Thần học giải phóng và Giáo Hoàng Phanxicô

Trước đây, việc người Công giáo nhắc đến ‘thần học giải phóng’ là đủ để dấy lên một tranh chấp đến mức ly giáo, hay ít nhất là bị Roma bật đèn đỏ.

Cách mạng thần học tập trung vào người nghèo này, xuất hiện trong cơn nhiệt tình công bằng xã hội của giáo hội vào thâp niên 1960, nhưng luôn luôn bị những người bảo thủ xem là một chủ nghĩa Marx tuyệt vọng đội lốt Tin mừng.

Tệ hơn nữa, thần học giải phóng bị xem là công cụ mà các đảng viên cộng sản Xô-viết sử dụng nhằm lợi dụng Giáo hội Công giáo La Mã cho cuộc cách mạng phiến loạn của mình ở châu Mỹ La tinh, và nhất là ở đỉnh điểm cuộc Chiến tranh lạnh.

Việc Đức Gioan Phaolô II được bầu vào năm 1978, một giáo hoàng Ba Lan đến từ phía sau Bức rèm Thép, một người biết rõ sự quỷ quyệt của Xô-viết, cộng với việc Ronald Reagan đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1980, đã đánh dấu một bước chuyển biến trong trận chiến này.

Reagan và Đức Gioan Phaolô đã góp phần sụp đổ đế chế Xô-viết, và giáo hoàng Ba Lan, cùng với sự giúp sức của hồng y Joseph Ratzinger, đã dấy lên một chiến dịch hàng thập kỷ trong lòng giáo hội để triệt tiêu thần học giải phóng và làm câm lặng những người ủng hộ hăng hái nhất.

Tuy nhiên, ngày nay, mọi chuyện lại khác hẳn, và khi lắng nghe cha Gustavo Gutierrez, linh mục dòng Đa Minh ở Peru, người được xem là khai sinh thần học giải phóng, người ta hẳn sẽ phải nhìn lại tất cả những biến động này theo cách khác.
Đức Phanxicô và cha Gutierrez (người được xem là khai sinh thần học giải phóng)
Đức Phanxicô và cha Gutierrez (người được xem là khai sinh thần học giải phóng)

‘Thần học giải phóng, ngay từ dòng đầu cho đến dòng cuối, đều chống lại chủ nghĩa Marx.’ Đây là lời khẳng định của cha Gutierrez, hôm 06-5-15, trong một sự kiện vinh danh ngài tại đại học Fordham, Manhattan. Quyển sách mà cha Gutierrez nói đến chính là tác phẩm bước ngoặt của mình vào năm 1971: ‘Một Thần học của Giải phóng: Lịch sử, Chính trị, Cứu độ.’

Cha Gutierrez cho biết, với Karl Marx, Kitô giáo là ‘áp bức.’ Nhưng tác phẩm cả đời của cha lại tận hiến cho quan điểm rằng ‘Kitô giáo là giải phóng.’

Ai sẽ cãi lại điều này? Chắc chắn không phải là giáo hoàng Phanxicô, người đặt nạn nghèo đói, và người nghèo, lên vị trí hàng đầu trong chương trình hành động của mình. Ngài quét sạch các nhãn ‘chủ nghĩa Marx’ và ‘cộng sản’ và thậm chí hồi năm2013, từng nói rằng, ‘Tôi đã gặp nhiều người theo chủ nghĩa Marx, và họ là những người tốt, nên tôi không thấy có gì xúc phạm cả.’

Nhưng khi nhấn mạnh rõ ‘chọn lựa ưu tiên cho người nghèo,’ giáo hoàng đã giúp giải băng cho thần học giải phóng.

Tờ báo chính thức của Vatican, L’Osservatore Romano, đã viết rằng với việc bầu lên Đức Phanxicô, thần học giải phóng ‘không còn ở trong hầm tối nữa.’ Đức Phanxicô có một đồng minh là trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin – thần học gia người Đức, hồng y Gerhard Mueller, một người được Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô bổ nhiệm.

Trước khi làm giám chức, Mueller từng dành 15 mùa hè ở Peru, dạy thần học cho các vùng nghèo nhất, và làm bạn với cha Gutierrez và cả thần học giải phóng nữa.

Thật sự là, hồi năm ngoái, tại Vatican, cha Gutierrez đã có đôi lời trong buổi phát hành quyển sách của hồng y Mueller, ‘Nghèo vì Người Nghèo: Sứ mạng của Giáo hội.’

Đây là một bước tiến dài kể từ những ngày mà Thánh bộ Giáo lý Đức tin mà hồng y Mueller đang giám quản, tiến hành điều tra và khiển trách các thần học gia giải phóng (riêng cha Gutierrez chưa từng bị kỷ luật).

Tiến trình tái hòa nhập này, lại có thêm một bước tiến mới nữa hồi tuần trước, khi cha Gutierrez làm diễn giả chính trong buổi họp báo chính thức của Vatican, mở đầu một hội nghị chính của Caritas Quốc tế.

Đây là một bước chuyển mình đáng kinh ngạc với cha Gutierrez, một con người nhỏ nhắn với cây gậy chống, nói tiếng Anh tạm tàm cùng diễn đạt cơ thể đầy sinh lực.

Cha Gutierrez, cũng có thể nói là một Yoda của Công giáo, một con người nhỏ bé nhưng thông thái, từng cảm nghiệm sự phỉ báng và lưu đày, và giờ đây lại được thấy công trình của được bào chữa – bởi rao giảng về người nghèo là một phần trong cấu trúc giáo hội, chứ không phải mối nguy cho nền móng giáo hội.

Và trước sảnh chật kín người, với bài nói chuyện trao đổi đầy hăng hái trong tiếng rưỡi đồng hồ, cha Gutierrez lên tiếng rằng, ‘Cái tên ‘thần học giải phóng’ có lẽ chúng ta không cần đến nữa đâu. Các bạn có biết vậy không? Cái tên giải phóng, nghĩa là, cứu độ. Thần học giải phóng, là thần học cứu độ, hay có thể nói là: thông hiệp.

Tôi không thực sự lo cho tương lai của thần học giải phóng. Bận tâm chính của tôi là về tương lai của dân tộc mình, và giáo hội của mình.’

Nhưng cho đến bây giờ, không phải ai cũng hiểu được điều này.

Cha Gutierrez nhắc lại chuyện một nhà truyền giáo Tin Lành người Mỹ, vừa đến gặp cha là đã hỏi ngay xem thử thần học giải phóng có vai trò gì trong cuộc xung đột Israel-Palestine.

Và cha trả lời, ‘Bạn của tôi ơi, bạn nghĩ rằng thần học giải phóng là một đảng chính trị, và tôi là tổng thư ký đảng hay sao?’

Đúng thật là chuyện khôi hài, nhưng vẫn có nhiều người, đặc biệt là trong cánh hữu Công giáo, tin rằng thần học giải phóng là một chiêu bài của cộng sản và những người như cha Gutierrez đang thúc đẩy một mối nguy hại còn sống dai hơn cả Liên bang Xô-viết và KGB nữa.
Thật vậy, CNA tháng này, đã có bài phỏng vấn với Ion Mihai Pacepa, cảnh sát mật của chính quyền cộng sản Rumani trước khi trốn chạy đến Hoa Kỳ vào năm 1978, và Pacepa cho rằng thần học giải phóng thực sự ‘được KGB khai sinh … và cái tên cũng do KGB nghĩ ra.’

Dù phần lớn đều xem đây là chuyện tưởng tượng, nhưng vẫn không ngăn được một số người chạy theo giả thuyết của Pacepa, quy hết tội lỗi cho các thần học gia giải phóng, và nhất là cha Gutierrez: Pacepa nói rằng, ‘Tôi vừa mới xem qua quyển sách của Gutierrez về thần học giải phóng, và có cảm giác như quyển sách này được viết bởi Lubyanka,’ tổng hành dinh KGB ở Matxcơva.

Khi được hỏi về những lời cáo buộc này, cha Gutierrez có vẻ mệt mỏi, và đơn giản ra dấu rằng những nhận định như thế thật điên rồ quá chừng. ‘Nó không đáng tồn tại quá 2 phút.’

Cha Gutierrez có vẻ bận tâm lo lắng nhiều hơn về Đức Phanxicô và những chống đối nhắm vào giáo hoàng. Cha chỉ ra rằng các chỉ trích thường cáo buộc giáo hoàng là một người theo chủ nghĩa Marx, và họ cũng lo lắng về khát khao của Đức Phanxicô muốn có một ‘giáo hội nghèo vì người nghèo’ một câu nói mà chính Gutierrez cũng xem là trung tâm trong thông điệp của Chúa Giêsu.

Cha Gutierrez nói rằng, ‘Chúng ta không thể nghĩ rằng, chỉ có mình ngài đang chiến đấu để về lại với Tin mừng. Mà đây cũng phải là cuộc chiến của chúng ta nữa.
Fx. Nguyễn Nguồn Lamhong.org
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter