Tuần 34 Sách Hô-sê chương 8-14

I. TỔNG QUÁT

9,1 – 13,8 : Những niềm hi vọng giả tạo. Thay vì lắng nghe Lời Chúa qua miệng các ngôn sứ như Amos và Hosê, vua cũng toán chính trị, cuối cùng dẫn đến kết thúc bi thảm.
13,9 – 14,1 :Vương quyền chấm dứt và vương quốc sụp đổ.14,2-9 : Hoán cải, chữa lành và sự sống mới.

II. ĐÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN CHÚA?

1. Bối cảnh lịch sử: các triều đại

– Jeroboam II (786-746) :tự do và thịnh vượng
– Zechariah (746-745) :thoả hiệp nhưng không hiệu quả (bị ám sát)
– Shallum (745) :chống đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Menahem (745-737) :phò đế quốc Assyria
– Pekahiah (737-736):phò đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Pekah (736-732) :chống Assyria (bị ám sát)
– Hoshea (732-724) :phò đế quốc, sau đó lại chống (bị bắt và xử tử)

2. Sức mạnh đích thực của dân Chúa ở đâu?

Các triều đại thay đổi chính sách liên tục, lúc thì nghiêng về Ai Cập, lúc lại chạy theo Assyria, để mong tìm bình an và thịnh vượng “ “Ephraim vô tâm vô trí tựa bồ câu khờ dại. Chúng cầu cứu Ai Cập, chạy đến với Assyria” (7, 8-12; 8,11-14). Nhưng kết quả chỉ là điêu tàn và đổ vỡ: “Israel đã quên Đấng tác tạo ra nó và lo xây đền đài; còn Giuđa thì xây thêm những thành kiên cố. Nhưng Ta sẽ phóng lửa xuống những thành này, và lửa sẽ ngốn hết các dinh thự” (8,14).

Dân Chúa cần tìm sức mạnh đích thực ở nơi Chúa, cần trung thành với giao ước tình yêu đã ký kết với Chúa : “Chúng con sẽ không cầu cứu Assyria, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm do tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới gặp được lòng thương xót” (14, 2-9).

3. Bài học cho Dân Chúa mọi thời

Đừng tìm kiếm sự thành công và phát triển dựa vào những thế lực trần gian như tiền bạc, tính toán chính trị, quyền lực. Lịch sử Giáo Hội làm chứng rằng những thành công và phát triển đó, nếu có, chỉ là những thành công bên ngoài và chóng qua. Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá và các thánh tử vì đạo là lời nhắc nhớ thường xuyên về sự thành công sâu xa, đích thực của Nước Trời.

Quả thật, “Đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (14,10).

III. TÌNH YÊU THA THỨ (11, 1-9)

1. Thiên Chúa là tình yêu

Tiên tri Hôsê vận dụng nhiều hình ảnh để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người: hình ảnh vợ chồng (2,4-9), hình ảnh cha con (11,1-4), hình ảnh bạn tình (2,16). Tất cả để làm nổi bật tình yêu Thiên Chúa. Và đặc điểm của tình yêu đó là sự tha thứ: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11,9).

2. Lời mời gọi cho người Kitô hữu

Tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa không có nghĩa là an tâm ở lại mãi trong tội lỗi vì không sợ Thiên Chúa trừng phạt. Niềm tin đích thực vào tình yêu này thúc đẩy ta hoán cải không ngừng. Đồng thời một khi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa, cảm nghiệm đó dẫn ta vào một lối sống mới trong tương quan với tha nhân, lối sống quảng đại và tha thứ (x. Mt 18, 21-35).

IV. SA MẠC

1. Sa mạc trong ngôn ngữ của Hôsê

– “Ta sẽ biến nó thành sa mạc hoang vu,
cho nó trở nên đất khô khan cằn cỗi, và làm cho nó chết khát” (2,5b).
– “Này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (2,16)

2. Sa mạc trong đời sống đức tin

Sa mạc là nơi chết chóc vì không có nước là yếu tố căn bản của sự sống, vì cái nắng gay gắt đe doạ sự sống. Không những đe doạ sự sống tự nhiên, sa mạc còn đe doạ sự sống siêu nhiên vì là nơi chốn của cám dỗ. Chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong sa mạc.

Thế nhưng sa mạc cũng là miền đất ân sủng. Sa mạc là cõi thinh lặng và cô tịch, vắng mọi ồn ào và tiếng động bên ngoài. Chính trong cõi cô tịch và thinh lặng đó, ta được mời gọi trở về với chiều sâu cuộc sống: sống với Chúa, sống nhờ Chúa, sống cho Chúa. Vì thế, hãy tự tạo nên những khoảnh khắc sa mạc trong đời sống hằng ngày.

ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter