I. THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI
Vua Đavít được gọi là vua thánh Đavít nhưng trong thân phận con người, nhà vua cũng đã phạm những lầm lỗi nặng nề. Trình thuật Thánh Kinh về tội của Đavít soi sáng cho ta nhiều điều về ý nghĩa của tội lỗi cũng như đưa ra những cảnh giác cụ thể về mối nguy hiểm của tội. 1. Sự kiện tội lỗi (11,1-5)
Vua Đavít say mê bà Bathsêba, vợ của tướng Uria, và tìm cách chiếm đoạt bà: “Vua sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. Nàng đã thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đavít rằng: “Tôi có thai.”
2. Sự tàn phá của tội (11,6-26)
Tội này lôi kéo theo tội khác. Khi nghe tin Bathsêba đã có thai, nhà vua phải tìm cách che giấu tội lỗi của mình. Trước hết, vua cho gọi Uria, chồng bà về gặp vua, rồi ra lệnh cho ông về nhà nghỉ ngơi. Nếu Uria về thăm gia đình và sau đó bà Bathsêba có thai, âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng “Uria nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình,” và lý do ông đưa ra thật đáng khâm phục, “Hòm Bia cũng như Israel và Giuđa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Gioap và các bề tôi của chúa thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao?” (11,11). Nhưng vua Đavít phải tìm mọi cách che giấu tội lỗi của mình nên khi sử dụng trò gian dối không thành, nhà vua phải dùng đến thủ đoạn tàn ác nhất. Ông viết thư cho tướng Goap, căn dặn rằng: “Hãy đặt Uria ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết” (11,15). Oái ăm thay, chính Uria lại là người cầm bản án tử cho mình để nộp cho Gioap (11,14). Và Đavít đã toại nguyện. Bà Bathsêba làm tang lễ cho chồng, sau đó vua Đavít đón bà về làm vợ mình (11,23-27).
Như thế, trong trường hợp của vua Đavít, gian dâm dẫn đến gian dối rồi dẫn đến sát nhân. Tội này kéo theo tội khác. Đây cũng là thực tế trong đời sống mỗi người, có điều nhiều khi ta không đủ can đảm và khiêm tốn nhận ra sự thật này. Và vì không thấy đúng sự thật nên không thấy rõ sự tàn phá của tội, cũng không đủ quyết tâm để xa tránh tội.
3. Dịp tội
Khi mô tả tội của Đavít, Sách Thánh ghi nhận, “Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng có nhan sắc tuyệt vời” (11,2). Sau đó nhà vua cho vời người phụ nữ đó vào cung.
Như thế, tội của Đavít khơi nguồn từ chỗ “nhìn thấy người phụ nữ đang tắm.” Giác quan là cánh cửa cho tâm hồn mở ra với thế giới bên ngoài, nhờ đó nhận biết thế giới, thiết lập tương giao, và làm cho đời sống thêm phong phú. Chính vì thế, bị mất đi một giác quan, vd. khiếm thị hay khiếm thính, đều làm cho cuộc sống trở thành nghèo nàn và khó khăn hơn. Tuy nhiên thế giới giác quan cũng có thể trở thành cửa ngõ cho những ham muốn tội lỗi. Vì thế, các nhà đạo đức mới nói đến việc canh chừng ngũ quan.
Xa hơn, phải nói đến những dịp tội. Không phải vô lý khi trong kinh ăn năn tội, người Công giáo nói đến quyết tâm xa tránh dịp tội, vì bất cứ tội nào ta phạm cũng đều có dịp của nó. Không xa tránh dịp tội, sẽ khó lòng tránh được chính tội lỗi. Một người nghiện rượu sẽ khó tránh được chuyện uống rượu nếu hẹn hò với bạn bè trong quán nhậu. Hai bạn trẻ sẽ khó tránh được quan hệ xác thịt khi hẹn nhau nơi tăm tối và kín đáo. Quyết tâm không chỉ là những ý hướng tốt chung chung, nhưng một quyết tâm chân thành hàm chứa nỗ lực xa tránh dịp tội, nhờ đó có thể giữ mình khỏi tội lỗi.
Vua Đavít được gọi là vua thánh, và quả thật, cuộc đời ông là tấm gương sáng cho các nhà lãnh đạo cũng như cho từng người tín hữu về nhiều phương diện. Thế nhưng con người tốt lành đó cũng đã có những giây phút sa ngã trầm trọng, từ một đam mê nhất thời dẫn đến nhiều hậu quả trầm trọng. Âu cũng là lời nhắc nhớ cho ta về sự thật hiển nhiên mà Chúa Giêsu đã dạy, “Tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Ý thức đó sẽ giúp ta khiêm tốn hơn, nhờ đó biết cảnh giác trước những cám dỗ trong đời sống đức tin.
ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net