn cứu độ cho chúng ta, được coi như là dấu chỉ chính yếu và biểu tượng của tình yêu mà Chúa Cứu chuộc không ngừng yêu thương Thiên Phụ và tất cả mọi chúng sinh”.[1] Trong lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, các bản văn Kinh Thánh thường được trích dẫn hơn cả là cảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá, đã bị một tên lính đâm thâu, từ đó vọt ra máu và nước (x. Ga 19,34).

Nói như vậy, thì việc tôn kính lòng Chúa Thương Xót không thêm điều gì mới hay sao?

Lúc nãy, tôi đã lược qua lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ các nhà thần học và thần bí thế kỷ XIII, đến các hai vị thánh thế kỷ XVII, và các văn kiện Giáo Hoàng trong thế kỷ XX. Các tác phẩm ấy không lặp đi lặp lại những điều đã biết, nhưng đào sâu hơn các khía cạnh súc tích của tình yêu Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận rằng, thánh nữ Faustina cũng góp phần vào việc giải thích sâu xa hơn về lòng thương xót của Chúa. Chúng ta không có giờ để đi sâu vào việc nghiên cứu tác phẩm của thánh nữ, và chỉ cần nhìn ngắm bức tranh về lòng Chúa thương xót thì đủ rõ.

Qua bức tranh đó, chúng ta có cảm tưởng là việc tôn kính này đi với mầu nhiệm Phục Sinh. Trên thực tế, lễ kính lòng thương xót Chúa được mừng vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đang khi đó, những bức tranh cổ điển trưng bày Thánh Tâm Chúa thì vẽ bức tranh một trái tim bừng cháy lửa, và chung quanh có quấn vòng gai. Điều này đưa chúng ta đến cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Như vậy, ta có thể nói rằng, hai việc tôn kính trình bày hai khía cạnh của mầu nhiệm Vượt qua: một bên là thập giá, bên kia là cuộc phục sinh.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, việc tôn kính lòng Chúa thương xót bổ khuyết cho vài điểm xem ra hơi tiêu cực của việc tôn kính Thánh Tâm Chúa. Thật vậy, trong lòng đạo đức bình dân, người ta cổ động lòng tôn kính Thánh Tâm với những lời kêu gọi của Chúa rất thảm thiết: “Này đây trái tim đã quá yêu thương loài người, nhưng luôn luôn bị phụ bạc”; vì thế, các tín hữu hãy đền đáp lại tình yêu của Chúa qua việc đền tạ. Cách hình dung như vậy có vẻ hạ giá tình yêu của Chúa, ra như tình yêu này còn tính toán: yêu để được yêu lại; nếu không thì tủi! Tình yêu của Chúa đâu phải như thế! Đang khi đó, bức tranh về lòng thương xót của Chúa cho thấy những dòng suối hồng ân tuôn ra tràn trề từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Ở đây, con người được kêu gọi hãy mở rộng cửa để đón nhận những hồng ân của Chúa. Dĩ nhiên, nếu ta không đón nhận thì ta chịu thiệt thòi mà thôi, nhưng Thiên Chúa không ngừng ban phát ân sủng. Vì thế, ở đây, lời kêu gọi không nhấn mạnh đến việc con người hãy đáp trả tình yêu của Chúa, cho bằng hãy tin tưởng đến gần Chúa, dù mình tội lỗi đến mấy đi chăng nữa.
Như vậy, có phải là trong việc tôn sùng Thánh Tâm, Chúa Giêsu đòi hỏi con người phải thi hành một nghĩa vụ, còn trong việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, con người chỉ cần mở cửa lòng để đón nhận ân huệ của Chúa không?

Tôi nghĩ rằng sự so sánh như vậy cũng có lý phần nào. Tuy nhiên, không phải là việc tôn sùng lòng thương xót Chúa không đặt ra một nghĩa vụ nào.

- Nghĩa vụ thứ nhất là hãy tín thác vào Chúa; điều này xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là vào thời buổi hôm nay, con người tự hào về khả năng của mình, vào những thành tựu của khoa học kỹ thuật, để rồi rơi vào tuyệt vọng khi khoa học không mang lại kết quả mong muốn.

- Nghĩa vụ thứ hai cũng không đơn giản, là hãy tỏ lòng thương xót đối với đồng loại.

Như vậy, thiết tưởng, thay vì sử dụng hai khái niệm “nghĩa vụ” và “ân huệ” để đối chiếu hai hình thức tôn sùng, chúng ta hãy dùng hai khái niệm khác: việc tôn sùng Thánh Tâm nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa; còn việc tôn sùng Lòng Chúa Thương xót nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với tha nhân.

Trên đây, Cha đã nhắc đến bức tranh cổ võ lòng sùng kính Chúa Thương Xót của thánh nữ Faustina, vậy Cha cho biết thêm ý nghĩa về bức tranh này thế nào?

Trước hết, tôi cần lưu ý một lần nữa rằng: Việc tôn kính Thánh Tâm đã là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót rồi. Vì thế, trong bức ảnh nguyên bản trình bày về Lòng Chúa Thương Xót, thì không vẽ hình Trái Tim; nhưng ở vài nơi, một số những họa sĩ đã thêm vào.

Đặc trưng của bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót nằm ở chỗ hai tia sáng màu đỏ và trắng nhạt, phát ra từ cạnh sườn bên trái của Chúa Giêsu. Như tôi đã nói ở trên, ý tưởng này được gợi lên từ đoạn văn Tin mừng thánh Gioan (Ga 19,34): một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giêsu, tức thì, máu cùng nước chảy ra. Bản văn của Tin mừng chỉ nói là máu cùng nước chảy ra, nhưng bức tranh của thánh nữ Faustina đã tô màu thành hai tia sáng màu đỏ và trắng.

Thực ra, từ thời các Giáo phụ, quang cảnh này đã được giải thích theo nhiều nghĩa.

- Một nghĩa trực tiếp hơn cả là máu và nước là biểu tượng của hai Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy.

- Một nghĩa xa hơn nữa là quang cảnh này được liên kết với việc thành lập Hội Thánh. Cũng như xưa kia, bà Eva được dựng nên từ cạnh sườn ông Adam thiếp ngủ, thì nay Hội Thánh là bà Eva mới cũng được dựng nên từ cạnh sườn của Đức Giêsu là Adam mới thiếp ngủ trên thập giá.

Nói như vậy, bức tranh của thánh nữ Faustina gợi lên việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá hay việc Chúa Phục Sinh?

Cả hai. Đoạn văn vừa trích dẫn thuật lại cảnh Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Nhưng khi thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, tám ngày sau khi sống lại, thì thánh Gioan cũng nói đến việc Chúa bảo ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ta có thể nói được, là việc mời gọi thánh Tôma cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta hãy tiến lại gần Chúa, và hãy tín thác vào Chúa. Như vậy bức họa của thánh nữ Faustina vừa gợi lên ý tưởng Tử Nạn, vừa gợi lên ý tưởng Phục Sinh; nói tắt là gợi lên mầu nhiệm Vượt Qua. Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được mừng vào Chúa Nhật Bát Nhật Phục Sinh, còn lễ Thánh Tâm được mừng vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa.

Và bức họa Lòng Chúa Thương Xót cũng gợi lên Bí tích Thánh Thể nữa đúng không?

Đúng vậy! như tôi vừa nói ở trên. Tuy nhiên, đến đây, chúng ta lại gặp một điểm vừa tạo nên sự trùng hợp vừa tạo nên sự khác biệt giữa hai việc tôn kính. Thật vậy, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu gắn liền với việc tôn kính Thánh Thể; đặc biệt qua việc làm giờ thánh trước Mình Thánh Chúa và việc rước lễ ngày Thứ Sáu đầu tháng. Mặt khác, bức họa Lòng Chúa Thương Xót nhắc đến Bí tích Thánh Thể qua tia sáng màu đỏ phát ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, mà các Giáo phụ đã giải thích như là máu (biểu tượng của Bí tích Thánh Thể), đang khi tia sáng màu trắng như là nước (biểu tượng cho Bí tích Rửa Tội).

Ngoài ra, điểm khác biệt nằm ở chỗ: Thánh nữ Margarita kêu gọi chúng ta đến gần Thánh Tâm để làm việc đền tạ vì những tội vô ân lạnh nhạt, đứng trước tình yêu của Chúa Giêsu, cách riêng những lần xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Những ý tưởng thường được nhắc đến là: đền bồi, phạt tạ, an ủi, hối lỗi,... Đang khi đó, thánh nữ Faustina mời gọi chúng ta hãy đến gần Lòng Chúa Thương Xót để lãnh nhận hồng ân của Chúa, ra như để hứng lấy những dòng nước trào ra từ cạnh sườn của Chúa.

Nhân nói về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, có phải Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp về Lòng Chúa Thương Xót phải không?

Đúng thế, nhưng nên cẩn thận để tránh hiểu lầm. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã biết đến chị Faustina Kowalska từ khi còn là giám mục Cracovia. Ngài đã tuyên chân phước và hiển thánh cho chị, cũng như đã ấn định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đây là điều mà ai cũng biết rồi.

Mặt khác, ngài đã viết nhiều Thông điệp, Tông huấn, Tông thư, Sứ điệp, Huấn giáo về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đặc biệt là Sứ điệp nhân dịp 100 năm dâng hiến loài người cho Thánh Tâm, ký tại Varsavia ngày 11 tháng 6 năm 1999, tóm tắt những lần ngài đã can thiệp về đề tài Thánh Tâm. Thông điệp Dives in misericordia được ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980, bàn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây, đối tượng suy niệm của Thông điệp không phải là Đức Kitô, nhưng là Đức Chúa Cha, Đấng đã mặc khải Lòng Thương Xót qua Đức Kitô. Thông điệp cũng đề cập đến Thánh Tâm Chúa Giêsu ở số 13. Từ đó, người ta cũng vạch ra một điểm mới trong việc tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa, đó là: tuy hướng đến Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng mở rộng đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù nói gì đi nữa, điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa.

Trên đây, Cha nói đến cả hai lòng tôn sùng đều dành cho Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Lòng Chúa Thương Xót lại hiểu về Chúa Cha. Tại sao có sự khác biệt như vậy?

Không có gì khác biệt quan trọng. Cụm từ “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” được trích từ thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Epheso (Ep 2,4). Thông điệp cũng trưng dẫn dụ ngôn của người cha nhân lành đón tiếp đứa con hoang đàng. Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: Đức Giêsu mạc khải chân lý này không những bằng lời giảng mà còn bằng hành động, khi trao hiến mạng sống cho chúng ta: qua cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta có dịp cảm nghiệm Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta như thế nào: Ngài yêu thương đến nỗi đã ban chính Con Một của mình cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì lòng thương xót ấy, và chúng ta xin Cha đổ tràn Thánh Linh xuống tâm hồn chúng ta để chúng ta có khả năng tin tưởng vào Ngài và cảm thông với tha nhân.
[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 478.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.
daminhvn.net
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter