SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 32 TN

Thứ Hai tuần XXXII Tn
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô

Khi hoàng đế la mã Constantinô có cảm tình với kitô giáo, khoảng năm 312, đã hiến cho Đức Giáo Hoàng Milziade điện Latêranô mà ông đã cho xây dựng

cho hoàng hậu Fausta. Năm 320, xây dựng thêm ngôi thánh đường, thánh đường Latêranô. Là thánh đường tiên khởi, xét theo niên hiệu trong các thánh đường Phương Tây. Được xem như thánh đường mẹ của các thánh đường trong thành (Rôma) và trên toàn thế giới.

Được Đức Giáo Hoàng Sivestrô thánh hiến vào ngày 9 tháng 11 năm 324, với tước hiệu là Vương Cung Thánh Đường Đấng Cứu Thế. Vào thế kỷ XII, do giếng rửa tội ở đây cổ xưa nhất Rôma, nên được cung hiến với danh hiệu thánh Gioan Tẩy Giả. Từ đó người ta quen gọi là Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Là nơi cư ngụ của các giáo hoàng trong vòng hơn 10 thế kỷ và cũng nơi đây diễn ra 250 công đồng, trong số đó có 5 công đồng chung. Bị hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá phân nửa, sau đó được tái thiết dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII và được tái cung hiến vào năm 1726.

Là thánh đường mẹ của các thánh đường trên thế giới, là dấu chỉ hữu hình của chiến thắng đức tin kitô trên ngoại giáo tây phương. Trong thời bách hại, trải dài ba thế kỷ đầu của lịch sử giáo hội, bất cứ một biểu tỏ nào về đức tin đều nguy hiểm, nên các kitô hữu đã không thể cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa cách công khai. Đối với các kitô hữu vừa thoát ra từ các hang toại đạo, vương cung thánh đường Latêranô là nơi mà họ có thể tôn thờ Đức Kitô Cứu Thế cách công khai. Tòa nhà bằng đá này được xây dựng để tôn thờ Đấng Cứu Thế, là biểu tượng của chiến thắng, là nhân chứng của vô số các vị tử đạo. Dấu chỉ hữu hình của đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của kitô hữu, khuyến khích mọi người tín hữu làm vinh danh Đấng đã làm người, đã chết và đã sống lại.

Ngày kỷ niệm việc cung hiến thánh đường này, đầu tiên chỉ dành riêng cho Rôma, sau đó được tất cả các cộng đoàn kitô theo nghi lễ rôma kính mừng. Ngày lễ hôm nay cần phải làm mới lại trong chúng ta tình yêu và sự gắn bó với Đức Kitô và với Giáo hội của Ngài. Mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến trần gian không phải để xét xử nhưng để cứu độ (Ga 12,47), phải nung nấu tâm hồn chúng ta, và việc làm chứng bằng đời sống hoàn toàn phục vụ Chúa và anh em, nhắc nhớ cho thế giới sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tốt hơn muôn lần một tòa nhà bằng đá có thể làm được.

Thứ Ba tuần XXXII Tn
Thánh Lêô Cả

Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ, Ngài cũng tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta, để hướng chúng ta chiêm ngưỡng và đào sâu hơn mầu nhiệm của Ngài: ‘Các con bảo Thầy là ai?’ Thánh Lêô Cả, lên ngôi giáo hoàng vào thế kỷ V, với đức tin sáng suốt đã quả quyết thiên tính của Đức Kitô và nhân tính của Ngài: Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là con Đức Maria, là con người như chúng ta. Ngài đã không chấp nhận rút gọn mầu nhiệm lại theo một hướng, hoặc hướng này hoặc hướng kia, và Công đồng Calcêđônia đã tìm công thức phù hợp với mạc khải. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nơi Người Con, và Người Con ấy là con người thật sống giữa chúng ta, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại.

Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn, chỉ thấy có nơi Luca. Dụ ngôn có ý dạy rằng cuộc đời chúng ta phải được xác định bằng thái độ phục vụ. Dụ ngôn khởi đầu bằng ba câu hỏi và kết thúc bằng câu trả lời của Đức Giêsu.

Lc 17, 7-9: Ba câu hỏi của Đức Giêsu. Ba câu hỏi rút từ cuộc sống thường ngày, do đó làm các thính giả phải suy nghĩ và trả lời, mỗi người theo kinh nghiệm của riêng mình. Câu thứ nhất: ‘Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: Mau vào ăn cơm đi?’. Tất cả sẽ trả lời là ‘Không’. Câu thứ hai: Chứ không bảo: hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau? Tất cả sẽ trả lời là ‘Đúng vậy’. Câu ba: Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó làm theo lệnh truyền sao? Tất cả sẽ trả lời là ‘Không’. Cách thức đặt câu hỏi của Đức Giêsu làm chúng ta hiểu ngay Ngài muốn hướng ta về phía nào rồi. Ngài muốn chúng ta phục vụ lẫn nhau.

Lc 17, 10: câu trả lời. Cuối cùng Đức Giêsu rút ra kết luận, tiềm ẩn sẵn trong các câu hỏi: ‘Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi’. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta: ‘Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ’ (Mc 10,45). Phục vụ là chủ đề thiết thân đối với Luca. Phục vụ cho thấy cách thức những người nghèo thời Đức Giêsu (anawim) chờ mong Đấng Cứu Thế: không phải như một ông vua vinh quang, như vị thượng tế hay quan án, nhưng như Người Tôi Tớ của Giavê, mà Isaia đã loan báo (Is 42,1-9). Maria, Mẹ Đức Giêsu, đã thứa với sứ thần: ‘Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin hãy thành sự cho tôi như lời sứ thần truyền’ (Lc 1,38 ). Tại Nagiarét, Đức Giêsu sống như người tôi tớ, mà Isaia miêu tả (Lc 4,18-19/Is 61,1-2). Trong phép rửa và trong việc biến hình, Ngài đã được Chúa Cha xác nhận, (sử dụng cùng những từ nói về Người Tôi Tớ) (Lc 3,22; 9,35/Is 42,1). Và đối với những kẻ theo Ngài: ‘Ai muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người’ (Mt 20,27). Đây tớ vô dụng! Là định nghĩa của người kitô hữu. Phaolô cũng nói với các thành viên trong cộng đoàn Côrintô: ‘Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên. Người trồng, kẻ tưới chẳng là gì cả, Thiên Chúa làm cho mọc lên mới đáng kể’ (1 Cor 3,6-7). Phaolô và Apollô chỉ là những dụng cụ Thiên Chúa dùng.

Phục vụ và được phục vụ. Trong bản văn này, người đầy tớ phục vụ ông chủ, chứ không phải ngược lại. Nhưng trong một bản văn khác, Đức Giêsu lại nói ngược lại: ‘Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ’ (Lc 12,37). Ông chủ phục vụ đầy tớ. Trong bản văn thứ nhất, Đức Giêsu nói đến thời hiện tại. Trong bản văn hai, Ngài muốn nói đến tương lai. Ai phục vụ Thiên Chúa trong cuộc đời này, sẽ được Thiên Chúa phục vụ trong cuộc sống mai sau!

Thứ Tư tuần XXXII Tn
Thánh Martinô Giám Mục

Thánh Martinô, sinh tại Pannonia năm 316 và chết tại Candes, Pháp năm 397. Ngay khi còn trong quân đội và là người dự tòng, lòng mến của Ngài đã thúc đẩy Ngài cắt nửa chiếc áo choàng trao cho người nghèo đang run lạnh. Sau khi được rửa tội, Ngài được thánh Hilariô hướng dẫn và lập tại Poitiers, một đan viện (360), đan viện đầu tiên tại Tây Phương. Được thụ phong linh mục, rồi Giám Mục thành Tours năm 372, Ngài trở thành tông đồ cho những người dân quê. Song song với việc rao truyền tin mừng, là việc không ngừng nâng cao đời sống của những người nông dân và những mục tử. Vị thánh được mọi người kính yêu, là vị thánh đầu tiên không tử đạo được kính nhớ trong phụng vụ.

Thánh sử Luca lại nhắc đến việc Đức Giêsu hành trình lên Giêrusalem. Khi Ngài vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đến gặp Ngài. Đây là lần thứ hai Luca thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành bệnh phong cùi (lần thứ nhất: Lc 5,12-14). Lần này khác với lần trước, những người phong hủi đứng từ xa mà lớn tiếng kêu van Đức Giêsu chữa lành. Là tiếng kêu cất lên từ bao miền đất xa xôi, để van xin giúp đỡ, hỗ trợ. Đức Giêsu đã nghe và đã bảo họ đi trình diện với các tư tế. Trên đường đi họ đã được chữa lành. Nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa, mà người ấy lại là người Samaria, một dân ngoại. Chín người kia đã được chữa lành nơi thân xác, nhưng tâm hồn họ vẫn còn đau bệnh. Việc chữa lành bệnh hoàn toàn xảy ra cho người Samaria, người đã quay trở lại với Đức Giêsu để tỏ bày lòng tri ân vì không muốn cách xa nguồn suối cứu độ. Là gương mẫu cho các môn đệ để mỗi ngày biết quay trở lại dưới chân Chúa mà tạ ơn vì những hồng ân Ngài tặng ban.

Thứ Năm tuần XXXII Tn
Chúa vẫn hiện diện

Dân Israel vào thời Đức Giêsu, mỏi mệt vì lưu đày và đàn áp. Áp lực tâm lý làm tổn thương niềm kiêu hãnh là dân tuyển chọn, được Thiên Chúa yêu thương. Nên họ nghĩ và mong đợi một Đấng cứu thế, đầy quyền uy đến giải phóng họ bằng những việc làm hiển hách. Trong bối cảnh đó ta mới hiểu được câu hỏi của những người biệt phái: bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến? Đức Giêsu lập tức sửa sai họ ngay: ‘Triều đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông’. Hành động của Chúa không tỏ ra cách ngoạn mục cho người ta xem. Người ta nhận ra Ngài dưới ánh sáng của niềm tin, Chúa không thu phục con người qua những giác quan, nhưng Ngài khuấy động những tâm hồn sẵn sàng đọc ra những dấu chỉ của Thiên Chúa. Vẫn còn đó cám dỗ chờ đợi Chúa đến trong những công trình ngoạn mục theo cách thức loài người hay làm. Trong sách thứ nhất Các Vua, ta đọc thấy: ‘Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không ở trong cơn gió bão’. Ngài đã tỏ mình ra cho Êlia trong gió nhẹ hiu hiu.

Ngài tỏ mình đặc biệt cho những người khiêm tốn, cho những tấm lòng thanh sạch và cho những ai cháy sáng lửa đức tin. Nếu ngày nay, có ai đó lên tiếng trách móc Thiên Chúa vì sự thinh lặng của Ngài, ta cần kết luận rằng điều đó là do tình trạng mù điếc của con người. Cũng đã xảy ra như thế thời Đức Giêsu; Ngài ở đó giữa họ, đã bắt đầu cuộc đời rao giảng: ‘Hãy ăn năn sám hối và tin vào tin mừng. Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Tiếng nói ấy đối với nhiều người đã rơi vào khoảng không. Người ta tìm kiếm Ngài nơi này, nơi kia và không biết nhận ra rằng Ngài đang sống động ở giữa chúng ta, đang chia sẻ những thăng trầm của lịch sử.

Khi niềm tin yếu kém và việc phục thờ Thiên Chúa trở nên nặng nề, người ta hối hả đi tìm và sáng nghĩ ra những kitô giả hiệu để lấp đầy khoảng trống tâm hồn, và để rồi lại rơi vào những ảo tưởng tệ hại hơn. Đức Kitô đang sống động trong lịch sử chúng ta, Ngài muốn sống trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Thứ Sáu tuần XXXII Tn
Luôn sẵn sàng

Vào thời Đức Giêsu các người Do thái ước mong Triều Đại Nước Thiên Chúa tỏ hiện. Chính Chúa Giêsu cũng đã được hỏi về lúc nào Nước Thiên Chúa đến, về ngày của Con Người, Đấng hoàn tất chương trình công chính của Thiên Chúa, nhưng ngài không cho biết lúc nào nhưng lại khuyến khích họ luôn sẵn sàng. Những lời nói của Đức Giêsu không rõ ràng và người ta có thể hiểu là Ngài có ý ám chỉ đến việc Giêrusalem bị bao vây và thất thủ. Tuy nhiên Đức Giêsu không có ý nói những lời tiên tri lạ thường như vậy; Ngài muốn cho ta hiểu rằng cần phải sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa trong đời mình, trong những biến cố bình thường cũng như lạ thường. Cần phải luôn chuẩn bị cho ngày Chúa đến, thường đến lúc bất ngờ. Ai không chuẩn bị sẽ bị bắt chợt: ‘Như đã xảy ra thời ông Noe, cũng xảy ra như vậy thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất, mà không chờ đón Thiên Chúa. Và khi Ngài đến, không tìm thấy có người sẵn sàng. Bởi lẽ việc Thiên Chúa đến không chỉ liên hệ đến những biến cố liên lụy đến cả một dân tộc và thường xảy ra cách bất ngờ. Cũng thế trong cuộc đời ta, việc gặp gỡ Thiên Chúa xảy ra cách bất ngờ. Cái chết, ngay cả những cơn bệnh nguy kịch, cũng đến cách bất ngờ. Người ta chờ ngày này sang ngày khác, nhưng lúc không ai ngờ đến, thì nó lại đến: thấy có vẻ khá hơn, mọi sự đã ổn rồi…và thình lình cái chết ập đến.

Chúng ta cần phải sẵn sàng. Như thế nào? Sẵn sàng không có nghĩa là thay đổi công việc; nhưng là một thái độ nội tâm. Cách thức chúng ta thực hiện những công việc của ta là cách thức chúng ta chờ đợi Chúa. Nếu tất cả những gì chúng ta làm, đều làm cùng với Ngài, chúng ta đang chờ đón Ngài; nếu chúng ta sống tuân giữ các giới răn của Ngài và trong tình yêu mến Ngài, việc Ngài đến sẽ không bắt chợt chúng ta và chúng ta sẽ vui sướng vì Ngài gọi ta đến ở cùng với Ngài mãi mãi.

Tiểu sử thánh Louis Gonzaga thuật lại một hôm đang nô đùa với các bạn, có người đưa ra câu hỏi: Con làm gì, nếu hai phút nữa con sẽ chết? Tất cả đều tìm câu trả lời hay nhất, ví dụ: con sẽ chạy vào nhà thờ để cầu nguyện, chuẩn bị chết. Còn Louis thì trả lời: ‘Con vẫn tiếp tục chơi’. Việc chơi đùa là điều mà Thiên Chúa muốn con làm lúc này đây; điều mà tình yêu Chúa bảo làm, đó là niềm vui sướng: còn gì hơn thế, nếu không phải là điều làm đẹp lòng Chúa lúc này đây?
Một bài học ích lợi cho ta.

Thứ Bảy tuần XXXII Tn
Sống khôn ngoan

Trong những ngày này chúng ta nghe đọc sách Khôn Ngoan; Mẹ Maria, chúng ta khấn cầu Mẹ như tòa sự khôn ngoan. Chính Mẹ cũng nói: ‘Muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phúc’; ‘Ngài đã đoái trông đến phận hèn tớ nữ’. Các tin mừng lưu giữ rất ít lời của Mẹ, nhưng có một lời khuyên mà Mẹ muốn trao cho mọi người: ‘Hễ Ngài bảo gì thì hãy làm theo’. Và tại Cana, nước đã hóa thành rượu ngon. Đó chính là luật thiết yếu cho đời sống người kitô hữu.

Ngày qua ngày, vô nghĩa, buồn chán: chẳng khác nào ‘nước’ đang chảy đi, chẳng để lại chút dấu vết gì. Nhưng có thể biến thành rượu ngon, rượu cưới, nếu biết sống vâng phục thánh ý Chúa, tiến bước trong tình yêu của Ngài.

Chúng ta có thể nghĩ đến một lời khuyên bảo khác của Đức Giêsu, mà Mẹ Maria cũng muốn dùng để kêu mời ta: ‘Hãy ở lại trong tình yêu’. Hãy ở lại trong tình yêu như Mẹ đã thực hiện: như thế mọi hành động của bạn, dù là những điều vô nghĩa và nhàm chán nhất cũng biến thành rượu cưới.

Hãy ở gần bên Mẹ để cho ánh sáng tinh tuyền sự khôn ngoan của Mẹ có thể chiếu soi chúng ta: chúng sẽ thấy những việc diệu kỳ Thiên Chúa tiếp tục thực hiện giữa chúng ta như Ngài đã làm cho dân Ngài. Chúng ta cũng sẽ thấy những việc diệu kỳ tay Ngài thực hiện nơi chúng ta, nếu chúng ta thực sự nghe theo lời khuyên của Mẹ: ‘Hễ Ngài bảo gì thì hãy làm theo’. Và giống như Mẹ, chúng ta cũng sẽ cất cao lời ca tụng tình thương vĩ đại của Thiên Chúa.
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter