SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 25 TN

Thứ Hai tuần XXV

Thánh Matthêô
Bài tin mừng hôm nay thánh Matthêô thuật lại ơn gọi của chính mình. Thánh Giêrôlamô nhận xét chỉ có Matthêô gọi tên riêng của Ngài là Matthêô; các thánh sử khác, khi thuật lại việc này, dùng tên gọi Lêvi, có thể ít được biết đến, có lẽ để cho biết tên của người thu thuế. Mathêô nhấn mạnh điểm khác: ông được biết đến như một người thu thuế được Đức Giêsu kêu gọi, một trong những người thu thuế được quần chúng xem là ít thanh liêm và là kẻ hợp tác với quân Roma. Người thu thuế, là bọn tội lỗi, lại được Đức Giêsu mời gọi, việc đó gây khó chịu cho nhiều người.

Matthêô tự giới thiệu mình như một người thu thuế được tha thứ và được kêu gọi. Qua đó ta hiểu được điều quan trọng nơi ơn gọi của một tông đồ: nhận biết lòng thương xót của Chúa.

Trong các tác phẩm của các Giáo Phụ, các tông đồ thường được nhắc đến như những ‘nguyên tắc nền tảng’; Mathêô không tự trình bày mình như một nguyên tắc, nhưng như một người tội nhân được tha thứ. Và chính đó là nền tảng của sứ vụ tông đồ: đã lãnh nhận lòng thương của Chúa, đã biết sự túng thiếu đáng thương của mình, đã chấp nhận tâm hồn mình như mãnh đất, nơi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa: Ta muốn lòng nhân từ; Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là người tội lỗi’.

Một người thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, không phải cách trừu tượng, nhưng thực sự đối với bản thân mình, sẽ sẵn sàng làm tông đồ cách đích thực. Thiếu điều này, người tông đồ cho dù được kêu gọi, sẽ rất khó đánh động các tâm hồn, vì không thông ban tình thương xót của Thiên Chúa. Người tông đồ chân chính, như Phaolô nói, đầy lòng khiêm tốn, nhẫn nại vì chính người đó đã cảm nghiệm lòng quảng đại yêu thương và nhẫn nại của Thiên Chúa; Thiên Chúa khiêm cung cúi xuống trên tội nhân, mời gọi họ, và nâng họ lên.

Hãy cầu xin cho chúng ta có được cảm nghiệm sự bé nhỏ của mình và ý thức lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa; chúng ta là những tội nhân được Chúa tha thứ. Dầu chúng ta chẳng bao giờ phạm tội trọng, chúng ta cũng cần nói như thánh Augustinô rằng Thiên Chúa tha cho chúng ta trước những tội mà nhờ ân sủng của Ngài chúng ta đã không sai phạm. Augustinô ca tụng lòng thương xót Chúa đã thứ tha tội lỗi thánh nhân đã phạm, và những tội, nhờ ân sủng Chúa, Ngài đã tránh khỏi. Nên tất cả chúng ta phải cảm tạ vì lòng xót thương vô bờ của Chúa.

Thứ Ba tuần XXV

Dựng xây nhà Chúa

Bài đọc thứ nhất nói về ‘nhà của Thiên Chúa’, bài tin mừng nói đến gia đình của Đức Giêsu, rất dễ thấy mối liên hệ, vì trong kinh thánh từ ngữ ‘nhà’ vừa để chỉ ngôi nhà, vừa chỉ gia đình. Điển hình như khi thánh kinh nói ‘nhà Davíd’ có thể hiểu là nơi vua David cư ngụ, nhưng thông thường thì được hiểu như gia đình, dòng tộc của David.

Theo lời Đức Giêsu nói, nếu chúng ta nghe lời Thiên Chúa và mang ra thực hành, chúng ta sẽ trở nên anh chị em, mẹ Ngài, làm thành gia đình của Ngài: chúng ta thuộc về ‘nhà của Thiên Chúa’, nghĩa là gia đình của Ngài và đền thờ của Ngài. Thiên Chúa muốn ở cùng với con người, không phải chỉ ở giữa họ, mà trong họ, liên kết họ lại trong một giao ước làm cho họ nên một đền thờ, một gia đình duy nhất, nên một thân thể duy nhất, thân thể của Đức Kitô.

Chúng ta nghe vang vọng những lời kinh thánh: ‘Niềm vui của Ta là ở với con cái loài người’; này sẽ đến những ngày, ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới…Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta…Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân ta (Gr 31,31.32). ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ (Ga 1,14). ‘Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng’ (1 Pr 2,5).. ‘Vậy anh em không còn là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thưộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa…Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự’ (Ep 2,19.22); ‘Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận’ (1 Cor 12,27). Từ lời sứ ngôn đến việc thực hiện: qua nhiều thế kỷ Thiên Chúa đã cho thấy chương trình kỳ diệu của Ngài, cho đến lúc thực hiện vào thời viên mãn.

Mọi hành động của chúng ta phải hướng về cùng đích ấy: xây dựng nên đền thờ Thiên Chúa, gia đình Thiên Chúa, thân thể Đức Kitô. Để đạt đến mục đích ấy, phương thế chính yếu là lắng nghe lời Thiên Chúa, để cho lời Ngài biến đổi chúng ta nên những viên đá sống động được sử dụng trong công trình xây dựng nhà Thiên Chúa.

Thứ Tư tuần XXV

Cha Thánh Piô

Cha Thánh Piô sinh tại Pietrelcina gần Benevento (Ý) năm 1887. Thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Cappuccino. Thi hành chức vụ linh mục của mình trong cộng đoàn San Giovanni Rotondo miền Puglia. Phục vụ trong cầu nguyện và trong khiêm tốn dân Chúa qua việc linh hướng, hòa giải hối nhân, nhất là qua việc chăm sóc những người đau bệnh và nghèo khổ. Đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh (năm dấu thánh), Ngài kết thúc cuộc đời trần gian vào ngày 23.09.1968. Được ĐTC Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 16.06.2002.

Cha Piô là con người đặc biệt của Thánh Lễ và bí tích hòa giải. Trong Thánh lễ cũng như nơi bí tích hòa giải, Cha Piô sống với cả con người thực sự. Nơi tòa giải tội ngài sống thực những đau khổ như thể đang mang nặng những tội lỗi mà các hối nhân đến bày tỏ với ngài. Thánh Phaolô đã dùng ngôn ngữ mạnh khi nói: ‘Vì chúng ta mà Thiên Chúa đã làm cho con của ngài nên kẻ bị chúc dữ, nên kẻ có tội, Đức Giêsu bị đồng hóa với tất cả tội lỗi nhân loại. Nơi Cha Piô ta cũng thấy đại loại như vậy. Ngài sống, cảm nghiệm và đau khổ vì tội lỗi. Ngài tham dự vào máu Đức Giêsu đổ ra để xóa tội lỗi. Bí tích hòa giải là việc áp dụng máu của Đức Kitô để tha tội. Ngài sống cái ý thức của thảm kịch đẫm máu mà tội lỗi gây ra cho Đức Kitô: là sự thương khó với tất cả sự tàn bạo. Từ đó Cha Piô có thái độ khó chịu với những kẻ tái phạm, xưng tội mà thiếu lòng thống hối ăn năn, do không thành tâm, do không hối cải. Ngài sẵn sàng để cho máu Đức Kitô đổ ra tha tội, nhưng không muốn máu ấy đổ ra cách vô ích.

Một khía cạnh khác trong đời sống của Cha Piô nơi tòa giải tội là ơn biết được những điều trong lòng người khác. Điều này không thường xuyên. Những người đi xưng tội với Cha nhiều năm xác nhận điều này. Họ xác nhận là ngài đã giải tội như bất cứ một linh mục nào. Nhưng đôi lúc, nhiều người chỉ mới vừa quỳ gối, chưa kịp mở miệng, thì Cha Piô đã nói cho họ mọi điều họ đã làm và những gì họ đang chuẩn bị xưng tội. Với vài người khác Cha nói ngay: ‘Con hãy đi đi! Không giải thích gì cả. Nhiều người trong số họ đi ra, thất vọng, hoặc giận dữ: Sao tôi lại đến nơi này nhỉ? Chẳng bao giờ tôi đặt chân đến đây nữa đâu! Nhưng thật tình Cha Piô vẫn theo dõi họ bằng lời cầu nguyện. Vì đó là những người mà Ngài yêu mến hết lòng.

Thụ phong linh mục năm 1910, Cha Pio phải ở lại Pietrelcina một thời gian dài vì lý do sức khỏe (1910-1916). Từ ngày thụ phong linh mục, đối với ngài mỗi thánh lễ ngài dâng đều là ‘thánh lễ đầu tay’, là thiên đàng của ngài. Có điều là: quá dài! Nên giáo dân Pietrelcina than phiền việc đó lên Cha hạt trưởng. Rốt cuộc họ cũng phải vâng lời để thánh lễ tiếp tục, dù đôi lúc xuất thần, Cha Piô dừng lại lâu giờ. Sau lễ, Cha dừng lại thật lâu phía sau bàn thờ để cám ơn Chúa. Có khi kéo dài cho đến trưa.

Một ngày sau lễ phong hiển thánh cho Cha Pio, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến hàng ngàn khách hành hương trong đại sảnh đường Phaolô VI. ÐTC điểm lại những bài học về cuộc sống của vị thánh, và đề cử thánh nhân làm mẫu mực cho đời sống thiêng liêng lẫn đời sống nhân bản. Cha Pio là vị thánh thứ 462 được ÐTC Gioan Phaolô tôn phong, trong triều giáo hoàng của Người. Trung Tâm Hành Hương tại San Giovanni Rotondo, miền nam Ý, nơi Cha Pio sống, tiếp đón mỗi năm hơn 6 triệu khách hành hương, đứng thứ 3 xét về số lượng người đến thăm viếng, sau đền thánh Guadalupe ở Mêhicô và Tòa Thánh Vatican.

Theo ÐTC, bí quyết khiến vị thánh được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến như vậy trước tiên là do thánh nhân thực sự trở thành một người anh em của mọi người, đúng như đặc tính truyền thống của các tu sĩ Capuccinô. Thêm nữa, cha còn là một vị ‘làm nhiều phép lạ’ thánh thiện, như bao biến cố ngoại thường, trong đời cha, đã chứng minh. Suốt đời sống của cha, là một cuộc tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, kể cả về phương diện thể lý.

Trước đây, Ðức Karol Woityla, vị giáo hoàng tương lai, đã đến thăm Cha Pio vào năm 1947, và đã xưng tội với vị thánh này tại tu viện ở San Giovanni Rotondo.

‘Như thế, Thiên Chúa chúng con đã tỏa ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con rạng ngời, và ban cho chúng con một chút sinh lực giữa cảnh đời nô lệ lầm than.(Esdra 9,8)

Dưới sự hướng dẫn của Esdra và Nêhêmia, cộng đoàn những người do thái từ nơi lưu đày trở về và những người ở lại Israel dần dần tìm thấy con đường tiếp nhận nhau và từ đó có thể tiếp tục tái thiết thành Giêrusalem và nhất là cùng canh tân tôn giáo.

Lời cầu nguyện của Esdra mà phụng vụ hôm nay đề nghị, đưa ta vào một môi trường mà mỗi người tín hữu có thể ý thức về sự bất trung trong lịch sử cá nhân và cộng đoàn của ta, sự bất trung biến ta thành nô lệ tội lỗi. Sự nô lệ thật khó chịu đựng nổi; và cũng khó vượt qua nếu đánh mất niềm tin tưởng và ý thức rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi người gắn bó với Ngài bằng một giao ước vĩnh cữu. Tuy nhiên khi sự ý thức ấy sống động, thì làm cho mắt ta sáng lên và mang lại cho ta nâng đỡ: Thiên Chúa luôn trung tín! Sự trung tín của Ngài nâng đỡ chúng ta khỏi những sa ngã và nô lệ, che chở chúng ta chống lại những tấn công mới, nâng đỡ chúng ta tiếp tục đổi mới giao ước của ta với Ngài.

Và Ngài đồng hành với ta ‘rảo qua các làng mạc loan báo tin mừng’ bằng sự hiện diện cứu độ của Ngài (x. Lc 9,6). Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, trong xứ sở con bị lưu đày và con tỏ ra quyền năng và sự vĩ đại của Chúa

Hãy nghĩ đến Mười giới răn: chúng chỉ cho ta con đường phải kinh qua để trưởng thành, để có những điểm vững chắc trong cung cách sống của ta. Và đó chính là hoa quả của tình thương Thiên Chúa ban tặng cho ta

Thứ Năm tuần XXV

Cho vinh quang Chúa

Từ đầu tuần, chúng ta đã nghe sách Esdra tường thuật việc việc dân do thái hồi hương, vào thời vua Cirô. Với ngôn sứ Aggêô chúng ta đang ở vào thời vua Đariô, kế vị Cirô. Sau khi trở về quê hương, dân Israel lập tức bắt tay vào việc dựng lên một bàn thờ khác, mà không tái thiết lại đền thờ cũ. Qua nhiều năm, họ chỉ xây dựng nhà riêng cho họ, chứ không tìm được giờ cũng như vật dụng để tái thiết lại nhà Thiên Chúa. Và Thiên Chúa qua miệng Aggêô, than trách: ‘Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không?

