Có nhiều cách giải thích nội dung sách Ruth, ví dụ đề cao những nhân đức trong đời sống gia đình qua hình tượng các nhân vật như ông Booz và bà Ruth, hoặc phê phán những quan niệm thời xưa về hôn nhân… Tuy nhiên nội dung chính yếu cần đề cập tới là dung mạo Thiên Chúa được bày tỏ qua tác phẩm, và đức tin hiểu như sự đáp trả của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa.I. BÀ NAOMI VÀ CUỘC VẬT LỘN VỚI THIÊN CHÚA
1. Từ một phụ nữ đạo đức bình thường đến tâm trạng cay đắng
“Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara” (1,20). Mara có nghĩa là Chúa giáng phạt: “Đấng Toàn năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng.” Lý do dẫn bà Ruth đến tâm trạng cay đắng này là vì bà bị mất tất cả: “Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về, hai bàn tay trắng” (1,21); không những mất của cải mà còn rơi vào tình trạng góa bụa cô đơn.
2. Sự Ac là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng vô thần và mất niềm tin
Thiên Chúa bị coi là nguyên nhân mọi đau khổ: “Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn năng đã để tôi đau khổ” (1,21); vì thế không còn thấy được dung nhan Thiên Chúa tình yêu. Nhận xét này mời gọi ta nhìn lại kinh nghiệm cá nhân của mình khi phải đối diện với đau khổ. Ta cũng rất dễ đánh mất niềm tin và cậy trông vào Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách và đau khổ. Đây thực sự là một vấn nạn lớn, đúng hơn là một mầu nhiệm và ta chỉ tìm được câu trả lời khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh.
II. BÀ RUTH VÀ NHỮNG NHÂN ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
1. Gắn bó với gia đình chồng, kể cả trong niềm tin tôn giáo:
Bà Ruth gắn bó với mẹ chồng: “Mẹ đi đâu, con đi đó; mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (1,16). Bà lại là người có lòng nhân hậu, lo cho mẹ già: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất… “ (2,12).
2. Thánh Phaolô và đời sống gia đình
Tấm gương của bà Ruth làm ta liên tưởng đến lời nhắn nhủ của thánh Phaolô về đời sống gia đình: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6, 1-4).
3. Tấm gương của bà Ruth còn mời gọi ta nhìn lại mối quan hệ của ta với Thiên Chúa: trong đời sống đức tin, liệu ta có gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh như bà Ruth gắn bó với gia đình nhà chồng?
III. ĐƯỜNG LỐI CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
1. Thiên Chúa điều khiển mọi sự
Xem ra chính bà Naomi đã sắp xếp mọi sự và đã đạt được mục đích: chính bà khuyên Ruth đến với ông Booz (3,1-4) và bà đã có người bảo tồn dòng dõi (4,14-15). Tuy nhiên khi đạt kết quả thì chính Thiên Chúa lại được ca tụng: “Chúc tụng Đức Chúa, Đấng hôm nay đã không để cho bà phải thiếu thốn người bảo tồn dòng dõi: tên tuổi con trẻ sẽ được tung hô tại Israel” (4,14). Như thế, tác giả đã nhìn mọi sự từ quan điểm đức tin. Chính Thiên Chúa là Chủ mọi sự. Ngài vận dụng mọi sự nhằm mục đích cứu độ con người, kể cả thông qua những tính toán tự nhiên của con người.
2. Chúa Kitô thuộc dòng dõi Davit, có tổ tiên là bà Ruth (Đọc Ruth 4, 17-22 // Mt 1,1-5)
Trong gia phả của Chúa Giêsu, có tên của bốn phụ nữ và cả bốn phụ nữ này đều có vấn đề trong đời sống riêng :
* Tama (x. St 38, 15-20)
* Rakhab (x. Josua 2,6. 22-25)
* Ruth (x. Ruth, chương 3)
* Bathsêba (x. 2Samuel, chương 11)
Khi Thiên Chúa làm người, Ngài đã chấp nhận có mặt trong một dòng dõi được ghi dấu bởi tội lỗi; nhờ đó Ngài cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Định hướng này được thể hiện rõ nét trong suốt cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu: Ngài đồng bàn với những người tội lỗi đến nỗi bị xã hội lên án. Ơn Cứu độ của Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai. Vấn đề là mỗi người có sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận Ơn Cứu độ đó không.
ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net