THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng:1. Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của Ngài lúc Gioan chấm dứt sứ mạng của ông. Chúa Giêsu đã chọn Galilê làm cứ điểm đầu tiên hoạt động truyền giáo. Chúa Giêsu đã không chọn Jêrusalem là thành thánh, là Đền thờ, là nơi các tiên tri lui tới, là nơi Đavid cũng đã dựng ngai tòa ở đây (1Sm 5,9), và cũng ở chính nơi đây tay Hêrôđê đã tái thiết lập đền thánh này. Chúa Giêsu chỉ trở lại Jêrusalem sau khi đụng đầu với Galilê từ chối không tin Ngài (Mc 6,1-6. 9-30). Và Chúa lên Jêrusalem để hoàn tất hy tế Thập Giá tại đó (Mc 10,32) như lời Thánh Kinh (Mc 11,1-11).
Tại Galilê này, Chúa Giêsu đã chọn cứ điểm truyền giáo đầu tiên là Capharnaum. Capharnaum là một thành phố miền duyên hải gần biển hồ Tiberia. Capharnaum cách Nazareth, quê mẹ Chúa, chừng 30 cây số đường dài. Capharnaum là trung tâm hoạt động của Chúa. Chúa đến đây không phải là để câu cá mà là để kêu gọi sự thống hối. Nơi đây Chúa đã làm rất nhiều phép lạ: trừ quỉ ám (Mc 1,23-28), chữa bệnh sốt rét cho bà nhạc của Phêrô (Mc 1,29-31), cho con ông Giairô sống lại (Mc 5,21-43). Marcô còn ghi chú thêm là Chúa làm phép lạ chữa đủ mọi thứ bệnh: quỉ ám, kinh phong, bất toại đều được lành.
Cũng ở thành phố này, Chúa Giêsu đã kêu gọi sự thống hối “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần đến” (c.17) Ngài tuyên bố mình đến để “kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mc 2,17) Chính Chúa đến với Capharnaum để kêu gọi sự thống hối. Sự thống hối hoán cải luôn luôn là một ân sủng phát xuất từ Thiên Chúa trước tiên. Chính ở nơi đây chúng ta gặp hình bóng của Chúa đi tìm chiên lạc (Lc 15,4), hình ảnh của góa phụ đi tìm đồng tiền bị mất (Lc 18,8), hình ảnh của Chúa đến với Giakêu để ban cho ông ơn tha thứ (Lc 19,5-9).
2. Chúa nói “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Sám hối là điều kiện tiên quyết, cần thiết để được cứu độ, bởi vì sám hối là ý thức mình đang đi lệch đường và quyết tâm quay về đường chính. Lý do phải sám hối là vì Nước Trời đã đến gần; sám hối là để mình có thể vào Nước Trời; và sám hối để Nước Trời có thể đến giữa mọi người. Nếu đọc lại cả Tin Mừng thì chúng ta thấy tất cả những ai thành tâm sám hối đều được Chúa thứ tha. Nói thế để chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thích sự sám hối dường nào.
Người Hồi giáo thích kể cho nhau nghe câu chuyện này: Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”
Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng, còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”
Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích:
- Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi.
Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói:
- Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.Amen.
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
"Ai nấy đều ăn và được no nê.” (Mc 6,41)
1. Mở đầu bài tưởng thuật hôm nay, thánh Marcô viết: “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì chạnh lòng thương xót họ, vì họ bơ vơ như chiên không có người chăn giữ” (Mc 6,34)
Vâng chính vì lòng thương xót đối với những đàn chiên không có người chăn giữ này, mà Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, đã dấn thân phục vụ. Tin Mừng cho biết “Ngài đã giảng dạy họ nhiều điều.” (Mc 6,34)
Chúa Giêsu giảng dạy. Đây là công việc chính yếu trong cuộc đời công khai của Chúa.
Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết.” (Góp nhặt).
"Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết.” Cần phải làm cho mọi người thấy được Thiên Chúa là Đấng không phải ở mãi đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống của mình.
Vào dịp thánh Phanxicô sang Tòa Thánh để xin Đức Thánh cha phê chuẩn luật dòng Anh Em hèn mọn của mình, Đức Thánh cha đã thân mật hỏi thánh Phanxicô:
- Con có bao giờ thấy Chúa chưa?
- Có, con vừa thấy đêm qua.
- Người có nói gì với con không?
- Người và con ở bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói “Cha" với Người thì Người lại trả lời lại với con “Con Ta”. Cứ thế chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.
Vâng! Nói về một Thiên Chúa gần gũi với con người đó là nhiệm vụ hàng đầu của những người rao giảng Tin Mừng.
2. Thế nhưng giảng dạy mới chỉ là thoả mãn được một mặt của những nhu cầu mà những con chiên không người chăn giữ đang khao khát. Ngoài nhu cầu tinh thần đó ra, những chiên này còn cần đến cả những nhu cầu vật chất nữa. Vì thế, để tỏ ra là một mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi những người đã đi theo Chúa và nghe Ngài giảng dạy.
Lòng thương xót của vị mục tử nhân lành ở đây là lòng thương xót phát xuất tự bản chất của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa, theo như lời của Thánh Gioan trong đoạn thư thứ I, được trích đọc hôm nay cho biết: chính là “TÌNH YÊU”.
Vâng! Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, quan phòng và xếp đặt cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho mọi người. Hãy mở rộng lòng để đón nhận tình yêu đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của Tình yêu Chúa dành cho chúng ta.
Moses Mendelssohn là tổ phụ của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Felix Mendelssohn. Bề ngoài của ông rất bình thường, ngoại trừ tướng ngũ đoản (mình và tứ chi đều ngắn), ông còn là một người có cái lưng gù kì quái rất buồn cười.
Một ngày nọ, Moses Mendelssohn đến Hamburg để viếng thăm một thương nhân. Thương nhân này có một cô con gái rượu tên là Fossey. Moses yêu cô ấy một cách cuồng nhiệt, nhưng vì chê vẻ bề ngoài của ông nên cô ta từ chối tình cảm của Moses.
Đến lúc phải rời xa nơi đó, Moses lấy hết dũng khí có được, ông đi lên phòng của Fossey, bắt lấy cơ hội cuối cùng này để bày tỏ với cô ấy. Đối diện trước vẻ mặt thánh thiện của cô, ông trở nên rụt rè, Fossey đã thẳng thừng cự tuyệt ông.
Qua nhiều lần thử tìm cách để bày tỏ cùng cô ấy, nhưng không thành, cuối cùng ông xấu hổ nói: "Nàng có tin vào duyên trời định không?”
Cô nhìn thẳng vào ông và nói: “Tôi tin”. Sau đó cô hỏi lại ông: “Còn ông, ông có tin vào điều đó không?”
Ông đáp :"Tôi nghe nói, mỗi người con trai trước khi được sinh ra thì Thượng Đế gọi đến và hỏi anh ta muốn một người vợ tương lai như thế nào? Khi tôi sinh ra, tôi chưa được lựa chọn người vợ tương lai cho mình mà chỉ được Thượng Đế nói cho biết người vợ tương lai của tôi là một cô gái gù".
Khi đó tôi mới van xin thượng đế rằng: “Thưa Thượng đế, một người phụ nữ mà lại mang trên mình cái lưng gù thì quả là bi kịch, xin người hãy chuyển cái lưng gù ấy sang cho con, hãy để cho người vợ của con là một người phụ nữ xinh đẹp”.
Lúc đấy Fossey nhìn thẳng vào đôi mắt của Moses, quên đi hết những suy nghĩ lúc trước về anh trong sâu thẳm trái tim mình. Cô ấy đưa đôi tay về phía anh, sau đó, cô trở thành người vợ chân thành nhất của ông.
Lev Tolstoy đã nói“Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống.”
Tình yêu là tất cả mọi điều. Đó là chìa khoá cuộc đời và ảnh hưởng của tình yêu làm lay động cả thế giới.
Lạy Chúa,
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình. Amen. (Mẹ Têrêsa)
THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
"Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6.51)
1. Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp nơi. Bởi đó sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, mặc dù dân chúng có quyến luyến, mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” phải rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Vâng! Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
Cuộc hành trình của các môn đệ (và cả của chúng ta) đôi khi cũng có những khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là chúng ta hoảng sợ. Sợ hãi như vậy không phải là một điều khó hiểu. Khi con người cảm thấy mình bất lực trước một biến cố hay một thách đố nào đó mà tự mình khó có thể đương đầu nổi hay khó có thể vượt qua thì tự nhiên là họ cảm thấy sợ. Nếu chỉ là một sự sợ hãi chóng qua thì chẳng có điều gì phải nói. Nhưng nếu cứ phải sống mãi trong sự sợ hãi triền miên, hay sự sợ hãi lên đến mức quá độ, thì chắc chắn cuộc sống con người sẽ bị ảnh hưởng.
Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, người ta đọc được câu chuyện này:
Một người hành hương đang định vào Baghdad thì gặp bệnh dịch ở dọc đường. Bệnh dịch cũng đang trên đường đi vào đó. Thấy thế người khách hành hương hỏi bệnh dịch:
- Mi định làm gì ở đó?
- Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và ngay lập tức anh thay đổi dự định và đi về hướng khác. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó đi ra và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người đã chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Bằng một giọng thật nghiêm khắc anh buộc tội bệnh dịch:
- Mi nói láo. Mi nói chỉ giết 5000 người, vậy mà thực tế lại quá khác!.
Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ:
- Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).
Vâng! Có những nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn cả những hiểm nguy có thực.
2. Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Cứ bình tĩnh. Thầy đây! Đừng sợ!” (Mc 6,50) Trong toàn bộ Kinh Thánh người ta đếm được tới 365 lần Chúa nói: "Đừng sợ" như thế. 365 lần tương đương với 365 ngày trong một năm.
Khi chú giải về đoạn Tin Mừng này thánh Augustinô đã viết: "Ngài đạp sóng tiến đến và như thế Ngài đã giày đạp dưới chân mình mọi xô bồ náo loạn của đời này. Vậy hỡi Kitô hữu, tại sao các bạn vẫn còn sợ hãi?".
Xin gửi đến anh chị em một câu chuyện có thực được kể ở trong cuốn "Bưng biền của Thiên Chúa" của Cha George.
Trong một tu viện đang bị quân đội Xô Viết chiếm đóng, một hôm viên sĩ quan Xô Viết vào tận căn phòng mà họ giam cha tu viện trưởng ở trong đó và nói:
- Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả! Hãy nói cho tôi biết là ông không còn tin vào tất cả những chuyện Chúa bà, tôn giáo mà trước đây ông tuyên xưng!
Vị Tu viện trưởng trả lời:
- Không! Tôi vẫn tin chứ!
Viên sĩ quan liền rút súng lục ra, dí thẳng vào thái dương cha và nói:
- Nếu ông không nói là ông chẳng tin gì nữa… thì tôi sẽ bắn!
Và một lần nữa cha tu viện trưởng lập lại lời tuyên xưng của mình. Và ngay sau đó khẩu súng được từ từ hạ xuống rồi viên sĩ quan ôm lấy cha tu viện trưởng vừa rưng rưng nước mắt vừa vui sướng kêu lên: "Đây là điều mà tôi trông đợi từ lâu. Đây chính là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi tin vào Chúa Kitô".
Vâng! Có một sự kiện đơn giản ở đời, một sự kiện đã được vô số người thuộc mọi thế hệ cảm nghiệm, ấy là khi có mặt Chúa Giêsu, thì bão tố trở thành yên lặng, náo loạn trở nên bình an, việc bất khả trở thành khả hữu, việc không tài nào chịu đựng nổi biến thành có thể chịu đựng được, và người ta vượt được điều đáng lẽ phải ngã quỵ mà không bị ngã xuống, có Chúa Cứu Thế Giêsu cùng đi với chúng ta, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chinh phục được cả bão tố.
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Ðạo.
Xin sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.
THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22a
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 14,22)
1. Trong bầu khí của lễ Hiển Linh, phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ sau lễ Hiển Linh lần lượt cho chúng ta thấy những lần Chúa Giêsu tỏ mình ra.
Thực vậy, trong ngày thứ hai, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy chính con người của Ngài. Ngài là hiện thân cho Nước Trời. Bởi đó, khi rao giảng Ngài đã tuyên bố: “Hãy ăn năn thống hối vì Nước Trời đã đến gần”. (Mt 3,2)
Bước qua ngày thứ ba, Chúa Giêsu tỏ mình ra là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành này đã quan tâm đến đời sống của đoàn chiên. Bởi đó, Ngài đã dậy dỗ họ nhiều điều và làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi đoàn chiên.
Rồi qua ngày thứ tư, với bài Tin Mừng, Thánh sử Marcô đã tỏ cho chúng ta thấy, lối sống của Chúa Giêsu, một lối sống hoàn toàn quên mình. Chả thế mà, suốt ngày đã bận rộn với việc giảng dạy, thậm chí có những ngày không có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, vậy mà chiều đến, Chúa Giêsu vẫn tìm những nơi vắng vẻ để được kết hợp với Thiên Chúa Cha bằng sự cầu nguyện.
Và đến ngày thứ năm hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai. Thánh sử Luca thuật lại việc tỏ mình này ở hội đường Nazareth, nhằm ngày Sabat. Lần này, sau khi đọc một đoạn sách trích từ sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã tuyên bố:“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. (Lc 4,21)Nhưng lời Kinh Thánh đó nói gì?
Lời đó nói rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những ai sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho những ai bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát những ai bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. (Lc 4,18)
2. Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi.
Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.
Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.
Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.
Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạc, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.
Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.
Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.
Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho họa sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.
Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, họa sĩ điềm nhiên giải thích:
- Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.
Vâng cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.
THỨ SÁU SAU LỂ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo:
"Tôi muốn, anh sạch đi.” (Lc 5,13)
1. Bài Tin Mừng, tiếp tục khai triển đề tài Chúa tỏ mình ra. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy, Ngài là một Thiên Chúa quyền năng.
Thánh Luca đã ghi lại việc Chúa tỏ mình ra ở đây qua câu chuyện Chúa chữa một người phong cùi.
Thánh sử ghi: “Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: Ta muốn - hãy nên sạch. Lập tức người ấy khỏi phong cùi.” (Lc 5,12)
Rõ ràng là ở đây, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho con người thấy quyền năng của Chúa. Bởi chỉ bằng một ý muốn, một lời nói, Ngài đã chữa lành người phong cùi.
2. Chúa Giêsu của chúng ta ngoài việc tỏ mình ra là một Thiên Chúa quyền năng, Chúa còn tỏ ra cho ta thấy, Ngài là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Lòng thương xót này còn được chứng tỏ qua việc Ngài lấy máu của mình để chuộc tội cho những ai biết tin vào Ngài.
Hơn nữa, Đấng quyền năng ấy, còn là một Thiên Chúa luôn biết cảm thông. Bản chất yêu thương của Chúa đã khiến Ngài muốn cảm thông với thân phận con người.
Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông đã từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ở đó mọi người rất quý trọng ông. Những khi rảnh rỗi, ông thường được mọi người mời nói chuyện về cuộc sống. Ông nhận ra có một số người thường phản ứng khi nghe ông nói chuyện. Ông hiểu vì cuộc sống họ quá khổ sở, đến nỗi họ thấy khó mà tin được vào lời nói của người khác. Hằng ngày nhìn những người thợ mỏ phải làm việc trong các điều kiện khó khăn triền miên mà chỉ nhận được đồng lương chết đói. Gia đình họ luôn phải chạy ăn từng bữa, ông chợt thấy xót xa khi so sánh với cuộc sống tương đối sung túc của mình.
Vào một buổi tối cuối năm lạnh lẽo, trong đoàn người thợ mỏ mệt mỏi lê từng bước chân về nhà, ông thấy một ông lão chân bước xiêu vẹo băng ngang qua cánh đồng, giấu chặt người sau miếng vải bố để tìm chút hơi ấm. Van Gogh đã lấy quần áo của mình đem cho ông lão và chỉ giữ lại một bộ duy nhất. Ông quyết định sống với khẩu phần lương thực ít ỏi và phân phát tiền lương của mình cho những thợ mỏ khốn khổ ấy.
Có lần, mấy đứa trẻ của một gia đình nọ bị sốt thương hàn, tuy bản thân cũng đang sốt, Van Gogh vẫn nhường giường của mình để bọn trẻ có chỗ nằm.
Một gia đình giàu có trong vùng gợi ý dành riêng cho ông một căn phòng trống để trọ, nhưng Van Gogh từ chối lời để nghị này. Ông nói nếu có thiện chí, gia đình đó nên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Những người trước đây thường phản ứng với ông giờ đã hiểu và rất kính trọng ông.
Ông ý thức rất rõ rằng giữa lời nói và hành động có một sự cách biệt khá lớn. Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Ông nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ nên dùng lời nói khi thật cần thiết.
3. Phần chúng ta, là những người được hưởng lòng thương xót một cách nhưng không của Chúa, chúng ta cũng phải biết đem tình thương của mình mà ban phát cho những anh chị em chung quanh chúng ta, bằng cách chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau.
Ngày kia tại Trung Quốc, một em bé đói rách tiều tụy vì phong cùi, bị dân chúng dùng gậy gộc xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em. Trước cảnh tượng đau lòng ấy, một nhà truyền giáo phương Tây đã ẵm em lên để che chở cho em khỏi những gậy gộc vút lên thân mình em và những viên đá phũ phàng ném vào em để xua đuổi em đi. Thấy có người chịu mang em bé đi, dân làng mới thôi, nhưng miệng họ vẫn không ngớt lời kêu la: "Phong hủi, phong hủi, phong hủi, cút đi!".
Những giọt nước mắt lăn trên gò má em bé, nhưng lần này không phải là những giọt nước mắt đau buồn mà là những giọt nước mắt mừng vui, vì đã có người che chở. Em bé hỏi nhà truyền giáo:
- Tại sao ông lo lắng cho cháu như thế?
Nhà truyền giáo trả lời:
- Vì ông trời đã tạo nên cả hai chúng ta. Em sẽ là em gái của ta và ta sẽ là người anh của em. Từ nay, em sẽ không phải đói khổ và không còn lo không có nơi nương tựa nữa.
Suy nghĩ hồi lâu, em lại hỏi:
- Em phải làm gì?
- Em hãy trao tặng lại cho người khác tình yêu càng nhiều càng tốt -Nhà truyền giáo trả lời:
Kể từ đó đến 03 năm sau, khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em luôn chăm sóc, giúp đỡ, băng bó các vết thương, đút cơm cho các bệnh nhân trong trại cùi mà nhà truyền giáo đã đưa em về đó ở. Khi lìa đời, em mới lên 12 tuổi, và mọi bệnh nhân khác đã kháo láo với nhau:
- Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã về trời!
Vâng! Bầu trời bé nhỏ của chúng ta đã về trời! Ôi đẹp biết chừng nào tình yêu biết chia sẻ cho nhau.
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
"Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
1. Vâng! Một lần nữa chúng ta lại gặp ông Gioan. Ngày mai Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chúng ta gặp lại ông một lần nữa. Có thể nói mỗi lần ông xuất hiện là mỗi lần ông để lại những dấu ấn rất đậm đà và đẹp đẽ nơi những người đến với ông. Ông quả là người xứng đáng với vai trò Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.
Thực vậy, đang lúc mà tiếng tăm của ông lẫy lừng, người ta lũ lượt đến với ông, để xin ông làm Phép Rửa cho họ, rồi lại còn muốn suy tôn ông lên làm Đấng Messia, thì chính lúc đó ông đã không ngần ngại tuyên bố: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi" (Mt 3,3).
Gioan cũng không quên xác định thật rõ chỗ đứng của mình bên cạnh Đấng Messia: “Có một Đấng đến sau tôi, nhưng Ngài có trước tôi và tôi không đáng cởi dây giầy cho Ngài”. (Lc 3,16)
Ông làm tất cả những điều ấy với một mục đích duy nhất đó là để cho "Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
2. Thánh Gioan Tiền Hô dạy cho chúng ta bài học phải biết đóng vai phụ. Trên đời ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả là để cho Chúa được lớn lên.
Làm được như thế không phải là điều dễ dàng. Phải có một lòng khiêm nhường thẳm sâu mới có thể làm được như thế. Thế nhưng để có được một tấm lòng khiêm nhường thì đâu phải là ai cũng làm được.
Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình. Sau đó, ngài xin anh nói về ơn gọi của mình cho ngài nghe. Người giáo sĩ trẻ tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.
Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Hình như tôi nhớ không sai là trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. À tôi nhớ ra rồi trong Tin Mừng của Luca (Lc 19,34) trên đường vinh thắng vào Jêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).
3. Đoạn Tin Mừng hôm nay là do chính Gioan Tông Đồ ghi lại. Gioan Tông đồ đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, được chính thầy mình giới thiệu nên đã đi theo Chúa Giêsu. Chính vì thế mà khi viết Tin Mừng, ông đã viết với một mục đích rất rõ ràng. Mục đích ấy là nhằm xác định vị trí của Gioan Tẩy Giả như là một người dọn đường cho Chúa Giêsu, chứ không có vị trí cao hơn. Nhiều người muốn tôn xưng Gioan Tẩy Giả là thầy, là Chúa, nhưng tác giả Gioan đã chứng minh Gioan Tẩy Giả mặc dù có một địa vị rất cao, rất trọng nhưng địa vị cao trọng nhất vẫn phải dành cho Chúa Giêsu. Điều này chính Gioan Tẩy Giả cũng khẳng định. Gioan Tẩy Giả khẳng định rằng, địa vị của ông không phải là đứng đầu mà ông chỉ được phái đến như người loan tin, đi trước dọn đường cho một Đấng cao trọng sắp đến. Gioan làm thế bởi vì ông luôn ý thức rằng, dù có làm một công tác thứ yếu cho Chúa thì công tác ấy đối với Chúa cũng hết sức quan trọng. Về vấn đề này thì Browning đã nói rất hay: "Với Thiên Chúa thì mọi công tác đều đồng hạng". Bất cứ việc gì chúng ta làm cho Thiên Chúa cũng đều nhất thiết quan trọng.
Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường thu hút hết đám đông của ông. Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có số ít người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi:
- Những người khác đi đâu hết rồi?
Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức đáp:
- Tôi nghĩ rằng, họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó.
Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói:
- Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đi theo họ.
Rồi ông bước xuống tòa giảng, dẫn số tín hữu của mình qua bên kia đường.
Cuộc sống của chúng ta chắc sẽ thoát được rất nhiều điều xấu như ghen tị, bực tức, đố kỵ, bất mãn, nếu chúng ta nhớ rằng, sự thành công của người ta là do Thiên Chúa ban cho họ. Phần chúng ta, chúng ta hãy biết chấp nhận những giới hạn của mình, biết tôn trọng những cái hay cái đẹp Chúa ban cho người khác và cố gắng sống như lời Thánh Phaolô đã nói: "Ai cũng được miễn là Chúa Giêsu được vinh danh".
Nếu tất cả mọi người trong chúng ta đều biết sống như thế, tôi tin là Thiên Đàng sẽ xuất hiện giữa chúng ta. Amen.
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
“Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16)
Phúc âm hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:
1. Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.
Đây là một dấu cho thấy dân chúng ăn năn tội lỗi của họ và muốn tẩy xóa nó đi.
Phép rửa này là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.
Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: "Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối - Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người.” (Mt 3,11)
Nói một cách khác, theo Gioan thì Phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho Phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: "Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
2. Phép rửa thứ hai là phép rửa của Chúa Giêsu. Đây là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: "Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô.” (Cl 2,12-13)
Như vậy qua Phép Rửa này, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa đời sống thần linh của Ngài. Điều này dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba: Phép rửa thánh Gioan làm cho Chúa Giêsu.
3. Phúc âm hôm nay mô tả thật rõ những sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài: "Bầu trời mở ra, rồi Thánh Thần hiện xuống rồi sau đó một giọng nói từ trời vọng xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta. Con đẹp lòng Ta"
Nếu phải đặt cho phép rửa này một tên thì ta có thể gọi đây là phép rửa Mặc khải. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua hình ảnh bầu trời, Thánh linh và giọng nói được vang ra.
a- Trước hết là hình ảnh bầu trời được mở ra.
Ngày xưa người Do thái tin rằng Thiên Chúa sống ở trên một góc trời nào đó bên trên bầu trời bao bọc trái đất như một bức chắn. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào trái đất thì Thiên Chúa phải đi qua bức chắn này. Tiên tri Isaia cũng cùng một quan niệm như thế khi ông nói: "Xin Chúa hãy xé toang bầu trời ra và xuống cứu dân của Người” (Is 64,1).
Hình ảnh bầu trời được mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của nhà tiên tri và đã xuống thế gian. Như thế là một thời đại mới đã bắt đầu: thời đại Thiên Chúa xuống để cứu dân của Người.
b- Bước qua hình ảnh thứ hai: Thánh thần Chúa lượn quanh trên Đức Giêsu. Hình ảnh này thật giống với hình ảnh trong sách Sáng Thế Ký: "Thần khí Chúa bay lượn là đà trên mặt nước” (St 1,2) vào lúc Chúa khởi đầu việc tạo dựng. Tại sao lại có một sự trùng hợp như thế. Đây không phải là ngẫu nhiên. Ở đây Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Thời đại mới mà Ngài xây dựng trên trần gian là một cuộc tạo dựng mới. Nói cách khác đây là một cuộc tái tạo lại trần gian.
c- Sau hết là việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Qua lời xác nhận này Thiên Chúa muốn giới thiệu với con người về Chúa Giêsu như một "Adam mới"
Thánh Phaolô đã khai thác ý tưởng này rất hay như sau: "Con người đầu tiên tức Adam đã được tạo dựng nên như một vật sống. Còn Adam cuối cùng tức là Đức Giêsu là Thần ban sự sống....Adam thứ nhất đến từ đất - Adam thứ hai đến từ trời.....Như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh người bởi đất mà ra (tức Adam thứ nhất) thế nào thì chúng ta cũng mặc lấy hình ảnh của người từ trời mà đến như thế. Người từ trời đây chính là Adam thứ 2, tức là Đức Giêsu. (1Cr 15,45-49).
Như vậy thì ý tưởng đã rõ. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa Mặc khải. Nó báo cho con người biết là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Kỷ nguyên này là một cuộc tạo dựng mới với sự có mặt của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa như một Adam mới của nhân loại.
Như vậy là chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên mới trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Bởi thế, thánh Phaolô nói với chúng ta: "Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới". (Cl 3,1-2)
"Sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuất hiện với Ngài đễ được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.” (Cl 3,1-4).
Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh bộ đội có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm dỉ sét, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là Alexandre.
Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lười biếng đó và bảo:
- Mày một là phải đổi tên, hai là phải đổi tính nết.
Alexandre là một ông vua trẻ trung, can đảm, hoạt động mà tên lính của Alexandre thì như vậy vua coi là một điều xấu hổ.
Mang danh hiệu Kitô hữu, có đạo Đức Chúa Giêsu mà cách ăn ở không có gì giống Chúa, thì chỉ làm xấu cho đạo. Nhiều khi trong đời sống người có đạo còn thua kém người bên lương: ăn gian, nói dối, lỗi đức công bình, bác ái…
Xin được kết bằng lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: "Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4,17.24)
Home »
suy niệm ngày thường
» SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN SAU LỄ HIỂN LINH