Là cơ hội để xét mình, bởi lẽ chúng ta thường lo cho ‘nhà’ riêng của mình và lãng quên nhà của Thiên Chúa. Những gì liên quan đến tư lợi, chúng ta nôn nóng; còn những gì liên quan đến ích lợi của Thiên Chúa, thì cứ chờ đợi, nhì nhằng. Thời giờ xem TV lúc nào cũng có, nhưng để trau giồi thêm kiến thức về giáo lý, về tôn giáo, thì không có giờ. Chúng ta tự biện minh là cần phải giải trí một tí chứ, nghỉ ngơi đôi chút chứ. Hợp lý. Thành thật trước mặt Chúa, chúng ta phải nhận rằng không phải vì nhu cầu nghỉ ngơi cho bằng vì yêu mình, ích kỷ, lười biếng.

Sau lời quở trách là lời nhận xét của Thiên Chúa: ‘Các ngươi gieo vãi nhiều mà thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm… Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi’. Cuộc đời không làm thỏa mãn thực sự. Dân Israel đặt tư lợi của họ trên lợi ích của Thiên Chúa, họ không hưởng được thành công, niềm vui, vì thiếu điếu tối quan trọng: tìm phục vụ vinh quang Thiên Chúa.

Hãy cầu xin cho chúng ta biết nhanh chóng trong việc phục vụ Thiên Chúa, không tìm lợi ích riêng tư trên hết mọi sự, gia tăng thêm tinh thần tỉnh thức để chúng ta biết thực hiện những việc quan trọng, để được nghe những lời an ủi: ‘Này, hãy tái thiết đền thờ cho Ta. Ta sẽ lấy làm vui và tỏ vinh quang Ta ở đó’.

Thứ Sáu tuần XXV

Hy vọng nơi Chúa

Lắng nghe lời khích lệ của Chúa: ‘Này thượng tế Giêsua, mạnh bạo lên. Này Zorobabel, mạnh bạo lên. Này toàn dân trong xứ, hãy mạnh bạo lên! Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với ngươi…Thần khí Ta ở giữa các ngươi, các ngươi đừng sợ!

Nếu ta muốn biết xem Thiên Chúa sẽ hoạt động cùng với ta trong những điều kiện nào, ta phải suy nghĩ về hai bài đọc hôm nay, một cách nào đó bổ túc cho nhau. Làm ta nghĩ đến những chỉ dẫn mà thánh Inhaxiô đề nghị trong lúc chán nản cũng như lúc được an ủi. Khi cảm thấy được an ủi, đầy can đảm và lạc quan, phải nghĩ đến những khó khăn và chán nản sắp tới để chuẩn bị đối phó. Tin mừng cũng theo cách thức đó, mang lại sự an ủi, bởi lẽ mạc khải Đấng Messia. ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Nhưng ngay sau đó Ngài ngăn cấm nói điều đó và tỏ cho thấy Ngài phải kinh qua con đường đau khổ và chết chóc. Còn khi gặp buồn chán, thánh Inhaxiô nói rằng, lúc ấy, phải nghĩ đến sự an ủi sắp tới, biết rằng sự chán nản không kéo dài, Thiên Chúa sẽ trợ giúp, Ngài đã và đang trợ giúp ta. Nên ta có thể tiến bước trong tin tưởng và kiên trì. Bài đọc thứ nhất là giai đoạn gặp buồn chán, ngã lòng: ‘Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại, đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của đền thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy đền thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi nó chẳng còn là gì nữa đó sao?

Người do thái từ Aicập trở về với những dự định và tham vọng to lớn. Họ trở về để tái thiết đền thờ Thiên Chúa. Trong số họ, có những cụ già bảy mươi, đã thấy đền thờ trước khi nó bị phá hủy, giờ đây họ chán nản về những gì đang thực hiện. Việc tái thiết gặp muôn vàn khó khăn. Và trong tình cảnh đó, sứ điệp an ủi đã đến: hãy mãnh bạo lên, này đây Thiên Chúa ở cùng các người và cùng làm việc với các ngươi. Ngài hứa sẽ làm rung chuyển trời đất, biển khơi và đất liền để các kho tàng của các dân tộc đổ về cho việc tái thiết đền thờ. ‘Vinh quang đền thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an’.

Để hiểu được lời sấm ngôn của Thiên Chúa, cần phải nhờ đến tin mừng và mầu nhiệm Đức Kitô. Không chỉ là vấn đề hoàn cảnh ngoại tại thuận tiện; đền thờ cần phải được tái thiết trong khiêm hạ. ‘Con Người phải bị đau khổ nhiều’. Phải bị chối từ, lên án tử và ngày thứ ba sẽ sống lại. Lời ngôn sứ Aggêô được thực hiện nơi đền thờ mới là thân thể Đức Kitô, đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Chính trong thân thể của Đức kitô mà chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau làm nên đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Nhưng để cho đền thờ ấy được xây dựng, cần phải qua đau khổ và tủi nhục, Đức Kitô phải kinh qua đau khổ trước khi bước vào vinh quang.

Cuộc đời của mỗi người cũng cần có những lúc khó khăn, thử thách, để tình yêu của ta được thanh luyện, để lễ dâng của ta lên Thiên Chúa xứng đáng. Thay vì chán nản, cần gia tăng lòng phó thác vì đó là dấu chỉ Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta.

Ngày nay cũng không thiếu những suy nghĩ giống như ngôn sứ Aggêô. Nhiều người than phiền về hiện trạng của Giáo Hội: Ngày trước mọi sự đều tuyệt vời: thật đoàn kết, thật nề nếp…Còn bây giờ, chẳng biết sẽ đi về đâu! Đời sống tu trì và nhiều thực tại khác, cũng vậy. Đừng ngã lòng, hãy quay về với mầu nhiệm của Đức Kitô: hãy sống khiêm nhu và phó thác, biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, Thần Khí của ngài ở giữa chúng ta. Chúng ta không còn phải sợ hãi. Chúng ta phải ở với Thiên Chúa trong tâm tình tuân phục Thần Khí Ngài.

Thứ Bảy tuần XXV

Ta sẽ ở giữa ngươi

Hai bài đọc hôm nay nhắc nhớ ta hai khía cạnh trong mầu nhiệm của Đức Kitô, mà Giáo Hội cử hành trong Thánh lễ. Trong bài tin mừng, chúng ta thấy khía cạnh đau khổ: ‘Con Người sắp bị nộp trong tay người đời’. Là một điều khó chấp nhận, vì ngược lại với những ước mơ của con người, trong lúc Thiên Chúa vinh thắng qua những thử thách. Thử thách biến đổi con người để có thể liên kết với Chúa. Khía cạnh vinh quang, ta gặp thấy trong bài đọc của ngôn sứ Dacaria. Giống như Aggêô, Dacaria tiên báo về việc tái thiết đền thờ và thành Giêrusalem. ‘Giêrusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó. Phần Ta, Ta sẽ là tường lũy bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó’.

Chúa sẽ bao quanh và ở giữa Giêrusalem: mọi nơi trong thành đều thuộc về Ngài. Hình ảnh thành Giêrusalem mới được thực hiện trong Tân Ước. Ngôn sứ nói với Giêrusalem: ‘Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi’. Lời sứ ngôn này được thực hiện cách đặc biệt và tuyệt diệu nơi Mẹ Maria. Sứ thần báo tin: ‘Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà’. Lời ngôn sứ Dacaria gợi lên mẫu tính Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, đồng thời là Mẹ của Giáo Hội, Mẹ các tín hữu: ‘Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa. Chúng sẽ thành dân thánh của Ta’. Chúng ta là những dân tộc ấy, đang ở trong thành mới mà Đức Kitô đã dựng xây bằng sự phục sinh của Ngài, Giáo Hội, thành trì đầy niềm vui vì Chúa ở giữa thành.

Nguyện xin Mẹ Maria giúp ta càng ngày càng hiểu rõ hơn đặc ơn cao cả này.

Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter