Tuần 35 SÁCH CÁC VUA 2 (chương 14-23)

Sau khi học hỏi sách tiên tri Amos và Hôsê (hoạt động tại Israel), chúng ta sẽ học hỏi sách ngôn sứ Isaia. Isaia là vị ngôn sứ lớn, hoạt động tại Giuđa. Sách Isaia đóng vai trò quan trọng không những với Do thái giáo nhưng còn với Kitô giáo. Nhưng trước khi đọc sách Isaia, cần hiểu bối cảnh lịch sử thời ngài hoạt động. Vì thế cần đọc Sách Các Vua 2 từ chương 14 đến 23.
I. LƯU ĐÀY

1. Nhìn lại những cuộc lưu đày trong lịch sử Israel

Lịch sử Israel ghi nhận hai cuộc lưu đày: cuộc lưu đày thứ nhất thời vua Jehoiachim (2V 24, 10-17), và cuộc lưu đày lần II thời vua Zedekiah (2V 25, 8-21).

Lưu đày là đánh mất quê hương, phải sống trên đất khách quê người. Sâu xa hơn, lưu đày là mất quyền làm chủ, quyền tự quyết của dân tộc. Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng bí đát này? Thánh Kinh nhiều lần nói đến việc dân làm sự dữ trước mặt Chúa: “Vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, hệt như tổ tiên vua” (23,37; 24,19). Từ quan điểm đức tin, tác giả Thánh Kinh coi đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lưu đày, ẩn sau những biến cố lịch sử về mặt chính trị, xã hội.

Cũng trong tầm nhìn đức tin, tác giả Thánh Kinh nói đến giá trị tích cực của tình trạng lưu đày. Lưu đày giúp con người ý thức lại tội lỗi của mình mối tương quan với Thiên Chúa của giao ước, từ đó biết sám hối và hoán cải. Vì thế, cũng chính trong cảnh lưu đày mà các tiên tri rao giảng sứ điệp chứa chan hi vọng.

2. Bài học cho người Kitô hữu

Nhìn từ góc độ thiêng liêng, ta cũng có thể rơi vào tình trạng lưu đày, nghĩa là đánh mất chính mình (vong thân, tha hoá) cho dù bên ngoài có vẻ thành công. Cũng có thể đánh mất khả năng làm chủ bản thân, nô lệ hoàn toàn cho những ham muốn và đam mê xấu.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Con người dễ có khuynh hướng đổ lỗi cho những nguyên nhân bên ngoài, vd. môi trường sống, sự lôi kéo của bạn bè… Tuy nhiên, như gợi ý của tác giả Thánh Kinh về tình trạng lưu đày của dân Israel, cần phải tìm nguyên nhân sâu xa ở bên trong. Đó là sống không phù hợp với ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, thiếu tỉnh thức và cầu nguyện.

Một khi khám phá lại con người thật của mình như thế, ta cũng sẽ khám phá Thánh Kinh là nguồn ơn giải thoát vì Lời Chúa công bố dung nhan Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đồng thời chỉ vẽ cho ta nẻo đường của sự thật và sự sống.

II. SỐ SÓT (19,4. 31)

1. Số Sót trong Thánh Kinh

Từ Số Sót xuất hiện khá nhiều trong Thánh Kinh:

“Xin ông dâng lời cầu nguyện cho số sót còn lại” (2V 19,4)


“Vì từ Giêrusalem sẽ nẩy sinh số sót còn lại” (2V19,31)


– Dấu hiệu buồn thảm và thất bại (Is 10,19; 17,5-6)

– Đồng thời là hạt mầm của tương lai sáng lạn (Is 10, 20-23)

Vậy Số Sót là ai? Là những người chỉ nương tựa nơi một mình Chúa thay vì nương tựa nơi bất cứ sức mạnh nào khác: “Đức Chúa đã củng cố Sion, và kẻ nghèo khó trong dân Người vào đó ẩn náu” (Is 14,32). Chỉ có Chúa mới là Chúa của họ: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến” (Giêrêmia 23,3).

2. Và đời sống Hội Thánh

Tin Mừng Ga 6,60-71 ghi nhận phản ứng của nhiều người sau khi nghe Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống: “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi!” Và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Chúa Giêsu nữa. Nhưng cũng chính lúc ấy, Phêrô tuyên xưng: “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Ngày nay, nhiều tín hữu cũng chối từ hoặc xa rời giáo huấn của Tin Mừng và Hội Thánh, với đủ thứ lý lẽ, đôi khi nghe rất hấp dẫn. Đức Gioan Phaolô II nói đến Hội Thánh hôm nay như đàn chiên nhỏ bé của Chúa. Còn nhà thần học Karl Rahner nói đến Hội Thánh trong tình trạng diaspora, nghĩa là những cộng đoàn nhỏ rải rác. Tuy nhiên, chính những nhóm nhỏ trung tín với Chúa Giêsu đang làm nên mùa Xuân mới của Hội Thánh. Còn bạn, bạn chọn thái độ nào? Bạn có muốn tuyên xưng cùng với thánh Phêrô “Bỏ Thầy, con biết theo ai?”

ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net

Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter