Mt 28,8-15
MUA ĐỨT SỰ THẬT!
Họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi.” (Mt 28,12-13) Suy niệm: Cuộc sống hôm nay như bị khuynh đảo tận gốc bởi đồng tiền. Có tiền, người ta mua đứt tất cả: chức tước, quyền lực, bằng cấp, cơ quan truyền thông, thậm chí mua vợ mua chồng, mua cả những gì vốn được xem là rất thiêng thánh nữa... Nhưng điều này không phải là mới. Hai ngàn năm trước, người ta giết Đức Giê-su, và Người đã “chỗi dậy.” Thế nhưng, các thượng tế Do Thái đã dùng đồng tiền để ém nhẹm sự thật về cuộc Phục Sinh của Người. Điều kỳ lạ là dù họ có trong tay mọi thứ quyền lực: quân đội, cảnh sát, tiền bạc... nhưng họ đã không bóp chết được sự thật rằng Đức Giê-su đã Phục Sinh. Tất cả những thứ đó không mua đứt nổi đức tin và nhiệt tình mãnh liệt của những người môn đệ Thầy Giê-su, những người mà từ nay tất cả lẽ sống của mình là loan báo Tin Mừng về cuộc Phục Sinh của Thầy.
Mời Bạn: Không nao núng trước mọi quyền lực sự dữ trong thế giới hôm nay. Không ái ngại vì thấy mình lọt thỏm giữa một môi trường hoàn toàn xa lạ với hay thậm chí chống lại Tin Mừng. Lịch sử cho thấy rằng nếu ta kiên trung sống đức tin vào Chúa Giê-su, thì Tin Mừng sẽ dần dần được người xung quanh mình đón nhận.
Chia sẻ: Bạn sẽ nói gì nếu phải trao một chứng từ về đức tin của bạn?
Sống Lời Chúa: Luôn đứng về phía sự thật, dù phải chấp nhận thua thiệt - đó là cách ta sống Tin Mừng Phục Sinh trong xã hội mà sự gian dối đã trở thành được ‘bình thường hóa’ hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con luôn sống trong sự thật, vì Chúa là Sự Thật. Amen.
THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18
QUY LUẬT SỰ SỐNG
“Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20,13)
Suy niệm: Theo quan niệm Á Đông, âm-dương là hai yếu tố chi phối cả vũ trụ như: đêm-ngày, chết-sống, đau khổ-hạnh phúc… Âm dương thực ra không tách biệt hay đối nghịch, vì: “Trong âm có dương và trong dương có âm”. Đang đêm đã có dấu hiệu xuất hiện của ngày; đêm càng về khuya thì ngày càng gần đến và chính lúc trọn đêm thì ngày mới lại bắt đầu. Cũng vậy, chết-sống không là hai thực tại đối nghịch nhau, nhưng là hai nguyên lý của cùng một thực tại duy nhất. Đó là quy luật của Trời Đất, mà Đức Giê-su nhắc lại như là quy luật của chương trình cứu độ: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Bà Ma-ri-a khóc khi đứng trước ngõ cụt là cái chết của Thầy mình. Đức Giê-su gọi bà: “Sao lại khóc?” để khai thông ngõ cụt để dẫn đến niềm tin vào thực tại mới: Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Đức Giê-su là Đường, con đường đó tất yếu phải qua thập giá mới đến vinh quang. Vấn đề là chúng ta có muốn đến vinh quang không? Nếu có thì mỗi khi đối mặt với gian nan thử thách, sao lại khóc?
Chia sẻ: Nạn li dị, phá thai… hiện nay – đối với một số người – đã trở nên một thứ “quyền lợi” mà họ đang đòi pháp luật phải thừa nhận. Phải chăng đó là hậu quả của việc không chấp nhận thập giá?
Sống Lời Chúa: Thôi “khóc” trước những khó khăn hiện tại và nhìn đó như là những thử thách của thập giá, để đón nhận và vượt qua.
Cầu nguyện: Lạy Cha là chủ tể trời đất, muôn loài Cha tạo thành luôn vận hành theo quy luật Cha đã đặt định. Xin cho con biết từ bỏ ý riêng mà chấp nhận cuộc sống như ý Cha đã an bài.
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
NHẬN RA CHÚA KHI NGÀI BẺ BÁNH
Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Mời bạn nhập vai hai môn đệ Emmau để chiêm ngắm. Họ chẳng xa lạ gì với những lời Kinh Thánh “từ Mô-sê đến các ngôn sứ.” Họ cũng biết rõ những điều xảy ra tại ngôi mộ trống do các bà thuật lại. Thế nhưng, những dữ kiện đó như một mớ rời rạc, vô nghĩa đối với họ, cho đến khi người khách đồng hành ấy giải thích Kinh Thánh làm lòng họ “bừng cháy lên.” Rồi người khách ấy đồng bàn dùng bữa tối với họ; và kìa, xem ông ấy bẻ bánh! Mọi sự bỗng trở nên mạch lạc, sáng tỏ: “Người lữ khách đó chính là Ngài!” (Lời bài hát “Trên đường Emmau” của Lm. Thành Tâm).
Bạn ơi, những chữ viết, chứng từ, bánh và rượu chỉ trở thành Lời, Thịt và Máu khi hoà quyện nên một nơi con người Giêsu “chỗi dậy từ cõi chết”. “Lời” không có ý nghĩa gì nếu không phát xuất từ Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh bằng xương bằng thịt. Bạn không thể thấu hiểu được “Lời” nếu không kết hợp trong “Thịt và Máu” Ngài. Và bạn cũng không thể đến với “Thịt và Máu” Ngài nếu không được “Lời” Ngài làm “bừng cháy lên”. Các môn đệ Emmau đã “nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh” như thế đó.
Chia sẻ: Việc suy gẫm Lời Chúa có giúp bạn yêu mến Thánh Thể hơn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy gẫm Lời Chúa, bạn kết thúc bằng việc rước lễ thiêng liêng; và mỗi khi rước lễ, bạn dành ít phút để suy gẫm lại Lời Chúa bạn vừa nghe.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con khao khát Chúa. Xin làm sống lại trong con tình yêu mến Chúa. Xin làm cho lòng con bừng cháy lên ngọn lửa nhiệt thành phục vụ Chúa nơi tha nhân.
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48
con đường nào để sống lại?
“Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân.” (Lc 24,46-47) Suy niệm: Lời ấy của Đức Giê-su được Người nói lên hơn một lần, và được các tác giả Sách Thánh ghi lại nhiều lần. Lời ấy chất chứa một cái gì đó rất đặc trưng Kitô giáo, một cái gì đó trở thành qui luật sống của người môn đệ Đức Ki-tô: Để tới vinh quang, phải đi qua thập giá! Nhiều người ‘ngán’ Ki-tô giáo vì họ ‘dị ứng’ với hai tiếng “khổ hình.” Ki-tô giáo không dạy người ta đi đường tắt, không hứa hẹn đưa người ta đi từ vinh quang tới vinh quang. Nhiều người, nhất là người trẻ trong trào lưu hưởng thụ hôm nay, muốn chọn ‘Đức Ki-tô sống lại’ nhưng lại tìm mọi cách tránh né ‘Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá.’ Mấy tiếng ‘hy sinh’, ‘hãm mình’, ‘chịu khó’… dường như không còn gặp thấy trong ngôn ngữ của các bạn trẻ nữa.
Mời Bạn: Không ‘chết đi’ thì làm sao ‘sống lại’? Chúng ta cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ đã giúp làm cho cuộc sống con người được tiện nghi, dễ chịu hơn; nhưng chúng ta ý thức rằng ‘khổ hình’ vẫn mãi là một phần tất yếu của cuộc sống, nhất là cuộc sống của người môn đệ Đức Ki-tô. Chúng ta không săn tìm đau khổ, nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận đau khổ và trao ý nghĩa cho đau khổ, như Đức Ki-tô đã làm gương mẫu cho chúng ta.
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về ‘thập giá nở hoa’ trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Bước theo Thầy Giê-su, chúng ta tích cực chấp nhận hy sinh, chịu khó, để phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyện: Đọc kinh của Thánh I-nhã: “Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng…” (xem toàn bài kinh ở trang 62).
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14
MẺ CÁ LẠ THƯỜNG
“Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,6b) Suy niệm: Phép lạ mẻ cá lạ thường hôm nay gợi nhớ lại cũng phép lạ tương tự Đức Giê-su thực hiện vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai. Phép lạ lần trước để các ông tin vào tư cách Mê-si-a của Ngài; phép lạ hôm nay cho thấy Đấng phục sinh vẫn chính là vị Thầy của các ông trước đây. Mẻ cá lạ thường ấy cho thấy Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ, vẫn luôn hỗ trợ các ông, muốn các ông tin vào Ngài như một Đấng quyền năng, có quyền trên cả sự chết. Với các môn đệ, những người đã gặp được Đấng Phục Sinh, thì mẻ cá này càng củng cố niềm tin các ông vào Thầy mình hơn, để rồi sau bốn mươi ngày sum họp ấy, trước khi về trời, Ngài sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời.
Mời Bạn: Phần chúng ta, dù không chứng kiến mẻ cá và sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng chúng ta tin những gì được ghi lại trong Tin Mừng là sự thật. Tin như vậy thật là một diễm phúc cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Sống Lời Chúa: Khi đã tin, ta sẽ không ngần ngại “quăng chiếc lưới” đời ta vào đại dương trần thế để kéo lên cho Chúa những mẻ cá đầy ắp. Bao nhà truyền giáo, bao nhà hoạt động từ thiện... đã và đang làm những điều kỳ diệu ấy. Còn bạn thì sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, sau khi sống lại, Chúa hiện ra để củng cố niềm tin của các môn đệ. Xin tiếp tục hiện diện trong con, biến đổi đời sống con sao cho có hữu ích hơn, để những ai sống gần bên con cũng nhận được những hương vị đậm đà tình huynh đệ nơi con. Amen.
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
TIN MỪNG CỨU ĐỘ
Đức Giê-su nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Sau khi phục sinh, mỗi khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su đều sai họ đi loan báo Tin Mừng sống lại: trước hết, với chị Ma-ri-a Mác-đa-la, Chúa bảo chị “đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người” (c.10); với hai môn đệ làng Em-mau, Ngài sai họ “trở về báo tin cho các ông khác” (c.12); sau cùng, Ngài truyền lệnh cho Nhóm Mười Một “đi khắp tứ phương thiên hạ.” Sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ loan báo chính là Tin Mừng, là niềm vui được chứng kiến Ngài sống lại. Nếu cái chết của Ngài gây cho họ sự buồn phiền, thất vọng, thì sự sống lại của Ngài chẳng những có sức mạnh phá tan nỗi buồn, mà còn truyền vào lòng họ niềm xác tín mạnh mẽ vào quyền năng cứu độ của Đấng Phục Sinh – bởi với Ngài, không có gì là không làm được.
Mời Bạn: Nhiều người bi quan, thất vọng về một thế giới đổ vỡ bởi chiến tranh, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Họ bị bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp “cứu độ.” Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo hoàng đương kim đã khơi lại niềm hy vọng cho thế giới: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.”
Chia sẻ: Nếu Chúa Giê-su hiện đến với bạn hôm nay, Ngài sẽ nói gì?
Sống Lời Chúa: Tìm đến với người đang đau buồn và khơi lên nơi họ niềm hy vọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nỗi ưu phiền và thất vọng, để chúng con cũng loan truyền cho người khác những gì Chúa làm cho chúng con. Amen.
Mời Bạn: Nhiều người bi quan, thất vọng về một thế giới đổ vỡ bởi chiến tranh, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Họ bị bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp “cứu độ.” Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo hoàng đương kim đã khơi lại niềm hy vọng cho thế giới: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.”
Chia sẻ: Nếu Chúa Giê-su hiện đến với bạn hôm nay, Ngài sẽ nói gì?
Sống Lời Chúa: Tìm đến với người đang đau buồn và khơi lên nơi họ niềm hy vọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nỗi ưu phiền và thất vọng, để chúng con cũng loan truyền cho người khác những gì Chúa làm cho chúng con. Amen.