Thứ Hai
Độc quyền!
Trong tin mừng Luca, đoạn văn thuật việc Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường Nagiarét mang tính thông báo chương trình hành động, nên cần phải hiểu chính xác ý nghĩa. Thường được giải thích không đúng đắn vì người ta áp đặt cho đoạn văn của Luca viễn cảnh của những đoạn song song của Mt và Mc, trong khi Luca lại có một cái nhìn khác.
Luca phân biệt rõ ràng hai thời điểm tương phản trong việc về thăm hội đường Nagiarét của Đức Giêsu. Trước tiên Đức Giêsu đọc sách ngôn sứ Isaia và tuyên bố hôm nay lời ấy được ứng nghiệm vì chính Ngài đang rao giảng năm hồng ân. Phản ứng của người dân Nagiarét chưa bao giờ thuận lợi như thế: ‘Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Ngài nói ra’. Tuy nhiên, sau đó, Đức Giêsu tiếp tục rao giảng, đưa Elia và Elisêô làm điển hình cho vị ngôn sứ, cả hai vị đều làm những phép lạ không phải cho đồng hương của mình mà lại cho người ngoại quốc: bà góa Sarépta, ông Naaman người Siria bị phong cùi. Phản ứng lúc bấy giờ của người dân Nagiarét: ‘Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ’, đến độ kéo Ngài lên tận đỉnh núi và định xô Ngài xuống vực.
Giải thích thế nào đây? Để giải thích cách đúng đắn cần hiểu những tình cảm của những người đồng hương của Đức Giêsu. Lần đầu khi họ nói về Đức Giêsu: ‘Ông này không phải là con ông Giuse đó sao’?, họ không nói với giọng khinh chê như ta đọc thấy trong Mt và Mc, nhưng chỉ để nhấn mạnh rằng, vị ngôn sứ mới và đáng kính này, là một người đồng hương của họ, nên thuộc về họ. Thái độ của họ diễn tả một ý hướng chiếm hữu. Nếu ông Giêsu thuộc về chúng ta, theo họ nghĩ, thì chắc hẳn chúng ta có một chỗ đứng ưu tiên trong sứ vụ của ông, ông sẽ làm phép lạ cho ta hưởng nhờ! Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ nên Ngài không chấp nhận: ‘Tất cả những gì chúng tôi nghe ông đã làm tại Caphanaum, ông hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! Ngài nói tiếp: ‘Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình’. Rồi Đức Giêsu giải thích điều đó bằng hình ảnh hai vị ngôn sứ Elia và Elisêô. Đức Giêsu quyết liệt chống lại ý hướng độc chiếm của những người đồng hương và đòi hỏi họ phải có một tấm lòng rộng mở, mời gọi họ chấp nhận việc Ngài phục vụ và thực hiện phép lạ cho các dân khác. Tình cảm chiếm hữu độc quyền một khi bị chống đối, biến thành ganh ghét dữ tợn, bao nhiêu thảm cảnh xuất phát từ đó.
Thái độ trên cũng thấy trong sách Công vụ tông đồ nơi những người Do thái chống đối sứ vụ tông đồ của Phaolô. Họ chống đối vì họ thấy Ngài đã thành công nơi các dân ngoại; ganh ghét thay vì lắng nghe sứ điệp tin mừng, họ bách hại Phaolô.
Nếu chúng ta muốn ở cùng với Đức Giêsu, chúng ta cần học bài học của đoạn tin mừng hôm nay: muốn ở với Ngài cần mở rộng lòng ra, không yêu Đức Giêsu một cách độc chiếm, chỉ xin cho riêng mình ơn này ơn khác. Nếu ta thật lòng sống với Ngài, ta cần đồng hành với Ngài khi Ngài đi đến với các dân tộc khác, biết đón nhận ý hướng truyền giáo rộng lớn của Giáo Hội. Chỉ như thế chúng ta mới thật có cùng một nhịp tim với Đức Giêsu, ngược lại sẽ rơi vào một thứ ích kỷ thiêng liêng, cho dù là thiêng liêng thì cũng vẫn là ích kỷ, nghịch lại lòng yêu thương của Đức Kitô.
