BÀI CA NGHÌN TRÙNG – Logos năm A

BÀI CA NGHÌN TRÙNG
Từ đỉnh cao thập giá, Đức Kitô đã hoàn tất cuộc hiến tế mạng sống “vì con người”, cái chết của Người đã nói lên lời chứng của tình yêu Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Từ phía con người, các vị tử đạo cũng đã thực hiện cuộc hiến tế mạng sống mình “vì Đức Kitô”, cái chết của các Ngài đã là lời chứng của tình yêu con người dâng lên Thiên Chúa.

Từ cái chết vì yêu trên đồi Canvê, “bài ca ngàn trùng” đã được khởi xướng, bài ca được viết tiếp bằng bao dòng máu tử đạo. Mỗi cuộc sống và từng cái chết là từng phiên khúc của bản trường ca bất diệt ấy, mỗi cuộc đời tử đạo là một lời ca, khác biệt trong từng âm điệu độc đáo riêng tư, nhưng câu điệp khúc vẫn là âm vọng ngàn đời của “tình yêu cao cả nhất dành cho người mình yêu” (Ga 15, 13), vẫn là chứng từ hùng hồn nhất của lời “rao giảng thập giá” (1Cr 1, 18), vẫn là lời đáp trả quảng đại của những người đã sống và chết “vì Đức Kitoâ” (Mt 10, 18).

Chết vì Đức Kitô

Trong cơn bách hại, cụ thể là trong lần thẩm vấn nơi công đường, trước khi án lệnh tử hình được ban hành, các kitô hữu đều có cơ hội để chọn lựa. Chỉ cần một bước ngang qua thập giá, hoặc giản đơn một lời chối đạo, là họ đã có thể giữ được mạng sống. Nhiều người đã làm điều đó, nhưng các thánh tử đạo lại đã chọn một điều cao cả hơn. Các Ngài đã chọn ở lại với Đức Kitô, dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với cái chết.

Trước ngục tù tra tấn như một lời thách đố, các Ngài đã không thua cuộc. Trước cái sống như một lời dụ dỗ, các Ngài đã không yếu mềm. Trước cái chết như một lời đe dọa kinh khủng nhất, các Ngài đã không sợ hãi. Trước cơn bách hại đầy thử thách, các Ngài đã “bền vững đến cùng” (Mt 10, 22).

Như thế, nơi các cuộc tử đạo, chúng ta mới thấy được rõ ràng những nghịch lý của niềm tin và sức mạnh của tình yêu.

Chết vì tin

Tại sao lại chấp nhận sống bất hạnh, đau thương dù có thể dễ dàng né tránh ? Tại sao chấp nhận ngục tù dù vẫn có cơ hội được tha ? Tại sao lại chấp nhận chết dù vẫn rất muốn sống ?

Chỉ có niềm tin mới đưa ra lời giải thích.

Chính nhờ niềm tin, các vị tử đạo đã thấy được khôn ngoan của Thiên Chúa trong cái điên rồ đối với thế gian. Các Ngài đã có được bình an trong cảnh khốn cùng, đã tìm được sức mạnh trong tư thế yếu hèn, đã nhìn thấy sự trường sinh ngay lúc bị hủy diệt, và đã đón nhận vinh quang từ những tủi nhục đớn đau.

Chết vì yêu

Và sức mạnh nào đã giúp các thánh tử đạo có được sự chọn lựa đầy nghịch lý ấy ?

Tại sao vẫn kiên trung trong một đời vẫn bị bêu là “tả đạo”? Nhờ đâu đứng vững nổi trong cơn cuồng nộ của bách hại ? Nhờ đâu không gãy đổ trước sức nặng của ngục hình, tra tấn? Và có phải có cái gì đó mạnh hơn cả sự chết ?

Chỉ có tình yêu mới giải thích được những chọn lựa khó hiểu nhất và tạo nên những sức mạnh bất ngờ nhất.

Bằng niềm tin, các thánh tử đạo đã nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống. Bằng tình yêu, các Ngài đã có sức mạnh để chọn cả cái chết.

Bài ca ngàn trùng vẫn luôn vang vọng như bản giao hưởng tuyệt vời của niềm tin và tình yêu, trong đó có 117 phiên khúc hào hùng của các thánh tử đạo Việt Nam. Chính Đức Kitô lĩnh xướng bản trường ca bất diệt đó, và Thánh Thần sẽ là vị nhạc trưởng tài hoa, Đấng sẽ “cho các con biết phải nói làm sao và nói gì” (Mt 10, 19).

Xin cho đoàn con cháu cũng biết để đời mình vang lên được một vài âm điệu học được từ cách sống và cách chết của những cha ông anh hùng.
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter