1, 1-31 : Dẫn nhập: Hạch tội dân bội bạc và giả hình (1,2-8).
Lời sấm về sự thờ phượng đích thực (1,10- 16).
Kêu gọi hoán cải (1, 18-20).
Đe doạ hình phạt (1,21-31).
2, 2-5 : Tương lai của núi Sion
2, 6-22 : Ngày của Đức Chúa
3, 1-26 : Cảnh hỗn loạn tại Giêrusalem và hình phạt cho các phụ nữ.
4, 2-6 : Số sót (chồi non của Đức Chúa)
5, 1-7 : Bài ca vườn nho
5, 8-30 : Tố giác những lạm dụng xã hội và những người lãnh đạo.
6, 1-13 : Ơn gọi của ngôn sứ Isaia
7, 1-25 : Lời tiên tri về Emmanuel
II. ƠN GỌI CỦA TIÊN TRI ISAIA
1. Isaia “thấy” Chúa (6,1)
Đây là khẳng định đơn giản nhưng hết sức mạnh mẽ vì trong Thánh Kinh, con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống sót nổi (x. Xh 33,20). Khẳng định này làm nổi bật uy quyền của lời tiên tri, vì lời đó không dựa vào sự khôn ngoan của người đời nhưng trực tiếp đến từ Thiên Chúa (x. 1Cr 2,1-5).
2. Đấng Thánh của Israel
Isaia trình bày Thiên Chúa là Đấng cực thánh (6,3) và con người cần đặt trọn niềm tin vào Ngài: “Nếu các ngươi không vững tin, các ngươi sẽ không đứng vững” (7,9). Đối diện với Thiên Chúa chí thánh, con người cảm nhận sâu sắc thân phận tội lỗi và ô uế của mình (6,4) (đối chiếu Lc 5, 1-10). Vì thế, cần được Thiên Chúa thanh tẩy (6,5).
3. Sự đáp ứng của Isaia
Trước tiếng gọi của Thiên Chúa “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaia đáp trả rất nhiệt tình: “Lạy Chúa, này con đây, xin Chúa sai con”(6,8). Thiên Chúa cũng kêu gọi và trao phó sứ mạng cho bạn, bạn đã đáp trả thế nào trước tiếng gọi của Chúa?
III. LỜI TIÊN TRI VỀ EMMANUEL (7, 10-17)
1. Lời tiên tri (7, 13-17)
“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” Từ almah trong tiếng Hípri có nghĩa là thiếu nữ đến tuổi kết hôn, không nhất thiết phải là trinh nữ. Tuy nhiên bản dịch Hi Lạp đã dùng từ parthenos nghĩa là trinh nữ. Thánh sử Matthêu đã sử dụng từ parthenos này (1, 22-23). Đây là nền tảng cho cách giải thích của Kitô giáo về bản văn này như lời tiên tri về việc Đức Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu Kitô.
2. Ý nghĩa
Trong bối cảnh lịch sử thời vua Achaz, lời tiên tri này là một dấu chỉ hi vọng giữa hoàn cảnh đầy thất vọng, dấu chỉ sự sống giữa những đe doạ và chết chóc. Trong truyền thống Kitô giáo, lời tiên tri này hướng nhân loại đến Chúa Kitô, Đấng đến để xây dựng thế giới mới và nhân loại mới.
IV. BÀI CA VƯỜN NHO (5, 1-7)
1. Vườn nho
Vườn nho là một trong những hình ảnh và chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh (x. Mt 21,33-42; Mc 12,1-10; Lc 20,9-18). Hình ảnh này hàm chứa nhiều ý nghĩa: (1) nghĩa tự nhiên về mặt canh nông; (2) bản tình ca hát cho người bạn đời, vì thế, hình ảnh “nho dại” ám chỉ sự bất trung trong đời sống hôn nhân; (3) vườn nho còn là biểu tượng cho sự giàu có, nhưng theo mạch văn, sự giàu có không nhất thiết dẫn đến một xã hội công bằng và huynh đệ.
2. Hình ảnh vườn nho và đời sống đức tin của người Kitô hữu
Một trong những dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu là dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho và là những kẻ sát nhân (Mc 12,1-10). Vườn nho ở đây là Nước Trời, là cộng đoàn Dân Chúa, và cũng có thể hiểu là cuộc đời mỗi chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là chủ vườn nho, còn mỗi người trong chúng ta chỉ là thợ làm vườn nho, và phải dâng những hoa lợi vườn nho cho Chúa. Nhưng thay vào đó, có thể ta chỉ thu tích hoa lợi hoàn toàn cho bản thân và những tính toán ích kỷ của mình, khước từ quyền làm chủ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Vậy bạn là ai trong dụ ngôn này? Vườn nho đời bạn đem lại những hoa trái nào? Bạn sử dụng những tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban cách nào?
ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net