Cuộc sống của chúng ta có thể sánh ví như một bữa tiệc, mà nơi đó người ta đang tranh nhau để chiếm cho mình một chỗ nhất. Quả thật, “Danh-Lợi” vốn luôn là một cám dỗ đầy hấp dẫn đối với con người qua mọi thời đại. Dù không nói ra, nhưng ai trong chúng ta cũng thích được người khác ca tụng, thích được kính nể, ai cũng lo tìm kiếm danh vọng, địa vị, chức quyền. Dân gian Việt Nam có câu: “Cọp chết để da, người chết để tiếng”. “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Câu tục ngữ này phản ánh rất trung thực tâm lý của những người dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay và qua đó Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo huấn về sự khiêm nhường. Vậy, theo bài Tin Mừng, thế nào là khiêm nhường, một sự khiêm nhường đích thực để chúng ta có thể thi hành trong đời sống Kitô hữu mình?
Trước hết, nhìn qua bài dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy, giáo huấn về sự khiêm nhường của Chúa Giêsu dường như chỉ là một bài học về cách đối nhân xử thế theo kiểu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Thậm chí sự khiêm nhường ở đây còn hàm chứa một sự tính toán vị kỷ, ra vẻ khiêm nhường để tạo sự chú ý nơi người khác, để được mời lên chỗ cao hơn và như thế đó chẳng qua chỉ là một sự kiêu ngạo tinh tế.
Đàng khác, cũng có quan niệm coi khiêm nhường như một hình thức an phận thủ thường, một sự yếm thế, khinh rẻ bản thân hay tự ti mặc cảm, thiếu ý chí vươn lên và thoái thác trách nhiệm trong cuộc sống. Chắc hẳn đó không phải là sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta? Trong cuốn “Rèn nhân cách” tác giả Hoàng Xuân Việt đã viết như sau: “người khiêm nhường không phải là người tự ti mặc cảm, thiếu tự tin, khinh rẻ mình một cách vô lý đến nỗi không sử dụng tài năng của mình. Người khiêm tốn là người sáng suốt nhìn nhận mình có khuyết điểm, có ưu điểm, có tài đức, có trật tự…”
Vâng, khiêm nhường là ý thức cách sâu xa về chính mình, là nhận ra sự thật về con người mình để thấy rằng, tôi là gì? Là ai? Là con người thế nào trong tương quan với kẻ khác? Để từ đó biết chọn cho mình một vị trí, một chỗ ngồi xứng hợp trong bữa tiệc cuộc đời này. Người ta định nghĩa cách vắn tắt như sau: “Khiêm nhường là chấp nhận sự thật, sự thật về chính mình, về những ưu khuyết điểm, về tài năng đức độ và cả giá trị của mình đối với người xung quanh”.
Cicêrô nhà hùng biện nổi tiếng của Rôma đã nói: “Khi người ta bảo một người rằng: bạn hãy tự biết mình, thì đó không phải chỉ để hạ lòng kiêu căng của kẻ ấy, mà còn để cho họ biết giá trị của họ nữa”.
Như vậy, khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình trong tương quan rộng mở với người khác. Bài học khiêm nhường không chỉ dừng lại ở đây, nhưng Tin Mừng còn hướng chúng ta lên cao hơn, khiêm nhường là nhận biết chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, là ý thức thân phận thụ tạo tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và cứu độ. Việc những người dự tiệc tranh giành và tự ý chọn cho mình một chỗ nhất là phản ánh tâm lý của các luật sĩ và biệt phái cũng như của con người thời đại hôm nay, họ muốn chối bỏ Thiên Chúa, muốn chiếm đoạt quyền hạn của Ngài, và với thái độ kiêu căng tự mãn, họ cho rằng chỉ mình họ là xứng đáng chiếm hữu Nước Trời. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy, việc sắp xếp chỗ ngồi cho thực khách là công việc của chủ tiệc, và theo lẽ thường, chỗ nhất là để cho người nhất, chỗ sang trọng là cho người sang trọng, do đó mới có vấn đề mời người này lên và mời kẻ nọ xuống. Không phải cứ giành lấy chỗ nhất, chỗ sang trọng thì đương nhiên là người nhất, người sang trọng. Người nhất dù có ngồi chỗ rốt hết cũng vẫn là người nhất và cuối cùng họ vẫn được đưa về lại chỗ xứng đáng của mình. Người ta thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”nghĩa là: Có xạ tự nhiên thơm, không cần phải đứng đầu gió. Cũng vậy, không phải hễ tự cho mình là đạo đức thánh thiện, là công chính xứng đáng, thì đương nhiên sẽ được vào dự tiệc Nước Trời. Thiên Chúa như người chủ tiệc, chỉ mình Ngài biết rõ ai xứng đáng, chỉ mình Ngài có quyền chọn gọi và sắp đặt chỗ ngồi cho thực khách trong bàn tiệc của Ngài.
Đến đây, chúng ta nhận thấy không chỉ đưa ra một giáo huấn về sự khiêm nhường, Chúa Giêsu còn mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời được sánh ví như một bữa tiệc và khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được tham dự vào bàn tiệc này. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã một lần nghe qua dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Chính với thái độ khiêm nhường, ý thức thân phận tội lỗi của mình, kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa mà người thu thuế được ơn công chính hóa, còn người biệt phái kiêu căng, tự mãn thì trở về tay không. Vì chưng “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng! Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng!”. Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy những tranh chấp, kiêu căng và tự mãn. Giáo huấn về sự khiêm nhường thoáng nghe qua tưởng chừng như không hợp thời hay có thể nói là lỗi thời, là đối nghịch với chiều hướng thăng tiến con người và phát triển xã hội. Nhưng nếu một khi ý thức được rằng khiêm nhường đích thực là nhận biết chính mình, là không đánh bóng, không giảm trừ chính mình, thì quả thật, khiêm nhường là nhân đức không chỉ cần thiết cho sự thành công trong đời sống hiện tại, mà còn như chiếc chìa khóa để mở cho chúng ta cánh cửa Nước Trời.