Sứ Vụ của Các Thánh Tông Đồ
10. Hình ảnh Đức Kitô là Thầy được ghi khắc vào tinh thần của Nhóm Mười Hai và các môn đệ đầu tiên, và mệnh lệnh “Hãy đi… và làm cho muôn dân thành môn đệ”[28] đã định hướng toàn thể cuộc đời các ngài. Thánh Gioan làm chứng điều này trong Tin Mừng của ngài khi ngài tường trình lời Chúa Giêsu: “Thầy không còn gọi các con là đầy tớ, vì đầy tớ không biết việc chủ mình làm; nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cà những gì Thầy đã nghe từ Cha Thầy thì Thầy đã cho các con biết.”[29] Không phải các ông chọn theo Chúa Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu đã chọn các ông, giữ các ông ở lại với Người, và chỉ định các ông ngay cả trước Lễ Vượt Qua của Người, để các ông ra đi và sinh hoa trái và hoa trái của các ông sẽ tồn tại.[30] Vì lý do này mà Người đã chính thức ban cho các ông ngay từ sau khi Người phục sinh sứ vụ làm cho muôn dân thành môn đệ.
Toàn thể sách Tông Đồ Công Vụ là một chứng từ rằng các ngài đã trung thành với ơn gọi của mình và với sứ vụ mà các ngài đã lãnh nhận. Người ta đã thấy các phần tử của cộng đồng Kitô hữu đầu tiên “để tâm nghe các Tông Đồ” giảng dạy và nhóm họp, để bẻ bánh và cầu nguyện.[31] Chắc chắn rằng chúng ta tìm thấy trong cái hình ảnh đáng nhớ này của Hội Thánh được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, nhờ giáo huấn của các Tông Đồ, và cử hành Lời ấy trong Hy Lễ Thánh Thể, cùng làm chứng cho Lời ấy trước mặt thế gian bằng các việc bác ái.
Những kẻ chống các Tông Đồ phản đối các việc làm của các ngài, chính vì họ “khó chịu vì (các Tông Đồ) đã dạy dân chúng,”[32] và họ ra lệnh cho các ngài không được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy nữa.[33] Nhưng chúng ta biết rằng các Tông Đồ đã coi việc nghe lời Thiên Chúa là quan trọng hơn nghe lời người ta trong trường hợp này.[34]
Việc Dạy Giáo Lý trong Thời Các Tông Đồ
11. Các Tông Đồ đã không chậm chia sẻ với người khác thừa tác vụ của việc tông đồ.[35] Các ngài chuyển giao cho những người kế vị các ngài công tác giảng dạy. Các ngài cũng trao phó công tác này cho các phó tế từ khi chức vụ này được thành lập: Stêphanô, “đầy ân sủng và quyền năng”, đã không ngừng giảng dạy, được đánh động bởi sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.[36] Có nhiều người hợp tác với các Tông Đồ trong công tác giảng dạy,[37] và ngay cả những Kitô hữu tản mác vì bị bắt bớ cũng “đi khắp nơi rao giảng Lời (Chúa).”[38] Thánh Phaolô là vị tiên phong trong việc rao giảng này. Ngài rao giảng một cách ưu việt, từ Antiôkia đến Rôma, là nơi mà hình ảnh cuối cùng mà chúng ta có trong sách Tông Đồ Công Vụ, là hình ảnh của một người “giảng về Đức Chúa Giêsu Kitô hầu như một cách công khai.”[39] Bao nhiêu thư của ngài tiếp tục cho thấy chiều sâu của giáo huấn của ngài. Các thư của Thánh Phêrô, Thánh Gioan, Thánh Giacôbê và Thánh Giuđa đều là những bằng chứng của việc dạy Giáo Lý trong thời các Tông Đồ. Trước khi được viết thành văn, các Tin Mừng là những lời giảng dạy được truyền lại trong các cộng đoàn Kitô hữu. Các Tin Mừng này trình bày các cấp độ rõ rệt của một cấu trúc Giáo Lý. Sách của Thánh Matthêu được gọi là Tin Mừng dành cho Giáo Lý viên, và của Thánh Marcô là Tin Mừng cho dự tòng.
Các Giáo Phụ
12. Hội Thánh tiếp tục thừa hành sứ vụ giảng dạy của các Tông Đồ và các cộng sự viên đầu tiên của các ngài. Tự làm cho mình ngày này qua ngày khác thành một môn đệ Chúa, Hội Thánh được mang danh là “Mẹ và Thầy.”[40] Từ Thánh Clêmentê thành Rôma đến ông Ôrigen,[41] thời hậu-Tông Đồ chứng kiến sự phát sinh của những tác phẩm suất xắc. Kế đó chúng ta thấy những dữ kiện nổi bật: là một số Giám Mục và mục tử đáng kể, nhất là vào các thế kỷ thứ ba và thứ tư, đã coi việc dạy Giáo Lý và viết các bài Giáo Lý là một phần quan trọng của thừa tác vụ Giám Mục của các ngài. Đó là thời đại của các Thánh Cyrilô Thành Giêrusalem, Gioan Kim Khẩu, Ambrôsiô và Augustinô, là thời đại người ta thấy nẩy sinh từ ngòi bút của nhiều Giáo Phụ nhiều tác phẩm vẫn còn là mẫu mực cho chúng ta.
Không thể nhắc đến ở đây, dù chỉ rất vắn tắt các việc dạy Giáo Lý đã giúp cho Hội Thánh được truyền bá và phát triển trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, trên mọi lục địa, và trong các khung cảnh lịch sử và văn hoá rộng rãi nhất. Đương nhiên là không thiếu những khó khăn. Nhưng Lời của Chúa đã đi trọn con đường qua các kỷ nguyên; theo kiểu nói của Thánh Phaolô thì nó đã lan tràn nhanh chóng và đã được tôn vinh.[42]
Các Công Đồng và Hoạt Động Truyền Giáo
13. Thừa tác vụ dạy Giáo Lý nhận được nhiều sinh lực tươi mát từ các Công Đồng. Công Đồng Trentô là một thí dụ đáng kể về việc này. Công Đồng này đã đặt ưu tiên cho việc dạy Giáo Lý trong các hiến chế và sắc lệnh. Nó là nguồn gốc của Sách Giáo Lý Rôma, cũng còn được gọi bằng tên của Công Đồng, và là tác phẩm đứng đầu trong các sách tóm lược các giáo huấn Kitô giáo và thần học truyền thống để cho các linh mục sử dụng. Nhờ nó mà nhiều tổ chức Giáo Lý đáng ghi nhận được phát sinh trong Hội Thánh. Nó đánh thức các giáo sĩ về nhiệm vụ dạy Giáo Lý của mình trong Hội Thánh. Nhờ việc làm của các thần học gia thánh thiện nhứ Thánh Charles Bôrrômeô, Thánh Robertô Bellarmine và Thánh Phêrô Canisiô, mà Công Đồng đã liên hệ đến việc xuất bản các sách Giáo Lý làm khuôn mẫu cho thời kỳ ấy. Chớ gì Công Đồng Vaticanô II cũng khích động trong thời đại chúng ta một sự hăng say và các hoạt động như thế.
Truyền giáo cũng là một lãnh vực đặc biệt cho việc áp dụng dạy Giáo Lý. Như vậy, Dân Thiên Chúa đã gần 2000 năm tiếp tục học hỏi về Đức Tin bằng cách thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau của các tín hữu và nhiều trường hợp khác biệt mà Hội Thánh gặp phải.
Việc dạy Giáo Lý liên kết chặt chẽ với toàn thể đời sống Hội Thánh. Không những chỉ phạm vi địa dư của Hội Thánh được tăng trưởng, mà hơn nữa, sự tăng trưởng nội tâm và sự phù hợp với chương trình Thiên Chúa của Hội Thánh cũng tùy thuộc rất nhiều vào việc dạy Giáo Lý. Cũng nên đưa ra một số trong rất nhỉều bài học được rút ra từ kinh nghiệm của Hội Thánh mà chúng ta vừa nhắc đến.
Dạy Giáo Lý là Quyền Lợi và Bổn Phận của Hội Thánh
14. Trước hết, rõ ràng là đối với Hội Thánh, việc dạy Giáo Lý luôn luôn là một nhiệm vụ thánh và một quyền bất khả xâm phạm. Một đằng, đó chắc chắn là một nhiệm vụ phát xuất từ mệnh lệnh Chúa truyền, và trước hết là phận sự của những người mà trong Tân Ước nhận được ơn gọi vào thừa tác vụ chủ chăn. Đằng khác, người ta cũng có thể nói đến quyền lợi: theo quan điểm thần học thì tất cả mọi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có quyền nhận được sự dạy dỗ và giáo dục của Hội Thánh để giúp người ấy thực sự đi vào đời Kitô hữu, đó chính là lý do tại sao được rửa tội. Theo quan điểm quyền làm người, thì tất cả mọi người đều có quyền tìm kiến chân lý về tôn giáo và tự do tham gia vào tôn giáo đó, có nghĩa là, “không bị cá nhân, các nhóm xã hội, và bất cứ quyền bính nào của con người cưỡng bách”, bằng cách ấy trong vấn đề tôn giáo, “không ai bị bắt buộc phải làm trái lương tâm hay bị ngăn cản không được làm theo nó.”[43]
Đó là lý do tại sao các hoạt động Giáo Lý có thể được thực hiện trong các hoàn cảnh thuận tiện đúng chỗ và đúng lúc, và phải có thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng cùng những công cụ thích hợp, không kỳ thị các phụ huynh, những người học Giáo Lý, hay những người phổ biến nó. Hiện nay, quyền này được nhiều nơi công nhận, ít là theo các nguyên tắc chính của nó, như được bày tỏ trong các tuyên ngôn và các hiệp định quốc tế, mà trong đó, bất kể giới hạn của chúng là gì thì người ta cũng nhận ra những ước muốn của lương tâm của nhiều người hôm nay.[44] Nhưng quyền này cũng bị nhiều quốc gia vi phạm, đến nỗi việc phổ biến Giáo Lý, hay được phổ biến đến, và nhận học Giáo Lý trở thành những tội có thể bị trừng phạt. Tôi mạnh mẽ cùng các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng lên tiếng phản đối tất cả mọi kỳ thị trong lãnh vực dạy Giáo Lý, đồng thời cũng khẩn thiết kêu gọi các nhà cầm quyền hãy chấm dứt hoàn toàn những sự kiềm chế tự do của con người nói chung, và tự do tôn giáo nói riêng.
Ưu Tiên của Công Tác Này
15. Bài học thứ nhì nói về vị thế của việc dạy Giáo Lý trong những chương trình mục vụ của Hội Thánh. Hội Thánh hoàn vũ hay địa phương càng đặt việc dạy Giáo Lý lên trên các công tác và việc làm khác thì kết quả của nó càng thêm ngoạn mục, Hội Thánh lại càng tìm thấy trong việc dạy Giáo Lý một sự nâng đỡ cho đời sống bên trong như một cộng đoàn tín hữu, và các hoạt động bên ngoài như là một Hội Thánh truyền giáo. Đang lúc mà thế kỷ thứ 20 đến gần, Hội Thánh nhận được lệnh của Thiên Chúa và qua các biến cố – mỗi biến cố là một lời mời gọi của Ngài – để canh tân trách nhiệm của mình trong những hoạt động Giáo Lý như là một khía cạnh quan trọng nhất trong sứ vụ của mình. Hội Thánh được lệnh cung cấp cho việc dậy Giáo Lý các tài nguyên tốt nhất về cả nhân lực lẫn năng lực, không tiếc những cố gắng, khổ cực hay các phương tiện vật chất, để tổ chức cách tốt đẹp hơn, và để huấn luyện các nhân sự có khả năng hơn. Đây không thể là tính toán của loài người, mà là thái độ của Đức Tin. Và một thái độ của Đức Tin luôn luôn dựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ quên đáp lời.
Chia Sẻ, nhưng Các Nhiệm Vụ Khác Nhau
16. Bài học thứ ba là việc dạy Giáo Lý luôn luôn và sẽ luôn luôn là một công tác mà toàn thể Hội Thánh phải cảm thấy có trách nhiệm và muốn chịu trách nhiệm. Nhưng các phần tử của Hội Thánh có những nhiệm vụ khác nhau, được phát triển từ sứ vụ của mỗi người. Vì nhiệm vụ của mình, các mục tử, tùy mức độ khác nhau, có nhiệm vụ nuôi dưỡng, hướng dẫn và phối hợp việc dạy Giáo Lý. Về phần mình, Đức Thánh Cha ý thức rõ ràng nhiệm vụ quan trọng mà ngài phải gánh vác trong lãnh vực này: Ở đây ngài tìm thấy những lý do cho những ưu tư mục vụ, nhưng cũng là nguồn vui và hy vọng chính. Ở lãnh vực này, các linh mục và các tu sĩ có một cánh đồng đặc quyền trong việc tông đồ của họ. Ở một mức độ khác, phụ huynh có một nhiệm vụ độc đáo. Các thầy cô, các thừa tác viên khác trong Hội Thánh, các Giáo Lý viên, cùng những người phụ trách tổ chức các việc truyền thông xã hội, tuy mức độ khác nhau, tất cả đều có nhiệm vụ rõ ràng trong việc giáo dục lương tâm của các tín hữu, một sự giáo dục quan trọng cho đời sống của Hội Thánh và cũng ảnh hưởng đến đời sống của xã hội. Một trong những thành quả của việc Thượng Hội Đồng dành hết tâm lực cho việc dạy Giáo Lý là nó khơi dậy trong toàn thể Hội Thánh, cũng như từng khu vực của Hội Thánh, một ý thức sống động và tích cực về nhiệm vụ khác nhau nhưng phải cùng chia sẻ này.
Canh Tân Liên Tục và Quân Bình
17. Cuối cùng, việc dạy Giáo Lý cần phải được liên tục canh tân bằng một sự mở rộng cách nào đó quan niệm về dạy Giáo Lý, bằng việc duyệt xét lại các phương pháp, tìm ngôn ngữ thích hợp, và dùng những phương tiện mới để truyền thông sứ điệp. Đôi khi việc canh tân này không được quân bình; các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng nhận ra cách thực tế, không những chỉ các tiến bộ không thể chối cãi được trong sự sinh động của các sinh hoạt Giáo lý, và những sáng kiến đầy hứa hẹn, nhưng cũng nhận ra cả những thiếu xót hay cả những “khuyết điểm” trong các thành quả đã đạt được đến nay.[45] Các thiếu xót này nghiêm trọng khi chúng phương hại đến sự vẹn toàn của nội dung (Giáo Lý). Sứ điệp dành cho Dân Chúa nhấn mạnh đúng rằng trong việc dạy Giáo Lý “một đàng là việc lập đi lập lại, trở thành thói quen mà không chịu chấp nhận thay đổi gì cả, đàng khác là việc ứng biến sẵn sàng thử tất cả, cả hai đều nguy hiểm như nhau.”[46] Thói quen đưa đến ứ đọng, hôn mê, và sau cùng là tê liệt. Ứng biến đưa đến sự lẫn lộn cho những người được học Giáo Lý, và nếu học viên là trẻ em thì cả phụ huynh của các em cũng bị ảnh hưởng; nó cũng sinh ra đủ loại lệch lạc, và rạn nứt, và sau cùng sẽ đưa đến việc hoàn toàn phá hủy sự thống nhất của nội dung. Ngày nay, cũng như trong các giai đoạn lịch sử khác của Hội Thánh, Hội Thánh cần phải chứng minh sự khôn ngoan, can đảm, và trung thành với Tin Mừng của mình trong việc tìm kiếm và đem ra áp dụng những phương pháp mới cho việc dạy Giáo Lý.
CÒN TIẾP…
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