Thứ Ba tuần
Lời quyền năng và hiệu quả
Khi Đức Giêsu giảng dạy, dân chúng bị đánh động vì Ngài nói như đấng có uy quyền. Ngài không quy chiếu theo truyền thống các ký lục, nhưng nói với uy quyền: các thánh sử đều nhắc đến điểm này.
Đó là điều mới lạ nhất. Trong Israel một người đứng ra giảng dạy luôn phải quy chiếu về giáo huấn của những người đi trước mình, vào truyền thống: với thầy Gamaliel, với Thầy Achiba… Đức Giêsu, trái lại, không dựa vào uy thế của bất cứ ai: chỉ cần uy quyền của riêng Ngài. Tin mừng hôm nay cho ta thấy uy quyền đó được củng cố nhờ hiệu quả của lời Ngài. Nói với uy quyền và nói có hiệu quả, quả thật là hai việc khác nhau. Hiệu quả lời nói của Đức Giêsu được minh chứng bằng việc can thiệp của Ngài để trục xuất quỷ. Ngài truyền lệnh cho quỷ câm miệng và ra khỏi người bị nó nhập; quỷ chỉ còn cách vâng lệnh: ‘Quỷ xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra’! Lời của Đức Giêsu không chỉ uy quyền mà còn hiệu quả nữa. Chúng ta biết và tin điều ấy, đó là nền tảng cho sự bảo đảm của ta. Thánh Phaolô trong bài đọc 1: ‘Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối…Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày’. Chúng ta là con cái ánh sáng nhờ vào lời của Đức Giêsu, con cái của ban ngày nhờ vào hiệu quả của lời Ngài. Trong các bí tích của Giáo Hội, lời của Đức Kitô chạm đến chúng ta; không chỉ chạm đến lỗ tai chúng ta, nhưng còn con tim và tâm trí chúng ta nữa; lời ấy thanh tẩy chúng ta tận tâm can; làm cho chúng ta nên con cái ánh sáng và như thế chúng ta được bảo đảm. Bất kỳ tai họa nào xảy đến, chúng ta được trang bị để biến những nghịch cảnh ấy nên cơ hội cho phát triển và chiến thắng.
Những ai bám víu vào của cải vật chất thì luôn sống trong bất ổn; ngược lại kẻ theo Đức Kitô và đón nhận lời Ngài, thì có được sự thanh thản và sức mạnh để vượt qua bất kỳ trở ngại nào. Thánh Phaolô viết: ‘Thiên Chúa không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’. Đức Kitô đã chết vì chúng ta; từ nay chúng ta luôn có thể sống với Ngài và cho Ngài, và như thế ta sống trong an bình.
Thứ Tư
Mở rộng con tim
Đầu tuần XXII, chúng ta thấy Đức Giêsu về lại Nagiarét và chống lại ý hướng độc chiếm của những người đồng hương, buộc họ không được xem mình như những kẻ ưu tiên trong sứ vụ của Đức Giêsu. Ai muốn độc chiếm Đức Giêsu cách ích kỷ, cho lợi ích riêng và hưởng thụ riêng, sẽ không nhận được gì cả, bởi vì sự kết hiệp người ấy với Ngài chỉ có thể xảy ra trong một tình yêu quảng đại, trong một con tim rộng mở. Trong tin mừng hôm nay, điều trên càng được xác quyết hơn nữa, lần này tại Caphanaum, thành phố nơi Đức Giêsu đến sau khi thăm Nagiarét. Nơi đây, sau khi giảng dạy cách uy quyền trong hội đường, Ngài đến nhà ông Simon Phêrô. ‘Bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt. Họ xin Ngài chữa bà’, Tin tưởng vào hiệu quả của lời Ngài. ‘Đức Giêsu cúi xuống gần bà và ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất’. Hậu quả là ‘tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh họan tật nguyền, đều đưa tới Ngài’. Với lòng yêu thương lạ lùng Đức Giêsu đã chữa lành họ: ‘Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ’. Thật hết sức ý nghĩa sự quan tâm của Ngài dành cho từng người! Ngài từng nói: ‘Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta; người mục tử nhân lành ‘gọi tên từng con chiên’.
Quan tâm chăm sóc từng người một quả là một việc cực nhọc. Đức Giêsu thực hiện cách quảng đại. Nên ta hiểu dễ dàng tại sao, ngày hôm sau, khi Ngài đi đến nơi khác, ‘đám đông tìm Ngài, đến tận nơi Ngài đã đến và muốn giữ Ngài lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi’. Đức Giêsu đã khơi dậy lòng biết ơn, lòng kính trọng. Sứ vụ của Ngài thành công. Tình cảm tự nhiên là lợi dụng cơ hội đó, sẵn sàng nhượng bộ chiều theo ý muốn của dân chúng. Đức Giêsu trái lại, không nhượng bộ, không chấp nhận dừng lại tại Caphanaum. Ngài phán: ‘Tôi còn phải loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa’. Với câu trả lời như thế Ngài có nguy cơ làm nản lòng dân chúng; tuy nhiên Ngài ý thức mình mang một sứ vụ lớn lao hơn. Ngài không đến để tìm kiếm sự thành công cho chính mình, nhưng là để thi hành thánh ý Cha, Đấng sai Ngài đi tìm những con chiên lạc, ở bất cứ nơi đâu.
Thái độ cương quyết ấy của Đức Giêsu cho thế giới thấy lòng quảng đại lạ lùng của Thiên Chúa. Tình yêu của Chúa không có biên giới, tìm cứu tất cả mọi người, tìm gặp ngay cả những đối thủ, để đề nghị sự giao hòa và liên kết.
Về việc này chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt lớn lao giữa sứ vụ của Đức Giêsu và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Ơn gọi của Gioan Tẩy Giả, không nhằm đi tìm dân chúng. Ông bắt đầu rao giảng không phải nơi một thành phố, nhưng ở một nơi hoang vắng. Ông không đến với dân, nhưng là dân đến với ông. Đức Giêsu, trái lại, khởi đầu rao giảng nơi mà dân chúng đang sống; Ngài di chuyển ‘giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa’. Thánh Matthêô còn thêm: ‘Ngài đi khắp các thành thị làng mạc, rao giảng tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền’ (Mt 9,35). Ngài là nhà truyền giáo đầu tiên. Sống lại, Ngài trải rộng sứ vụ này đến toàn cả thế giới. Với mười một tông đồ: ‘Hãy đi giảng dạy muôn dân’ (Mt 28,19); ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo’ (Mc 16,15). Rồi Ngài còn hiện ra cho Phaolô trên đường đi Damas đế biến ông thành Tông Đồ dân ngoại (Rm 11,13; Cv 9,15; 22,15). Trong bài đọc 1 chúng ta thấy Phaolô vui mừng trong việc loan truyền tin mừng ‘đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới (Col 1,6).
Năng lực của sứ vụ kitô khởi đi từ đòi buộc của tình yêu. Đức Giêsu cho ta thấy rằng, bằng lời và bằng hành động, tình yêu chân chính mang tính phổ quát. Nếu chúng ta muốn kết hiệp với Ngài, chúng ta phải luôn luôn mở rộng con tim chúng ta.
Thứ Năm
Ra khơi trong hy vọng
Thánh Grêgôriô Cả (Rôma 540-12.03 604), thi trưởng Rôma, tu sĩ và tu viện trưởng. Được bầu làm Giáo Hoàng, nhận chức Giám Mục ngày 3.09.590. Dầu sức khỏe không tốt, Ngài đã chứng tỏ tài năng lãnh đạo Giáo Hội với nhiều cách thức khác nhau, trong việc yêu thương bác ái, trong việc bảo vệ các dân tộc man di, trong hoạt động truyền giáo. Là tác giả và nhà lập luật trong lãnh vực phụng vụ và thánh ca, xuất bản quyển phụng vụ các bí tích, làm nền tảng chính cho sách lễ Rôma. Ngài để lại nhiều thủ bản mang tính mục vụ, luân lý, thuyết giảng thiêng liêng, đào tạo nên nhiều thế hệ kitô hữu đặc biệt thời Trung Cổ.
Phêrô và các bạn trải qua một đêm đánh bắt mà chẳng được con cá nào. Giờ đây họ vào bờ giặt lưới. Và đây Đức Giêsu lên thuyền của Phêrô và xin ông chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Đức Giêsu có thể là một nhà giảng thuyết tài ba nhưng về kinh nghiệm đánh bắt cá làm sao thành thạo cho bằng Phêrô! Thế mà Phêrô vẫn tin tưởng thả lưới và lưới đầy cá. Đức Giêsu là vị Thầy đầy quyền năng mà ta có thể luôn tin vào lời Ngài để thả lưới. Mời gọi tin tưởng, nhất là hy vọng. Ngày nay thật là cần thiết, trong một thời đại mà người ta muốn san bằng những khác biệt văn hóa và chủ nghĩa tương đối hình như muốn chôn vùi mọi giá trị! Hãy ra khơi: là lời mời gọi mà Đức Giêsu không ngừng nói với Giáo Hội, và với mỗi người chúng ta. Đừng trốn tránh. Hãy can đảm sống trọn vẹn đạo kitô của mình. Loan báo bằng lời và bằng chứng tá những giá trị mang lại ý nghĩa dồi dào cho cuộc sống. Vâng, con thả lưới hướng về biết bao anh em đang đắm chìm trong những dòng nước ‘vô nghĩa’. Giúp họ thoát khỏi đêm tối và đón nhận ánh sáng của Đức Kitô. Niềm hy vọng của bạn thêm lửa cho niềm hy vọng của họ và giúp họ có thể đón lấy những tia sáng của ngày mới giữa đủ loại men của thời đại. Nếu bạo lực áp đặt văn hóa khủng bố và sự chết, nếu chủ nghĩa duy vật bóp nghẹt tiếng kêu của tinh thần, thì vẫn không thiếu những con người can đảm sống một cuộc đời giản dị, chân chính, trao ban nhưng không. Đó là dấu chứng cho biết Đức Giêsu vẫn còn trên thuyền của chúng ta. Vậy thì tại sao ta lại không ‘ra khơi’? Lạy Chúa xin giúp con hiểu rằng hy vọng là bệ thử của niềm tin, và biết luôn duy trì ánh sáng của niềm hy vọng lúc mà chân trời vẫn còn mờ tối và con còn bị cám dỗ ‘rút mái chèo lên thuyền’.
Thứ Sáu
Nhờ Đức Kitô
Vinh quang của Đức Kitô được mạc khải toàn vẹn trong mầu nhiệm vượt qua, qua cái chết và việc sống lại của Ngài. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu tỏ cho biết Ngài là Con Thiên Chúa vì đã chu toàn chương trình cứu độ của Cha với hết tình con thảo; Ngài đã tôn vinh Cha và được Cha tôn vinh (Ga 17,1). Vinh quang của Thiên Chúa là yêu thương; Đức Giêsu yêu các môn đệ của Ngài còn ở thế gian, Ngài yêu họ đến cùng, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì những người mình yêu (Ga 15,13). Vinh quang của Thiên Chúa cũng được tỏ hiện qua việc sống lại của Đức Kitô, toàn thắng của Người Con yêu trên sự chết và sự dữ.
Các tông Đồ đã lãnh nhận toàn vẹn mạc khải. Tuy nhiên không phải họ có thể hiểu hết tất cả sự phong phú của nó ngay lập tức. Khi ta có được một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ, khó có thể diễn tả lập tức cách thỏa đáng; thiếu từ ngữ, chỉ dần dà ta mới có được khả năng ngôn ngữ để diễn đạt thực tại đã trải nghiệm.
Những gì liên quan đến vinh quang của Đức Kitô trong cương vị người con, Tân Ước cho ta thấy tiến trình và những nỗ lực để diễn đạt tốt hơn. Thời kỳ đầu, giáo lý các tông đồ thường dùng những công thức ngắn như : Đức Giêsu là Chúa, Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống…Sau đó nội dung cô đọng trong các công thức ấy được giải thích rõ hơn, chẳng hạn trong thư gởi Do thái, hay trong lời tựa của tin mừng Gioan, hoặc trong đoạn thư gởi Colossê mà chúng ta đọc hôm nay. Thánh Phaolô diễn tả vinh quang của Đức Kitô dưới một khía cạnh kép. Ngài khẳng định trước tiên sự tiền hữu và tính siêu việt của Đức Kitô trên tạo thành, mọi vật dưới đất và muôn vật trên trời. Sau đó, Phaolô tuyên xưng ưu việt tính của Đức Kitô trong nhiệm cục hòa giải và cứu độ: Đức Kitô, trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, Đức Kitô là đầu của thân thể, đầu của Giáo Hội. Các biểu thức được xử dụng rất mạnh mẽ: ‘Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài’. Ngài là đầu và là cùng đích mọi loài. ‘Ngài có trước muôn loài muôn vật và tất cả đều tồn tại trong Ngài’. Và Phaolô nhấn mạnh, ngay cả hàng dũng lực thần thiêng và bậc quyền năng thượng giới đều quy phục Ngài.
Trong phần hai Phaolô khẳng định rằng nhờ sự khổ nạn mà Đức Kitô ưu việt trên mọi sự: ‘Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình’. Máu của Đức Giêsu trên thập giá là phương thế giao hòa, để Thiên Chúa đem lại bình an cho tất cả. Không còn chống đối, chia rẽ, vì Đức Giêsu với máu đổ ra vì yêu, đã hòa giải tất cả mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Đoạn văn này giúp ta vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa Kitô, Chúa chúng ta, là đầu và là người anh em của chúng ta; giúp ta chúc tụng Thiên Chúa vì vinh quang Con của Người; giúp ta củng cố lòng tin và niềm hy vọng của mình vào Ngài.
Thứ Bảy
Giữ vững đức tin
Đức Kitô, Đấng là Chúa mọi tạo vật, trong tin mừng hôm nay, ý thức mình là chủ của ngày Sabát, nghĩa là đồng hàng với Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã thiết lập luật ngày Sabát (x.St). Việc đồng hàng này càng được xác định rõ ràng hơn trong tin mừng thứ tư, khi Đức Giêsu bị người Do thái chỉ trích vì Ngài đã chữa lành người bại liệt trong ngày sabát, lên tiếng trả lời: ‘Cha Ta làm việc không ngừng và Ta cũng thế’. Và thánh sử chú thích: ‘Chính vì vậy mà người Do thái càng tìm cách giết Ngài’, không chỉ vì Ngài vi phạm luật ngày sabát mà vì dám gọi Thiên Chúa là Cha mình, xem mình đồng hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu, chủ tể mọi loài, đã chấp nhận thân phận tôi đòi, hình phạt dành cho các nô lệ chống đối, nhục hình thập giá. Ngài đã chấp nhận đi cho đến cùng công trình yêu thương Chúa Cha giao cho Ngài, giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi sự dữ.
Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô diễn tả mầu nhiệm tình yêu này và áp dụng cho dân Colossê: ‘Thưa anh em, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa, vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. Nhưng nay, nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người’. Tất cả chúng ta đều đã là thù địch vì đều ở dưới ách tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã thực hiện việc giao hòa nhờ Đức Kitô.
Một cách giao hòa lạ lùng. Sự thường thì người xúc phạm đi làm hòa, đàng này trái lại, chính người bị xúc phạm lại đi làm hòa. Chính Thiên Chúa thực hiện việc giao hòa. Một lòng quảng đại bao la. Trong thư gởi Roma, Phaolô kinh ngạc thán phục trước cách thức hành động của Thiên Chúa: ‘Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa thương yêu chúng ta. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn là thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Ngài, phương chi bây giờ…
Thiên Chúa muốn chúng ta: ‘nên thánh thiện, tinh tuyền, không có gì đáng trách’. Kỳ vọng này diễn tả tình yêu phụ tử của Ngài. Không phải là một giấc mơ không thể thực hiện được nhưng là một khả thi, nhờ cái chết của Đức Giêsu, mọi ân sủng được trao ban cho chúng ta qua trái tim của Đức Giêsu nơi các bí tích.
Điều kiện: ‘Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, nghĩa là gắn bó với Đức Kitô nhờ lòng tin, bằng cách đó chúng ta được thông hiệp vào dòng chảy tình yêu xuất phát từ Thien Chúa, ngang qua Đức Kitô. Ai vững lòng tin thì nhận được ân sủng và trở nên thánh thiện.
Kiếp sống tôi đang sống trong xác thịt, tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã trao nộp mình vì tôi. Tin vào Đức Kitô là tin vào tình yêu của Ngài, tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi đến độ hy sinh mạnh sống vì tôi. Bằng việc chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá, chúng ta canh tân lòng tin của mình vào tình yêu của Ngài và như thế là chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện.
Home »
suy niệm ngày thường
» SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 22 TN